Tương Lai của
Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
Những suy tư về các câu trả lời
cho những câu hỏi của Lieamenta

Phan Ðình Cho SDB, Hoa Kỳ

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Ðể chuẩn bị cho Hội nghị đặc biệt của Hội đồng các Giám mục về châu Á do Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II triệu tập, các Giám Mục Việt Nam đã đưa ra các câu trả lời cho một loạt những câu hỏi trong phần phụ lục của Lineamenta công bố ngày 03 tháng chín năm 1996. Mục đích của những câu trả lời nầy là nhằm giúp đúc kết một tài liệu chính thức dùng để làm việc (instrumentum laboris) đã được công bố trong năm nay.

Những suy tư của tôi về các câu trả lời cho những câu hỏi của Lineamenta (mà trong thực tế hiện nay đã quá trễ, bỡi lẽ tài liệu chính thức để làm việc đã được soạn thảo và đã được công bố) được kết tinh bằng viễn cảnh mà tôi đã thấy được trong ba tuần thăm viếng Việt Nam vào năm 1995, qua nhiều thập niên học và dạy môn thần học, và do mối quan tâm vì nghề nghiệp của tôi là muốn phát triển một nền thần học Châu Á. Những suy tư được bày tỏ ở đây nói lên những nhận thức của cá nhân tôi về một số thách thức cấp thiết nhất mà Giáo hội Công giáo Việt Nam phải đương đầu, đồng thời với những đề nghị các phương thức đối phó hữu hiệu.

Phải thú thực rằng tôi đã không có cơ hội được đọc Lineamenta và những câu hỏi kèm theo, tuy tôi đã có nghiên cứu tài liệu chính thức dùng để làm việc. Về những câu trả lời cho những câu hỏi của Lineamenta, tôi nhận thấy đã được soạn thảo có hệ thống, rõ ràng, và rất có sức thuyết phục. Vì vậy, chính vì lòng biết ơn sâu xa và sự ngưỡng mộ đối với những tác giả của các câu trả lời về tính cương trực, sự can đảm, và lòng trung thành với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam của các ngài mà tôi đưa ra những suy tư sau đây về những câu trả lời.

1. Cũng như những tác giả của các câu trả lời, tôi vô cùng cám ơn các vị thừa sai trong quá khứ - từ các nước Bồ đào nha, Tây ban nha, Ý đại lợi, Pháp, và các nước khác - về lòng quảng đại và những nổ lực lớn lao trong việc rao giảng Tin Mừng, dù phải hy sinh đến tính mạng. Các ngài không những đã xây dựng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, mà còn bằng nhiều cách và trong nhiều lảnh vực, đã làm cho văn hóa Việt Nam thêm phong phú và cuộc sống của nhiều người được cải thiện. Ðó là một sự thật mà tất cả người Việt Nam, dù là Kitô hữu hay không, đều phải thừa nhận, cũng như mọi người đều phải biết ơn các tôn giáo khác và tín đồ của các tôn giáo ấy về những đóng góp của họ cho nền văn hóa Việt Nam. Ðể có sự cộng tác với nhiều kết quả tốt giữa Giáo hội Công giáo và các tôn giáo khác, giữa Giáo hội Công giáo và chính quyền (bất cứ thuộc chế độ nào, Cộng sản hay không Cộng sản) những thành tích của các vị thừa sai Kitô giáo (cũng như của các thành viên của các tôn giáo khác) phải được thừa nhận và vinh danh với tất cả lòng thành, lòng biết ơn và sự vui mừng.

2. Về đại thể, tôi cũng đồng ý với những tác giả của các câu trả lời khi các ngài nhấn mạnh rằng người Việt Nam nổi tiếng về đời sống tâm linh phong phú, được nhào luyện bỡi đạo Khổng, đạo Lão, đạo Phật, đạo thờ cúng ông bà, và các đạo bản xứ khác; tính hiếu khách; sẵn sàng tiếp nhận những người khác; lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, sự kính trọng đối với những người cao niên; tâm hồn yêu thích tĩnh mịch và chiêm niệm. Những đức tính nầy phải là bối cảnh cho một phương thức được đổi mới trong việc rao giảng Tin Mừng, vì lẽ tất cả đó đã là những giá trị của Phúc âm chớ không phải chỉ là một sự chuẩn bị để đón nhận Phúc âm (preparatio evangelii) như đã được quan niệm trong quá khứ.

