Chương trình
Giáo Lý Thêm Sức năm thứ nhất
Lm. Lê Quang Uy
cùng với một số thầy Học Viện Ða-minh Gò Vấp biên soạn
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Bài 24
Các Tông Ðồ Làm Chứng
Chúa Giê-su Ðã Phục Sinh
I. Khởi Ðiểm:
1. Kể truyện:
Mùa xuân năm 1856, cha Phê-rô (Peerke Donders), vốn là một Linh Mục Triều, sau này xin vào Dòng Chúa Cứu Thế Hà-lan, sau 14 năm làm Tông Ðồ cho người nô lệ, nay được bổ nhiệm làm cha sở cho những người bệnh phong tại trại Batavia, xứ Surinam, một thuộc địa của người Hà-lan tại Nam Mỹ.
Ngay từ đầu, cha Phê-rô đã bắt tay ngay vào việc cải thiện hoàn cảnh vật chất thảm hại tại đây. Một vị bác sĩ lần đầu tiên đến thăm trại đã kể lại: "Chỉ nhìn người cùi không thôi cũng là một việc kinh khủng rồi: không thể nào hình dung nổi những con người ở đây, thân thể họ đã trở nên sần sùi, da họ giống như vỏ cây liễu già, phần lớn mũi miệng đều bị lở loét làm cho giọng nói bị khản đặc..."
Thật vậy, tay chân và các bộ phận khác bị thối rữa ngay khi người bệnh còn sống, bốc lên mùi hôi thối lờ lợ như mùi xác chết trong những căn chòi lợp lá dừa mà họ trú thân, đến nỗi có lần các nhân viên của một ủy ban y tế do cha Phê-rô mời đến giúp, đã không kềm được, phải phóng vội ra khỏi những căn chòi khủng khiếp ấy để nôn thốc nôn tháo.
Cha Phê-rô ghi lại: "Bên trong những căn chòi giống như chuồng lợn ấy, người bệnh ngủ ngay dưới đất. Nền đất hút lấy phần lớn máu mủ của họ. Vì thiếu y tá, họ phải giúp đỡ lẫn nhau nên thường xuyên ở trong tình trạng nhiễm trùng và dơ bẩn. Lương thực cũng thiếu trầm trọng, nước thì phải đi lấy từ xa. Còn củi để nấu bếp phải tự đi vào rừng chặt lấy..."
Cha Phê-rô đặt thêm giường và lót ván dưới nền các căn chòi. Còn thức ăn thì ngài đành chỉ biết chia sẻ phần lớn những gì của chính ngài cho những người đói nhất. Về phần những người chết, ngài thuyết phục ban lãnh đạo cấp cho họ một cỗ áo quan cho tử tế. Còn lại những gì không xin được, ngài tự mình làm lấy.
Sau khi dành những giờ đầu tiên trong ngày cho Thánh Lễ và cầu nguyện, cha Phê-rô đi thăm người bệnh và đặc biệt quan tâm đến những ai bị bỏ rơi nhất và những người mới đến. Ngài không chỉ bằng lòng với những lời nói đạo đức để an ủi, nhưng còn xắn tay áo đi bổ củi, xách nước, nâng đỡ thân thể thối rữa của họ để họ được uống nước. Ngài quét nhà, đổ rác, giặt quần áo đầy mủ máu, rửa các vết thương ghê sợ. Khi viên quản đốc cảnh giác cha về khả năng lây nhiễm, ngài chỉ trả lời gọn một câu: "Có gì mà sợ!"
Ðến cuối tháng 12.1886, khi đã 77 tuổi, sức khỏe tuy đã cạn kiệt, cha vẫn cố gắng đi thăm lần chót tất cả những người phong, giải tội, trao Mình Thánh Chúa. Rồi cùng với Họ Ðạo, cha cử hành Lễ Giáng Sinh. Ngày 31.12, ngài còn giảng lần cuối cùng rồi mới nằm liệt giường vì chứng viêm thận vào giai đoạn cuối.
Ðúng trưa thứ sáu 14.1.1887, cha Phê-rô đã trút hơi thở cuối cùng, thọ 78 tuổi. Trong lễ tang, những người bệnh phong theo sau linh cữu, người thì chống nạng, kẻ thì lết cho đến tận huyệt mộ ngay dưới chân một cây Thánh Giá lớn... Sau gần 100 năm, ngày 14.1.1982, cha Phê-rô, đã được Ðức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô 2 phong Chân Phúc tại Rô-ma.
2. Ðặt câu hỏi hội thoại:
- Cha Phê-rô đã làm gì? (Cha Phê-rô, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, đã tự nguyện rời bỏ quê hương, đi đến một vùng xa xôi hẻo lánh, hoàn toàn dành cho việc phục vụ Chúa Giê-su nơi những người bị bệnh phong cùi là lớp người bị xã hội ghê sợ, khinh rẻ và bỏ rơi nhất).
