Ðiều Kiện để Giảng Dạy Bất Khả Ngộ

của Ðức Giáo Hoàng

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

I. Nền tảng quyền giáo huấn của Ðức Giáo Hoàng và Các Giám Mục

1. Sứ vụ và quyền giáo huấn của Thánh Phêrô và các Ðấng kế vị, có nền tảng trong Kinh Thánh Tân Ước. Thực vậy, khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: "Người ta nói Con Người là ai?", Thánh Phêrô đã mau mắn tuyên xưng: "Thày là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!", Chúa Giêsu đã bày tỏ quyết định ban cho thánh nhân "chìa khóa nước Trời" (cf Mathêu 16,13-19).

Lời tuyên xưng trên đây của Thánh Phêrô không phải là một sự biểu lộ đức tin bản thân của thánh nhân nơi Chúa Giêsu, nhưng còn là lời quả quyết một giáo lý về Chúa Kitô nữa. Vì thế, vai trò làm "Ðá Tảng" của Giáo hội được Chúa ủy thác cho Thánh Phêrô cũng bao gồm khía cạnh đạo lý nữa (cf Mathêu 16,18-19). Cũng vậy, sứ mạng Chúa giao cho thánh nhân trong việc "củng cố các anh em" trong đức tin (cf Luca 22,32) theo cùng chiều hướng ấy, và Thánh Phêrô được Chúa Giêsu đặc biệt cầu nguyện cho để có thể chu toàn sứ vụ giúp đỡ các anh em khác được luôn vững mạnh trong đức tin. Sau cùng, khi Chúa Giêsu truyền cho Thánh Phêrô "hãy chăn dắt các chiên con và các chiên của Thày" (Gioan 21,15-17), Chúa cũng ngụ ý trao cho thánh nhân một sứ mạng giáo huấn, bởi vì chăn dắt đoàn chiên cũng có nghĩa là mang lại cho chiên lương thực nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng, và trong số các lương thực đó, có cả việc thông truyền đạo lý mạc khải để nuôi dưỡng và hun đúc đức tin.

Do những dữ kiện nền tảng đó của Kinh Thánh, sứ mạng mục tử của Ðức Giáo Hoàng, người kế vị Thánh Phêrô, cũng bao gồm cả sứ vụ giáo huấn về đạo lý. Trong tư cách là Mục Tử hoàn vũ, ngài có nhiệm vụ giảng dạy đạo lý mạc khải và thăng tiến trong toàn thể Giáo Hội đức tin chân chính nơi Chúa Kitô. Công đồng chung Lyon 2, năm 1274, khi khẳng định quyền tối thượng và quyền bính trọn vẹn của Giám Mục Rôma, đã nhấn mạnh rằng: "Ngài có nhiệm vụ bảo vệ chân lý đức tin và có nghĩa vụ giải quyết tất cả những vấn đề tranh luận trong lãnh vực đức tin" (DS 861).

Cũng thế, Công Ðồng chung Firenze năm 1439 nhìn nhận Ðức Giáo Hoàng Rôma là "Cha và là Tiến Sĩ của toàn thể các kitô hữu" (DS 1307).

2. Các Giám Mục kế vị các Tông Ðồ và do đó, các ngài được mời gọi tham gia vào sứ mạng Chúa Giêsu đã ủy thác cho 12 Tông Ðồ và Giáo Hội. Công Ðồng Chung Vatican 2 trong số 24 của Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân dạy rằng: "Chúa Giêsu, Ðấng được trao ban mọi quyền năng trên trời dưới đất, đã trao cho các giám mục, những người kế vị các Tông Ðồ, sứ mạng dạy dỗ muôn dân và rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật, hầu mọi người được cứu rỗi nhờ lãnh nhận đức tin, bí tích rửa tội và nhờ tuân giữ các giới răn" (LG 24).

Qua đoạn văn trên đây của Công Ðồng Chung Vatican 2, sứ mạng mà các giám mục nhận lãnh là bởi Chúa và sứ mạng ấy cũng là sứ mạng được ủy thác cho các Tông Ðồ. Sứ mạng này, cùng với thánh quyền, thuộc về Tông Ðồ đoàn và được thông truyền cho mỗi giám mục trong giám mục đoàn.

