Ðạo Kitô giáo đã từng thấm nhập vào lòng đất Á châu cả gần 2000 năm, kể từ thời thánh Tôma Tông Ðồ; ở trong mạch sống của Trung Hoa và Việt Nam gần 500 năm (Thánh Francis Xavier) đặt chân tới Việt Nam và Áo Môn gần 500 năm). Song nếu so sánh với Âu Châu hay Phi Châu, đạo Kitô giáo vẫn còn nằm ở bên lề, nếu không nói là bị từ chối. Không phải chỉ vì số giáo dân thưa thớt mà chính là tính chất "ngoại lai" khiến dân trí thức bản xứ nhìn với con mắt nghi ngờ, tò mò và ghen ghét. Không phải vì thiếu quyền hành, mà vì cái biệt dạng mà người bản xứ không hiểu hoặc cho là kỳ cục.
Nói cách chung, đạo Kitô thất bại nhiều hơn thành công. Những con số thống kê về đạo Công Giáo và Tin Lành ở Nhật, Tàu và Ấn Ðộ nói lên một cách chua chát sự thực này. Ngay ở Việt Nam, nếu so sánh với sự phát triển của những đạo bản xứ như Cao Ðài và Hòa Hảo, Công Giáo và Tin Lành vẫn kém xa.
Bản văn sau đây không đi vào chi tiết những nguyên nhân của sự thiếu thành công này, cũng không luận đàm về câu hỏi, tại sao người trí thức Tàu, Nhật và Ấn Ðộ nghi kị Kitô giáo? Câu hỏi này tuy liên quan tới câu hỏi của một nền Thần Học Á châu cách chung và nền Thần Học Việt Nam cách riêng, song nó không phải là trọng tâm của chúng tôi. Trong bản văn này chúng tôi cũng không đả động đến vấn đề triết học (một điểm chúng tôi đã trình bày một cách khái quát trong "Việt Triết Nhập Môn" và "Việt Triết Khả Khứ Khả Tùng?" Trọng tâm của luận văn chỉ gợi một số suy tư về bản thể của tư tưởng Việt và thử nhận định xem, với tư tưởng cá biệt và đặc thù của dân Việt, chúng ta có thể xây dựng một nền thần học, gọi là Thần Học Việt Nam hay không.
Bản tham luận gồm hai phần chính: phần thứ nhất thảo luận sự khác biệt trong hai lối tư duy của Việt và Tây; trong khi phần thứ hai đưa ra một số đề nghị suy tư về Thần Học Việt Nam.
Sự khác biệt giữa hai lối tư duy có thể tóm tắt trong những điểm sau đây:
- Con người như một trụ điểm trong Việt Triết, và con người như một phụ điểm trong Thần Học Tây phương.
- Con người như là một chủ thể trong VT, trong khi như một đối tượng trong THTP.
- Con người là một trung điểm nối kết Trời và Ðất trong Triết Việt, và con người như một thụ tạo trong Triết học Tây phương.
- Con người được sáng tạo song tự tác phong trong VT, và con người được sáng tạo song không tự tác trong THTP.
- Con người trong VT phát hiện giá trị qua hành động đạo đức của chính mình, trong khi con người hoàn toàn vô giá trị trước Thượng Ðế trong THTP.
- Vận mệnh nằm trong tay con người (VT), trong khi định mệnh được định đoạt bởi Thần (Hy lạp) và Thượng Ðế (THTP).
- Thần Học là một môn học giúp con người phát hiện ra tương quan giữa con người và Thượng Ðế, giữa con người và vạn vật (Việt Triết), trong khi Thần Học là một môn học về Thượng Ðế.
- Thế nên, Ðối tượng của Thần Học không phải là Thượng Ðế mà là chính con người (VT), trong khi Ðối tượng của Thần Học là Thượng Ðế (THTP).
- Tương tự, mục đích của niềm tin vào Thượng Ðế là để giúp con người, cứu độ con người (VT), trong khi mục đích của niềm tin vào Thượng Ðế chỉ để tin và ngưỡng mộ Thượng Ðế (THTP).
- Một mục đích nữa của thần học để chứng minh sự hiện hữu, sự toàn năng của Thượng Ðế (Triết học Tây phương), trong khi đó, Việt Triết tập trung vào sự kiện, làm thế nào để được Thượng Ðế giúp đỡ.
- Thượng Ðế được nhân hóa (VT, thí dụ Ông Trời, ông Trăng, chú Cuội), trong khi Thượng Ðế được tuyệt đối hóa (THTP).