3. Về đại thể, tôi cũng đồng ý với sự phân tích của những tác giả của các câu trả lời về tình trạng hiện nay của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Cuộc thăm viếng mới đây của tôi đã xác nhận sự thật của bức ảnh mà các ngài đã phác họa. Theo những điều mà tôi có thể quan sát, ngoài những hạn chế do nhà nước áp đặt cho các hoạt động của Giáo hội, điều mà Giáo hội ở Việt Nam phải đối phó gay go nhất là nạn thiếu đào tạo và giáo dục giáo lý đầy đủ cho cả giáo sĩ lẫn giáo dân. Tôi tin rằng, khi lịch sử thời gần đây của Giáo hội Công giáo Việt Nam, ít nhất là tại miền nam, được viết lên, người ta sẽ phải công nhận sự đóng góp vô cùng lớn lao của các nữ tu và của giáo dân trong việc dạy giáo lý cho dân chúng. Tuy nhiên, mặc dù sự đóng góp vô giá của họ, nhu cầu giáo dục giáo lý cho cả giáo sĩ lẫn giáo dân thật là bao la.

4. Ngoài tình trạng yếu kém trong việc giáo dục giáo lý, còn có những thách thức khác mà Giáo hội Công giáo Việt Nam đang phải đương đầu, như chính tôi cũng đã ghi nhận hoặc đã được báo cáo. Trong những năm gần đây, người ta đang quan tâm nhiều đến việc tái thiết hoặc xây cất các nhà thờ. Những số tiền to lớn, đôi khi quá đáng, đã được chi tiêu vào các khoản ít cấp bách như mua sắm chuông, đồ trang bị âm thanh nổi, đàn dương cầm, hoặc những công trình tân trang không cần thiết. Việt kiều ở hải ngoại thường được yêu cầu đóng góp cho các dự án nầy. Nhiều lúc họ trở thành mục tiêu của các vị lãnh đạo tôn giáo ở Việt Nam vì trước đây họ đã từng trực thuộc giáo phận hoặc giáo xứ của các vị ấy. Và, nói chung thì Việt kiều Công giáo ở hải ngoại đã đáp ứng những lời kêu gọi nầy một cách hào hiệp. Việc làm nầy vô tình đã đưa đến hậu quả là Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện nay có thể khoe khoang về những ngôi nhà thờ mới hoặc rộng lớn, trong khi các tôn giáo khác không thể có được vì số tín đồ của họ ở nước ngoài ít hơn hoặc kém giàu có hơn không thể giúp đỡ họ. Sự chênh lệch về kinh tế nầy càng đào sâu thêm hố cách biệt giữa Giáo hội Công giáo và các tôn giáo khác và làm rõ nét hơn ấn tượng cho rằng Giáo hội Công giáo là một tổ chức được yểm trợ tài chánh từ nước ngoài. Hơn nữa, gần đây, một số giám mục, linh mục, và tu sĩ từ Việt Nam đến thăm viếng các cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ nhằm gây quĩ cho các giáo phận, giáo xứ hoặc tu viện riêng của mình. Những hoạt động gây quĩ riêng tư nầy tuy có thể có lý do chính đáng do những nhu cầu tài chánh khác nhau, nhưng nó cũng có thể tạo nên tình trạng bị tai tiếng là để mặc cho mỗi giáo phận, mỗi giáo xứ hoặc dòng tu cạnh tranh cho chính mình, chưa kể đến tình trạng thiếu kế toán đầy đủ về những số tiền quyên góp được.