Trong số 25 của Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, Công Ðồng Chung Vatican 2 dạy rằng: "Việc rao giảng Tin Mừng là một nhiệm vụ trổi vượt trong các nhiệm vụ chính yếu của Giám Mục. Giám Mục là những người rao truyền đức tin, đem nhiều môn đệ mới về với Chúa Kitô. Giám Mục là những tiến sĩ đích thực, nghĩa là có uy quyền của Chúa Kitô, giảng dạy cho những người được trao phó cho các ngài đức tin cần được xác tín và thực hành trong cuộc sống... Khi các ngài hiệp thông với Ðức Giáo Hoàng Rôma mà giảng dạy, thì các tín hữu phải tôn kính lắng nghe trong tư cách các ngài là những chứng nhân của chân lý thần linh và Công giáo; và các tín hữu phải chấp nhận phán quyết của Giám Mục mình, khi nhân danh Chúa Kitô, công bố những gì về đức tin và phong hóa, cũng như phải tuân theo ngài với lòng kính cẩn tuân phục." (LG 25).

Như thế, Công Ðồng chung Vatican 2 xác quyết rằng sứ vụ giáo huấn của các giám mục có liên hệ chặt chẽ với sứ vụ giáo huấn của Ðức Giáo Hoàng. Chính vì thế, trong cùng số 25 của Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, Công Ðồng dạy rằng: "Mọi người phải lấy ý chí và lý chí mà kính cẩn tuân phục một cách đặc biệt những giáo huấn chính thức của Ðức Giáo Hoàng Rôma, kể cả khi ngài không tuyên bố từ "ngai Tòa thánh Phêrô" (ex cathedra); như vậy cần phải kính trọng chấp nhận giáo huấn tối cao của ngài và chân thành tuân hành các phán quyết của ngài theo đúng tư tưởng và ý muốn ngài trình bày, đặc biệt biểu lộ qua bản chất các văn kiện, hoặc qua việc ngài lập lại nhiều lần một đạo lý, hoặc qua lời giảng dạy của ngài" (LG 25).

 

II. Những hình thức thi hành huấn quyền

1. Trong sứ vụ giáo huấn bình thường, Ðức Giáo Hoàng không hành động như một tư nhân, nhưng với tư cách là Thày dạy tối cao của Giáo hội hoàn vũ (LG 25). Vì thế, các thành phần của giáo hội, từ các giáo dân cho tới các giáo lý viên và các thần học gia, cần phải tuân theo các "quy luật đức tin" do Ðức Giáo Hoàng tuyên dạy, trong việc tìm kiếm ý nghĩa nội dung đức tin Kitô. Sứ vụ của Thánh Phêrô và các Ðấng kế vị là thiết định và tái khẳng định một cách đầy uy tín những điều mà giáo hội đã tiếp nhận và đã tin từ đầu, những điều mà các Tông Ðồ đã dạy, Kinh Thánh và Thánh Truyền đã ấn định như đối tượng đức tin và quy luật của đời sống Kitô. Cả các mục tử khác của Giáo Hội, các giám mục những người kế vị các tông đồ, cũng được Ðấng kế vị thánh Phêrô củng cố trong niềm hiệp thông đức tin với Chúa Kitô và trong sự chu toàn sứ mạng mà các giám mục đã nhận lãnh. Như thế, Huấn Quyền của Giám Mục Rôma vạch ra một con đường rõ rệt và thống nhất cho tất cả mọi người, nhất là trong thời đại có nhiều tranh luận hiện nay, với bao nhiêu lý thuyết khác nhau do các nhà thần học đề ra, nhiều khi rất trái ngược nhau, sự việc Ðức Giáo Hoàng lên tiếng xác định đạo lý chân chính của Giáo Hội là điều rất cần thiết để tránh tình trạng hoang mang và chia rẽ nơi các tín hữu.

