Chương trình

Giáo Lý Thêm Sức năm thứ nhất

Lm. Lê Quang Uy

cùng với một số thầy Học Viện Ða-minh Gò Vấp biên soạn

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Bài 9

Dân Chúa Cầu Nguyện

 

I. Khởi Ðiểm:

1. Kể truyện:

Trong cuộc chiến tranh ác liệt giữa nước Pháp và nước Ðức năm 1870, tại một bệnh viện Pháp, có một thương binh vốn là một sĩ quan người Ðức đang bị bắt làm tù binh, một hôm bác sĩ báo tin buồn cho ông ta biết: có lẽ ông sẽ không còn sống được bao lâu nữa vì vết thương ngày càng trầm trọng. Viên sĩ quan tỏ ra bất cần một cách ngạo nghễ và can đảm chờ đợi cái chết.

Thế rồi, có một chị nữ tu y tá Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh-sơn vốn chăm sóc anh ta đã lâu, ân cần ngỏ ý khuyên anh ta nên xin gặp một Linh Mục để dọn mình trước khi chết. Anh thú nhận mình là người Công Giáo nhưng đã bỏ đạo từ lâu nên một mực từ chối lời đề nghị chân thành này. Nhưng chị nữ tu vẫn dịu dàng nói: "Nếu vậy, tôi sẽ cầu nguyện xin Chúa cho ông mau hồi tâm trở về với Chúa." Viên sĩ quan tỏ vẻ thương hại mỉa mai: "Tôi nghĩ là chị sẽ chỉ cực nhọc vô ích mà thôi..." Chị nữ tu vẫn kiên nhẫn thuyết phục: "Tại sao ông lại hoài nghi về lời cầu nguyện? Tôi xin thú thật với ông rằng: đã 16 năm nay, các chị em trong Dòng chúng tôi vẫn đang cầu nguyện cho một người được ơn trở lại cùng Chúa..."

Viên sĩ quan ngạc nhiên hỏi lại chị: "16 năm rồi cơ à? Thế người được các chị cầu nguyện cho ấy có lẽ là một ân nhân của Nhà Dòng hoặc là một người thân của chị?" Chị nữ tu trả lời: "Không ông ạ! Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa hề gặp mặt người ấy bao giờ. Trước đây rất lâu, mẹ tôi là người hầu cho một bà nam tước người Ðức. Trong một lần tôi tới thăm mẹ tôi, bà nam tước biết tôi là nữ tu nên đã khẩn khoản nhờ tôi cầu nguyện cho con trai của bà ấy. Anh ta đã mất lòng tin vào Chúa, sống một cuộc đời vô tín ngưỡng, phóng túng, đam mê danh vọng và quyền lực... Ðã 16 năm trôi qua, tôi và cả Nhà Dòng vẫn kiên trì tin vào sự quan phòng yêu thương của Chúa mà cầu nguyện cho anh ta không ngừng. Mới đây, tôi nhận được tin của nữ nam tước cho biết anh ta hiện đang tham gia vào cuộc chiến phi nghĩa và man rợ này..."

Người sĩ quan nghe chuyện, cúi gục đầu thinh lặng. Rồi bất giác, anh ngửng lên gặng hỏi chị nữ tu: "Chị ơi, thế mẹ của chị có phải là bà An-na không?" Chị nữ tu vô cùng ngạc nhiên: "Nhưng tại sao ông lại biết tên mẹ tôi?" Ðến đây thì viên sĩ quan nghẹn ngào thú nhận tất cả: "Thưa chị, tôi chính là con trai của bà nam tước mà mẹ chị đã tận tụy hầu hạ lâu nay. Và như thế, tôi cũng chính là người mà chị và cả Nhà Dòng đã cầu nguyện cho trong suốt 16 năm nay mà không biết. Khi tôi lên đường ra trận, biết tôi muốn trở thành một viên tướng lừng danh, mẹ tôi đã tỏ ra thương xót tôi và thiết tha mong tôi sẽ thay đổi cuộc sống ảo tưởng mà quay trở về với Chúa như mẹ tôi đã từng khuyên nhủ bao lần. Lúc đó, tôi đã cười lớn mà chế nhạo sự ngu ngơ của mẹ tôi, cho đó chỉ là một sự mê tín dị đoan ấu trĩ. Nhưng... bây giờ thì tôi thật sự muốn khóc, khóc vì ân hận dầy vò..."

Và quả thật, viên sĩ quan đã khóc như một đứa trẻ, để rồi sau đó là những ngày cuối cùng thật hạnh phúc. Nhờ sự kiên trì cầu nguyện của mọi người, người con hoang đàng ấy đã trở về với Thiên Chúa là Cha nhân từ giàu lòng xót thương...

2. Ðặt câu hỏi hội thoại:

- Những ai đã cầu nguyện để viên sĩ quan trở lại với Chúa? (Không phải chỉ có một bà mẹ anh ta, mà còn có chị Nữ Tu và cả mọi người trong cộng đoàn Nhà Dòng của chị Nữ Tu ấy đã cầu nguyện cho anh ta).

- Và Chúa đã nhận những lời cầu nguyện ấy như thế nào? (Chúa đã an bài cho viên sĩ quan ra trận bị thương, về bệnh viện lại được chị Nữ Tu chăm sóc, rồi trong khi chị tìm cách khuyên bảo anh, anh biết được tất cả mọi người đã luôn cầu nguyện cho anh, anh xúc động và nhận ra ơn Chúa mà quay trở lại với Ngài...)

