Vài cảm nghĩ về bài góp ý
của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam

Ðan-Minh O. Cist, Thụy Sĩ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Tập tài liệu được dùng như một mô hình cho Thượng Hội Ðồng Giám mục Á châu sắp nhóm họp tại Rôma vào cuối tháng Tư nầy có tựa đề là: "Ðức Giêsu Kitô Ðấng Cứu Thế: Sứ mạng tình thương và phục vụ của Người tại Á châu. Ðể họ được sống và sống dồi dào".

Bản văn nầy đã được soạn thảo bởi Ủy ban chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục Á châu. Ủy ban nầy gồm có 16 người: Ðức Hồng y Jan Schotte, Tổng thư ký, Ðức Hồng y Josef Tomko, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo và 14 vị khác thuộc các Giáo hội địa phương, trong đó có Ðức cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, giám mục Nha Trang. Ðể bổ túc và sửa chữa tập tài liệu của Ủy ban nầy, mới đây Hội Ðồng Giám mục Việt Nam đã gửi một Bản góp ý mà chúng tôi thấy cần viết ít dòng nhận định.

Ðây là một bản góp ý rất thành thật và cụ thể. Bản góp ý nầy có hai phần: Phần thứ nhất gồm những nhận xét, phê bình và đề nghị sửa đổi bản văn đã được Ủy ban sọan thảo. Phần thứ hai là những câu trả lời cho các câu hỏi gợi ý của Ủy ban. Cả hai phần liên quan với nhau, nói lên những đề nghị thiết thực và phác họa đường hướng truyền giáo mới tại Á châu nói chung và Việt Nam nói riêng. Không hiểu vì lý do gì Báo Église d'Asie của Hội Thừa Sai Nước Ngoài Paris số 260 chỉ cho đăng phần thứ hai của Bản góp ý nầy mà thôi?!

Thật ra toàn thể Bản góp ý của Hội đồng Giám mục Việt Nam rất đáng cho mọi người chú ý; bởi vì nó nói lên những điều phải nói và đồng thời mở ra viễn tượng mới đầy hy vọng.

Theo tinh thần Vaticanô II, trong những năm gần đây người ta thấy Hội Thánh Công giáo không những có Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới, mà còn có các Thượng Hội đồng Giám mục năm châu. Ðó là những Ðại hội nghị qui tụ một số đông các giám mục và chuyên viên đại diện các quốc gia của mỗi lục địa để bàn về những vấn đề mục vụ... Thượng Hội đồng Giám mục thế giới cũng như Thượng Hội đồng Giám mục năm châu không phải là một "Công Ðồng" mà cũng không phải là một "Diễn Ðàn Tự Do", trong đó các nghị phụ có thể nói tất cả mọi sự và quyết định tất cả mọi vấn đề. Nếu nhìn vào cách thức và đường lối làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục trước đây, người ta có cảm giác như Giáo triều Rôma triệu tập các nghị phụ về để tham khảo ý kiến ngõ hầu soạn ra một bản văn (thường rất là lý thuyết) rồi để đó, ít ai có thì giờ để đọc! Các giám mục Âu châu đã nhóm họp Thượng Hội đồng đôi ba lần rồi, nhưng nếu ai muốn tìm kết quả của Thượng Hội đồng ấy thì không có cách nào hơn là vào các thư viện tìm các văn kiện mà đọc. Năm ngoái Thượng Hội đồng Giám mục Mỹ châu cũng đã diễn ra tại Vương Cung Thánh đường Phêrô với chủ đề "Gặp gỡ Chúa Giêsu hằng sống: Con đường hoán cải, hiệp thông và liên đới tại Mỹ Châu". Trong suốt bốn tuần lễ hội họp, nghĩa là từ ngày 16.11.1997 đến 12.12.1997, các nghị phụ đã nghe thuyết trình, phát biểu, bàn luận và nêu lên một số vấn đề liên quan đến các nước ở Mỹ châu. Thượng Hội đồng Giám mục bế mạc, các nghị phụ ra về, rồi đâu cũng vào đó! Các vấn đề lý thuyết thì nằm trong sách vở văn kiện, và các vấn đề thực tế cụ thể cũng chẳng giải quyết được vì còn tùy thuộc các chính quyền địa phương. Thiết nghĩ rằng: Mặc dù Thượng Hội đồng Giám mục không phải là "Thượng Nghị Viện" của Giáo triều Rôma, các nghị phụ phải có thẩm quyền phát biểu và quyết định thực sự, nếu không muốn trở thành hình thức phô trương.

Thượng Hội đồng Giám mục Á châu có lẽ rồi đây cũng đi theo con đường mòn đó, nếu các nghị phụ của lục địa nầy không ý thức và chọn con đường riêng của người Á châu. Các nghị phụ đến Rôma không phải để học thêm giáo lý về Chúa Kitô và Hội thánh Công giáo, nhưng là để cùng nhau tìm lại căn tính của mình, học hỏi và chia sẻ những kinh nghiệm sống đạo và truyền đạo của mỗi địa phương, để từ đó tìm ra một hướng đi mới vững chắc và hứa hẹn hơn cho các Giáo hội địa phương tại Á châu. Về điểm nầy, đề nghị của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong bản góp ý rất thích hợp. Các giám mục Việt Nam đề nghị nên tập trung suy tư vào ba phần chính: "Bối cảnh Á châu - Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa - Ðường hướng muc vụ cụ thể".

