Chương trình
Giáo Lý Thêm Sức năm thứ nhất
Lm. Lê Quang Uy
cùng với một số thầy Học Viện Ða-minh Gò Vấp biên soạn
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Bài 12
Những Hình Ảnh Về Ðấng Cứu Ðộ
I. Khởi Ðiểm:
1. Ðặt câu hỏi hội thoại:
- Buổi học trước, chúng ta đã được học về điều gì? (Thiên Chúa nhắc lại Lời Hứa Sẽ ban Ðấng Cứu Ðộ cho dân Ít-ra-en trong thời gian họ còn đang bị lưu đày).
- Thiên Chúa đã dùng ai để nói thay cho Ngài về điều quan trọng đó (Thiên Chúa đã dùng các vị Ngôn Sứ).
- Hôm nay chúng ta sẽ đào sâu hơn vấn đề: tìm hiểu xem các Ngôn Sứ đã dùng những hình ảnh nào để nói về Ðấng Cứu Ðộ sẽ đến.
2. Ðọc truyện:
Các em nghe đọc lại câu truyện sau đây của Mẹ Tê-rê-xa thành Calcutta như sau (có thể vắn tắt giới thiệu về Mẹ Tê-rê-xa để các em không lầm với Thánh Nữ Tê-rê-xa Hài Ðồng Giê-su):
"Một hôm, có một cô thiếu nữ đã tìm đến Ấn-độ xin gia nhập Dòng Thừa Sai Bác Ái của chúng tôi. Chúng tôi có một quy luật, theo đó, ngày đầu tiên khi mới đến, tất cả những ai muốn sống với chúng tôi, cũng đều được mời sang Nhà Hấp Hối, tức là ngôi nhà đón tiếp những người sắp chết, vì thế, tôi nói với cô gái: "Chắc là con đã nhìn thấy Linh Mục dâng lễ, con đã thấy Ngài sờ đến Thánh Thể với sự chăm chú và yêu thương xiết bao. Vậy, con cũng hãy đi và làm như thế tại Nhà Hấp Hối, vì con sẽ tìm thấy Chúa Giê-su nơi thân thể những người anh em khốn khổ..."
Người thiếu nữ vâng lời ra đi... Một thời gian sau, cô trở lại với nụ cười rạng rỡ chưa từng có, cô vui vẻ thốt lên: "Thưa Mẹ, con đã sờ được vào Thân Thể Chúa Giê-su suốt 3 tiếng đồng hồ!" Tôi hỏi sự thể ra sao, cô kể lại: "Con vừa đến Nhà Hấp Hối, người ta mang đến một người vừa ngã xuống một hố sâu, mình mẩy đầy những vết thương lở loét và hôi thối. Con đã đến tắm rửa băng bó cho anh. Con biết mình làm như thế là đã chạm được đến Thân Thể Chúa Giê-su..."
- Các em thấy trong câu truyện này, chị thiếu nữ đã cảm nhận được điều gì về Ðức Giê-su? (Chị ấy đã nhận ra Ðức Giê-su hiện diện nơi những người nghèo khổ bất hạnh. Ngài mang lấy khuôn mặt của một người bệnh đang hấp hối, mình mẩy lở loét những vết thương hôi thối, và chị đã tận tình chăm sóc băng bó cho anh ta).
- Chị thiếu nữ đã kể lại với Mẹ Tê-rê-xa như thế nào? (Chị ấy đã hớn hở khoe với Mẹ Tê-rê-xa rằng: "Thưa Mẹ, hôm nay chính tay con đã sờ được vào chính Thân Thể Chúa Giê-su trong suốt 3 tiếng đồng hồ!"
- Ðúng vậy, có thể nói, hình ảnh của Ðức Giê-su, Ðấng Cứu Ðộ ngày hôm nay chính là một người nghèo khổ bất hạnh nhất trong xã hội. Nhưng ngày xưa, đối với dân Ít-ra-en, các Ngôn Sứ cũng đã dùng hình ảnh tương tự và nhiều hình ảnh khác nữa để giới thiệu Ðấng Cứu Ðộ.
3. Ðọc Lời Chúa:
Giáo Lý Viên đọc chậm rãi đoạn trích Sách Ngôn Sứ I-sai-a về Người Tôi Tớ của Thiên Chúa: (Is 53, 2 - 5):
"Người tôi trung đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh, như khúc rễ trên đất khô cằn. Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.
Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta... Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành..."
