Ánh Sáng Thế Gian

(72 Câu Chuyện Gợi Ý Suy Tư Và Cầu Nguyện

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 35 -

Những Lời Thú Tội

 

Cách đây đúng ba năm, trong một bài diễn văn ngắn ngỏ với toàn thể dân chúng Mỹ được truyền đi trên màn ảnh truyền hình, tổng thống Bill Clinton đã thú nhận có quan hệ bất chính với một nữ nhân viên tập sự tại tòa Bạch ốc, là cô Monica Lewinsky, 24 tuổi. Lời thú nhận công khai của tổng thống Bill Clinton đã tạo ra nhiều phản ứng bất lợi cho ông. Cũng trong thời gian đó trên màn ảnh truyền hình của đài CNN, người ta nghe được những lời tự thú đầy cảm động của hai người đàn ông Nhật Bản về hành động tội ác của mình tại Trung Quốc trong thời để nhị thế chiến. Hai người đàn ông Nhật Bản này là ông Siro Azoma, 86 tuổi, và ông Josio Sirunoka, 74 tuổi. Trong cuốn băng ghi hình được trình chiếu tại hội nghị do trung tâm Signal Wissantane tại Los Angeles, Hoa Kỳ, tổ chức. Hai người này đã thú nhận là đã có những hành động tàn ác đối với phụ nữ và trẻ em Trung Quốc trong biến cố thường được mệnh danh là Cuộc thảm sát tại Nam Kinh vào năm 1937. Bằng một giọng nói đầy cảm xúc và thành tín, ông Azoma thú nhận rằng chính ông đã sát hại dã man 37 người Trung Hoa, gồm toàn người già, phụ nữ và trẻ em. Ông nói rằng cuộc thảm sát tại Nam Kinh vào năm 1937 xuất phát từ cái nhìn miệt thị đối với mạng sống con người. Thật thế, ông Azoma và ông Sirunoka đều thuộc một đơn vị quân y nổi tiếng có tên là Ðơn vị 731. Ðơn vị này gồm nhiều bác sĩ, y tá và quân nhân, chuyên dùng các tù nhân Trung Quốc cũng như những thường dân vô tội vào các cuộc thử nghiệm y khoa của họ.

Như ông Azoma đã nhìn nhận, sở dĩ ông đã có thể tham gia vào những vụ thảm sát người vô tội là bởi vì mạng sống của họ mà đơn vị của ông xem như những dụng cụ để dùng vào việc thử nghiệm y khoa. Là những người đã từng tham gia vào những vụ thảm sát người vô tội, nay hai ông Azoma và Sirunoka đã trở thành những người tranh đấu cho hòa bình và lên án cuộc chiến tranh độc ác dã man do Nhật Bản chủ trương trong thời để nhị thế chiến.

*

*   *

Chuyện những người đã từng nhúng tay vào tội ác nay công khai thú nhận và nhận lấy trách nhiệm của mình. Chuyện các nguyên thủ quốc gia ra trước quốc dân để bày tỏ sự hối hận về những lầm lỗi của mình, ngay cả những thiếu sót trong những lãnh vực muốn được xem là đời tư, những chuyện như thế đã trở thành hầu như bình thường trong các quốc gia có dân chủ và tự do thật sự. Nhân vô thập toàn, dù ở địa vị nào trong xã hội, con người cũng vẫn còn những khuyết điểm và có thể phạm lỗi lầm. Ðó là chân lý mà mặc nhiên tất cả những ai có lương tri và biết tôn trọng lẽ phải đều nhìn nhận, được tín nhiệm để được trao phó cho những trách nhiệm quan trọng trong xã hội mà vẫn có thể lầm lỗi, sự kiện này cho thấy sự cao cả của con người không hề biến nó thành miễn nhiễm, những bất toàn và sai trái. Trái lại, xem ra càng ý thức về sự bất toàn và lầm lỗi của mình, con người càng cao trong. Ðược lời Chúa soi dẫn, chúng ta càng hiểu rõ hơn nghịch lý ấy. Chúa Giêsu đã từng quả quyết với các môn đệ:

"Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên". (Lc 14:11)

Câu chuyện của người biệt phái và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện giúp chúng ta hiểu rõ hơn điều nghịch lí ấy. Kẻ ưỡn ngực rêu rao về những thành đạt của mình ra về vẫn còn mắc tội. Trái lại người khiêm tốn đấm ngực sám hối ra về trong hân hoan thư thái vì được thứ tha. Ðược Lời Chúa soi dẫn, thánh Phaolô cũng đã nhìn nhận thân phận yếu hèn tội lỗi của mình để thốt lên:

"Chính lúc tôi yếu là lúc tôi mạnh".

Yếu đuối vì nhận ra sự bất lực và lầm lỡ của mình, nhưng vững mạnh vì tin tưởng ở tình yêu, sự tha thứ và ơn trợ lực của Chúa. Từ thánh Phêrô kẻ chối Chúa cho đến thánh Phaolô kẻ bách hại Giáo Hội và qua suốt lịch sử của Giáo Hội, tất cả các vị thánh đều khởi đầu cuộc hành trình đức tin bằng niềm sám hối. Sự vĩ đại của các thánh gắn liền với ý thức về thân phận tội lỗi yếu hèn của mình. Thánh lễ mỗi ngày cũng cho chúng ta nhận ra sự khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi của chúng ta đã phạm và ăn năn thống hối xin Chúa tha thứ. Chúng ta chỉ có thể cảm nhận được ơn cứu rỗi và tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin với niềm sám hối mà thôi. Nguyện xin Chúa giữ mãi trong niềm sám hối ấy luôn được bừng cháy trong tâm hồn chúng ta.

Lạy Chúa xin ban cho chúng con sự khiêm tốn đích thực để luôn biết nhận ra thân phận tội lỗi của chúng con. Xin củng cố niềm tín thác của chúng con vào tình yêu và lòng tha thứ vô biên của Chúa. Và trong tất cả mọi sự, xin cho chúng con luôn cảm nhận được ơn độ trì đỡ nâng của Chúa.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page