Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu

và vấn đề Hội Nhập Văn Hóa

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

1. Một vài ý kiến của các Nghị Phụ Á Châu về Hội Nhập Văn Hóa trong khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu:

Một số những ý kiến được coi là độc đáo trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, như Ðức Giám Mục Leo Ikenaga, dòng Tên, địa phận Osaka, Nhật Bản, phát biểu rằng: Sở dĩ đạo Công Giáo tại Nhật Bản không phát triển được mạnh mẽ là vì mang quá nhiều nét "nam tính" của Tây Phương mà thiếu sự dịu hiền của người mẹ Á Ðông. Hơn thế nữa, sự phân cách quá đáng giữa Thiên Chúa và vũ trụ ngược với truyền thống Thiên Ðịa Nhân đã tồn tại hàng ngàn năm nơi Châu Á. Còn Ðức Cha Bernard Oshikawa (Nhật Bản) thì phê bình rằng, lối diễn tả phụng vụ Công Giáo tại Á Châu rõ ràng mang nét Tây Phương, không hợp với những phát triển của địa phương. Trong khi đó, Ðức Giám Mục người Nam Dương là Francis Hadisumarta thì xin Tòa Thánh hãy rộng rãi hơn trong việc xác định các nghi lễ phụng vụ, kỷ luật Giáo Hội về Thần Học, Mục Vụ và Tu Ðức. Theo ngài thì tại sao các bản dịch lại phải cần Tòa Thánh phê chuẩn trong khi Tòa Thánh chẳng hiểu gì, hoặc không thể hiểu ngôn ngữ giỏi như chính người địa phương. Còn Ðức Cha Arturo Bastas thuộc Phi Luật Tân thì phản ảnh là chương trình huấn luyện linh mục và tu sĩ tại Á Châu vẫn dựa quá nhiều trên các phương cách Âu Châu hơn là cho phép địa phương hóa. Ðiều này có nghĩa rằng các chủng viện tại Á Châu chỉ là chủng viện Âu Mỹ tại Á Châu mà thôi. Cho nên các chủng sinh khi được chịu chức linh mục sẽ xử sự và sống "tây không tây, ta chẳng ra ta". Do đó, cần rời bỏ quan niệm phải là Âu Châu rồi mới trở thành Công Giáo Á Châu.

Một số nghị phụ còn đi xa hơn nữa bằng cách đề nghị lựa chọn những bài đọc của những tôn giáo khác, hoặc của nền văn hóa địa phương tương đồng với ý tưởng trong sách thánh, để thay thế cho bài đọc một, nhất là những bài đọc cựu ước. Bởi vì nhiều bài trong cựu ước "dở" hơn những bài đọc mang tính cách văn hóa địa phương.

Tại một số nơi, người tín hữu tin Chúa nhưng không dám rửa tội vì sợ người địa phương giết chết, như tại một vài quốc gia Hồi Giáo, hoặc không được chính phủ trợ cấp nữa như tại quốc gia Ấn Ðộ. Vài nghị phụ lại đi quá xa trong việc đại kết bằng những gợi ý như không nên nhấn mạnh Ðức Kitô là trung gian duy nhất, là Ðấng Cứu Ðộ duy nhất, và nhìn nhận rằng trong các tôn giáo khác cũng có thể lãnh nhận ơn cứu độ theo hình thức nào đó.

Hiểu biết những ý kiến độc đáo như vậy rồi, chúng ta mới thấy thú vị hơn khi đọc Tông Huấn Dominus Jesus. Ðồng thời chúng ta sẽ thấy thú vị hơn nữa khi nhớ lại rằng chính Ðức Giêsu là người Á Châu! Nghĩa là: Ðức Giêsu đã sống, đã mang tâm tình và dậy dỗ các môn đệ cũng như dân chúng như người Á Châu chứ không phải như người Âu Mỹ.

