Chương trình

Giáo Lý Thêm Sức năm thứ nhất

Lm. Lê Quang Uy

cùng với một số thầy Học Viện Ða-minh Gò Vấp biên soạn

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Bài 13

Dân Thiên Chúa

Ðấu Tranh Giành Ðộc Lập

 

I. Khởi Ðiểm:

1. Kể truyện:

Giáo Lý Viên dựa vào Sách Ma-ca-bê quyển thứ 1, từ chương 3 đến chương 9 để tóm tắt thành câu truyện kể về ông Giu-đa Ma-ca-bê, một vị anh hùng của dân Ít-ra-en:

Khi vua Na-bu-cô-đô-nô-xo chết năm 560 trước Chúa Giê-su, đế quốc Ba-by-lon mất vào tay người Ba-tư, người Ít-ra-en bị lưu đày ở Ba-by-lon được cho trở về quê hương.

Tuy vậy, họ không hề được độc lập tự do, mà liên tiếp bị các đế quốc Ba-tư (từ năm 537 trước Chúa Giê-su) và Hy-lạp (từ năm 301 trước Chúa Giê-su) thay nhau đô hộ.

Vào thời hoàng đế An-ti-ô-khô đệ tứ, năm 165 trước Chúa Giê-su, có một người tên là Giu-đa cũng gọi là Ma-ca-bê, con ông Mát-tít-gia, đã cùng với các em mình nổi dậy để chống lại các cuộc bách đạo của đế quốc Hy-lạp đối với với dân Ít-ra-en. Ông mặc áo giáp như một vị anh hùng, mình mang đầy võ khí, được mọi người ví như một con sư tử dũng mãnh. Ông thường kéo quân xuất hiện bất ngờ lúc đêm tối, đánh chiếm các vị trí xung yếu để đóng quân, trận nào cũng đại thắng, khiến cho quan quân của vua An-ti-ô-khô phải lo sợ.

Mặt khác, ông cũng cùng những người khởi nghĩa bí mật len lỏi vào các làng Ít-ra-en, kêu gọi bà con thân thích, liên kết những người vốn trung thành với đạo Thiên Chúa. Họ đã quy tụ được khoảng 6.000 người, liên tiếp ra tay dẹp yên được bọn phản bội đã theo ngoại bang để xách động dân chúng bỏ Thiên Chúa mà thờ tà thần.

Ông Ma-ca-bê là người đạo đức và trung thành với Thiên Chúa, không bao giờ quên cầu nguyện với Thiên Chúa cho cuộc khởi nghĩa được thành công, hầu tái lập lại vương quốc Ít-ra-en sau một thời gian dài đã quá tang thương vì nội bộ xâu xé và ngoại bang xâm lược.

Tuy nhiên, trong trận đánh ở Bê-rê-a gần thành Giê-ru-sa-lem, ông Ma-ca-bê chỉ có 3.000 quân rất dũng cảm nhưng không đủ sức để chống lại 20.000 quân bộ binh và 12.000 quân kỵ binh thiện chiến của đế quốc Hy-lạp, tất cả đã chiến đấu một cách anh hùng cho đến chết. Ông Ma-ca-bê tử trận. Toàn dân Ít-ra-en thương khóc để tang ông nhiều ngày liền.

Cuộc khởi ngĩa của dân Ít-ra-en thất bại nhưng không hoàn toàn bị giập tắt. Người em của ông Ma-ca-bê, tên là Giô-na-than sẽ lại tiếp nối, lãnh đạo dân chống lại đế quốc Hy-lạp. Trải qua biết bao gian nan khốn khổ, mãi mãi dân Ít-ra-en vẫn mơ ước sẽ có ngày một Ðấng Cứu Tinh được Thiên Chúa sai đến để giải thoát họ khỏi ách đô hộ của ngoại bang.

2. Tập hát:

Bài "Ðộc Lập Tự Do" (Sách Giáo Lý Thêm Sức tập 1, trang 43)

3. Ðặt câu hỏi hội thoại:

- Câu truyện các em vừa nghe là lịch sử của dân Ít-ra-en, xảy ra trước khi Chúa Giê-su sinh ra hơn 150 năm. Nguyên do nào khiến ông Ma-ca-bê nổi dậy chống đế quốc Hy-lạp? (Ðó là dân Ít-ra-en muốn lấy lại độc lập tự do cho quê hương đất nước, và hơn nữa trấn áp được việc một số đông trong dân đã bỏ Thiên Chúa mà đi thờ tà thần).

