Ánh Sáng Thế Gian
(72 Câu Chuyện Gợi Ý Suy Tư Và Cầu Nguyện
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 40 -
Sức Mạnh Của Tình Thương
Hai vụ đánh bom cảm tử của người Palestin vào cuối tuần tháng 8 năm 2001, là dấu hiệu cho thấy cuộc xung đột tại Trung Ðông đang bước vào một giai đoạn sinh tử và khốc liệt giữa hai phe, mà bạo lực đã được chọn như con đường duy nhất để dựng nước và giữ nước. Từ mấy tháng qua, đặc biệt kể từ khi cựu bộ trưởng quốc phòng Ariel Sharon đắc cử thủ tướng, phía Do Thái đã chủ trương gia tăng mức độ trả đũa nhằm dập tắt phong trào nổi dậy của người Palestin. Bạo lực đã được những tay diều hâu Do Thái cổ võ như một giải pháp giữ nước và trì hoãn tiến trình trao trả đất đai để đổi lấy việc chung sống hòa bình với người Palestin. Nhưng về phần mình, sau nhiều thập niên điêu linh, người dân Palestin đã không dễ dàng bị khuất phục trước bạo lực, mặc dù đại đa số vẫn muốn có một mảnh đất để dựng nước và chung sống hòa bình.
Sự đàn áp thô bạo của người Do Thái đã vô tình giúp cho những lời kêu gọi thánh chiến của các nhóm quá khích Palestin trở nên có chính nghĩa và con đường bạo lực mà họ đã và đang sử dụng, dù muốn dù không, cũng lôi kéo thêm nhiều người Palestin ủng hộ. Một lần nữa, cả hai dân tộc Do Thái và Palestin đã chứng minh cho thế giới thấy rõ một điều là họ có những điểm tương đồng, cả hai dân tộc đều can trường như nhau, dân Do Thái sau bao nhiêu năm lưu lạc thống khổ, đã dựng lại đất nước bằng con đường bạo lực, và nay đến phiên người Palestin cũng bước sâu vào con đường bạo lực ấy. Chỉ với không đầy hai ngàn tay súng, suốt gần hai mươi năm, nhóm Hespola đã gây nhiều tổn thất nặng nề về vật chất lẫn nhân sự cho Do Thái tại miền nam Libăng, đến nỗi cuối cùng Do Thái phải triệt thoái khỏi vùng đất đó, và giờ đây, những vụ đánh bom cảm tử đã và sẽ diễn ra nhiều hơn nữa.
Liệu người Do Thái có đủ khả năng phòng vệ khắp mọi nơi trên đất nước của họ không?
Người ta có thể rùng mình khi biết rằng một số tổ chức Palestin đã lập các trường đào tạo trẻ em trở thành những cảm tử quân, nhưng những trẻ em ấy là ai nếu không phải là con cháu của những người Palestin đã chết dưới tay binh lính Do Thái, hoặc là những đứa trẻ đã chào đời và lớn lên trong các trại tị nạn ngay chính trên quê hương của chúng. Bạo lực đã dẫn đến căm thù, và lòng căm thù lại dẫn đến bạo lực. Các cuộc đàn áp của người Do Thái càng dã man thì những cuộc tấn công cảm tử của người Palestin càng leo thang. Và cứ sau một vụ như thế, thì phía Do Thái lại trả đũa mạnh hơn và phe quá khích Palestin lại mở thêm những vụ đánh bom cảm tử để trả thù. Cái vòng bạo lực sẽ chẳng bao giờ chấm dứt.
*
* *
Chỉ có những kẻ điên loạn trong thế giới ngày nay mới có thể tin rằng mình có thể tận diệt một sắc dân khác để chiếm hữu hay bành trướng lãnh thổ của mình. Và càng điên loạn hơn nữa nếu tin rằng bạo lực có thể dập tắt được những khát vọng chính đáng của một dân tộc, hay một tập thể khác.
"Ai dùng gươm sẽ chết vì gươm", lời này của Chúa Giêsu đã được ứng nghiệm qua suốt dòng lịch sử của nhân loại. Các bạo chúa sử dụng bạo lực để tiếm quyền rồi cuối cùng cũng chết vì bạo lực. Các nhà độc tài cai trị bằng bạo lực, cuối cùng, nếu không chết vì bạo lực thì cũng ra đi trong nhục nhã. Ngay cả trong nấm mồ, các nhà độc tài có lẽ cũng chẳng nằm yên được. Lịch sử ít có luật trừ cho những kẻ chủ trương sử dụng bạo loạn để đàn áp và chà đạp người khác. Là môn đệ của Ðấng, ngay cả khi bị treo trên thập giá, vẫn tha thứ cho những lý hình của mình, các kitô hữu phải tin ở sức mạnh của tình thương.
Lạy Chúa, xin ban bình an cho chúng con, ngõ hầu chúng con luôn là khí cụ bình an của Chúa cho mọi người.