 

2. Những cách thức Á Châu nơi Ðức Kitô:

Ngày xưa, có gia đình đón một ông khách đến chơi. Khách đến bất ngờ, nhưng gia chủ hiếu khách nên vẫn mời khách ăn uống như thường. Chẳng may, ở Việt Nam ta chỉ nấu đồ ăn vừa đủ dùng, cho nên đến gấn cuối bữa thì... hết thức ăn. Ông khách muốn dùng thêm, nhưng không lẽ nói rằng "cho tôi thêm một bát thì kỳ quá" nên đưa cái bát đã hết cơm của mình ra và nói "nơi quê tôi, những năm được mùa, quả cam to như vậy này". Bà chủ nhà hiểu ý nên liếc nhìn cái nồi trống trơn, rồi đưa cái nồi ra và nói với khách "vậy à cơ bác. Ở quê cháu, vào những năm được mùa, quả bưởi còn to hơn cả cái nồi này đấy cơ ạ". Thực ra, cả khách cũng như chủ đều không nói đến cam táo gì cả, nhưng gián tiếp cho biết ý định của mình.

Chúa Giêsu cũng rất nhiều lần trong Thánh Kinh đã dùng những dụ ngôn để kể cho các môn đệ và người nghe. Dụ ngôn "người gieo giống, cỏ dại, hạt cải" trong Mattheu 13, 3-9; 24-30; 31-32... đều không chỉ nhằm đến việc đồng áng, nhưng để nói về nước Trời. Ðối với với người Âu Mỹ thì dụ ngôn là điều khó hiểu với họ, nhưng với người Á Ðông như Việt Nam chúng ta thì đó là chuyện bình thường.

Tương tự như vậy về các câu thơ liên quan đến thời tiết. Việt Nam có câu "chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm" thì Chúa cũng nhắc nhở qua thời tiết để dẫn đưa người nghe vào nước Trời. Rồi qua những sinh hoạt hằng ngày, Chúa cũng đưa ra nhiều thí dụ giống như của Việt Nam như chuyện giã bột, sàng gạo; thì tương tự như vậy, nơi thánh Luca 22, 31 Chúa nói: "Simon, Simon, này Satan đã đòi, sàng các con như sàng lúa". Việc sàng lúa là chuyện bình thường với đa số người Á Châu, nhưng tại Hoa Kỳ này, người ta lấy làm lạ và không biết sàng lúa là gì và làm sao.

 

3. Ðức Kitô thăng hoa văn hóa Á Châu:

Trong rất nhiều trường hợp Chúa đã thăng hoa đời sống và niềm tin của người theo Chúa. Trong khi Á Châu chúng ta với nét tiêu cực của "kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân", thì Chúa nói đến luật vàng "những gì các con muốn người khác làm cho các con, thì các con hãy làm cho họ". Lời dạy tích cực này dẫn những người theo Chúa đến một tầm cao hơn và hy sinh nhiều hơn. Ngay cả trong phạm vi tôn giáo, nhiều lời dậy bảo trở thành nét văn hóa như trong Phật Giáo "Lấy oán báo oán, oán chồng chất; lấy ơn báo oán, oán tiêu tan" cũng rất tương đồng với lời dậy của Ðức Kitô "Các con đã nghe: hãy thương người lân cận, nhưng kẻ thù không buộc phải thương. Còn ta, ta bảo các con: hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho người bắt bớ các con" (Mt 5, 43-44). Trong nhiều trường hợp khác, Chúa làm sáng tỏ đời sống và các liên hệ tương quan đến đời sống vợ chồng. Trong khi nhiều người đồng ý với tục đa thê, thì Chúa nói rằng "sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly."

 

4. Tâm tình Á Châu của Ðức Kitô:

Song song với những lời dậy dỗ, Chúa đã sống tâm tình rất Á Châu. "Hãy làm phúc âm thầm; hãy cầu nguyện nơi kín đáo và không cần nhiều lời; hãy giữ chay cách lặng lẽ", (Mt đoạn 6) cho chúng ta thấy hình ảnh của một bậc hiền sĩ Á Ðông nơi Ðức Kitô hơn là cung cách giáo sư, trịnh trọng, bệ vệ nơi người Âu Mỹ. Ðiểm đặc biệt là Chúa dã sống như Người đã dậy dỗ môn đệ của mình vì "con chồn, con cáo có hang, chim có tổ; nhưng con Người không có chỗ đỡ đầu". Người Á Châu vốn coi trọng sự thanh khiết và kính mến đời hy sinh. Họ đã trông thấy Chúa đúng theo mẫu người quân tử đó. Ba năm rong ruổi khắp nẻo đường để rồi kết thúc cái chết trên thập giá! Một người đã từng làm nhiều phép lạ cứu sống cả người đã chết, lại chấp nhận chết cho tha nhân!

