Báo động tại THÐGM Âu Châu
về nguy hiểm của Hồi Giáo tại Châu Âu

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Báo động tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu về nguy hiểm của Hồi Giáo tại Châu Âu.

Ðức Cha Giuseppe Germano Bernardini, trong bài phát biểu tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu, đã mạnh bạo tố cáo chính sách độc quyền và mưu toan tái chiếm Châu Âu của Hồi Giáo.

(Trong bài nói chuyện sau, chúng tôi sẽ tường thuật nguyên văn bài phát biểu của Ðức Cha Bernardini tại Thượng Hội Ðồng, được Phòng báo chí Vatican công bố 13.10.99). Ðức Cha Bernardini, năm nay 71 tuổi, thuộc Dòng Phanxicô, người Ý, đã truyền giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ từ 42 năm nay và từ 16 năm nay là Tổng Giám Mục Giáo Phận Smyrne (nay gọi là Ismir) . Trong giáo phận của ngài chỉ có 1,250 người Công Giáo. Ngài là người có nhiều kinh nghiệm về Hồi Giáo, vì sống trong một quốc gia có tới 99,9% dân cư theo tôn giáo này.

Bài phát biểu của ngài thực là một báo động và một lời tố cáo rất thẳng ngặt về thái độ đóng kín của Hồi Giáo đối với Công Giáo. Ngài nhắc lại nguyên văn những lời tuyên bố của một số vị lãnh đạo cấp cao của Hồi Giáo đã nói lên trong những cuộc gặp gỡ giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo, như sau: "Nhờ vào những luật lệ dân chủ của các ngài, chúng tôi sẽ xâm lăng các ngài; nhờ vào những luật lệ tôn giáo của chúng tôi, chúng tôi sẽ thống trị các ngài". Những lời tuyên bố này nói lên rõ ràng chính sách của Hồi Giáo, không những tại Châu Âu, nhưng trên cả thế giới. Kinh nghiệm trong những năm vừa qua tại Algérie, tại Pakistan, tại miền Balcan, tại Indonesia, tại miền đông Timor, tại Mindanao (Philippines), tại Sudan... cho chúng ta thấy rõ chính sách "thống trị bằng khủng bố của Hồi Giáo", hay ít ra của phe Hồi Giáo cuồng tín. Tuy thiểu số, nhưng đa số lại sợ hãi họ và không dám phản ứng, như tại Algérie hiện nay.

Chưa hết, Ðức Cha Bernardini còn kể lại những lời tuyên bố khác của cấp lãnh đạo Hồi Giáo, như sau: "Các ngài không có gì để dạy chúng tôi và chúng tôi không cần học hỏi gì nơi các ngài". Như vậy các cuộc đối thoại giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo là cuộc đối thoại giữa những người điếc. Nhận xét này đã được một số nghị phụ nói lên trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục.

Ðức Giám Mục giáo phận Ismir đã giải thích thêm cho các nghị phụ như sau: Mỹ kim thu được do xuất cảng dầu hỏa được xử dụng không phải để tạo nên công việc làm, gia tăng phát triển tại các nước Hồi Giáo nghèo nàn tại miền Bắc Châu Phi hay tại miền Trung Ðông, nhưng để xây cất các đền thờ và các trung tâm văn hóa vĩ đại tại các nước Kitô Giáo, nơi có những người Hồi Giáo di cư, như tại Paris, Madrid và tại cả Roma nữa. Ðức Cha Bernardini đặt câu hỏi: "Sao lại không thấy trong công việc này chương trình xâm lăng và tái chiếm Châu Âu về phía Hồi Giáo? Trong phần kết thúc bài phát biểu, với với sự khiêm tốn, Ðức Giám Mục xin ÐTC, nếu có thể, triệu tập một Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới hay một Hội Nghị các Giám Mục về vấn đề Hồi Giáo và mời cả các Giáo Hội Kitô khác tham dự.

Nhân việc công bố bài phát biểu của Ðức Cha Bernardini về những nguy hiểm của Hồi Giáo, thì trong cuộc họp báo hôm thứ Tư 13.10.99 do Ðức Tổng Giám Mục Benigno Luigi Papa, Tổng Giám Mục giáo phận Taranto (miền nam nước Ý), chủ tọa, giới báo chí đã đặt ra nhiều câu hỏi.