2. Sứ vụ giáo huấn của Ðấng kế vị thánh Phêrô được thực thi theo ba thể thức căn bản:

- Trước hết là bằng lời nói. Trong tư cách là Mục Tử hoàn vũ, Ðức Giám Mục Rôma ngỏ lời với mọi Kitô hữu và toàn thế giới, chu toàn một cách đầy uy tín sứ mạng Chúa đã ủy thác cho các Tông Ðồ: "Các con hãy giảng dạy muôn dân nước" (Mathêu 28,19). Ngày nay, các phương tiện truyền thông xã hội làm cho lời của Ðức Giáo Hoàng đi đến mọi quốc gia, khiến cho ngài có thể chu toàn sứ vụ ấy hơn bao giờ hết. Ngoài ra, nhờ các phương tiện giao thông di chuyển dễ dàng, Ðức Giáo Hoàng còn đích thân đến nhưng nơi xa xăm nhất để mang sứ điệp của Chúa Kitô đến cho những người dân tại các nước đó, và qua đó, ngài càng chu toàn lời Chúa dạy về việc "ra đi và giảng dạy muôn dân".

- Tiếp đến, Ðức Giáo Hoàng còn thi hành sứ mạng giáo huấn của ngài qua các văn kiện: từ các bài huấn dụ, diễn văn, cho tới các văn kiện như tông huấn, tông thư và thông điệp do ngài công bố, hoặc do các cơ quan trung ương toà thánh ban hành teo sự ủy nhiệm của ÐTC.

Sau cùng, Ðức Giáo Hoàng thi hành sứ vụ giáo huấn của ngài qua những sáng kiến thế giá và các tổ chức thuộc lãnh vực khoa học và mục vụ. Ví dụ, ngài cổ võ các hoạt động nghiên cứu, văn hóa, truyền giáo, bác ái và từ thiện trong toàn thể Giáo hội, cổ võ các cơ sở đảm bảo việc giảng dạy đức tin như các chủng viện, phân khoa thần học và khoa học tôn giáo, các hàn lâm viện và hiệp hội thần học.

Nòng cốt giáo huấn của Ðấng kế vị Thánh Phêrô và của các giám mục là làm chứng tá cho Chúa Kitô, cho biến cố Chúa Nhập Thể làm người và cứu độ nhân loại; làm chứng về hoạt động của Chúa Thánh Linh trong Giáo Hội và trong lịch sử nhân loại. Hình thức và phương thế làm chứng tá có khác nhau, nhưng điều quan hệ với chân lý Hằng Sống là chính Chúa Kitô, đã và vẫn luôn luôn là sức sinh động của chứng tá ấy.

Chính vì lòng gắn bó với Chúa Kitô như thế, mà huấn quyền của Hội thánh vẫn luôn luôn gặp khó khăn và chống đối, từ thời thánh Phêrô cho đến ngày nay và mãi cho đến tận thế. Lời Chúa Giêsu phán "Môn đệ không trọng hơn thày" (Mathêu 10,24; Luca 6,40) được áp dụng cho tất cả các giám mục trong Giáo hội, nhất là Ðấng kế vị Thánh Phêrô. Chính Chúa Giêsu đã thi hành sứ vụ giáo huấn của ngài trong sự chiến đấu giữa tối tăm và ánh sáng. Cuộc chiến đó cũng tiếp tục gay go vào thời các Thánh Tông Ðồ như Chúa đã cảnh giác trước: "Nếu họ đã bách hại thày, thì họ cũng sẽ bách hại các con" (Gioan 15,20). Và Thánh Phaolô Tông Ðồ cũng đã từng nhắn nhủ Timôthê, môn đệ của ngài: "Con hãy rao giảng, kiên trì trong mọi hoàn cảnh thuận lợi hay không thuận lợi, hãy cảnh cáo, khiển trách, và nhắn nhủ với tất cả lòng can đảm và dạy đạo lý, dù rằng người ta sẽ không chấp nhận đạo lý lành mạnh nữa" (2Tim 4,2-3).

Ðiều mà Thánh Phaolô nhắn nhủ Timôthê cũng được áp dụng cho các Giám mục ngày nay, nhất là cho Ðức Giáo Hoàng là người có nhiệm vụ bảo vệ các Kitô hữu chống lại những sai lầm trong lãnh vực đức tin và luân lý, và ngài có nghĩa vụ bảo tồn kho tàng đức tin (2Tim 4,7). Khốn cho các ngài nếu các ngài kính sợ trước những lời phê bình và thái độ thiếu cảm thông của người đời. Mệnh lệnh các ngài đã nhận lãnh là làm chứng cho Chúa Kitô, cho lời ngài, luật pháp của ngài và cho tình thương của Chúa, bất chấp sự chống đối của các lực lượng của đen tối.

