Ánh Sáng Thế Gian
(72 Câu Chuyện Gợi Ý Suy Tư Và Cầu Nguyện
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 45 -
Sứ Ðiệp Cứu Rỗi
Hành động đổi hướng luôn bao gồm hai chiều, hướng về phía trước và bỏ lại phía sau. Thánh tông đồ Phaolô trở lại, ngài đổi hướng, và điều này có nghĩa là không những ngài bỏ lại lối suy nghĩ và hành động cũ, mà đồng thời ngài còn hướng về phía trước, hướng đến Chúa Giêsu. Ngài hướng về Chúa Giêsu như là một vì Thiên Chúa của ngài.
Ðối với người Do Thái, danh gọi Ðức Chúa đồng nghĩa với danh gọi Thiên Chúa Giavê, và do đó hướng về Ðức Chúa cũng có nghĩa là qui hướng về Thiên Chúa.
Ðối với người kitô, danh gọi Ðức Chúa đặc biệt chỉ về Chúa Giêsu Kitô và khi nói trở về với Ðức Chúa có nghĩa là trở lại theo đạo Chúa Kitô. Một mối tương quan mới đã được thiết lập giữa Thiên Chúa và con người nhờ qua Chúa Giêsu Kitô. Thánh Phaolô đã giải thích như sau:
"Chính Thiên Chúa là Ðấng hòa giải chúng ta với Ngài qua Chúa Giêsu Kitô" (2Cr 5, 18).
Thánh Phaolô thường nhắc đến cuộc hòa giải lạ lùng này, một sự hòa giải không do công trạng của chúng ta, nhưng chỉ nhờ vào ân sủng mà thôi. Hai ngàn năm đã qua rồi, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục gặp khó khăn để hiểu và chấp nhận điều này.
Sứ điệp cứu rỗi rất đơn giản:
"Hãy tin vào Chúa Giêsu Kitô thì con và cả nhà con sẽ được cứu rỗi".
Thế nhưng, chúng ta muốn làm cho sứ điệp đơn giản này trở nên phức tạp. Có thể kinh nghiệm sống đã khắc ghi vào trong tâm trí của chúng ta một sự ngờ vực nào đó đối với sứ điệp độc nhất và dễ thương như thế.
Trong đời sống thường ngày, dường như là chúng ta phải làm cái gì đó để được chấp nhận. Nói cách khác, sự chấp nhận này chỉ được ban cho một cách có điều kiện. Thường tình, chúng ta được chấp nhận nhờ tài năng của chúng ta hoặc thế giá, hoặc quyền lực có được. Chúng ta được chấp nhận dựa trên những gì chúng ta làm hay cái chúng ta có hơn là dựa trên điều chúng ta làm. Ngay cả những người yêu thương chúng ta nhất như cha mẹ, con cái, bạn bè, thì một cách nào đó họ cũng cho chúng ta cảm tưởng rằng họ sẽ thích chúng ta hơn, yêu thương chúng ta hơn, nếu chúng ta làm theo kế hoạch hành động như họ muốn. Khó mà tin rằng có một Ðấng yêu thương chúng ta một cách vô điều kiện, có lẽ chúng ta quá quen thuộc với một nền đạo đức cho rằng chúng ta có thể làm được mọi sự nếu chúng ta cố sức, và rằng chúng ta có thể tự kéo mình lên bằng sức mạnh riêng của mình.
Trên bình diện sống đức tin, chúng ta cũng tin rằng mình phải hay có khả năng vươn lên tới Chúa do bởi sức cố gắng riêng của mình. Ðôi khi thật là khó mà chấp nhận sứ điệp Tin Mừng cho rằng chúng ta được yêu thương một cách vô điều kiện. Và chỉ ai yêu thương ta vô điều kiện, thì người đó mới có đủ quyền để lôi kéo chúng ta đến với người ấy, nếu chúng ta hướng về người ấy. Nếu đôi khi chúng ta thấy khó mà tin như vậy, thì phải chăng là bởi vì chúng ta không cảm thấy thoải mái khi biết rằng mình cần phải dựa vào sức mạnh của đức tin để có thể tin điều đó, phải chăng không có sẵn những nguồn ơn thiêng liêng đích thực để nuôi dưỡng đức tin của chúng ta. Chúng ta đành phải chịu thiếu những nguồn ơn này hay sao? Chẳng hạn chúng ta quên rằng trong việc xưng thú tội lỗi hay hòa giải, chúng ta nhận được lời bảo đảm Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Chúng ta có theo lời khuyên và mẫu gương của thánh Phaolô mà xưng thú tội lỗi chúng ta và thú nhận lỗi lầm với nhau hay không, hay chúng ta dẹp bỏ những hàng rào tự vệ xuống, và quả thật là rất khó mà làm điều này.
Khi chúng ta dẹp bỏ những hàng rào tự vệ xuống, thì lúc đó được biểu lộ con người thật của mình, một con người mà từ bản chất yếu đuối hay sa ngã nhưng luôn luôn cố gắng lớn lên trong Chúa Kitô.
Khi chúng ta dẹp bỏ những hàng rào tự vệ xuống như vậy, thì thử hỏi lúc đó chúng ta không nhận thấy rằng mình được yêu thương và được chấp nhận hay sao. Thử hỏi, những thái độ không tự vệ nữa có thể trở thành như những hành động bí tích, trong đó chúng ta chia sẻ với nhau và cùng lãnh nhận sự hòa giải với Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô hay không?
Ngày hôm nay, chúng ta hãy suy nghĩ về việc Thiên Chúa yêu thương chúng ta một cách vô điều kiện và chúng ta hãy xác nhận những nguồn ơn khác nhau giúp chúng ta đến gần với Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ rằng đã có một thời chúng ta ngu muội, bất tuân, sai lầm và trở thành nô lệ cho những đam mê khác nhau. Chúng ta đã sống trong sự hư đốn và ý chí bệnh hoạn, ghét lẫn nhau và ghét chính mình. Nhưng khi lòng nhân từ và tình yêu thương của Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng ta, đã được bày tỏ cho nhân loại, thì không phải vì Ngài quan tâm đến những hành vi công chính mà chúng ta có thể tự mình làm, nhưng chính do lòng thương xót của Ngài, chính Ngài muốn cứu thoát chúng ta, chính Ngài muốn yêu thương chúng ta một cách vô điều kiện.
Lạy Chúa, xin gọi con trở về và ban cho con ơn xác tín về tình thương của Chúa nhằm hướng dẫn đời con.