Ánh Sáng Thế Gian

(72 Câu Chuyện Gợi Ý Suy Tư Và Cầu Nguyện

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 37 -

Những Kỷ Niệm

 

Nước Ðức vừa kỷ niệm bốn mươi năm ngày cho xây bức tường Berlin. Thời gian đã giúp hàn gắn những vết thương của mối cựu thù và bức tường giờ đây chỉ còn như một kỷ niệm trong tâm trí của nhiều người Ðức, và điều này đã khiến cho nhiều người Ðức ngày càng quan ngại rằng rồi đây hình ảnh của bức tường sẽ hoàn toàn xóa bỏ trong tâm trí của giới trẻ. Havin Cock là một trong những người bày tỏ lòng quan ngại ấy. Khi chế độ Ðông Ðức cho xây bức tường, ông là một thanh niên hai mươi mốt tuổi, chuyên về các bản vẽ cho cơ quan mật vụ Ðông Ðức. Cách đây bốn mươi năm, anh là một trong những người đã đóng góp vào việc vẽ sơ đồ cho bức tường lịch sử này. Chế độ cộng sản Ðông Ðức tuyên bố rằng mục đích của bức tường này là để bảo vệ Ðông Ðức và những nước cộng sản Ðông Âu khỏi sự xâm lăng của tây phương. Nhưng trong thực tế, bức tường này được dựng lên là chỉ để ngăn chặn người dân Ðông Ðức khỏi trốn sang thế giới tây phương tìm tự do mà thôi.

Một người đàn ông khác cũng đã bày tỏ mối quan ngại như ông Havin Cock là ông Rogen Lissine. Cũng tròn hai mươi mốt tuổi khi bức tường lịch sử này được dựng lên. Không đầy hai tuần lễ sau khi bức tường được dựng lên. Rogen Lissine đã nhận được tin anh mình là người Ðông Ðức đầu tiên bị bắn gục khi cố gắng trèo qua bức tường để trốn sang Tây Ðức.

Cách đây gần mười hai năm, người dân Ðức đã reo hò nhảy mừng khi bức tường này được đập đổ để thống nhất hai miền đông tây. Cả Havin Cock lẫn Rogen Lissine đều có cùng một mối quan tâm các sự kiện ngày càng có ít người Ðức đến Berlin để xem bức tường hay quan tâm đến nó. Người ta chỉ muốn quên đi, có chăng, một bức tường mà người ta thường nói đến hiện nay thì bức tường ấy là bức tường ngăn cách giữa Tây Ðức giàu có và Ðông Ðức nghèo nàn, hay bức tường của những khác biệt và nhiều mặt giữa hai miền.

Havin Cock và Rogen Lissine thuộc số ít ỏi của những người Ðức còn quan ngại về sự mất đi vĩnh viễn của một biểu tượng đáng được ghi nhớ. Ðối với người Ðông Ðức, bức tường Berlin chỉ gợi lại những hy vọng hão huyền. Còn đối với những ai chỉ muốn quên đi một quá khứ đen tối của đất nước, thì càng nhớ đến nó càng thêm đau buồn mà thôi.

Tại trại kiểm soát nổi tiếng của người Mỹ có tên là Charles, những nhà địa ốc đã cho ủi sập điếm canh để xây lên các văn phòng và những cửa hàng buôn bán. Một phần của bức tường đã được mang sang Trung Quốc để trang trí cho một khách sạn. Ngày nay, người ta hầu như không còn thấy vết tích của bức tường nữa, và điều oái oăm là ngay cả người dân Ðông Ðức cũng chưa từng thấy mặt mũi của bức tường như thế nào. Trong thời chiến tranh lạnh, họ không được phép đến gần. Họ biết có một bức tường, nhưng bức tường ấy như thế nào, rất nhiều người không hề biết đến.

*

*     *

Chúng ta thường muốn quên đi những kỷ niệm buồn và chỉ muốn cất giữ những niềm vui. Kitô giáo thì trái lại, nhìn vào tất cả mọi biến cố của cuộc đời với cái nhìn lạc quan và tin tưởng. Những biến cố đau buồn nhất cũng có thể là những kỷ niệm cần được nhớ lại và cử hành. Trọng tâm và tuyệt đỉnh của lịch sử ơn cứu độ là chính cái chết của Chúa Giêsu Kitô. Còn gì độc ác và tàn bạo cho bằng khổ hình thập giá. Vậy mà, từ hai ngàn năm qua, Kitô giáo đã từng giây từng phút cử hành biến cố ấy. Thập giá đã mọc lên khắp mọi nơi để nhắc nhớ cho muôn thế hệ về biến cố trọng tâm ấy, không những của Kitô giáo mà là của cả nhân loại. Biến cố ấy là trọng tâm và tuyệt đỉnh của lịch sử bởi vì nó mang lại ý nghĩa cho lịch sử cũng như cuộc đời của mỗi người.

Tưởng niệm, cử hành biến cố ấy, người tín hữu Kitô được mời gọi để nhìn vào từng biến cố của cuộc sống với niềm tin tưởng và phó thác. Thập giá được dựng lên không chỉ để tố cáo tội lỗi của con người, mà còn để tuyên xưng niềm tin vào tình yêu của Thiên Chúa. Thật ra, Kitô giáo không đề cao cái chết mà trái lại từ cái chết ấy tôn vinh Thiên Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa mạnh hơn sự chết, đó là niềm tin mà Kitô giáo hằng tuyên xưng khi giương cao thập giá.

Lạy Chúa Giêsu, mỗi ngày chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại. Xin cho chúng con cũng luôn biết cử hành tình yêu của Chúa qua mọi biến cố vui buồn của cuộc sống chúng con.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page