- Việc cầu nguyện là một điều rất cần thiết cho mọi người và nhất là khi việc cầu nguyện lại không phải chỉ do một cá nhân đơn độc, mà là được rất nhiều người, được cả cộng đoàn những người thành tâm tin vào Chúa cùng đồng lòng dâng lên lời khấn nguyện. Thiên Chúa là Ðấng luôn yêu thương con người, chắc chắn Ngài nhận lời cầu nguyện ấy.

- Vậy cầu nguyện phải được hiểu là gì? (Cầu nguyện chính là trò chuyện tâm sự với Thiên Chúa là Ðấng luôn sẵn sàng lắng nghe, là chân thành trình bày tất cả những nỗi buồn vui trong cuộc sống, những ưu tư nguyện ước của riêng mình hay của mọi người, của cả Hội Thánh lên Thiên Chúa, với một lòng tin chắc rằng Chúa đoái thương và nhận lời ban ơn...)

3. Tập hát:

Bài "Chắp Tay Nguyện Cầu" (Nối Lửa Cho Ðời tập 7, trang 03, số 06) Có thể tập thêm cho các em làm cử điệu cầu nguyện khi hát.

4. Ðọc Lời Chúa:

Có thể chép trước lên bảng, Giáo Lý Viên đọc trước một lần, rồi mời các em đọc lại một lần nữa đoạn Thư của Thánh Phao-lô Tông Ðồ gửi cho cộng đoàn các tín hữu ở Ê-phê-xô sau đây (Ep 5, 19 - 20):

"Hãy cùng nhau đối đáp những bài Thánh Vịnh, Thánh Thi và Thánh Ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha."

5. Trình bày bài mới:

- Hôm nay, qua bài Giáo Lý này các em sẽ được học biết rằng ngay từ thời Cựu Ước, dân Ít-ra-en cũng đã đồng lòng cầu nguyện với Thiên Chúa. Một số tác giả đã viết ra hoặc đã ghi lại những lời cầu nguyện ấy thành một bộ gồm 150 bài giống như những bài vịnh, bài thơ, bài ca, gọi là các Thánh Vịnh.

- Qua nhiều thế hệ và năm tháng lịch sử, dân Ít-ra-en đã dùng các bài Thánh Vịnh ấy để diễn tả nhiều tâm tình khác nhau như: ca ngợi, kêu than hoặc tạ ơn Thiên Chúa.

- Ngày nay, trong Phụng Vụ, Hội Thánh vẫn dùng các Thánh Vịnh trong phần ca nhập lễ, đáp ca, ca hiệp lễ của Thánh Lễ, và trong các Giờ Kinh Phụng Vụ (thường chỉ có các Linh Mục Tu Sĩ phải đọc mỗi ngày, gần đây, nhiều Giáo Xứ đã tổ chức cho cả các Giáo Dân cùng đọc)

 

II. Ðích Ðiểm và Xác Tín:

Có thể đọc cho các em chép vào vở học phần toát yếu sau đây:

Thiên Chúa luôn yêu thương Dân của Ngài. Ngài thấu hiểu tất cả nhưng Ngài vẫn muốn lắng nghe những lời cầu nguyện chân thành của chúng ta dâng lên Ngài. Và chắc chắn Ngài sẽ ban những ơn cần thiết cho chúng ta. Kinh Thánh là Lời Chúa nói với con người, còn cầu nguyện chính là lời con người nói với Thiên Chúa.

 

III. Tâm Tình:

Có thể bài trí chuẩn bị trước một bàn phủ khăn trắng, nến thắp sáng, bình hoa tươi, và một cuốn Kinh Thánh mở ra đặt ở giữa. Các em quây quần thành hình bán cung. Ðèn trong phòng tắt hết (nếu lớp học vào buổi chiều tối). Mời các em đứng lên, dẫn vào bầu khí cầu nguyện. Giáo Lý Viên nói thay cho các em một lời mở đầu: Lạy Chúa, lâu nay, có thể chúng con chỉ đọc kinh nhiều mà rất ít khi trò chuyện tâm sự với Chúa. Hôm nay, các em học sinh Giáo Lý lớp chúng con muốn dâng lên Chúa những lời nguyện đơn sơ chân thành, chúng con tin Chúa đang muốn nghe lắm, và Chúa sẽ mỉm cười hài lòng...

Sau đó để cho các em tự phát dâng lời nguyện, tránh không nên soạn trước rồi đưa cho các em đọc. Nếu các em chưa quen tự phát, có thể trước đó mời gọi các em tự soạn những lời tâm sự ngắn gọn, đơn sơ hồn nhiên với Chúa vào trong những tờ phiếu cầu nguyện, chọn lấy khoảng 5 lời và để các em đọc lên. Cuối cùng, Giáo Lý Viên dâng lời kết. Tất cả được cử hành trang nghiêm nhưng sống động như một lời nguyện các tín hữu trong Thánh Lễ. Hát và làm cử điệu bài "Chắp Tay Nguyện Cầu".

 

IV. Thực hành:

Mỗi sáng, vừa khi thức dậy, em nhớ nói: "Con xin chào Chúa, xin chúc lành cho ngày hôm nay của con". Mỗi tối, trước khi đi ngủ, em nhớ thưa: "Con cám ơn Chúa về một ngày tốt lành đã qua".

 

Lm. Lê Quang Uy

cùng với một số thầy các Dòng và các Tu Hội đang theo học tại Học Viện Liên Dòng ở Ða-minh Gò Vấp biên soạn dựa theo tập sách Giáo Lý Thêm Sức của cha Phạm Ðức Tuấn, đặc trách Mục Vụ Thiếu Nhi của Tổng Giáo Phận Sàigòn.

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 78 năm 2002)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page