 

5. Những điều đáng tiếc:

a. Ðạo Hiếu:

Khi đạo Công Giáo đến với Á Châu, quả có nhiều điều đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh những vấn đề lịch sử như việc các nhà truyền giáo đến cùng với người phương Tây xâm lược, thì lại có quá nhiều hiểu lầm khiến cho đạo Công Giáp bị coi như đạo của người Tây phương mà thôi. Ngoài những nghi thức phụng vụ, chỉ được mang ra áp dụng mà thiếu hoặc không giải thích, còn phải đặc biệt kể đến cách cắt nghĩa và sự hiểu lầm với Ðạo Hiếu. Hiếu đễ với cha mẹ đã trở thành Ðạo. Các nhà truyền giáo tây phương hiểu lầm giữa việc thờ kính ông bà và tôn giáo. Dù rằng vào năm 1939, tòa thánh đã ra thông cáo giải thích và cho phép nghi lễ thờ kính ông bà; tại Việt Nam, năm 1974, các giám mục đã cho áp dụng một vài nghi thức biểu lộ lòng sùng kính tổ tiên và thần hoàng của làng xóm, nếu các vị thần hoàng là những anh hùng dân tộc, có công bảo vệ quê hương hoặc mang lại thịnh vượng cho xứ sở; thì đến tận năm 2000, vẫn còn nhiều người thắc mắc và bối rối khi đi dự những nghi thức này. Ðiều này nghĩa là các vị có cha mẹ, hoặc đặt cha mẹ vào thế đối đầu với Thiên Chúa. Các Ngài dựa vào câu "ai yêu mến cha mẹ hơn ta, thì không đáng làm môn đệ ta" và, từ đó cha mẹ với Thiên Chúa không còn đứng chung một giới tuyến nữa. Thực ra, giới luật "thảo kính cha mẹ" đã đứng đầu 7 điều răn dành cho con người sau 3 giới răn dành cho Thiên Chúa. Khi Chúa nói yêu mến cha mẹ hơn Ta, có nghĩa là yêu mến cha mẹ hơn Sự Thật, vì Thiên Chúa là Sự Thật, chứ không chỉ so sánh Thiên Chúa và cha mẹ như hai nhân vị tương phản. Thí dụ: nơi một gia đình không Công Giáo, người con muốn theo đạo nhưng cha mẹ ngăn cản. Người con vẫn cứ theo, không phải vì lý do gì khác ngoài lý do Thiên Chúa là Sự Thật. Ngoài lý do đó thì không có lý do gì tách biệt ý cha mẹ ra khỏi ý Chúa. Ðôi khi, những so sánh nhằm tính cách hùng biện, khi nói ra lại mang phản ứng ngược, tương tự như ý tưởng trên, khiến có người kết án theo đạo Công Giáo là bội nghịch với gia tiên. Chúng ta hãy thử tưởng tượng: nơi một quốc gia mà nét hiếu thảo được coi là đạo, là tiêu chuẩn sống, mà chúng ta đi rao giảng rằng cha mẹ, ông bà chỉ vào hàng thứ yếu thì sức thuyết phục sao cho hợp lý bây giờ?

b. Cử hành Bí Tích:

Tương tự, nhiều việc cử hành phụng vụ hoặc bí tích mang quá nhiều tính cách bí mật! Ðúng ra bí tích mang tính cách biểu tượng hơn bí mật. Nhưng vì thiếu giải thích, thành ra người xem một linh mục cử hành bí tích rửa tội hoặc bí tích thánh thể có thể lầm lẫn với các nghi thức dị đoan, mê tín. Ðạo Công Giáo đã xuất hiện tại quê hương chúng ta hơn 400 năm qua, vậy mà nhiều người vẫn không thể hiểu các nghi thức mà vị linh mục làm trong thánh lễ mang ý nghĩa gì? Thật đáng tiếc! Dĩ nhiên phụng vụ phải thay đổi theo thời gian, nhưng tại sao sự thay đổi không chịu đi theo với giải thích? Không nói đâu xa, bản phụng vụ mới (năm 2000) nhắc nhở rằng khi đi rước vào trong nhà thờ, thầy sáu hoặc thừa tác viên đọc sách phải cầm sách Phúc Âm. Trước đó thì cầm sách phụng vụ Lời Chúa. Câu hỏi được đặt ra là: Vậy thì các sách khác trong tân ước và toàn bộ cựu ước đều không phải là Lời Chúa hay sao? Trước đây, chúng ta đúng hay sai? Trên thực tế, lúc áp dụng, biết bao nhiêu linh mục giải thích cho tường tận những thay đổi này? Và bao nhiêu giáo dân lãnh hội những giải thích đó?

c. Bài giảng:

Tệ hơn nữa, nhiều bài giảng mang tích cách "tiêu chuẩn". Người ta thấy đa số các bài giảng đều nhắm đến hai điểm chính:

(1) "Thiên Chúa là đấng chí nhân, chí thiện, thưởng phạt phân minh, Chúa phân biệt kẻ dữ và người lành như dê ra khỏi chiên..."

(2) Giải thích ý tưởng trong bài phúc âm. Nói cách khác, bài giảng là một bài chú giải hoặc là một bài ph1uc âm dài qua sự diễn tả của người giảng.

Những bài giảng này nhiều khi ý tưởng ngược nhau mà người giảng không kịp lưu ý và người nghe thì thụ động, nghe qua cho xong. Tại sao Thiên Chúa vừa là đấng chí nhân vừa "coi chừng Chúa phạt cho xuống hỏa ngục đời đời kiếp kiếp"? Làm sao Chúa có thể vừa phạt, vừa tha thứ, vừa nhân từ, vừa công minh một lúc được? Hoặc người giảng chưa cần khởi sự thì người nghe đã biết người giảng sẽ nói về vấn đề gì, vì quanh đi quẩn lại chỉ có một số ý tưởng đã nghe đi nghe lại hàng trăm lần. Ðiều này cũng dễ hiểu thôi vì có lẽ chẳng vị giảng thuyết nào muốn "đi trật đường". Lỡ chẳng may giải thích thánh kinh sai thì "tai nạn" còn tệ hơn nhiều.

Ðấy là chưa kể đến nghệ thuật hùng biện và phương cách giảng. Có những bài giảng mà vị giảng thuyết đã "tóm lại, để kết thúc, sau cùng..." năm, sáu bận mà vẫn chư dứt bài giảng được (Ngày xưa, trong chủng viện, chúng tôi gọi các vị giảng loại này là phi công lái máy bay bà già. Loại máy bay bà già chuyên thám thính, cứ bay qua, bay lại hàng mấy chục vòng mà không chịu đáp xuống đất). Cho nên bài giảng cũng là liều thuốc rất tốt để chữa bệnh mất ngủ. Có vị ngáy to quá đến nỗi người chung quanh lấy làm mắc cở thay. Cũng đáng buồn không kém khi vị giảng thuyết chỉ hoàn toàn chú trọng đến bài phúc âm hoặc thánh kinh mà không lưu ý gì đến hoàn cảnh, địa dư, lịch sử của dân Do Thái hoặc của thời Chúa Giêsu. Cho nên có vị gọi dân Do Thái là đế quốc Do Thái hoặc cường quốc rất thịnh trị. Trong suốt lịch sử từ khi lập quốc cho đến bây giờ, Do Thái chỉ là một nước nhỏ. Có vị khi nghe phúc âm kể rằng "rời biển hồ Galilê, Chúa đi lên Giêrusalem" thì bèn cho rằng Giêrusalem ở miền Bắc của Do Thái. Hỡi ơi! Ðể tỏ lòng kính trọng Giêrusalem là thành thánh, người dịch dùng chữ đi lên, chứ thực ra Chúa từ miền bắc đi "xuống" miền nam. Ða số các bài giảng hoặc chú thích đều thiếu chú trọng đến những điểm xem ra không quan trọng nhưng sẽ làm phong phú rất nhiều cho sự giải thích. Ðó là hoàn cảnh địa dư, lịch sử, thói quen, phong tục, văn minh, truyền thống của người Do Thái, nhất là vào thời Chúa Giêsu. Vì vậy, bài giảng và ngay cả những nghi thức trở thành xa lạ với người nghe, có thể với cả người giảng?