5. Cùng với niềm vui chiến thắng bề ngoài nầy đã nảy sinh ra một hình thức mới và tinh tế của chủ nghĩa giáo sĩ trị (clericalism). Những linh mục có giáo dân trước đây thuộc giáo xứ mình nay đang sống ở nước ngoài, nhận được sự yểm trợ tài chánh nhiều hơn bằng tiền xin lễ và quà biếu khi những người nầy về nước đến thăm. Hơn nữa, vì số linh mục được phong chức bị nhà nước hạn chế khắt khe, nên những người có được giấy phép cho phong chức, đôi khi nhờ sự giao dịch riêng, có xu hướng xem chức linh mục như là một sự thăng tiến trong nghề nghiệp hơn là một phương tiện để phục vụ.

6. Chủ nghĩa giáo sĩ trị nầy có xu hướng được thể chế hoá. Những chủng viện (khi được nhà nước cho phép mở) nơi mà các thanh niên được đào tạo và huấn luyện, ít ra là những người tôi đã thấy, được sống thoải mái, thậm chí còn xa hoa so với cuộc sống của những người chung quanh. Do nơi ăn chốn ở và cách đào tạo, các chủng sinh và những linh mục tương lai nầy được tách ra khỏi quần chúng như là một giai cấp có đặc quyền.

7. Vì nhu cầu mục vụ cấp bách, đôi khi các giám mục buộc lòng phải phong chức quá nhanh cho các ứng viên, dù họ chưa được huấn luyện đầy đủ về thần học. Những việc phong chức nầy, dù công khai hay bí mật, có thể là những biện pháp cần thiết để lấp chỗ trống, nhưng sẽ trở nên một tai họa trong thế hệ tiếp sau, khi mà những linh mục thiếu được huấn luyện đầy đủ về thần học nầy sẽ lên nắm quyền lãnh đạo giáo hội.

8. Một thách thức nghiêm trọng khác được đặt ra cho Giáo hội Công giáo Việt Nam do sự tràn vào mới đây của chủ nghĩa tư bản và hệ thống thị trường kinh tế tự do. Một giám mục Việt Nam đã nói với tôi rằng Giáo hội Việt Nam đã học được cách đối phó với chủ nghĩa Cộng sản và sẽ thoát khỏi mối đe dọa của nó, nhưng đứng trước sự tấn công ồ ạt của chủ nghĩa tư bản, Giáo hội ở cả bắc lẫn nam, cũng như những cơ cấu truyền thống của gia đình và xã hội, nói chung là không được chuẩn bị để đối phó với những thách thức về mặt tâm linh và mục vụ đặt ra do sức quyến rũ mạnh mẽ, nhất là đối với giới trẻ, của chủ nghĩa tư bản coi trọng chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa vật chất, và sự tự do phóng túng. Những vấn đề như du lịch tình dục, nạn mãi dâm, lao động trẻ em, buôn lậu và nghiện ma túy, bệnh liệt kháng, nạn phá hủy sinh thái, và hối lộ đang lan tràn.

9. Làm cách nào để Giáo hội Việt Nam có thể chu toàn trách nhiệm mục vụ của mình trong điều kiện hiện nay? Theo tôi, câu trả lời là phải có một hình thức mới cho việc rao giảng Tin Mừng hay sứ mạng truyền giáo. Như Liên Hội đồng các giám mục châu Á (FABC) đã lặp lại nhiều lần kể từ khi thành lập vào năm 1974, sứ mạng truyền giáo ở Châu Á phải mang ba hình thức liên kết với nhau: việc giải phóng, cuộc đối thoại giữa các tôn giáo, và sự hội nhập văn hóa (inculturation). Những tác giả của các câu trả lời đã nhắc đến lời giáo huấn nầy của FABC. Trong cách rao giảng Tin Mừng mới nầy, mục tiêu và chủ đích của sứ mạng truyền giáo không phải là kéo càng đông càng tốt những "người ngoại giáo" vào Giáo hội qua bí tích rửa tội ("sự cứu rỗi các linh hồn") và thiết lập càng nhiều càng tốt các giáo phận và giáo xứ (plantatio ecclesiae, sự gieo trồng của Giáo hội). Thay vào đó, chủ đích của sứ mạng truyền giáo là chuẩn bị cho sự xuất hiện cuối cùng của vương quốc hay quyền thống trị của Thiên Chúa. Trung tâm điểm của sứ mạng truyền giáo không phải là Giáo hội và sự bành trướng của Giáo hội mà là vương quốc của Thiên Chúa. Giáo hội không thể đồng hóa với vương quốc của Thiên Chúa mà chỉ là hạt giống hoặc dấu chỉ của vương quốc ấy mà thôi. Là một dấu chỉ của vương quốc Thiên Chúa, Giáo hội đôi khi che giấu và làm lu mờ vương quốc ấy, và nhiệm vụ của chúng ta trong sứ mạng truyền giáo là phải ngăn chặn không để điều nầy xảy ra và giúp cho Giáo hội bày tỏ vương quốc của Thiên Chúa một cách hết sức trong sáng.