- Cha Phê-rô đã loan báo Tin Mừng của Chúa bằng cách nào? (Cha vừa giảng dạy Giáo Lý, dâng Thánh Lễ, ban các Bí Tích cho họ, lại vừa tận tâm chăm sóc các vết thương, giúp họ lao động sinh sống trong những điều kiện thiếu thốn vất vả nhất, nghĩa là cha đã loan báo Tin Mừng Phục Sinh bằng cả lời nói lẫn việc làm, bằng trọn cuộc sống yêu thương).
- Cha Phê-rô đã làm chứng ra sao về Chúa Giê-su Phục Sinh? (Chúa Giê-su đã luôn yêu thương quan tâm đến những người nghèo khó tật nguyền, Ngài đã chịu chết để họ được sống và Ngài đã Phục Sinh để đem lại niềm hy vọng được sống đời đời trong Nước Trời. Cha Phê-rô cũng đã dấn thân phục vụ những người phong cùi cho đến chết để họ cũng tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh mà vượt qua đau khổ ở đời này, tìm được niềm hy vọng vào hạnh phúc Nước Trời).
3. Tập hát:
Bài "Ra Ði Rao Giảng" (Nối Lửa Cho Ðời tập 7 trang 87, số 128).
4. Ðọc Lời Chúa:
Giáo Lý Viên đọc to, dõng dạc như một lệnh truyền, đoạn Tin Mừng Lu-ca (Lc 24, 46 - 48) sau đây:
Khi ấy, Ðức Giê-su bảo các môn đệ rằng: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này..."
5. Khai triển bằng hội thoại:
- Sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các môn đệ đã làm những gì? (Các ông đã can đảm ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người ở khắp mọi nơi, làm chứng rằng Chúa Giê-su đã sống lại thật).
- Riêng đối với những người nghèo thì sao? (Các ông đã hết sức yêu thương và bênh vực những người nghèo khổ, làm phép lạ chữa lành cho những người tật nguyền bệnh hoạn).
- Thái độ của họ như thế nào? (Hầu hết những người tìm đến lắng nghe các môn đệ rao giảng là những người nghèo. Họ đã tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh và xin chịu Bí Tích Thánh Tẩy, mỗi lần cả ngàn, có khi cả chục ngàn người).
- Các môn đệ Chúa Giê-su có gặp khó khăn nào không? (Các ông đã gặp phải nhiều sự chống đối, bắt bớ và cả bách hại. Nhưng cho tới hơi thở cuối cùng, các ông vẫn không ngừng rao giảng Tin Mừng và làm chứng về Chúa Giê-su Phục Sinh).
Hát lại bài "Ra Ði Rao Giảng"
II. Ðích Ðiểm:
Có thể đọc cho các em chép vào vở học phần toát yếu sau đây: Với ơn Chúa Thánh Thần, các môn đệ đã can đảm lên đường, dấn thân cả cuộc đời và bằng cả mạng sống của mình để làm chứng rằng Chúa Giê-su đã chết và sống lại. Rất nhiều người ở khắp nơi đã tin theo và lãnh nhận Ơn Ðức Ðộ. Công việc truyền giáo cứ thế mà lan truyền đi toàn thế giới và không ngừng phát triển cho tới ngày nay.
III. Xác Tín:
Kinh Tin Kính: "Ngày thứ ba, Chúa Giê-su sống lại đúng như lời Thánh Kinh. Người lên Trời, ngự bên hữu Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, triều đại Người sẽ vô cùng vô tận."
IV. Tâm Tình:
Mời các em đứng lên, dẫn vào bầu khí cầu nguyện:
Trong tương lai, lớp chúng con sẽ lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần qua Bí Tích Thêm Sức, ngay từ bây giờ, xin Chúa Thánh Thần giúp chúng con biết sống Tin Mừng như những Tông Ðồ nhỏ bé của Chúa Giê-su...
Sau đó, mời các em dâng lời nguyện tự phát nói lên những quyết tâm sống tốt của các em.
V. Thực Hành:
Em hãy kể cho bạn của em, nhất là những bạn chưa biết Chúa Giê-su, được nghe về cuộc đời Chúa Giê-su, được biết những lời dạy của Ngài, rằng Ngài cũng yêu thương các bạn ấy như yêu thương em vậy.
Lm. Lê Quang Uy
cùng với một số thầy các Dòng và các Tu Hội đang theo học tại Học Viện Liên Dòng ở Ða-minh Gò Vấp biên soạn dựa theo tập sách Giáo Lý Thêm Sức của cha Phạm Ðức Tuấn, đặc trách Mục Vụ Thiếu Nhi của Tổng Giáo Phận Sàigòn.
(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 87 năm 2002)