Chương trình

Giáo Lý Thêm Sức năm thứ nhất

Lm. Lê Quang Uy

cùng với một số thầy Học Viện Ða-minh Gò Vấp biên soạn

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Bài 27

Bốn Sách Tin Mừng

 

I. Khởi Ðiểm:

1. Kể truyện:

Tại nước Anh, có hai nhà trí thức tên là Hy Bá Vương (Gilbert West) và bá tước Lý Tấn Tông (Littleton) (Những tên này rất khó phát âm nên Giáo Lý Viên có thể không cần nêu). Cả hai rất thân với nhau và lại đều rất nổi tiếng về sự uyên bác, học cao hiểu rộng, nhưng khổ nỗi, cả hai đều không tin vào Thiên Chúa. Mỗi lần gặp nhau là hai ông đều lấy sách Tin Mừng ra làm đề tài để cười đùa, chế nhạo.

Một hôm, hai ông thảo luận tranh cãi với nhau và cho rằng có hai điều hoang đường khó tin nhất trong Tin Mừng: Một là chuyện Chúa Giê-su Phục Sinh và hai là sau khi sống lại, Chúa Giê-su hiện ra trên dường Ða- mát gặp Phao-lô khiến ông này chấm dứt cuộc khủng bố các môn đệ Chúa, rồi khiến ông ấy trở thành người rao giảng Tin Mừng số một trong thế kỷ đầu tiên.

Hai ông này quyết định phân công, mỗi người đều ra sức nghiên cứu 4 Sách Tin Mừng cho thật kỹ để tìm ra cho bằng được những điểm giả dối, lừa bịp trong hai sự kiện nói trên. Họ tin chắc rằng một khi họ công bố kết quả nghiên cứu này, thì thế nào giá trị của Sách Tin Mừng cũng bị sụp đổ cho đến tận nền móng.

Thế nhưng, sau một thời gian dài nghiên cứu, phân tích, phê bình, thẩm định giá trị từng chi tiết và phối kiểm tất cả mọi bằng chứng lịch sử, cả hai ông đều không tìm ra được một lý lẽ nào để bài bác Tin Mừng hoặc đánh đổ hai biến cố quan trọng liên quan đến Chúa Giê-su Phục Sinh mà Sách Tin Mừng đã ghi chép.

Ðiều không ai ngờ là giờ đây, thay vì bài bác chống đối, cả hai ông lại đều đã trở thành những môn đệ chân thành tin theo Chúa Giê-su. Sau khi xin chịu Bí Tích Thánh Tẩy, hai ông đã dùng cả cuộc đời còn lại để biên soạn nhiều tác phẩm rất có giá trị với nội dung trình bày về sự chân xác tuyệt vời của Sách Tin Mừng.

2. Ðặt câu hỏi hội thoại:

- Hai nhà trí thức trong câu truyện đã có thái độ ban đầu như thế nào về các Sách Tin Mừng? (Họ đã nghi ngờ, coi thường và cho rằng Tin Mừng Chúa Giê-su Phục Sinh là chuyện bịa đặt hoang đường, không thể tin được).

- Họ đã làm gì với các Sách Tin Mừng? (Họ đã chia nhau ra để nghiên cứu, "vạch lá tìm sâu" để bắt bẻ cho bằng được các chi tiết được ghi chép trong Sách Tin Mừng).

- Cuối cùng kết quả ra sao? (Không ai ngờ là họ đã tỉnh ngộ và hoán cải, tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh và tỏ ra hết sức kính trọng các Sách Tin Mừng).

- Vì đâu mà họ lại thay đổi thái độ kỳ lạ như thế? (Vì các Sách Tin Mừng không hề bịa đặt, nhưng đã nói lên một sự thật về Chúa Giê-su Phục Sinh cùng các chi tiết, các biến cố có liên quan đến Ngài. Hơn nữa, chúng ta tin rằng: khi đọc các Sách Tin Mừng một cách kính trọng đàng hoàng, suy nghĩ về cuộc đời của Chúa Giê-su một cách chín chắn, thì ắt có ơn Chúa Thánh Thần đặc biệt soi sáng cho người đọc có thể hiểu và tin vào Tin Mừng).