4. Khai triển bằng hội thoại:
- Như vậy, trong thời Cựu Ước, các Ngôn Sứ đã giới thiệu Ðấng Cứu Ðộ sẽ đến dưới 3 hình ảnh, với 3 tước hiệu chính sau đây:
+ Ðấng Cứu Ðộ là con (thuộc dòng tộc) vua Ða-vít
+ Ðấng Cứu Ðộ là Con Người từ Trời xuống (Thiên Sai)
+ Ðấng Cứu Ðộ là Tôi Tớ khiêm nhu, chịu nhiều đau khổ.
- Ðương nhiên dân Ít-ra-en đã chú ý nhiều nhất đến 2 tước hiệu "Con vua Ða-vít" và "Con Người từ Trời xuống" vì họ nghĩ như thế mới vinh quang, mới xứng đáng là Ðấng được Thiên Chúa sai đến, có quyền lực vĩ đại để chiến thắng mọi kẻ thù đang áp bức họ, và giải thoát họ khỏi kiếp lưu đày, khôi phục lại đất nước Pa-lét-tin hùng cường.
- Còn đối với với tước hiệu "Người Tôi Tớ khiêm nhu, chịu nhiều đau khổ" thì dân Ít-ra-en lấy làm khó hiểu: tại sao lại có thể như thế được? Họ không thích và không thể chấp nhận một Ðấng Cứu Ðộ lại để cho người khác hành hạ và giết chết!
- Vậy các em thấy Ðức Giê-su là Ðấng Cứu Ðộ đã đến trong thời Tân Ước dưới hình ảnh nào trong 3 hình ảnh vừa nêu? (Ðức Giê-su đã đến trong thân phận một người tôi tớ hết lòng phục vụ Thiên Chúa và nhân loại, để rồi Ngài đã bị hành hạ và giết chết thương đau).
3. Tập hát:
Bài "Xin Ngài Hãy Ðến" (Nối Lửa Cho Ðời tập 7, trang 16, số 27) hoặc bài "Chúa Giê-su" (Sách Giáo Lý Thêm Sức tập 1, trang 40 có trong CD Vang Ca Tin Mừng Thêm Sức 1)
II. Ðích Ðiểm:
Có thể đọc cho các em chép vào vở học phần toát yếu sau đây:
Thiên Chúa luôn yêu thương Dân của Ngài. Ngài hứa sẽ có một Ðấng đến để cứu vớt mọi người. Ðấng ấy chính là Ðức Giê-su, được sai xuống từ Trời, sinh ra làm người thuộc dòng tộc vua Ða-vít, nhưng lại chấp nhận làm một người Tôi Tớ hiền lành khiêm nhường, gánh chịu hết mọi khổ đau của nhân loại và chết trên thập giá khổ nhục.
III. Xác Tín:
Kinh Tin Kính: "Vì loài người chúng ta, và để cứu độ chúng ta, Chúa Giê-su đã từ trời xuống thế".
IV. Thực Hành:
- Em sẵn sàng giúp đỡ một người già yếu trong xóm, thăm một người bệnh tật, hoặc tiết kiệm tiền tiêu vặt để làm quỹ bác ái của lớp.
V. Tâm Tình:
Chuẩn bị trước trong một góc lớp, hoặc trước bảng đen: một cây Thánh Giá lớn, một sách Kinh Thánh đặt trên giá, một ngọn nến Phục Sinh, một bình hoa tươi (mượn tất cả của phòng thánh Nhà Thờ). Nếu là chiều tối, có thể phát cho mỗi em một mẩu nến cầm trên tay. Tắt các đèn trong lớp. Mời các em đứng lên, tiến lên thắp nến của mình từ lửa của nến Phục Sinh rồi đứng thành hình vòng cung trước Bàn Thờ:
- Ðọc lại đoạn Sách Ngôn Sứ I-sai-a về Người Tôi Tớ Ðau Khổ...
- Ý nguyện: Cảm tạ Chúa Cha đã thương chúng con mà sai Chúa Giê-su xuống thế làm Ðấng Cứu Ðộ để chết và Phục Sinh vì chúng con, cho chúng con được sống và sống dồi dào.
- Hát lại bài "Xin Ngài Hãy Ðến".
Lm. Lê Quang Uy
cùng với một số thầy các Dòng và các Tu Hội đang theo học tại Học Viện Liên Dòng ở Ða-minh Gò Vấp biên soạn dựa theo tập sách Giáo Lý Thêm Sức của cha Phạm Ðức Tuấn, đặc trách Mục Vụ Thiếu Nhi của Tổng Giáo Phận Sàigòn.
(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 80 năm 2002)