Chương trình

Giáo Lý Thêm Sức năm thứ nhất

Lm. Lê Quang Uy

cùng với một số thầy Học Viện Ða-minh Gò Vấp biên soạn

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Bài 15

Tình Hình Tôn Giáo Ở Pa-lét-tin

Thời Chúa Giê-su

 

I. Khởi Ðiểm:

1. Kể truyện:

Tại một làng nọ ở đất nước Pa-lét-tin, quê hương của Chúa Giê-su, có một gia đình nghèo, cha mẹ làm việc vất vả cả ngày ở ngoài đồng, các con còn nhỏ thì ở nhà một mình. Một hôm, có một người hành khất đến nhà xin bố thí. Một em bé ra mở cửa, đăm đăm nhìn người ăn xin rồi chạy vào nhà, một lúc sau, em trở ra nhỏ nhẹ thưa: "Chú ơi, chúng cháu rất muốn tặng chú một cái gì đó, thế nhưng nhà cháu lại cũng chẳng còn gì để ăn hôm nay, chúng cháu cũng đang đói lắm chú ạ! Chúng cháu rất áy náy phải từ chối chú vậy, chú đừng buồn nhé!"

Người hành khất lặng lẽ bỏ đi. Ðến xập tối thì ông ta quay lại gõ cửa. Em bé lại ái ngại từ chối như ban sáng. Người ăn xin lúc đó mới nói: "Các cháu dễ thương của chú, chú không xin các cháu bố thí nữa đâu, nhưng chú lại có cái này để tặng các cháu..." Nói đoạn, người ấy mở chiếc bị đeo bên hông ra, đưa cho mấy đứa bé một ổ bánh mì nhỏ và một vài đồng bạc. Ông ta dặn dò: "Các cháu hãy lấy bánh chia nhau ăn đi kẻo đói lắm rồi, còn tiền thì đợi ba mẹ về, bảo là chú biếu. Chú chỉ là một người ăn xin tàn tật, nhưng chú sẵn sàng chia sẻ với gia đình các cháu, bởi các cháu dễ thương và tốt bụng quá... và nhất là bởi bác muốn sống đúng như lời Thiên Chúa dạy".

2. Ðặt câu hỏi hội thoại:

- Gia đình của em bé giàu có dư giả hay là nghèo túng? (Ðó là một gia đình người Do-thái thuộc lớp nông dân nghèo và con cái lại đông, nên thường xuyên thiếu ăn).

- Em bé trong truyện đã cho người hành khất được gì? (Em bé rất muốn chia sẻ một chút gì đó để ăn nhưng trong nhà lại chẳng còn gì, chính em bé và các em của em bé ấy cũng đang phải nhịn đói).

- Vậy đến xập tối, người hành khất còn trở lại nhà em bé để làm gì? (Ông đã quay trở lại không phải để xin nữa nhưng là để chia sẻ với gia đình em bé một phần trong những gì ông in được trong ngày hôm ấy).

- Các em hãy thử đặt tên thật ngắn gọn cho câu truyện này nhé (Giáo Lý Viên phát cho các em các mẩu giấy nhỏ và cho thời gian là 2 phút, sau đó thu lại và công bố, chọn ra một tên hay nhất, gọn nhất...)

3. Tập hát:

"Làm Cho Chính Thầy" (Nối Lửa Cho Ðời tập 7, trang 110, số 170)

4. Dẫn vào bài bằng hội thoại:

- Các nhân vật trong câu truyện trên: em bé và người hành khất chính là những người tuy nghèo về của cải vật chất nhưng lại giàu tấm lòng chia sẻ với tha nhân, họ được gọi là "Những Người Nghèo của Thiên Chúa", những người luôn tuân giữ luật yêu thương của Thiên Chúa, chấp nhận mọi thiệt thòi, một lòng khao khát chờ mong Ðấng Thiên Chúa sai đến để cứu vớt và bênh vực họ.