Trong khi đó Bản văn đã được soạn thảo cho Thượng Hội đồng Giám mục Á châu có khuynh hướng từ trên xuống: Sau khi nói về Chúa Kitô là Ðấng Cứu độ duy nhất, bản văn nhấn mạnh về việc Chúa thành lập Hội thánh, và sau cùng mới bàn tới trách nhiệm của Hội thánh trong thực trạng Á châu (Tín lý về Chúa Giêsu trung gian cứu độ và Hội thánh Công giáo người ta có thể đọc trong bất cứ sách giáo khoa thần học nào. Hai văn kiện của Bộ Truyền giáo và Ủy ban Thần học Quốc tế mới công bố và đã được Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại chuyển sang Việt ngữ và xuất bản, tháng 3 năm 1998 với tựa đề: "Ðối thoại và Rao truyền Kitô Giáo và các Tôn giáo" cũng nhấn mạnh giáo lý đó). Có lẽ các vị tổ chức Thượng Hội đồng Giám mục Á châu muốn cho các nghị phụ nắm chắc tín lý về Chúa Kitô và Hội thánh mới cho hai phần đó vào chương trình nghị sự, trước khi bàn đến những vấn đề cốt lõi của Hội thánh tại Á châu. Việc rào đón và ngăn ngừa có lẽ cũng không vô ích, nhưng nó sẽ chiếm mất nhiều thì giờ của chương trình nghị sự, và vì thế phần cuối là phần quan trọng rất có thể sẽ bị rút ngắn và giản lược!

Trong địa hạt tôn giáo, người Á châu vốn không thích lý luận dài dòng cứng ngắc, nhưng đặt nặng niềm tin và cuộc sống cụ thể. Bản trả lời và góp ý của Hội đồng Giám mục Việt Nam nói lên những nét đặc thù đó của con người Á Ðông. Những nhận định có tính cách tiêu cực trong việc "tây hoá" thuộc địa hạt phụng tự, xây cất, cách sống và suy tư không phải là không hữu ích trong bối cảnh lịch sử Việt Nam hiện nay. Ðem việc nhà ra nói giữa chợ là điều chẳng nên. Nhưng nếu cần để cho mọi người ý thức sửa đổi, thì cũng cần có người can đảm làm việc đó. Ðọc bản trả lời và đề nghị của Hội đồng Giám mục Việt Nam người ta thấy rằng các giám mục Việt Nam bắt đầu có những thao thức về việc hội nhập đức tin Kitô giáo vào nền văn hoá Á Ðông của mình. Các ngài muốn có "một nền thần học Á châu mang sắc thái nhân bản và hiện sinh hơn". Ðề nghị "xây dựng một Hội thánh như một gia đình con cái Thiên Chúa, hơn là phẩm trật với những cơ chế và luật pháp kiện toàn" xem ra táo bạo, nhưng không phải là một đề nghị tầm thường vô giá trị. Ðó là một đề nghị rất có nền tảng Kinh Thánh. Không biết đề nghị nầy có được bàn cãi trong Thượng Hội đồng Giám mục Á châu sắp tới hay không? Nếu Hội thánh Chúa Kitô, từ thượng tầng cho tới hạ cấp là các giáo xứ, sống như một gia đình với tinh thần mến yêu hiếu thảo của con cái Thiên Chúa, thì thế giới nầy sẽ "tứ hải giai huynh đệ". "Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người và Ðức Giêsu là Ðấng cứu chuộc nhân loại", đó là mặc khải của Tân Ước. Hội thánh sắp mừng hai ngàn năm biến cố nhập thể của Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Thượng Hội đồng Giám mục Á châu phải là một sự chuẩn bị đặc biệt cho lục địa lớn lao nầy bước vào ngàn năm thứ ba một cách vững tin và hy vọng. Ý thức trách nhiệm rao truyền Tin Mừng cứu độ cho lương dân sẽ thúc bách các nghị phụ nhìn nhận những sai lầm lịch sử quá khứ và tìm kiếm những phương thế mới thích hợp cho mỗi địa phương trong việc sống đạo và truyền đạo. Chúng ta tin chắc rằng Chúa Thánh Thần luôn luôn làm việc trong Hội thánh và trong mỗi nghị phụ vì phần rỗi các linh hồn. Vì thế chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn các nghị phụ can đảm phát biểu và kiên trì thực thi chân lý. Ước mong rằng Thượng Hội đồng Giám mục Á châu sẽ mang lại một cái gì thiết thực cho Dân Chúa ở lục địa nầy và cách riêng cho Hội thánh Việt Nam!


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page