- Sự hiện hữu của Thượng Ðế là một điều tất nhiên, không cần phải chứng minh (VT), trong khi đó Thượng Ðế khác con người cả trời lẫn đất, nên cần được chứng minh (THTP).
- Thượng Ðế gần gũi con người, trong những mối tương quan thường nhật (VT). Thượng Ðế xa cách con người, không có tương quan (THTP).
- Do đó, Việt Triết nhấn mạnh đến sự tương thông giữa con người và Thượng Ðế, trong THTP cần những tiên tri, thần, thánh, để có thể liên lạc được với Thượng Ðế.
- Quan niệm về Thượng Ðế biến hóa với sự tương quan của con người với Ngài (thí dụ sự biến hóa của quan niệm Thiên), trong khi Thượng Ðế hoàn toàn bất biến, bất dịch (THTP).
- Con người chỉ tìm đến Thượng Ðế khi không thể giải quyết được những vấn nạn (VT), trong khi THTP đòi buộc con người đến với Ngài từng giờ từng phút, hết lòng hết trí.
- Vì được nhân hóa, nên Thượng Ðế có thể hiểu được theo những tương quan của con người với Ngài, hay qua tương quan của con người với con người (VT). Trong khi trong THTP con người không thể hiểu được Ngài nếu không được mặc khải.
- Hình thức và phân tích (THTP), trong khi tương quan và tổng hợp (VT).
- Luận lý theo lý tính (THTP) trong khi luận lý theo cảm tính (VT).
- Suy tư được hướng dẫn bởi một mục đích có sẵn như chân lý... (THTP), trong khi suy tư không bị mục đích ràng buộc (VT).
- Suy tư một cách trừu tượng (THTP), suy tư một cách thực tiễn và thực dụng (VT)
- Suy tư theo phạm trù ngoại tại (THTP); suy tư theo phạm trù nối tại (VT).
- Suy tư theo lối đóng gọn (THTP); suy tư theo lối khai phóng (VT).
- VT nhận định lễ, nghĩa có thể cải hóa con người. THTP xác quyết là chỉ có nhiệm tích mới có thể biến đổi con người từ tội lỗi thành thánh thiện.
- Lễ và nghĩa được kiến cấu theo tương quan con người và Thượng Ðế, theo tình cảm con người với Ngài; trong khi nhiệm tích được coi như là hồng ân Thượng Ðế ban phát trên con người không có thể định đoạt hay biến đổi. (THTP).
- Lễ và nghĩa không giữ một vai trò quyết định (nhiều khi có thể miễn lễ, miễn nghĩa), trong khi nhiệm tích giữ một vai trò định đoạt. Thí dụ các bí tích rửa tội, truyền chức. (Không được rửa tội, không có cứu rỗi, trước Vat. II).
- Lễ và nghĩa có một công năng giáo dục hơn là quyết định (VT, thí dụ Khổng tử tuy trọng lễ nghĩa, song ngài coi chúng ngang hàng với nhạc).
- Người Việt nhận định Thần, bao gồm tính khí của con người (còn gọi là qủy , khuẩn _ ) cũng như quyền lực siêu việt khỏi con người. Chính vì thế mà (1) bất cứ ai khi còn sống hay qua đời mà có một bản lãnh thông thiên, vượt khỏi con người đều được nâng lên hàng thần. (thí dụ: Thần Siêu Thánh Quát, Quỷ xuất nhập thần), (2) bất cứ lực lượng nào vượt khỏi con người (thần bếp, thần lửa, thổ địa), (3) lực lượng ngoại tại có quyền lực tuyệt đối (Thiên, Thượng Ðế...) Tương tự, chúng ta nhận định Thánh như một con người trổi vượt về các phương diện đạo đức, học vấn, chính trị v.v... (Các vua thích được đệm chữ thánh vào giữa: Lê Thánh Tông, Trần Thánh Tông v.v...; hay Thánh thượng hoàng, Thánh Khổng, Thánh Trần Hưng Ðạo, Thánh Dóng...). Chữ Thánh cũng có nghĩa như người thông hiểu tâm tư của người dân, nghe được tiếng của trời đất, thấu hiểu được thiên mệnh. (Chữ Thánh gồm các bộ: khẩu , nhĩ , vương - ). Chính vì thế mà, bất cứ ai, nếu có đức độ hơn người, có học thức hơn người, có tài lực hơn người, có quyền hành hơn người, đều được tôn làm thánh.
Trong THTP, Thượng Ðế là Thánh (holy) và Thần (sacred). Thế nên Thánh và Thần chỉ là những thuộc chất (attributes) của Người mà con người không có. Thánh thần biểu tượng cho tuyệt đối, vô tội, toàn diện, toàn năng. Ngược lại, tuy vượt khỏi con người song không có toàn thiện, THTP gọi là quỉ hay satan, hay démon (demon nguyên nghĩa bao hãn hai chất dữ và chất xấu.)
