Chương trình

Giáo Lý Thêm Sức năm thứ nhất

Lm. Lê Quang Uy

cùng với một số thầy Học Viện Ða-minh Gò Vấp biên soạn

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Bài 10

Dân Thiên Chúa Chia Rẽ

Và Bị Lưu Ðày

 

I. Khởi Ðiểm:

1. Kể truyện:

Năm 1912, khi con tàu khổng lồ mang tên Titanic vừa được xuất xưởng và hạ thủy, người ta có thể đọc thấy dọc theo sườn con tầu lộng lẫy sa hoa và trang bị hết sức hiện đại ấy có vẽ sơn những câu khẩu hiệu đầy kiêu căng ngạo mạn như sau: "Không có Chúa, cũng chẳng có Giáo Hoàng!" và "Ngay đến Ðức Ki-tô cũng không tài nào đánh đắm con tàu này. Cả trời lẫn đất cũng không thể khiến chúng ta bị nhận chìm!" Ngay khi ấy, một trong các công nhân đóng tàu, vốn là một người Công Giáo ở Anh đã ghi vào trong nhật ký của mình như một lời tiên báo: "Vì những tội xúc phạm ghê gớm đó, tôi tin là con tàu Titanic này sẽ không bao giờ tới được bến bờ nó muốn đến".

Và quả không sai, vào lúc 0 giờ 5 phút ngày 14.4.1912, đúng vào một Chúa Nhật trong mùa Phục Sinh, đang khi chủ tàu và các hành khách giàu có vui chơi tiệc tùng, thì tàu Titanic đã mất cảnh giác, va chạm mạnh với một tảng băng khổng lồ giữa đại dương, nó thủng một lỗ lớn rồi gãy đôi. Người ta chỉ vớt được 705 người sống sót, còn 1.502 người thì đã phải chết theo con tàu kiêu hãnh đến mức phạm thượng ấy...

Sau đó mấy ngày, một tờ báo lớn ở Anh đưa tin kèm theo một bức tranh hí họa đầy ý nghĩa: Hình vẽ con tàu nhỏ nhoi so với một tảng băng khổng lồ, có ý so sánh thân phận mong manh của con người với quyền năng vĩ đại của Thiên Chúa. Sự kiện thảm khốc đã xảy ra, không ai dám đổ trách nhiệm cho Thiên Chúa đã trừng phạt con tàu và những kẻ sản xuất ra nó, nhưng người ta chỉ có thể khẳng định rằng: chính sự tự mãn vênh vang của con người đã tự đánh chìm mình...

2. Ðặt câu hỏi hội thoại:

- Con tàu Titanic bị phá hủy có phải là do Thiên Chúa trừng phạt không? (Không phải Thiên Chúa đã trừng phạt, nhưng là chính sự kiêu căng ngạo mạn của con người đã tự tiêu diệt mình. Họ cứ tưởng đã làm được một con tàu quá lớn mạnh, an toàn và quá sang trọng, coi như đã vượt cả quyền năng của Thiên Chúa. Ngờ đâu nó đã đụng phải một tảng băng còn lớn, cứng, mạnh mẽ hơn nó nhiều, và thế là tan tành và hủy diệt tất cả).

- Vậy, những người chế tạo và điều khiển con tàu ấy đã có thể thoát khỏi tai nạn kinh khủng ấy hay không? (Giá như họ khiêm tốn hơn, họ sẽ không quá chủ quan, nhưng sẽ cẩn thận đề phòng cảnh giác, và nhờ thế họ sẽ có thể tránh được rủi ro chết người).

3. Tập hát:

Bài "Lưu Ðày Sa Mạc" (Sách Giáo Lý Thêm Sức tập 1, trang 34)

4. Khai triển bằng hội thoại:

- Hôm nay các em cũng sẽ học biết về một thảm họa tương tự cho dân Ít-ra-en thời Cựu Ước (Trước khi soạn bài này và dạy ở lớp, Giáo Lý Viên nên đọc trước các truyện về vua Sa-lô-môn, về các vua sau đó và về đất nước Ít-ra-en trong sách Các Vua quyển 1 và quyển 2).

- Các em đã biết, sau triều đại rực rỡ của vua Ða-vít, vua Sa-lô-môn kế vị. Ông là một người được Ơn Chúa đặc biệt khôn ngoan và thông minh, đã hoàn tất việc xây dựng Ðền Thờ Giê-ru-sa-lem và cung điện, phát triển nghề buôn bán bằng đường biển, giúp cho đất nước Pa-lét-tin trở nên hết sức hùng cường.

