Bài Phỏng Vấn
Ðức Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm,
Tổng Thư Ký Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam
nói về Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu
(19/04/98-14/05/98)

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Nhân dịp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu đang họp tại Roma, 19/04/98-14/05/98, Nhà Xuất Bản Ðịnh Hướng Tùng Thư có một cuộc phỏng vấn với Ðức Cha Bartôlômêô, tổng thư ký Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam về Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu như sau:

1. Ðịnh Hướng: Xin Ðức Cha cho biết về tầm quan trọng của Thượng Hội Ðồng Giám Mục cho Á Châu vào tháng 4 và 5/1998 nầy tại Vatican, đối với sinh hoạt Giáo Hội Công Giáo, và đặc biệt đối với người Công Giáo Á Châu và Việt Nam?

Ðức Cha Nguyễn Sơn Lâm: Trước hết, tôi xin có lời chào độc giả (và thính giả) của Ðịnh Hướng. Cầu chúc mọi người luôn khỏe mạnh và vui tươi.

Ðịnh Hướng hỏi tôi về tầm quan trọng của Thượng Hội Ðồng Giám Mục khóa đặc biệt về Á Châu tại Rôma từ ngày 19-4-98 đến 14-5-98. Có lẽ chúng ta nên nhớ điều này, là Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngay từ khi nhận trách nhiệm chăn dắt đoàn chiên của Chúa đã nghĩ đến một cái mốc lịch sử đó là năm 2000. Và người muốn cả Giáo Hội phải hành trang để bước sang ngàn năm thứ ba của lịch sử loài người. Do đó trong Tông Huấn về Năm Thánh 2000, người đã ngõ ý rõ ràng sẽ có cuộc Hội Nghị đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục cho từng lục địa. Ðã có Hội Nghị đặc biệt dành cho Châu Phi, Châu Mỹ. Nay đang có hội nghị của Thượng Hội Ðồng Giám Mục dành cho Châu Á; rồi sẽ có những Hội nghị khác dành cho Châu Âu và Châu Úc. Người ta chú ý đến Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Á, có lẽ vì Á Châu là một lục địa quá lớn, của hầu hết các tôn giáo lớn... Và cũng là nơi người Công Giáo còn rất thiểu số.

2. Ðịnh Hướng: Tại Á Châu với số dân cư khổng lồ, trên dưới 3 tỷ rưởi người, trong đó số người Công Giáo chưa đến 100 triệu (hơn một nửa là người Phi Luật Tân), khu vực Á Châu có những nền văn hóa khác nhau, ảnh hưởng tôn giáo khác nhau, có khi quyện lẫn với nhau: Vùng Hồi Giáo, vùng Ấn Giáo, vùng Phật Giáo, vùng ảnh hưởng tư tưởng Khổng Lão... Như thế một Thượng Hội Ðồng Giám Mục cho Á Châu qui tụ một khối người quá lớn, với các nền văn hóa đa biệt như vậy liệu có thể đem lại được những kết quả nào để áp dụng cụ thể trong tương lai hay không?

Ðức Cha Nguyễn Sơn Lâm: Tôi chưa biết, nhưng qua kinh nghiệm một tuần lễ đầu tiên tham gia Hội nghị, tôi nhận thấy có một sự phong phú rõ rệt. Không những có sự hiện diện của đông đảo các "nghị phụ" người Châu Á, mà cũng có rất nhiều tham dự viên thuộc những lục địa khác. Những người nầy đóng góp những ý kiến của người ngoài Á Châu nhưng hiểu biết Châu Á, có nhiều tiếp xúc với lục địa nầy, thường đồng hành với người Á Châu trong cuộc sống hằng ngày, kể cả về mặt tôn giáo và đạo đức. Mới một tuần lễ thôi mà Hội Trường đã đầy ắp các ý kiến rất khác nhau về không thiếu mặt đời sống nào của Châu Á. Tuy nhiên Thượng Hội Ðồng Giám Mục đã có kinh nghiệm tổ chức. Mọi ý kiến đều được quan tâm và đưa vào những quyết định chung cho một phương hướng mới và những thực hiện mới.

3. Ðịnh Hướng: Trong việc cổ võ và chuẩn bị cho sứ mạng làm chứng Tin Mừng giữa những người Á Châu mà phần chủ động phải do người Á Châu, đặc biệt hướng đến các năm của ngàn năm thứ ba đã gần kề, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã đề nghị những nội dung, đường hướng chủ yếu nào?

Ðức Cha Nguyễn Sơn Lâm: Theo cung cách làm việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã có những góp ý vào bản dự thảo của Thượng Hội Ðồng. Những góp ý ấy đã được phổ biến rộng rãi. Và khi đến Rôma, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam cũng có một bản góp ý cho bản đề cương làm việc trong Hội Nghị. Như phần đông các Hội Ðồng Giám Mục của các quốc gia khác, các Giám Mục Việt Nam chú trọng đến vấn đề Hội Nhập Văn Hóa, Vấn Ðề Ðối Thoại, đồng hành với mọi người, quan tâm đến người nghèo khổ, và muốn đẩy mạnh sự hợp tác của mọi thành phần dân Chúa để thi hành sứ mạng yêu thương và phục vụ mà Chúa Giêsu đã trao cho Hội Thánh.