- Vậy, ngược lại với những người nghèo là những người như thế nào? (Ðó là những người giàu có quyền thế và chiếm địa vị cao trong xã hội. Vào thời Chúa Giê-su cũng thế, trong dân Ít-ra-en có tầng lớp các người (còn quen gọi là các Biệt Phái), Xa-đốc, Thượng Tế, Kinh Sư, Luật Sĩ... Ða số những người này giữ luật Thiên Chúa quá chi tiết tỉ mỉ nhưng chỉ là đạo đức giả bề ngoài, vì họ tham lam, ích kỷ, khinh rẻ, hà hiếp bạc đãi người nghèo. Và như thế, họ đã sống ngược với lề luật của Thiên Chúa đã truyền dạy).

- Vậy, lề luật của Thiên Chúa đối với người Ít-ra-en là gì? (Chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa, tuân giữ 10 điều răn, và mong chờ Ðấng Thiên Chúa sẽ sai đến để giải thoát. Tất cả làm nên đời sống tôn giáo của người Ít-ra-en).

5. Ðọc Lời Chúa:

Giáo Lý Viên đọc to cho các em nghe đoạn trích Sách Huấn Ca về việc Thiên Chúa yêu thương bênh vực người nghèo (Hc 35, 12 - 17):

"Vì Ðức Chúa là Ðấng xét xử, Người chẳng thiên vị ai. Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức. Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người goá bụa. Nước mắt quả phụ lại không giàn giụa trên gò má, và tiếng bà kêu lại chẳng cáo tội kẻ làm bà phải khóc sao?

Kẻ phục vụ Ðức Chúa theo ý Người sẽ được Người chấp nhận, lời họ kêu xin sẽ vọng tới các tầng mây. Lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm..."

 

II. Ðích Ðiểm và Xác Tín:

Có thể đọc cho các em chép vào vở học phần toát yếu sau đây:

Vào thời Chúa Giê-su, trong dân Ít-ra-en có các tầng lớp giàu có và quyền thế giữ luật Chúa một cách giả dối, ngược lại, tầng lớp nghèo khổ thấp hèn lại vẫn tuân giữ luật Chúa một cách chân thành. Và Thiên Chúa đã luôn yêu thương và bênh vực những người được gọi là "Người Nghèo của Thiên Chúa" ấy.

 

III. Tâm Tình:

Mời các em đứng lên, dẫn vào bầu khí cầu nguyện. Giáo Lý Viên có thể thay các em dâng lên ý nguyện: "Lạy Chúa, trong Giáo Xứ chúng con, trong lớp chúng con đây, đều có những gia đình khá giả và cả những gia đình nghèo. Chúng con xin Chúa cho chúng con, dù giàu hay nghèo, đều sống đạo đức, sống đúng giới răn yêu thương của Chúa, để chúng con luôn sẵn sàng giúp đỡ chia sẻ với nhau, nhất đối với những người nghèo khổ tật nguyền..."

Hát lại bài "Làm Cho Chính Thầy"...

 

IV. Thực Hành:

Cả lớp đặt một chiếc hộp nhỏ, ghi bên ngoài: "Chia Sẻ". Các em sẽ dành tiền tiêu vặt mỗi ngày để góp lại đến cuối năm, lớp sẽ đến thăm và chia sẻ với một số gia đình quá nghèo trong Giáo Xứ (hoặc với một trại mồ côi, một trại phong, các em lớp học Tình Thương...).

 

Lm. Lê Quang Uy

cùng với một số thầy các Dòng và các Tu Hội đang theo học tại Học Viện Liên Dòng ở Ða-minh Gò Vấp biên soạn dựa theo tập sách Giáo Lý Thêm Sức của cha Phạm Ðức Tuấn, đặc trách Mục Vụ Thiếu Nhi của Tổng Giáo Phận Sàigòn.

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 81 năm 2002)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page