- Thế nhưng, khi đã quá sung sướng sa hoa, vua Sa-lô-môn lại lần lượt cưới rất nhiều bà vợ ngoại giáo, rồi nghe lời họ xúi giục, đã bỏ Thiên Chúa mà đi xây cả đền thờ cho các tà thần.

- Các em có đoàn được hôm qua sẽ ra sao không? (Ðất nước Ít-ra-en sẽ ngày một rối loạn và chia rẽ, dân chúng ngày một đói khổ).

- Ðúng rồi, các đời vua kế tiếp vua Sa-lô-môn lại càng bất tuân Thiên Chúa, ăn chơi trác táng, bóc lột tàn bạo. Ðất nước liên tục bị mất mùa và hạn hán, lại bị các phe chia cắt làm hai trong suốt 200 năm, và cuối cùng cả hai miền Nam - Bắc đều bị các đế quốc chung quanh thôn tính. Dân bị đưa đi lưu đày ở đất lạ quê người trăm ngàn tủi cực.

- Như vậy, các em thấy chuyện dân Ít-ra-en bị chia rẽ và lưu đày với chuyện con tàu Titanic bị chìm giống nhau ở điểm nào? (Các vua cũng giống các kỹ sư đóng tàu và những người điều khiển con tàu Titanic, và cả một số lớn các hành khách, họ không còn tin cậy vào Thiên Chúa, nhưng bị ngả theo sự kiêu căng ngạo mạn, tôn thờ tà thần...)

- Và hậu quả ra sao? (Dân Ít-ra-en đã bị mất nước và lưu đày, còn con tàu Titanic thì chìm nghỉm).

4. Ðọc Lời Chúa:

Giáo Lý Viên đọc cho các em đoạn Sách Các Vua quyển thứ 2 (2 V 24, 11 - 12 và 14):

"Khi ấy, các thuộc hạ của vua Na-bu-cô-đô-nô-xo, vua Ba-bi-lon, tiến lên đánh Giê-ru-sa-lem, và thành bị vây hãm. Vua Na-bu-cô-đô-nô-xo, vua Ba-bi-lon, đến đánh thành, trong khi các thuộc hạ của vua vây hãm thành. Vua Giơ-hô-gia-khin, vua Giu-đa, cùng với mẹ vua, các thuộc hạ, các tướng lãnh và thái giám của vua ra hàng vua Ba-bi-lon. Vua đã bị bắt vào năm thứ tám triều vua Ba-bi-lon. Vua bắt toàn thể Giê-ru-sa-lem, mọi tướng lãnh và mọi dũng sĩ đi đày, tất cả là mười ngàn người phải đi đày, cùng với mọi thợ rèn và thợ làm khoá; không sót lại một ai, trừ dân cùng đinh trong xứ."

 

II. Ðích Ðiểm và Xác Tín:

Có thể đọc cho các em chép vào vở học phần toát yếu sau đây:

Các vua và dân Ít-ra-en mải mê tận hưởng sự giàu sang hùng mạnh của đất nước, họ đã vô ơn, kiêu căng, bất tuân, bỏ Thiên Chúa mà đi thờ các tà thần. Và đất nước đã bị chia rẽ và sụp đổ, cả dân tộc bị lưu đày khốn khổ. Thiên Chúa luôn yêu thương Dân của Ngài, Ngài không hề trừng phạt ai vì tội lỗi họ đã phạm, nhưng Ngài đã muốn cho họ biết sám hối trở về với Ngài sau khi phải gánh chịu những hậu quả thương đau.

 

III. Tâm Tình:

Mời các em đứng lên, dẫn vào bầu khí cầu nguyện. Giáo Lý Viên cầu nguyện thay cho các em theo 2 ý nguyện sau đây:

- Xin lỗi Chúa vì tội lỗi của nhân loại đối với Chúa.

- Xin Chúa ban ơn gìn giữ Hội Thánh được luôn hiệp nhất.

 

IV. Thực Hành:

- Không tham ăn giành uống, không ăn cắp vặt.

 

Lm. Lê Quang Uy

cùng với một số thầy các Dòng và các Tu Hội đang theo học tại Học Viện Liên Dòng ở Ða-minh Gò Vấp biên soạn dựa theo tập sách Giáo Lý Thêm Sức của cha Phạm Ðức Tuấn, đặc trách Mục Vụ Thiếu Nhi của Tổng Giáo Phận Sàigòn.

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 79 năm 2002)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page