Vài nét về Khóa Họp Ðặc Biệt
Thượng Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu
lần thứ II

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Vài nét về Khóa Họp Ðặc Biệt Thượng Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu, lần thứ II.

Khóa họp đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu lần thứ II, sẽ được tổ chức tại Vatican, từ ngày mùng 1 đến 23 tháng 10, 1999. Ðây là khóa họp đặc biệt cuối cùng trong số những khóa họp theo từng đại lục, trước khi cử hành Ðại Toàn Xá vào năm 2000.

Công cuộc chuẩn bị cho khóa họp đặc biệt nầy đã trải qua những giai đoạn như sau: trước hết là giai đoạn tham khảo ý kiến về chủ đề của khóa họp. Kết thúc giai đoạn tham khảo về chủ đề của khóa họp là việc ÐTC Gioan Phaolô II công bố chủ đề của Khóa Họp, ngày 23 tháng 6 năm 1996. Chủ đề của Khóa Họp là: "Chúa Giêsu Kitô sống động trong giáo hội của Người, nguồn mạch hy vọng cho Âu Châu".

Bước thứ hai của giai đoạn chuẩn bị là soạn và công bố tài liệu Ðại Cương (Lineamenta) ngày 16 tháng 3 năm 1998. Tài liệu đại cương nầy đã được gởi đến các Hội Ðồng Giám Mục các quốc gia đại lục Âu Châu và các cơ quan quan trọng khác nữa trong Giáo Hội, để xin góp ý; và nhờ những góp ý nầy mà soạn ra Văn Kiện Làm Việc của Khóa Họp. (Instrumentum Laboris).

Bước thứ ba là soạn và công bố Văn Kiện Làm Việc của Khóa Họp vào tháng 7 vừa qua (1999) Với việc công bố Văn Kiện Làm Việc, toàn thể công cuộc chuẩn bị cho Khóa Họp đặc biệt Thượng Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu kể như là kết thúc.

Trong khi chờ đợi khóa họp khai mạc (vào ngày thứ Sáu mùng 1 tháng 10/1999 nầy), hãng tin của Hội Ðồng Giám Mục Italia đã phỏng vấn Ðức Cha Aldo Giordano, tổng thư ký của Liên Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu về những thách thức của Giáo Hội Công Giáo tại lục địa Âu Châu, cũng như về một vài chi tiết liên quan đến Khóa Họp Ðặc Biệt Thượng Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu.

Như chúng ta đã biết, khóa họp đặc biệt Thượng Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu lần nầy (tháng 10 năm 1999) là khóa họp đặc biệt lần thứ hai. Khóa họp đặc biệt lần thứ nhất là vào năm 1991. Mỗi đại lục chỉ có một khóa họp đặc biệt Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Riêng Âu Châu, thì lại có hai khóa, khóa thứ nhất vào năm 1991, và khóa thứ hai vào năm 1999, tức sau đó 8 năm.

Trả lời cho câu hỏi đầu tiên về tình trạng của Âu Châu vào hai thời điểm, tức hai lần họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu, Ðức Cha Tổng Thư Ký đã trả lời như sau:

"Chắc rằng Âu Châu ngày nay khác với Âu Châu vào năm 1991, nhưng tôi nghĩ là vấn đề căn bản vẫn luôn luôn giống như trước. Năm 1991, sau biến cố Bức Tường Bá Linh bị sụp đổ, các Giám Mục đối diện với một Âu Châu của Mùa Xuân, một Âu Châu của mơ ước đẹp, của những tự do vừa lấy lại được và của niềm hy vọng về một tình liên đới mới giữa các quốc gia. Nhưng rồi, 8 năm sau, tức vào năm 1999, tất cả chúng ta bớt mơ mộng đi, không còn quá lý tưởng nữa, và có lẽ cũng hơi thất vọng một chút, bởi vì chúng ta đã nhìn thấy những thảm kịch, mà trước đây chúng ta không bao giờ nghĩ đến."

Giải thích thêm về điều được gọi là "vấn đề căn bản", vừa được nói đến trên đây, Ðức Cha Aldo Giordano nói tiếp như sau:

"Cũng như đối với Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Âu Châu vào năm 1991, vấn đề căn bản cho Âu Châu là và còn là vấn đề rao giảng phúc âm. Vì thế, Văn Kiện Làm Việc của Khóa họp, kết thúc phần I (trong số ba phần của Văn Kiện) với lập trường cho rằng vấn đề trung tâm là vấn đề đức tin, tức là vấn đề về Thiên Chúa, mà từ đó phát sinh một cái nhìn đặc biệt về con người. Theo tôi, nguyên nhân của những thảm kịch đã xảy ra tại Âu Châu, có lẽ là một quan niệm nghèo nàn, rút gọn lại hay đầy bạo lực về con người. Thường thường trong quan niệm của chúng ta về con người, chúng ta chỉ nghĩ đến một khía cạnh mà thôi. Có thể là những vấn đề khác nữa cũng rất quan trọng, như vấn đề lao động, kinh tế, kỷ thuật, lý trí và tinh thần, nhưng khi con người bị rút gọn về chỉ một trong những chiều kích nói trên , thì lúc đó có nguy cơ làm phát sinh một quan niệm về con người có thể gây nguy hiểm. Ðó là giống như thể con mắt chúng ta muốn là tất cả con người, và không chấp nhận mình như là một phần nằm trong toàn thể gương mặt. Tôi nghĩ đây là vấn đề chủ thuyết cộng sản trong quá khứ , và ngày hôm nay thì có vấn đề chủ thuyết tự do quá trớn về kinh tế và một thứ chủ thuyết tương đối văn hóa."

Trả lời cho câu hỏi thứ ba muốn biết Giáo Hội có thái độ như thế nào trước hoàn cảnh trên của Âu Châu, Ðức Cha Aldo Giordano trả lời như sau:

"Trước hết tôi có thể nói rằng Giáo Hội đừng để mình bị thay đổi do ảnh hưởng của những vấn đề nằm ở bề mặt, nhưng giáo hội phải cố gắng đi cho đến tặn gốc rễ của chúng và chứng minh cho người ta thấy rằng Phúc Âm có khả năng thấu hiểu cho đến tận cùng và có khả năng đáp lại những vấn đề và những câu hỏi của con người, bởi vì Chúa Kitô đã lãnh lấy những vấn đề đó. Chúa Kitô không đứng ở ngoài, nhưng đã hiểu và đã lắng nghe, rồi từ bên trong chính Chúa Kitô là câu trả lời. Ðiều thu hút tôi trong Phúc Âm, đó chính là khả năng đáp lại từ bên trong, đáp lại những vấn đề của Âu Châu ngày nay. Chính Phúc Âm là cái may mắn lớn của Giáo Hội."


Back to Radio Veritas Asia Home Page