 

III. Ơn phù trợ của Thánh Linh đối với sứ vụ Giáo Huấn

Trong khi thực thi quyền bính tối cao trong sứ vụ giáo huấn, Ðức Giáo Hoàng được ơn phù trợ đặc biệt của Chúa Giêsu và Thánh Linh: "Hỡi Phêrô, thày đã cầu nguyện cho con, để đức tin của con không bị hư mất. Và khi con trở lại, con hãy củng cố đức tin của các anh em con" (Luca 22,32). Nghĩa là Chúa Thánh Linh luôn tiếp tục phù hộ Thánh Phêrô và các Ðấng kế vị trong việc thực thi sứ mạng giáo huấn, nhắm giúp các tín hữu hiểu chân lý mạc khải và áp dụng các chân lý ấy vào đời sống đức tin thường nhật.

Chính vì thế, như vừa nói, Công Ðồng Chung Vatican 2 quả quyết rằng tất cả giáo huấn của Ðức Giáo Hoàng Rôma đáng được lắng nghe và chấp nhận, kể cả khi ngài không tuyên dạy một cách long trọng và chính thức nhân danh quyền tối cao của Thánh Phêrô Tông Ðồ, nhưng chỉ giảng dạy thông thường, với ý hướng rõ rệt là giảng dạy, giải thích, nhắc nhở về giáo lý đức tin.

Chính nhờ ơn phù trợ đặc biệt của Chúa mà Giáo hội Công giáo xác tín rằng Ðức Giáo Hoàng Rôma được ơn bất khả ngộ khi long trọng tuyên dạy về đức tin và phong hóa, như vào năm 1854, Ðức Piô 9 lấy quyền tối cao của ngài để tuyên bố tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội; năm 1950, Ðức Piô 12 tuyên bố tín điều Ðức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời. Các cuộc định tín này mang lại cho tất cả các tín hữu sự chắc chắn về chân lý đức tin và loại trừ mọi nghi ngờ.

Ơn bất khả ngộ của Ðức Giáo Hoàng Rôma đã được Công Ðồng Chung Vatican I tuyên dạy và khẳng định rằng: "Ðức Giáo Hoàng Rôma, khi ngài nói từ ngai Tòa Thánh Phêrô, nghĩa là khi ngài chu toàn nhiệm vụ chủ chăn và thày dạy của tất cả mọi Kitô hữu, do quyền tông đồ tối cao ngài xác định một giáo lý về đức tin và phong hóa là điều phải được toàn thể Giáo Hội tuân giữ, thì nhờ ơn phù trợ mà Chúa đã hứa nơi thánh Phêrô, ngài được hưởng ơn không thể sai lầm mà Chúa Cứu thế muốn ban cho Giáo hội trong việc xác định một giáo lý về đức tin và phong hóa: vì thế những điều tuyên định của Ðức Giáo Hoàng là điều tự nó không thể sửa đổi được, chứ không phải vì sự đồng ý của Giáo hội" (DS 3074).

Ðạo lý này đã được Công Ðồng chung Vatican 2 tái khẳng định và giải thích trong số 25 của Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân: "Giám mục Rôma, vị thủ lãnh của Giám Mục đoàn, được hưởng ơn bất khả ngộ do nhiệm vụ của ngài, khi với tư cách là mục tử và tiến sĩ tối cao của mọi Kitô hữu, ngài củng cố anh em mình vững mạnh trong đức tin (Lc 22,32), công bố một đạo lý về đức tin và phong hóa bằng một phán quyết chung kết. Vì thế, các tuyên định của ngài tự nó, chứ không do sự đồng ý của Giáo hội, là điều không thể sửa đổi được, lý do vì các tuyên định ấy được tuyên bố với ơn phù trợ của Chúa Thánh Linh mà Chúa đã hứa ban cho ngài qua Thánh Phêrô, nên không cần ai khác chấp thuận và không nại tới phán đoán nào khác. Thực vậy, lúc ấy, Ðức Giáo Hoàng Rôma không tuyên bố phán quyết với tư cách cá nhân, nhưng trình bày và bảo vệ giáo lý đức tin Công Giáo với tư cách là thày dạy tối cao của Giáo Hội hoàn vũ, nơi ngài có ơn bất khả ngộ của toàn thể Giáo Hội." (LG 25)