10. Hình thức thứ nhất và yếu tố căn bản của việc rao giảng Tin Mừng là hoạt động cho công lý và hoà bình. Giáo hội ở Việt Nam phải là "Giáo hội của người nghèo". Không còn sợ rằng sự lựa chọn đứng về phía người nghèo, nhân danh Chúa Giêsu, sẽ bị giải thích lầm như là một sự đầu hàng chủ nghĩa tự do xã hội hoặc chủ nghĩa Mác xít. Trái lại, Giáo hội tại Việt Nam phải triệt để chống chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản cổ điển chính là vì sự cam kết mưu cầu công lý và hòa bình của Giáo hội và sự quyết tâm tranh đấu chống lại mọi hình thức áp bức xã hội, chính trị, kinh tế và tôn giáo. Ðó là lý do tại sao ấn tượng cho rằng Giáo hội công giáo tại Việt Nam liên kết với quyền lực kinh tế nước ngoài là tai hại cho sứ mạng truyền giáo của Giáo hội và phải đính chính càng sớm càng tốt và bằng mọi phương tiện.

11. Hình thức thứ hai của việc rao giảng Tin Mừng ở Việt Nam là cuộc đối thoại giữa các tôn giáo. Cuộc đối thoại nầy với ba tôn giáo: Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, đạo thờ cúng ông bà, và các tôn giáo bản xứ khác (ví dụ như Cao đài giáo) không nên giới hạn ở việc thảo luận lý thuyết mà phải bao gồm "cuộc đối thoại trong đời sống", bằng cách tham gia các buổi cầu nguyện, các luyện tập tu hành, các hoạt động xã hội và chính trị, và đời sống hằng ngày của tín đồ các tôn giáo khác. Chúng ta phải hiểu rằng Giáo hội tại Việt Nam, đặc biệt vì là thiểu số và tài nguyên ít ỏi, không thể tự mình hoàn thành sứ mạng rao giảng Tin Mừng, nếu việc rao giảng Tin Mừng bắt buộc phải bao gồm cả việc giải phóng và hội nhập văn hóa. Những nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng nầy của Giáo hội chỉ có thể hoàn thành có hiệu quả bằng cách hợp tác với các tôn giáo khác. Vì vậy, những kế hoạch cụ thể của cuộc đối thoại thực sự giữa các tôn giáo và sự hợp tác với các thành viên của các tôn giáo khác nên được khảo sát tỉ mỉ và thể chế hóa, ở cấp quốc gia, cấp giáo phận và giáo xứ.