Trong nhiều trường hợp, người nghe không thu thập được nhiều, vì nhà giảng thuyết không áp dụng vào đời sống thực hành. Có nhiều lý do để giải thích việc này. Có thể vì tự nó, bài sách thánh đã là lời khuyên. Có thể vì sợ đụng chạm đến người này, người kia trong họ đạo và người ta tưởng rằng "cha dùng bài giảng để chửi con". Vậy thì, yên lặng là an toàn hơn cả. Ðể tự lương tâm họ nhắc nhở. Lại cũng có khi ngược với điều trên. Trên tòa giảng, cha nói mạnh và nặng lời quá, đụng chạm lung tung, khiến người nghe đâm ra khó chịu.

d. Văn Hóa Á Âu:

Ðấy là chưa kể đến các vị lãnh đạo tinh thần của chúng ta rất giỏi về triết lý và thần học Âu Châu, nhưng mù tịt về triết lý và văn hóa Ðông Phương. Có thể các ngài là những Thomist hoặc Augustinian hoặc rất giỏi về trường phái Bergson hay Freud, nhưng lại hiểu biết rất sơ sài về Khổng Giáo, Lão Giáo hoặc Phật Giáo. Hoặc có khi hiểu biết những triết lý này qua lăng kính của một người Âu Mỹ chứ không qua cái nhìn của một người Á Ðông nhìn các triết gia Á Ðông! Ðã biết bao nhiêu lần các lăng kính Âu Mỹ đưa ra các kết luận sai lầm hoặc không hợp lý về triết lý đông phương rồi? Cho nên, các vị giỏi về Tây Phương học có khi lại là những triết hoặc thần học gia Tây Phương mũi tẹt, da vàng mà thôi!!!

 

6. Kết luận:

Nhìn đến cuộc đời của Ðức Kitô chúng ta thấy sự hội nhập văn hóa, sự cố gắng đưa Người vào lòng dân tộc còn thiếu sót nhiều. Nếu Ðức Kitô là người Việt Nam thì người sẽ rao giảng ra sao nhỉ? Ðã có bao giờ chúng ta ngồi đặt lại vấn đề như vậy chưa? Chúa có dùng dụ ngôn giảng dậy, rồi sau đó giải thích, cắt nghĩa dụ ngôn cho các môn đệ nghe. Người là đấng chăn chiên nhân hậu nhưng cũng không ngại lên án nhóm biệt phái và luật sĩ. Ngài hiểu biết luật cũ nhưng đưa ra luật mới yêu thương để mọi người theo. Người nói về Thiên Chúa Cha như Cha của mình. Thiên hạ theo Người vì Người là biểu tượng cho sự thật và vì Người sống những gì đang rao giảng. Bổn phận của chúng ta là phải trình bày một đấng Thiên Chúa nguyên thủy, nghĩa là Người đã nhập thể tại vùng Á Châu, đã sống như một bậc quân tử Á Châu và đã chết hào hùng như một người Á Ðông. Có làm được như vậy thì đạo Công Giáo mới thực sự nhập thể nơi Á Châu và riêng nơi Việt Nam chúng ta. Phải chăng đây là bổn phận của mọi người Việt Nam chúng ta trong thiên niên kỷ này?

 

(Trích dẫn từ Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ, số 277, tháng Giêng năm 2001)

 


Back to Vietnamese Misionaries in Asia Home Page