Công đồng dạy thêm rằng: "Ơn bất khả ngộ của chính Giáo hội cũng hiện hữu nơi Giám Mục đoàn khi các ngài sử dụng quyền giáo huấn tối thượng cùng với Ðấng kế vị Thánh Phêrô. Do tác động của cùng một Chúa Thánh Thần, Giáo hội không thể không chấp nhận những tuyên định đó, và Chúa Thánh Thần bảo vệ và phát triển toàn thể đoàn chiên Chúa Kitô trong sự hiệp nhất đức tin..."

Sau cùng, "tuy mỗi giám mục riêng rẽ không có đặc ân bất khả ngộ, nhưng dù tản mác khắp thế giới, nếu thông hiệp với nhau và với Ðấng kế vị Thánh Phêrô, các ngài cùng đồng ý dạy cách chính thức những điều thuộc về đức tin và phong hóa là tuyệt đối đòi buộc phải giữ, thì lúc đó các ngài công bố một cách bất khả ngộ giáo lý của Chúa Kitô. Ðiều đó còn rõ ràng hơn khi họp nhau trong Công Ðồng chung, các ngài là những tiến sĩ và thẩm phán về đức tin và phong hoá cho toàn thể Giáo hội. Phải tuân theo các tuyên định của các ngài với một lòng vâng phục và với tinh thần đức tin" (LG 25).

ÐTC Gioan Phaolô 2, trong bài giáo lý dành cho các tín hữu hành hương tại buổi tiếp kiến chung sáng ngày 24-3-1993, đã khai triển về vấn đề này, và giải thích thêm rằng:

"Ơn bất khả ngộ không được ban cho Ðức Giáo Hoàng như một tư nhân, nhưng với tư cách ngài là người thi hành chức vụ chủ chăn và là thày dạy tất cả mọi Kitô hữu. Ngoài ra, ngài không thi hành ơn bất khả ngộ như là tự mình có quyền, nhưng do quyền bính tông đồ tối cao và nhờ ơn phù trợ Chúa đã hứa cho ngài qua Thánh Phêrô. Sau cùng, Ðức Giáo Hoàng không có ơn bất khả ngộ trong mọi hoàn cảnh, nhưng chỉ khi nào ngài chính thức tuyên dạy từ "ngai Tòa Thánh Phêrô" (ex cathedra) và chỉ ở trong lãnh vực các chân lý có liên hệ chặt chẽ tới đức tin và luân lý mà thôi.

 

IV. Ðiều Kiện để giảng dạy Bất Khả Ngộ

Về những điều kiện để Ðức Giáo Hoàng thực thi ơn bất khả ngộ trong việc giáo huấn, văn kiện của các Công Ðồng Chung Vatican I và II dạy rằng: Ðức Giáo Hoàng phải hành động "trong tư cách là chủ chăn và thày dạy của toàn thể các Kitô hữu", tuyên bố về những chân lý có liên hệ tới đức tin và phong hoá, với những lời lẽ biểu lộ rõ ràng ý hướng của ngài nhắm tuyên định một chân lý nào đó và đòi sự chấp nhận của tất cả mọi Kitô hữu đối với chân lý ấy. Ðây là điều đã xảy ra, ví dụ khi Ðức Piô IX tuyên bố tín điều Ðức Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và ngài dạy rằng: "Ðó là một đạo lý được Thiên Chúa mạc khải và vì thế phải được tất cả mọi tín hữu mạnh mẽ và liên tục tin nhận" (DS 2803), hoặc Ðức Piô 12, khi tuyên bố tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, đã nói rằng: "Với quyền của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, của hai thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô, và quyền của chúng tôi, chúng tôi tuyên bố và xác định đây là một tín điều được Thiên Chúa mạc khải..." (DS 3903)