4. Ðịnh Hướng: Dư luận Công Giáo ở các nơi đã đưa ra một số các sự kiện khá sôi động về Thượng Hội Ðồng Giám Mục nầy, trong đó có vấn đề Thần Học về đối thoại tôn giáo, vấn đề đặc tính công giáo hay phổ quát tính của Giáo Hội trước sự ước mong có những quyết định mục vụ linh động và thích ứng với nhu cầu làm chứng Tin Mừng tại các địa phương Á Châu.

Xin Ðức Cha có thể cho biết quan điểm của Ðức Cha cũng như Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam như thế nào trong các vấn đề nầy?

Ðức Cha Nguyễn Sơn Lâm: Về vấn đề đối thoại với các tôn giáo, mà Ðịnh Hướng nêu lên, trong Hội Nghị rất nhiều ý kiến cho rằng người Á Ðông nghiêng về "Tâm" hơn về "Lý", nên chú ý đến việc đồng hành với các tôn giáo trong đời sống phục vụ con người hơn là trao đổi quan điểm giáo lý. Nhờ tiếp xúc, gần gũi, cùng nhau làm việc thiện sẽ dễ đi đến chỗ hiểu nhau và quý mến nhau. Tất nhiên vì giáo hội ở mỗi nơi, sống trong những môi trường khác nhau, nên tính duy nhất của giáo hội cũng cần phải có những cách biểu thị khác nhau; và có như vậy mới phong phú.

5. Ðịnh Hướng: Ðã có những đề nghị hay dự án nào cụ thể trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục cho Á Châu lần nầy nhằm tạo điều kiện cho các Cộng Ðồng Công Giáo ở vùng đất Á Châu có thể biết nhau, gặp gỡ nhau, và hợp tác để làm việc trong tương lai không?

Ðức Cha Nguyễn Sơn Lâm: Hiện nay tại những vùng Á Châu khác nhau, các Hội Ðồng Giám Mục tại mỗi vùng đã có những tổ chức chung và thường hội họp định kỳ. Vừa để biểu thị các nét riêng biệt của các vùng, vừa để chứng tỏ sự hiệp nhất. Trước đây ngay trong tổ chức Liên Hiệp các Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC) cũng đã có hai lần tổ chức hội nghị riêng cho các giáo hội theo nền văn hóa Khổng Giáo. Như vậy có thể chắc chắn rằng sau khóa họp của Thượng Hội Ðồng nầy, các tổ chức như vậy càng được cũng cố hơn.

6. Ðịnh Hướng: Á Châu của các nền văn hóa xa xưa, nhưng Á Châu cũng là vùng đất của nhiều hiện tượng xã hội tiêu cực ngày nay: Nghèo đói, cách biệt xã hội; các vấn đề vi phạm nhân quyền; tệ trạng mãi dâm của trẻ em vị thành niên; các phong trào quốc gia quá khích và loại trừ nhau đang chớm phát; xung khắc tôn giáo; đóng kín - xa lạ với nhau giữa các cộng đồng, và các nước trong vùng... Giáo Hội Công Giáo và đặc biệt các Hội Ðồng Giám Mục Á Châu trong lần gặp gỡ nầy có nêu lên tình trạng khẩn trương của xã hội mình đang sống và có những ý hướng nào tích cực, những chương trình cụ thể đề nghị cải tiến, hay dấn thân làm chứng Tin Mừng một cách năng động hơn hay không?

Ðức Cha Nguyễn Sơn Lâm: Ðịnh Hướng có lý để nêu lên những vấn đề những hiện tượng tiêu cực ngày nay trong các nước Châu Á. Thực ra những hiện tượng đó cũng có mặt tại các lục địa khác nhau và đang xâm phạm vào cả đời sống tôn giáo. Tất nhiên giáo hội nào cũng đã có những nổ lực ngăn chặn và loại trừ những hiện tượng tiêu cực ấy. Chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm ở các nơi. Thượng Hội Ðồng Giám Mục nhận được thêm sức mạnh và kinh nghiệm để đấu tranh chống lại Sự Dữ dưới mọi hình thức. Và quyết tâm hợp tác với mọi người thiện chí để có những hành động cụ thể chung. Ðặc biệt, các giáo hội đặt tin tưởng vào ý chí đạo đức tích cực của giáo dân.

7. Ðịnh Hướng: Trong bản Góp ý và Bản Ðề Nghị của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam có nêu lên vai trò tích cực của người tín hữu giáo dân trong tương lai. Xin Ðức Cha có thể cho biết rõ hơn về phương thức thực hiện ước muốn đó trong Cộng Ðồng Việt Nam Công Giáo chúng ta?

Ðức Cha Nguyễn Sơn Lâm: Trong viễn tượng nầy, các Giám Mục Việt Nam cũng như các vị chủ chăn ở mọi nơi khác, chắc chắn sẽ tìm cách để giáo dân đóng vai trò của mình tích cực và hiệu năng hơn nữa.

8. Ðịnh Hướng: Ðịnh Hướng xin chân thành cám ơn Ðức Cha.

Ðức Cha Nguyễn Sơn Lâm: Thân ái chào mọi người.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page