- Cuộc khởi nghĩa của ông Ma-ca-bê có thành công không? (Lúc đầu thì quân của ông Ma-ca-bê rất mạnh, đánh đâu thắng đó, nhưng sau này, đế quốc Hy-lạp đưa quân đội đông đảo và hùng mạnh vào đến tận Giê-ru-sa-lem, quân của ông Ma-ca-bê ít hơn nhưng đã chiến đấu anh dũng cho tới chết.)

- Cuộc khởi nghĩa của người Ít-ra-en như vậy là đã bị thất bại chăng? (Không, tuy ông Ma-ca-bê đã chết, nhưng người em của ông là Giô-na-than đã tiếp tục chống lại quân Hy-lạp. Sau này, đến thời đô hộ của đế quốc Rô-ma, người Ít-ra-en vẫn thường xuyên nổi dậy).

- Người Ít-ra-en mong ước và chờ đợi điều gì? (Kể từ khi đất nước sụp đổ, mất vào tay ngoại bang, người Ít-ra-en vẫn luôn ước mơ tìm lại được độc lập tự do, họ chờ đợi Thiên Chúa giữ lời hứa, sai đến với họ một vị dũng tướng, một vị vua oai hùng như một Ðấng Cứu Tinh có khả năng lãnh đạo họ giành lại chủ quyền cho dân tộc và đất nước.)

- Thật ra Thiên Chúa có hứa và muốn ban cho dân Ít-ra-en điều ấy không? (Qua các Ngôn Sứ, Thiên Chúa hứa ban một Ðấng đến cứu Dân của Ngài gồm cả người Ít-ra-en và toàn thể nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết, chứ không phải là một vị vua, vị tướng theo nghĩa trần gian).

4. Ðọc Lời Chúa:

Giáo Lý Viên đọc lời cầu nguyện với Chúa của những người theo ông Ma-ca-bê (2 Mcb 8, 2 - 4):

Họ cầu khẩn Ðức Chúa, xin Ngài đoái nhìn đám dân đang bị mọi Ngài bị chà đạp và đoái thương Ðền Thờ đã bị quân vô đạo làm cho ra ô uế. Họ cũng xin Ngài xót thương thành phố đã bị phá hủy gần như bình địa, và lắng nghe máu Ngài vô tội đang kêu lên Ngài. Xin Ngài nhớ đến các trẻ thơ vô tội bị tàn sát dã man và những lời lộng ngôn phạm đến Danh Ngài, xin tỏ ra lòng Ngài ghê tởm sự dữ.

 

II. Ðích Ðiểm và Xác Tín:

Có thể đọc cho các em chép vào vở học phần toát yếu sau đây:

Dân Ít-ra-en mong ước Thiên Chúa gửi đến một Ðấng Cứu Tinh giải thoát họ khỏi ách đô hộ, tìm lại độc lập tự do. Nhiều cuộc khởi nghĩa với những vị thủ lãnh anh dũng đều thất bại. Và người ta tiếp tục đợi chờ. Nhưng Thiên Chúa lại muốn gửi một Ðấng đến cứu tất cả mọi người khỏi tội lỗi và sự chết. Ðấng ấy chính là Ðức Giê-su sau này.

 

III. Tâm Tình:

Mời các em đứng lên, dẫn vào bầu khí cầu nguyện:

- Cám ơn Chúa vì bài học Giáo Lý hôm nay cho chúng con nhận ra Thiên Chúa luôn muốn điều tốt nhất cho chúng con, cho mọi người.

 

IV. Thực Hành:

- Không cãi nhau, không đánh nhau, nói tục chửi thề.

- Không tranh giành bắt nạt những em bé hơn, yếu hơn.

 

Lm. Lê Quang Uy

cùng với một số thầy các Dòng và các Tu Hội đang theo học tại Học Viện Liên Dòng ở Ða-minh Gò Vấp biên soạn dựa theo tập sách Giáo Lý Thêm Sức của cha Phạm Ðức Tuấn, đặc trách Mục Vụ Thiếu Nhi của Tổng Giáo Phận Sàigòn.

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 80 năm 2002)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page