Ðức Tổng Giám Mục LUIGI PAPA đã giải thích như sau: "Những lo lắng của Ðức Cha Bernardini, được chia sẻ trong dư luận quần chúng. Chúng ta phải lưu ý đến giáo huấn của Công Giáo, cả trong những trường hợp khó thực hiện việc trao đổi qua lại giữa hai bên. Không nên vì những khó khăn, mà chúng ta bỏ qua xác tín của mình. Việc đối thoại phải tiếp tục, nhưng có thể làm với ít ngây thơ hơn về phía Công Giáo".

Trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục, đề tài về việc lan tràn Hồi Giáo tại Châu Âu đã được giáo sư Alain Besançon, người Pháp, dự thính viên, nêu lên trước các Nghị Phụ. Giáo sư đã đưa ra những con số đáng lo ngại: Khoảng 4 triệu rưởi người Hồi Giáo hiện sống trên lãnh thổ Pháp. Con số này bằng con số các người Công Giáo Pháp thực hành đạo. Lịch sử chứng minh rằng: cuộc chung sống hòa bình giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo luôn luôn bấp bênh. Vì thế, một Giáo Hội không có đức tin vững chắc, sẽ bị nguy hiểm "Hồi Giáo hóa", như đã xẩy ra tại các nước Bắc Phi, tại Trung Ðông và tại miền Balcan".

Giáo sư đưa ra ba đề nghị: (1) Can đảm nhìn vào thực tại như hiện có và nhất là đừng lẫn lộn vấn đề Hồi Giáo với vấn đề di dân nói chung -- (2) giải thích cho các tín hữu Kitô Hồi Giáo là gì, cách riêng trong những khía cạnh trực tiếp nghịch với đức tin Kitô - đồng thời giáo huấn việc tôn trọng và tình yêu thương đối với người Hồi Giáo -- (3) giáo huấn các tín hữu Kitô về giáo lý Ðạo Công Giáo.

Ðức Hồng Y Godfried Daneels, Tổng Giám Mục Malines-Bruxelles, trong bài phát biểu về Hồi Giáo tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục, đã cho thấy tính chất mập mờ của Hồi Giáo: Một tín đồ Hồi Giáo với thái độ thống nhất về đức tin, ngôn ngữ, văn hóa, lực lượng kinh tế và chính trị... là một người đối thoại rất khó khăn, hầu như không thể thực hiện được.. Còn có một thứ Hồi Giáo khác muốn "tái giáo huấn chúng ta, những người Kitô về ý nghĩa siêu việt của Thiên Chúa ". Thực sự nhiều tín hữu Kitô không có can đảm tuyên xưng đức tin công khai nơi công cộng, như các tín hữu Hồi Giáo. Họ phủ phục cầu nguyện bất cứ nơi nào, theo giờ giấc nhất định. Ðức Hồng Y Francis Arinze, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về đối thoại liên tôn, trong bài phát biểu tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục, đã chủ trương rằng: Cần phải huấn luyện nhân sự công giáo thành những chuyên viên hiểu biết về các tôn giáo khác, nhất là Hồi Giáo và về cách làm thế nào để gặp gỡ các tín hữu của các tôn giáo này.

Khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu, lần I, vào năm 1991, đã căn dặn phải thận trọng trong việc đối thoại với các người Hồi Giáo. Ðề tài này lại được đề cập đến trong Văn Kiện "Tài Liệu Làm Việc" (Instrumentum laboris) của Khóa Họp Kỳ II, lần này, với những lời căn dặn như sau: Việc đối thoại phải được thực hiện cách thận trọng, với sự rõ ràng về tư tưởng đối với những sự có thể và về những giới hạn của đối thoại và với sự tín nhiệm trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa đối với tất cả các con cái của Người. Ðể tình liên đới giữa nhau được thành thực, tính cách hỗ tương (có qua có lại - réciprocité) trong các mối quan hệ là rất cần thiết, nhất là trong môi trường của tự do tôn giáo.


Back to Radio Veritas Asia Home Page