12. Hình thức thứ ba là sự hội nhập văn hoá (inculturation). Những tác giả của các câu trả lời có lý khi nhấn mạnh đến sự cần thiết phải diễn đạt đức tin Kitô giáo bằng thuật ngữ của văn hóa Việt Nam và quan điểm triết học toàn cầu. Các ngài đã chọn giáo thuyết về Thiên Chúa, môn Kitô học, và giáo hội học để làm thí dụ. Tôi hoàn toàn đồng ý với những đề nghị của các ngài với hai điều kiện. Thứ nhất, chúng ta nên thận trọng đừng quá thổi phồng những khác biệt giữa Ðông và Tây, và đánh giá thấp tầm quan trọng và sự hữu ích của nền thần học phương Tây vì nhiệm vụ hội nhập văn hóa của chúng ta. Thật thế, một sự nghiên cứu kỷ lưỡng và thấu đáo truyền thống thần học Phương Tây, kể cả thần học Kinh viện, sẽ đem lại cho chúng ta nhiều điều hữu ích trong vấn đề hội nhập văn hóa. Thứ hai, việc hội nhập văn hóa phải được mở rộng đến cả những lễ nghi phụng vụ và bí tích. Ví dụ, việc thờ cúng ông bà phải được đưa vào trong các buổi lễ rửa tội, hôn phối, và lễ tang. Nói chung, phải chú ý nhiều hơn nữa tới những tôn giáo của quảng đại quần chúng trong nỗ lực hội nhập văn hóa của chúng ta. Trong bối cảnh nầy, tôi xin đề nghị các linh mục và tu sĩ được phép ra nước ngoài để du học nên nắm lấy cơ hội nầy để học không những môn giáo luật (cần thiết, nhưng ít giúp ích trong nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng theo phương thức mới), mà cả những môn học khác quan trọng hơn như Kinh Thánh, thần học lịch sử, thần học tín lý và thần học luân lý. Những môn học nầy đòi hỏi phải suy nghĩ sâu sắc về đức tin. Chỉ với một sự hiểu biết thấu đáo về đức tin Kitô giáo, kết hợp với một kiến thức thành thạo về các cỗ ngữ (Hêbrơ, Hy lạp, và La tinh), các ngôn ngữ châu Á (Hán và Nôm), và văn hóa Việt Nam, thì nhiệm vụ hội nhập văn hóa mới có thể thực hiện một cách nghiêm chỉnh và có hiệu quả. Chúng ta hãnh diện rằng, cuối cùng, sau bốn trăm năm rao giảng Tin Mừng, chúng ta đã có được một bản dịch có tính học thuật của cuốn Tân Ước (công tác cũng đang tiến hành cho cuốn Cựu ước). Tuy nhiên, công việc ấy chỉ mới là bước đầu. Còn rất nhiều việc phải làm, không những trong việc nghiên cứu Kinh Thánh mà còn những nghiên cứu khác về Thánh truyền nữa...

Trong khi thực hiện ba nhiệm vụ của việc rao giảng Tin Mừng nầy, chúng ta phải luôn luôn đặt ra trước mắt hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô, Người Anh của chúng ta, người đã từ bỏ quyền lực kinh tế (biến những hòn đá thành bánh), quyền lực chính trị (sở hữu cả thế gian), và quyền lực thiêng liêng (gieo mình từ nóc Ðền thánh) như là phương tiện để thực hiện sứ mạng của Ngài. Chúng ta phải tin rằng hành động tự trút bỏ, mà Con Thiên Chúa đã dùng để trở thành con người như chúng ta hầu đem lại cho chúng ta sự giải phóng và ơn cứu độ, cũng là con đường mà Giáo hội phải đi để trở nên nhân chứng cho Tin Mừng và sự hiện diện, đôi khi đã bị che giấu, của Vương quốc Thiên Chúa ở giữa dân tộc chúng ta.

Là một người may mắn có được cơ hội và có thì giờ rảnh rang để học và dạy thần học tại hải ngoại với những tiện nghi tương đối (điều mà tôi sẽ không thích làm nếu tôi đã ở lại Việt Nam) tôi tự cảm thấy rất hổ thẹn trước sự khao khát học hành mà tôi đã thấy nơi nhiều tu sĩ và linh mục trong thời gian tôi về thăm Việt Nam. Tôi cũng đã học được bài học thâm thúy trước những tấm gương của sự tận tụy và lòng nhiệt thành tông đồ của nhiều linh mục, tu sĩ, và giáo dân đã ở lại và đã làm việc với lòng quảng đại, trong âm thầm, giữa những khó khăn to lớn để phục vụ Giáo hội và đất nước. Những thách thức mà Giáo hội đang phải đương đầu và những công việc trước mắt cần phải thực hiện còn chồng chất. Tuy nhiên, sự dũng cảm, tính cương trực, và lòng trung thành, thấy được qua những câu trả lời cho những câu hỏi của Lineamenta là những bản chỉ đường đáng tin cậy cho cuộc hành trình của chúng ta bước vào thiên niên kỷ tới.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page