Một ý kiến về sống đạo
nhân dịp THÐGM Á Châu

Nguyễn Ái, Ðức Quốc

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Chúng ta cùng nhau thảo luận ở đây để tìm phương thế làm cho Chúa Kitô được hiện diện thực sự trong trái tim và đời sống của nhân loại ngày nay, để cho Phúc âm được thực sự biến đổi bộ mặt thế giới. Những định nghĩa có ích của chúng ta về công việc truyền bá Phúc âm chỉ là những cố gắng nhăm làm sáng tỏ thêm thực chất của sứ mạng trên, và thực chất bao giờ cũng quan trọng hơn lý thuyết. Công cuộc truyền bá Phúc âm không bao giờ là một việc trừu tượng, mà trái lại phải luôn luôn được thể hiện như một biến cố xảy ra trong một bối cảnh lịch sử cụ thể. Muốn cho được thích hợp và có kết quả, việc rao giảng Tin Mừng phải luôn luôn mới mẻ, trong một bối cảnh thời gian và không gian nào đó.

Hiện nay tại Việt Nam cũng như tại Á châu, chúng ta nhận thấy tuy sứ mạng truyền bá Phúc âm trực tiếp vẫn còn giữ tất cả giá trị của nó, nhưng nổ lực rửa tội và giáo dục những biển người để trở thành Kitô hữu, không những là một việc to tát mà khó lòng thực hiện theo lối cũ. Trong khung cảnh một thế giới đang biến đổi nhanh chóng như hiện nay, chúng ta đi không kịp thời gian. Ðiều mà chúng ta có thể và phải làm ở Việt Nam và Á châu ngày nay là thấm nhuần những giá trị Kitô giáo vào tất cả những lãnh vực xã hội, văn hoá, kinh tế, chính trị..., bằng việc dấn thân sâu xa của người Kitô hữu để làm chứng cho sự thật, công bằng và tình thương. Một sự dấn thân như vậy đang là đòi hỏi cấp bách của thời đại và chắc chắn không ở ngoài vòng sứ mạng "truyền bá Phúc âm trực tiếp".

Nhưng muốn thực sự là Dấu hiệu vĩ đại của niềm tin, Giáo Hội phải trở nên Giáo hội của nhân loại, chứ không phải của riêng mình. Riêng đối với người nghèo và giới trẻ ở Việt Nam cũng như Á châu, giáo hội phải hùng hồn chứng tỏ thái độ xả thân vô vị lợi của mình, nhằm đáp ứng những đòi hỏi lớn lao của nhân loại ngày nay, cho dù sự xả thân đó là một hiểm nguy đối với Giáo hội. Hầu hết người dân Việt Nam cũng như các dân tộc Á châu hiện nay đang trải qua những cơn khủng hoảng áp bức về chính trị, kinh tế, công bằng, xã hội và văn hoá. Nếu Giáo hội né tránh nổ lực nhằm giải phóng con người khỏi nguyên do của nô lệ, thì quả thiệt Giáo hội sẽ đang mang những vết nhơ của thầy Lê-vi xưa kia đã bỏ người bị thương một mình ở dọc đường để rảo bước đi lo nhiệm vụ "thiêng liêng" của mình. Một số người có thể tỏ ý lo ngại về những cạm bẫy của một thái độ thương người thuần túy theo "chiều ngang" như vậy. Nhưng Chúa Kitô mang lấy xác thịt loài người "vì chúng ta" và đã từng chữa lành người bệnh trong ngày Sabbath, chắc chắn mong muốn cho Giáo hội cho nhân loại và thế giới nữa.

Trong viễn ảnh đó, chúng ta phải thành thật và thực tế tìm hiểu xem vấn đề "tự do thờ kính" có ý nghĩa gì? Liệu chúng ta cứ mặc nhiên tiếp tục thừa nhận quan điểm sai lầm về "tự do tín ngưỡng" như thế kỷ "Ánh sáng" ở Âu châu đã vạch ra trước đây, nghĩa là giới hạn Giáo hội trong phòng thánh, ban cho quyền "sống đạo" một cách tách biệt khỏi phạm vi khác của cuộc sống nhân loại, kể cả những vấn đề nóng bỏng hiện nay của xã hội con người không? Một ý niệm về "tự do tín ngưỡng" như vậy chỉ đưa đến hậu quả là làm cho ta hờ hững trước sự phủ nhận một cách độc đoán và có hệ thống tất cả những tự do của con người, một thực trạng phủ phàng hiện nay ở Việt Nam và nhiều quốc gia Á châu. Thái độ trên còn phủ nhận tính cách bất khả phân ly của tự do con người nữa. Ðúng ra, tự do thờ phượng thật sự là quyền được tuyên xưng và sống trọn vẹn niềm tin của mình nơi Phúc âm. Nó không thể bị cắt lìa khỏi mọi tự do căn bản khác của con người. Không thể có tự do tín ngưỡng thật sự mà không có tự do sống khía cạnh "xác thể" của tín ngưỡng đó với tất cả những hậu quả của nó trong đời sống con người, thể hiện câu của thánh Irénée: "Vinh quang của Thiên Chúa, chính là con người đang sống, chính là kiếp nhân sinh".

Nếu tất cả những điều trên đây là đúng thì chúng ta phải hiểu thế nào về thái độ của Hội thánh, trong rất nhiều trường hợp đã la lên khi địa vị, tài sản và quyền lợi của mình bị các thế lực bên ngoài xâm phạm, nhưng lại im lặng và bất động trước sự kiện những "con người" của kẻ khác bị áp bức? Khi các trường học của Giáo hội bị sung công, giáo đường bị chiếm đóng hoặc bị đóng cửa, giáo dân bị bách hại hoặc bị tù đày, thì Giám mục, Linh mục và Giáo dân lập tức lớn tiếng phản đối cho thế giới biết. Nhưng khi các công dân khác, nói rõ hơn là những người không thuộc về Giáo hội, bị áp bức, bóc lột và phải tù đày chỉ vì họ tranh đấu để thực thi hoặc bảo vệ những quyền căn bản của con người, nhất là khi quyền được xét xử công bằng và được pháp luật bảo vệ của chính họ bị phủ nhận, thì lúc đó chúng ta không muốn dính líu gì với chính nghĩa của họ. Hình như đôi khi chúng ta đánh giá những đền thờ bằng đá, bằng gỗ cao hơn cả con người là đền thờ của Thiên Chúa. Do đó chúng ta phải tự vấn lương tâm mình xem bậc thang giá trị của chúng ta có thực sự Kitô hoá không? Chúng ta cũng hãy tự hỏi tại sao những người khác tuy không tuyên xưng là Kitô hữu, nhưng lại là những người trước tiên bắt tay liên đới với những kẻ đau khổ, trong lúc anh chị em trong Hội thánh chúng ta chỉ "rảo bước đi qua" để tiến về nhà thờ, đền thánh.

Những guồng máy bóc lột và nô lệ được liên kết với nhau một cách mạnh mẽ. Ai là người sẽ lên tiếng bênh vực những kẻ thấp cổ bé miệng? Chúng ta sẻ khơi dậy ý thức nơi những người thiện chí trên khắp thế giới, về thực trạng áp bức và bất công đó.

Nhiệm vụ của Giáo hội là hoạt động cho công việc nầy. Nhưng ai là Giáo Hội ? Chúng ta là Giáo hội của Chúa Kitô, Giám mục, Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân, nếu chúng ta không hành động, thì ai sẽ làm?


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page