Tường thuật Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu, chiều thứ Bảy mùng 2 tháng 10/1999.
Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu Kỳ II là khóa họp ngắn nhất so với những khóa họp đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục các Ðại Lục khác đã có trước đây. Tuy ngắn ngày, (từ ngày 1 đến 23 tháng 10/1999), nhưng các giai đoạn của khóa họp vẫn được tuân giữ như các khóa họp khác. Ngoài hai thánh lễ khai mạc và bế mạc, khóa họp đặc biệt gồm có 19 phiên họp chung và 15 phiên họp theo nhóm ngôn ngữ.
Trong phiên họp chung chiều thứ Bảy 2/10/1999, đã có 13 nghị phụ phát biểu ý kiến trước sự hiện diện của ÐTC. Từ những phát biểu nầy, nguời ta có thể nhìn thấy được những vấn đề của Giáo Hội Công Giáo tại Âu Châu nói riêng, và của toàn Ðại Lục Âu Châu nói chung. Các nghị phụ đã ghi nhận rằng càng ngày càng rộng thêm khoảng cách giữa một bên là tiến bộ của xã hội và một bên là những giá trị tinh thần. Tương lai của đại lục Âu Châu tùy thuộc nhiều vào những chọn lựa hôm nay.
Những chủ đề thường được các nghị phụ nhắc đến trong các bài phát biểu hôm chiều thứ Bảy 2/10/1999 là:
Củng cố cơ cấu gia
đình,
Bảo vệ sự sống,
Sự đóng góp của những
nguời tận hiến để đáp
lại nhu cầu con nguời khao khát điều
thiêng liêng,
Tình liên đới với những
anh chị em di dân,
Tầm quan trọng của việc đối thoại
liên tôn,
Việc huấn luyện để biết xử
dụng các phương tiện truyền thông
đại chúng.
Ngoài ra, những phát biểu của các nghị phụ đến từ những quốc gia cựu Liên Xô rất được mọi người chú ý:
Theo Ðức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz, giám quản tông tòa miền Nga Âu, Thượng Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu, với quan tâm lo cho tương lai của Âu Châu, khi đọc những dấu chỉ của thời đại theo ánh sáng của Tin Mừng, cần phải làm sao để giúp cho cuộc phục hưng cơ cấu gia đình, được ăn rễ sâu vào Thiên Chúa, và có một đường lối mới chăm sóc cho các ơn gọi, ngõ hầu Chúa Kitô trở thành nguồn mạch cho niềm hy vọng của Âu Châu. Âu Châu đã bắt đầu thở bằng hai buồng phổi Ðông và Tây Âu, và giờ đây cần phải có một con tim, một tâm hồn mà thôi.
Ðáp lại những nhận định tiêu cực về việc giảm sụt con số các ơn kêu gọi tại Âu Châu ngày nay, Ðức Hồng Y Martinez Somalo, tổng trưởng bộ Tu Sĩ, đã nhấn mạnh rằng Âu Châu hiện nay vẫn còn khoảng 450 ngàn nữ tu và 100 ngàn nam tu sĩ có một đời sống nêu gương, có khả năng đáp lại cơn khát tinh thần tại Âu Châu ngày nay và ban cho Âu Châu một linh hồn rất cần thiết.
Ðức Hồng Y Arinze, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh đối thoại với anh chị em không Kitô,đã nhấn mạnh đến sự cần thiết đối thoại liên tôn, không những với những anh chị em Hồi Giáo, mà còn với những anh chị em Ấn Ðộ Giáo, Phật Giáo, và những tín đồ của các tôn giáo khác, mà không từ bỏ việc rao giảng Chúa Kitô, Ðấng cứu rỗi duy nhất của nhân loại.
Ðức Cha Garnier, người Pháp, nhấn mạnh đến sự đóng góp của Kitô Giáo cho việc xây dựng Âu Châu như là một cộng đồng các dân tộc, cho việc giúp Ðông Âu được cởi mở hơn, cho việc trợ giúp những quốc gia đang phát triển, cho việc bảo vệ sự sống và bảo vệ gia đình, cho việc phổ biến học thuyết xã hội.
Ðặc biệt các nghị phụ đã chú ý đến chứng từ của Ðức Cha RADKOVSKY, đến từ Cộng Hòa Tcheque. Ðức Cha đã nhắc lại như sau: "Trong thời kỳ bị cộng sản bách hại, chính Chúa Giêsu hiện diện giữa chúng tôi, đã ban cho chúng tôi sức mạnh để yêu thương kẻ thù; Chúa Giêsu đã giúp chúng tôi chịu đựng được những nổi thống khổ mà không mất niềm vui và hy vọng vào chiến thắng của Chúa Kitô".
Ðức Cha Michalik, nguời BaLan, đã chia sẽ như sau: "Chúng tôi đã trải qua kinh nghiệm đau thương những cuộc bách hại và lo sợ; chúng tôi đã không để cho mình bị gạt bởi vẻ thu hút của một thứ thần học giải phóng; và giờ đây, chúng tôi phải chống lại những áp lực, những cám dỗ và những lời hứa hảo huyền của những ý thức hệ mới."
Ðó là vài nội dung nổi bật từ các bài phát biểu của các nghị phụ trong phiên họp chung chiều thứ Bảy mùng 2 tháng 10/1999. Sáng thứ Hai, mùng 4 tháng 10/1999, có thêm 18 nghị phụ phát biểu. Chúng tôi sẽ kể lại những phát biểu nầy trong chương trình kỳ tới.