Ðề nghị thành lập
đài Truyền Hình Công Giáo Châu Âu
để rao giảng Tin Mừng

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Ðề nghị thành lập đài Truyền Hình Công Giáo Châu Âu, để rao giảng Tin Mừng.

Tuyên bố trên đài phát thanh Vatican hôm thứ Ba 12.10.99. Ðức Tổng Giám Mục John Foley, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về truyền thông xã hội, đã đề nghị thành lập Ðài Truyền Hình Công Giáo Châu Âu. Vần đề quan trọng này đã được chính Ðức Tổng Giám Mục nêu lên trong bài phát biểu ý kiến trong khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục tuần trước đây. Trên đài phát thanh Vatican , Ðức Tổng Giám Mục Foley nhắc lại rằng: Trong các đề nghị, thì đề nghị thành lập Ðài Truyền Hình Công Giáo Châu Âu là một trong các đề nghị được lưu ý và đánh giá cao . Ðây là một tư tưởng gợi lên do kinh nghiệm của Giáo Hội Công Giáo Ý, khi có sáng kiến thành lập Ðài Truyền Hình Sat 2000, một kinh nghiệm rất hữu ích và được dân chúng đón nhận với nhiều cảm tình.

Ðề nghị của Chủ Tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về truyền thông xã hội đã được nhiều nghị phụ tán thành.

Ðức Cha Bellino Ghirard, Giám Mục giáo phận Rodez bên Pháp, tuyên bố: Tôi đề nghị hãy quyết tâm cứu xét một dự án về Ðài Truyền Hình Công Giáo trên cấp bậc toàn Lục Ðịa: đây là một loại EUROVISION thường trực, để góp phần vào việc xây dựng Châu Âu mới, trong việc tôn trọng các giá trị cao quí Kitô; Châu Âu mới phải được thiết lập trên các giá trị này.

Ðức Cha José Sanchez Gonzales, giám mục Siguenza-Guadalajara bên Tây Ban Nha, nói như sau: Cần phải đoàn kết mọi nỗ lực và trao đổi kinh nghiệm để tổ chức những dịch vụ chung, nhất là trong lãnh vực Truyền Hình và Internet. Ðức Cha Crispian Hollis, Giám Mục giáo phận Portsmouth bên Anh Quốc, vị chịu trách nhiệm Ủy Ban về Truyền Thông Xã Hội của Hội Ðồng Giám Mục Châu Âu, đã tuyên bố mạnh mẽ trong Thượng Hội Ðồng rằng: Trái lại "là Giáo Hội, chúng ta sợ các phương tiện truyền thông xã hộïi. Chúng ta thuộc về một dân dần dần bị tục hóa bởi một nền văn hóa do các phương tiện truyền thông xã hội kiểm soát càng ngày càng sâu rộïng thêm mãi, trong khi đó chúng ta thường bỏ qua các phương tiện truyền thông này, những phương tiệïn rất có thể giúp chúng ta trong công cuộc "Tin Mừng hóa" nền văn hóa chúng ta một cách sâu xa hơn và hiệu nghiệm hơn. Các phương tiện truyền thông thách đố chúng ta, và chúng ta không được coi chúng như một đe dọa cho mình. Ðức Hồng Y Jozef Glemp, Tổng Giám Mục giáo phận Warsawa, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ba Lan, công nhận rằng: Chúng ta hiện diện quá ít trong mass-media. Có lẽ chúng ta không có can đảm để đi vào những môi trường của văn hóa và để tìm trong các môi trường này những người bạn đáng tin cậy. Ðức Cha Adam Lepa, giám mục phụ tá giáo phận Lodz, bên Ba Lan, cũng đã tuyên bố như sau: Các phương tiện truyền thông xã hội Công Giáo phải trở nên một nơi của việc rao giảng Tin Mừng. Các ký giả Công Giáo của mass-media phải thành tín rằng: hành động trên dư luận quần chúng về Giáo Hội, về giáo lý của Giáo Hội, về sứ vụ của Giáo Hội và về hình ảnh đích thực của Giáo Hội trong xã hội, tạo nên phương tiện quan trọng hơn cả cho việc rao giảng Tin Mừng. Trong sứ điệp năm nay (1999) về ngày truyền thông xã hội, ÐTC nhấn mạnh đến sự hiện diện bạn hữu của các phương tiện truyền thông xã hội. Sự hiện diện bạn hữu này khó tìm được nơi các phương tiện truyền thông của một xã hội mỗi ngày mỗi bị tục hóa. ÐTC viết: Ngày nay trong mass-media không có sự hiện diện bạn hữu, không có sự lưu ý đối với các nhu cầu và những chờ đợi của các độc giả, thính giả và khán giả. Tiếc thay báo chí và đài truyền hình hướng về việc theo đuổi cung cấp tin tức và cạnh tranh với bất cứ giá nào. Vì thế, cần phải thay đổi, cần phải đem đến cho quần chúng những phương tiện thông tin: những phương tiện này với sự khiêm tốn và dấn thân, đều nhắm đến việc tìm kiếm những sự việc trong tính cách khách quan của chúng; những phương thế biết xử dụng kiểu nói thân tình, trong trắng; những phương thế giáo huấn niềm hy vọng và loan những "tin tức tốt lành"; những phương thế không tấn công với những tiếng động ồn ào của cái chóng qua và với sự trịch thượng của những người nắm trong tay một quyền hành hùng mạnh khác thường; những phương tiện nói lên với tiếng nói của người bạn, tiếng nói, dù khi phải loan đi "những tin xấu, những tin dữ dội" (như chiến tranh), cũng làm với tình thương xót, với sự tôn trọng, với tình yêu thương và bác ái. Như ÐTC nhắc trong sứ điệp: Cần phải thay đổi. Nhiệm vụ thay đổi này trước hết là nhiệm vụ của các vị chủ chăn các Giáo Hội và của các phương tiện truyền thông Công Giáo. ÐTC đã lưu ý rất nhiều đến các phương tiện truyền thông xã hội trong việc rao giảng Tin Mừng. Ðề nghị của Ðức Tổng Giám Mục Chủ Tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về truyền thông xã hội là một đề nghị rất hợp thời và rất cần thiết. Với sự tán thành của nhiều Nghị Phụ, chắc chắn Ðài Truyền Hình Công Giáo Châu Âu sẽ được thành lập trong những năm tới đây, để góp phần vào việc tái rao giảng Tin Mừng và xây dựng một Châu Âu mới, trên các giá trị của nền văn hóa Kitô.


Back to Radio Veritas Asia Home Page