Tâm tình biết ơn và tình liên đới của các Giáo Hội tại các Châu đối với Giáo Hội tại Châu Âu.
Vatican - 23-10.99 - Khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu Kỳ Hai bế mạc sáng thứ Bẩy 23.10.99 bằng thánh lễ đồng tế trọng thể trong Ðền Thờ Thánh Phêrô lúc 10:30, do ÐTC chủ sự.
Trong khóa họp của Thượng Hội Ðồng Châu Âu, đại diện của các Châu khác đã bày tỏ tâm tình biết ơn và liên đới đối với Giáo Hội tại Châu Âu và sẵn sàng cộng tác trong lúc Giáo Hội tại đây gặp cơn khủng hoảng. Ðây là những tâm tình chân thành nói lên tính cách Công Giáo của Giáo Hội hoàn vũ, tinh thần đức ái Công Giáo, lòng biết ơn, sự hiệp thông và tình liên đới huynh đệ của các Giáo Hội đã và còn đang được các Giáo hội Châu Âu tiếp tục giúp đỡ về tinh thần, về nhân sự và vật chất.
Ðức Cha George Pell, Tổng Giám Mục giáo phận Melbourne, bên Australia, tuyên bố với Hãng Thông Tấn quốc tế Fides như sau: "Tại Châu Âu hiện nay có từng triệu, triệu tín hữu Công Giáo, có một nền thần học và văn hóa vững mạnh hơn tất cả các nơi khác. Ðối với Giáo Hội Công Giáo tại Châu Âu, chúng tôi có một sự lưu ý rất lớn lao. Giáo Hội tại đây là một trong các Giáo Hội kỳ cựu nhất; hầu như tất cả các Giáo Hội khác trên thế giới đã được các nhà truyền giáo Châu Âu thành lập và phát triển. Ngày nay tại Châu Ðại Dương vẫn có từng trăm nhà truyền giáo Châu Âu hoạt động. Nếu các nhà truyền giáo này không được nâng đỡ và thay thế bằng các nhà truyền giáo Châu Âu khác, sẽ là một sự mất mát rất lớn lao cho Châu Ðại Dương và cho tất cả các nước tại các xứ truyền giáo.
Về Châu Phi, Ðức Cha Jaime Pedro Gonçalves, Tổng Giám Mục giáo phận Beira, bên Mozambic, đã phát biểu trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục và bày tỏ lòng biết ơn về những công việc truyền giáo của các Giáo Hội Châu Âu đã thực hiện tại Châu Phi. Lần này với Hãng Thông Tấn Fides, Ðức Tổng Giám Mục tuyên bố: "Ðiều cần trong lúc này là tất cả các Giáo Hội tại các Châu khác nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Các Giáo Hội vã xã hội Châu Âu vẫn rất cần thiết cho Châu Phi. Các vấn đề về hòa bình, hòa giải và phát triển tại Châu Phi không thể giải quyết, nếu không có Châu Âu. Châu Âu đã đi vào lịch sử của Châu Phi và không ra khỏi lịch sử này nữa. Trong những thế kỷ vừa qua, nhiều tài sản của Châu Phi đã được chuyển về Châu Âu. Giờ đây là lúc Châu Âu trao lại một cái gì đó cho Châu Phi, nhất là trong việc phát triển tại các quốc gia chúng tôi".
"Các Giáo hội Á Châu đã do các Giáo Hội Châu Âu thành lập". Ðây là lời tuyên bố của Ðức Cha Telespohre Toppo, Tổng Giám Mục giáo phận Ranchi, bên Ấn Ðộ. Cũng với Hãng Thông Tấn Fides, Ðức Tổng Giám Mục nói: "Chúng ta hãy nhìn vào các Giáo Hội Châu Âu, bởi vì bất cứ cái gì liên hệ đến các Giáo Hội này, tức là liên hệ cả chúng tôi nữa, trong sự lành cũng như sự dữ". Ðức Cha Toppo nói tiếp: "Nhưng tại Á Châu, Giáo Hội, dù thuộc thiểu số, nhưng vẫn đầy nghị lực. Có một sự khác biệt rất mạnh mẽ. Tại Châu Âu, người ta cảm thấy rằng các Giáo Hội đã già nua và mỏi mệt. Chúng tôi rất biết ơn về tất cả những gì mà các Giáo Hội Châu Âu đã làm cho chúng tôi. Vì thế không phải hổ thẹn gì nếu các Giáo Hội Châu Âu chấp nhận sự giúp đỡ (về nhân sự) của chúng tôi. Nếu Giáo Hội tại Châu Âu già nua, thì sự kiện này ảnh hưởng đến đời sống chúng tôi, bởi vì chúng ta hết thảy đều thuộc về một thân thể". Ðức Tổng Giám Mục giáo phận Ranchi kết thúc: "Vì thế, chúng ta phải trách nhiệm hóa chính chúng ta: các Giáo Hội tại Á Châu, nơi chiếm gần hai phần ba dân số thế giới, có thể góp phần cho việc tăng trưởng của Giáo hội tại Châu Âu".
Ngoài ra, trong bài phát biểu tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục, Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình, cũng bày tỏ tâm tình biết ơn đối với các Giáo hội Châu Âu, cách riêng Giáo Hội Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha, đã đem Tin Mừng đến cho dân tộc Việt Nam và nhiều dân tộc khác tại Á Châu. Ngài khuyến khích các Giáo Hội Châu Âu hãy can đảm tiến lên, đặt hy vọng vào Chúa Kitô.
Ðức Cha Gerardo Majella Agnelo, Tổng Giám Mục giáo phận São Salvador de Bahia, bên Brazil, trong bài phát biểu tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục vừa qua, cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với các nhà truyền giáo Châu Âu: những người đã có nhiều công trong việc rao giảng Tin Mừng tại Tân Lục Ðịa từ năm thế kỷ nay và vẫn tiếp tục cho tới lúc này. Các Giáo Hội tại đây vẫn còn cần đến sự giúp đỡ của các Giáo Hội tại Châu Âu, cách riêng về nhân sự.