Khi hội đủ những điều kiện trên đây, người ta có thể nói đó là Huấn Quyền ngoại thường của Ðức Giáo Hoàng: những tuyên định của ngài là điều không thể sửa đổi được, tự bản chất của sự việc chứ không phải vì sự đồng ý của Giáo hội (ex sese, non autem ex consensus Ecclesiae). Ðiều này có nghĩa là các tuyên định các bất khả ngộ ấy của Ðức Giáo Hoàng, để thành sự và hữu hiệu, không cần sự đồng ý trước đó hoặc sau đó của các Giám Mục, bởi lẽ đó là những tuyên định được đề ra với ơn phù trợ của Chúa Thánh Linh, được hứa cho Ðức Giáo Hoàng qua thánh Phêrô, và không cần sự phê chuẩn của người khác và không chấp nhận một sự khiếu nại với một thẩm quyền phán đoán nào khác. Ðây là điều được Công Ðồng Chung Vatican II tuyên dạy trong số 25 của Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân.

Cách đây vài năm, trong Giáo Hội Công giáo có nhiều tranh luận về việc truyền chức linh mục cho phụ nữ. Một vài giám mục ở Mỹ cũng lên tiếng ủng hộ việc truyền chức này, tuy rằng ÐTC đã nhiều lần tuyên dạy rằng Giáo hội không có thẩm quyền đi ngược với ý muốn của Chúa Kitô về việc không truyền chức linh mục cho nữ giới. Ngày 30-5-1994, ngài công bố Tông Thư Ordinatio Sacerdotalis (Truyền Chức Linh Mục), long trọng minh xác rằng:

Vì thế, để không còn hồ nghi nào về một vấn đề quan trọng liên quan tới cơ cấu giáo hội do Chúa thiết lập, tôi nhân danh sứ mạng củng cố các anh em tôi (cf Lc 22,32) mà tuyên bố rằng Giáo hội không hề có quyền truyền chức linh mục cho phụ nữ và lập trường này phải được tất cả các tín hữu của Giáo hội tuân giữ. (n. 4)

Tuy có lời xác quyết của ÐTC, nhưng một tổ chức giáo dân Công giáo Hoa Kỳ là Kêu gọi hành động (Call to action), trong đại hội từ ngày 3 đến 5-11-1995 tại Chicago, cho biết bắt đầu từ thứ tư lễ tro, 21-2-1996, họ sẽ phát động một chiến dịch lớn trên toàn nước Mỹ để cổ võ việc truyền chức linh mục cho phụ nữ và bãi bỏ luật độc thân linh mục, để đối phó với tình trạng thiếu linh mục tại Hoa Kỳ (CNS 9-11-1995).

Ðể đánh tan nghi ngờ ấy, ngày 18-11-1995, Bộ giáo lý đức tin đã ra thông cáo xác nhận đạo lý của ÐTC, trong Tông Thư "Ordinatio Sacerdotalis" là điều thuộc về "kho tàng đức tin" của Hội Thánh, có tính chất chung kết và bất khả ngộ.

Vẫn theo giáo huấn của Công Ðồng Chung Vatican II, vì trách nhiệm nặng nề trong việc giáo huấn, nên ngài cần phải tìm hiểu "cảm thức của Giáo Hội" (Sensus Ecclesiae) trước khi tuyên định một chân lý đức tin, với ý thức rằng việc xác định của ngài là trình bày hoặc bảo vệ đạo lý đức tin Công giáo.

Ðó cũng là điều mà Ðức Piô 9 và 12 đã làm trước khi tuyên bố tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và Ðức Mẹ Linh Hồn Và Xác Lên Trời. Trong số 25 của Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, Công Ðồng Chung Vatican II dạy rằng: "Ðể chân lý cần giảng dạy được điều tra và tuyên bố một cách thích hợp, Ðức Giáo Hoàng và các Giám Mục, do chức vụ và theo tầm quan trọng của vấn đề, làm việc cẩn thận bằng những phương thế thích hợp."

Từ những điều trên đây, chúng ta thấy rằng sự kiện ÐTC tuyên bố Giáo hội không có quyền truyền chức Linh Mục cho phụ nữ và xác định đây là điều thuộc về "kho tàng đức tin của Giáo Hội", thực ra đây không phải là một điều mới mẻ gì. Truyền thống 20 thế kỷ của Giáo hội vẫn tin nhận như thế, và hàng giám mục cũng hầu như tất cả các tín hữu trong giáo hội qua dòng thời gian vẫn xác tín.

