Ánh Sáng Thế Gian
(72 Câu Chuyện Gợi Ý Suy Tư Và Cầu Nguyện
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 03 -
Ý Nghĩa của Cuộc Sống
Chỉ trong hai tuần qua, thế giới đã chứng kiến nhiều cái chết. Thứ nhất là cái chết của nguyên hoàng gia tại Népal nằm dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn. Ðông cung thái tử dã dùng súng tự động hạ sát vua cha, mẫu hậu, hai người em và bảy người khác trong hoàng tộc rồi quay ra tự sát. Bí mật vẫn còn bao trùm lên vụ thảm sát của gia đình hoàng gia này. Nhưng vẫn tiếp tục gây tranh cãi nhiều nhất vẫn là cái chết của Timothy Mc Veigh, người đã bị hành quyết hôm thứ hai ngày 6/6/2001 vì tội đặt bom sát hại một trăm sáu mươi tám người, trong đó có mười chín trẻ em dưới sáu tuổi tại Okalahoma City năm 1995. Cả thế giới chú ý đến cái chết này không những vì một nước văn minh như Hoa Kỳ vẫn còn duy trì án tử hình, mà còn vì thái độ ngạo nghễ của người bị hành quyết.
Trong một lời tuyên cáo Timithy Mc Veigh đã hãnh diện mượn hai câu thơ của thi sĩ William Ernest Henry để khẳng định rằng:
"Tôi làm chủ số phận của tôi.
Tôi làm chủ linh hồn của tôi".
Ðiều đó cũng có nghĩa là anh muốn giết ai thì giết, muốn sống thì được sống và muốn chết cũng toại nguyện.
Hình phạt, nhất là án tử hình chỉ có ý nghĩa khi tội nhân chịu khổ nhục mà gánh chịu. Ðàng này, đến án tử hình cũng không làm cho anh mảy may sợ hãi. Chàng thanh niên ba mươi ba tuổi chỉ ước ao có mỗi một điều là được chết. Cho nên, công lý cho anh chết là một ban thưởng chứ không phải là một hình phạt đối với anh. Ðáng chú ý hơn là trên một bài viết cuối cùng được đăng trong tờ báo xuất bản tại quê nhà của anh, anh đã thách thức cả tử thần lẫn diêm vương. Anh viết như sau:
"Tôi không sợ chết, cũng không sợ mấy cái chuyện lẻ tẻ sau khi chết. Tôi sắp xuống hoả ngục".
Từ hoả ngục, anh nhắn lên những người còn sống như sau:
"Xuống đó, tôi sẽ gặp được rất đông bạn bè".
Không những anh sẽ gặp nhiều bạn bè dưới đó, mà trên chốn dương gian, anh cũng để lại rất nhiều bạn bè. Những người rồi đây sẽ đưa anh lên bàn thờ tử đạo và biến nơi anh bị hành quyết thành thánh địa hành hương.
*
* *
Chết là lẽ thường tình. Nhưng chết như thế nào để cuộc sống có ý nghĩa và đáng sống đó là vấn đề. Trong bài diễn văn đọc tối ngày 3/4/1968, ngay trước ngày bị sát hại, cố mục sư Martin Luther King đã nói như sau:
"Như bất ai, tôi cũng muốn sống lâu. Tuổi thọ có giá trị của nó, nhưng giờ đây tôi không quan tâm đến điều đó, tôi muốn thực thi ý Chúa và Ngài đã cho phép tôi lên núi, và tôi đã nhìn qua tất cả, và tôi đã thấy miền đất hứa. Có lẽ tôi không đến được nơi đó với các bạn, nhưng tối nay, tôi muốn các bạn biết rằng chúng ta như một dân tộc, sẽ đến được vùng đất hứa".
Cũng như tổ phụ Môisen đã lãnh đạo dân Do Thái đến vùng đất hứa, nhưng chính mình không được vào đất hứa, mục sư Martin Luther King đã không bao giờ hưởng được tự do mà ông đã hi sinh mạng sống mình để tranh đấu cho, nhưng ông đã trở thành bất tử trong lòng dân tộc của ông. Mục sư Martin Luther King đã nói như sau:
"Thảm kịch tệ hại hơn hẳn không phải là chết mau, nhưng là sống mãi đến bảy mươi lăm tuổi mà không hề thực sự sống. Vấn đề không phải là một người sống được bao lâu nhưng là người ấy đã sống tốt thế nào với thời gian được dành cho mình".
Xác tín rằng ý nghĩa đích thực cho cuộc sống là phục vụ và phục vụ cho đến chết, mục sư Martin Luther King đã từng phát biểu như sau:
"Mọi người đều có thể trở thành vĩ đại vì bất cứ ai cũng có thể phục vụ. Bạn không phải có cái bằng đại học để phục vụ. Bạn không phải biết đặt chủ từ hợp với động từ để phục vụ. Bạn chỉ cần một trái tim đầy ân sủng, một linh hồn được phát động bởi tình yêu".
Mục sư Martin Luther King đã sống và đã chết theo đúng như lời xác tín ấy, chính vì thế mà cái chết của ông đáng được người đời ghi nhớ.
Lạy Chúa, sách Gương Phúc nói: "Không gì phù phiếm bằng thích sống lâu mà không cố gắng sống cho thánh thiện". Xin ban cho chúng con luôn được tràn đầy ân sủng và tình yêu của Chúa để chúng con biết chia sẻ, trao ban cho người khác và phục vụ tha nhân một cách khiêm cung, quảng đại, ngõ hầu loan truyền tình yêu của Chúa cho mọi người và tìm được ý nghĩa cho cuộc sống.