3. Tập hát:

Bài "Lời Chúa" (Sách Giáo Lý Thêm Sức tập 1 trang 88, có trong CD Vang Ca Tin Mừng Thêm Sức 1).

4. Ðọc Lời Chúa:

Giáo Lý Viên đọc cho các em nghe đoạn cuối cùng trong Sách Tin Mừng theo Thánh Gio-an (Ga 20, 30 - 31) sau đây: "Ðức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Ðức Giê-su là Ðấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người."

5. Khai triền bằng hội thoại:

- Có mấy tác giả ghi chép các Sách Tin Mừng? (Có 4 tác giả đã ghi chép 4 Sách Tin Mừng, đó là các vị: Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an).

- Vậy, tác giả dích thật của các Sách Tin Mừng là Ai? (Ðó là Chúa Thánh Thần, Ngài linh hứng, soi sáng cho 4 vị Thánh ghi chép lại).

- 4 Sách Tin Mừng kể lên điều gì? (4 Sách Tin Mừng đều cùng thuật lại toàn bộ cuộc đời của Chúa Giê-su từ khi nhập thể làm người cho đến khi chịu chết và sống lại, rồi về Trời. Các Sách Tin Mừng ghi lại rất chi tiết và khá đầy đủ những việc Ngài làm, những lời Ngài nói, những điều Ngài giảng dạy. Vì thế, tuy có đến 4 Sách Tin Mừng với cách cảm nhận và cách viết khác nhau của 4 tác giả, nhưng lại chỉ có duy nhất một Tin Mừng Cứu Ðộ của Chúa Giê-su mà thôi).

- Nội dung các Sách Tin Mừng giúp chúng ta điều gì quan trọng và vô giá? (Ðó chính là của ăn thiêng liêng nuôi dưỡng đời chúng ta, cho chúng ta được lãnh nhận Ơn Ðức Ðộ. Chúa Giê-su đã nhắn nhủ: "Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4, 4). Bởi vậy, chúng ta rất cần phải siêng năng đọc Sách Tin Mừng, chuyên cần học hỏi và cố gắng đem ra thực hành).

 

II. Ðích Ðiểm và Xác Tín:

Có thể đọc cho các em chép vào vở học phần toát yếu sau đây: Chính Chúa Thánh Thần đã linh hứng cho 4 vị Thánh là: Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an, để các ngài ghi chép lại toàn bộ cuộc đời Chúa Giê-su trong 4 Sách Tin Mừng. Tuy có tới 4 Sách Tin Mừng nhưng lại chỉ có một Tin Mừng Cứu Ðộ của Chúa Giê-su mà thôi.

 

III. Tâm Tình:

Chuẩn bị trước một vị trí trang trọng trong góc lớp để đặt Sách Tin Mừng, có nến Phục Sinh thắp sáng từ đầu buổi học, có thể có thêm một bình cắm hoa tươi. Mời các em đứng lên, dẫn vào bầu khí cầu nguyện: Cám ơn Chúa Thánh Thần đã soi sáng cho chúng con biết đọc Sách Tin Mừng, yêu mến Tin Mừng Chúa Giê-su và đem ra thực hành... Lấy lại bài "Lắng Nghe Lời Chúa" của bài học đầu năm (Sách Giáo Lý Thêm Sức tập 1, trang 5).

 

IV. Thực Hành:

Công việc ở nhà: Tìm một tờ giấy bìa cứng, cao 10 cm, dài 40 cm, viết nắn nót bằng nét chữ to câu Lời Chúa: "Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4, 4). Buổi sau sẽ triển lãm ở lớp, rồi đem về treo ở gần bàn thờ gia đình.

 

Lm. Lê Quang Uy

cùng với một số thầy các Dòng và các Tu Hội đang theo học tại Học Viện Liên Dòng ở Ða-minh Gò Vấp biên soạn dựa theo tập sách Giáo Lý Thêm Sức của cha Phạm Ðức Tuấn, đặc trách Mục Vụ Thiếu Nhi của Tổng Giáo Phận Sàigòn.

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 90 năm 2002)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page