 

V. Bộ Giáo Lý Ðức Tin

Cũng nên nói thêm rằng, cơ quan trợ giúp đắc lực cho ÐTC và Giáo hội hoàn vũ trong việc thi hành Huấn Quyền và bảo vệ giáo lý tinh tuyền của Hội Thánh là Bộ Giáo Lý đức tin.

Ðiều 48 của Hiến Chế Pastor Bonus (Mục Tử Nhân Lành), do ÐTC ban hành hồi cuối tháng 6 năm 1988 về việc cải tổ các cơ quan Trung Ương Tòa Thánh, 48 xác định rằng: "Nhiệm vụ riêng của Bộ Giáo Lý Ðức Tin là thăng tiến và bảo vệ đạo lý về đức tin và phong hóa trong toàn thể thế giới Công giáo: vì thế, tất cả những gì có liên hệ một cách nào đó tới vấn đề giáo lý đức tin đều thuộc thẩm quyền của bộ này".

Ðể thi hành nhiệm vụ trên đây, Bộ Giáo Lý Ðức Tin, theo niên giám 2000 của Tòa Thánh, có 14 Hồng Y và 5 Giám Mục thành viên, không kể các nhân viên các cấp và gần 30 vị cố vấn. Bộ được chia thành 4 phân bộ: đạo lý, kỷ luật, hôn phối và linh mục. Ðặc biệt "Phân bộ đạo lý" có trách vụ cổ võ các sáng kiến thích hợp nhắm phổ biến đạo lý lành mạnh và bảo vệ những điểm giáo lý Công giáo đang phải chịu sự tấn kích của những giáo thuyết mới không thể chấp nhận được. Phương pháp làm việc của phân bộ đạo lý có tính cách tập thể, đòi hỏi sự cộng tác của nhiều người ở các cấp độ khác nhau: trước tiên là việc nghiên cứu sơ khởi do các chuyên viên thực hiện, tiếp đến là sự cứu xét của hội đồng cố vấn. Các vị này thường họp mỗi tuần một lần vào sáng thứ hai dưới quyền chủ tọa của vị tổng thư ký của Bộ.

Bộ Giáo Lý Ðức Tin còn được sự hỗ trợ của ủy Ban Thần Học quốc tế, gồm khoảng 30 nhà thần học tên tuổi, và Ủy Ban Tòa Thánh về Kinh Thánh, cũng có khoảng 30 thành viên. Cả hai cơ quan này đều do Ðức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Ðức Tin làm Chủ Tịch.

Bộ Giáo Lý Ðức Tin cũng cộng tác với Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích để cứu xét và phê chuẩn các bản dịch mới những công thức bí tích; với Bộ Giáo Sĩ để cứu xét và phê chuẩn các sách giáo lý; với Bộ Phong Thánh để cứu xét các tác phẩm của các vị thánh được đề nghị tôn phong làm Tiến Sĩ Hội Thánh. Ngoài ra, việc bổ nhiệm các giáo sư thực thụ tại các đại học và các Học Viện Công Giáo giảng dạy các môn học đạo đòi phải có giấy phép của Bộ Giáo Dục Công Giáo; và trước khi cấp giấy phép này, Bộ Giáo Dục Công Giáo cần phải có giấy của Bộ Giáo Lý Ðức Tin chứng nhận là không có gì ngăn trở (Nulla Osta) việc bổ nhiệm này. Sau cùng Bộ Giáo Lý Ðức Tin cộng tác với Hội Ðồng Tòa Thánh hiệp nhất các Kitô hữu về các vấn đề đại kết, nhất là để cứu xét các văn kiện và tuyên ngôn chung do các Ủy Ban đối thoại đại kết soạn thảo.

Bộ Giáo Lý Ðức Tin cổ võ việc thành lập Ủy Ban Giáo Lý Ðức Tin tại các Hội Ðồng Giám Mục để giúp các Giám Mục thăng tiến và bảo vệ giáo lý tinh tuyền của Giáo Hội trong các Giáo Hội địa phương.

 

Linh Mục Ðức Anh, OP.

 

(Trích dẫn Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ số 271, tháng Bảy năm 2000)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page