Hiểu như vậy, con người tự thân không thể trở thành thần, cũng không có thể thành thánh. Con người có thể trở thành thánh được (quan niệm từ thời Trung cổ) phải qua nhiệm tích (rửa tội, sức dầu), được hồng ân của Thiên Chúa, hiệp thông với Ngài (nhiệm tích Thánh Thể, Thêm Sức) và hoàn toàn thoát khỏi tội lỗi (tức được Thượng Ðế cho cộng thông vào bản tính của Ngài).
Những dị biệt trên không phải chỉ nằm trên bình diện, song tiềm ẩn trong hai bản thể khác biệt của hai nền suy tư Việt và Tây. Thế nên, chúng ta không lấy làm lạ gì khi thấy những điểm bất đồng này không dễ hoặc khó có thể giải quyết được một cách thỏa đáng. Sau đây, chúng tôi rút ra một số điểm mà các nhà thần học và Triết học Trung Hoa bàn cãi trong 15 năm gần đây (Các linh mục Trương Xuân Thăng, Phương Chí Long, Lý Chấn Anh, Luis Gutheinz, các Giáo sư Phụ Phị Long, Thẩm Thành Tùng, Hạng Thuây Kết và bổn nhân:
- Ðức Kitô (Thần Thánh) ngược lại với Khổng tử (Thánh).
- Ngoại tại ngược nội tại (Thiên Ðường và Trần Thế).
- Bí tích ngược với lễ, nghĩa (Sacraments vs. Rites, Ethi- quettes).
- Tuyệt đối ngược với tương đối
- Tội nguyên tổ ngược với tính bản thiện của con người.
- Ðịnh mệnh (Thiên định) ngược với nhân tác.
- Nhất nguyên ngược với đa nguyên hay tương nguyên.
- Thiên ngược với nhân.
- Trời ngược với đất.
- Thượng Ðế có vị cách, ngược với Thánh nhân.
- Mọi người có thể trở thành thánh (Nho giáo), ngược với THTP chủ trương là chỉ có Thượng Ðế mới là Thánh và Thần.
Nêu ra những điểm cá biệt cũng như khác biệt giữa hai nền thần học, không phải chỉ để hiểu nguyên nhân của sự thiếu thành công của công việc truyền giáo tại Á Châu. Ngược lại, chúng tôi theo chiến lược của Tôn Tử "biết mình biết người trăm trận trăm thắng", nhận định là, chính vì nhận ra những khác biệt trên mà chúng ta có thể khắc phục được những khó khăn mà các nhà truyền giáo tây phương đã gây ra.
Chúng tôi nhận định, vượt xa hơn giới thần học Trung Hoa, thần học gia Việt Nam có thể khắc phục được những điểm mâu thuẫn trên bằng cách đưa ra một tổng hợp mới, hay một nền thần học mới. Lý do như chúng tôi đã trình bày trong phần bàn về Việt Triết (Việt Triết Nhập Môn, phần 2 và 3), bản tính của suy tư Việt là biện chứng siêu việt, tức có thể từ những mâu thuẫn tìm ra một lối giải đáp toàn vẹn siêu vượt hơn. Trong mạch văn này, chúng tôi tạm đề nghị
Mục đích của Thần Học không chỉ là Thượng Ðế, hay chỉ là con người, mà còn là sự tương quan giữa con người và Thượng Ðế.
Tiểu đề:
- Con người làm thế nào nhận ra Thượng Ðế?
- Tại sao Thượng Ðế cứu độ con người?
- Mối tương giao giữa con người và Thượng Ðế
- Từ sa đọa tới lịch sử cứu độ (từ vong thân tới tự thân)
- Làm sao nhận thức được Thượng Ðế qua sự tương quan, qua bản chất con người (Erkenntnistheorie)
- Sáng tạo (Shopfung, Creation) và Tác tạo (Menschenwerden):
Con người được cộng tác vào công trình tác tạo của Thượng Ðế bằng cách tự tác tạo (qua lao động, trí động...)
- Sự biến đổi của Tương Quan giữa con người và Thượng Ðế và lịch sử cứu độ (Heils- mysterium và Heilsgeschichte).
- Vai trò của Nhiệm Tích và sự Tác tạo của Con người.
- Lễ Nghĩa trong công trình tác tạo của con người.
- Nhiệm Tích không phải là Bí tích; Mầu nhiệm được hiểu theo thành quả của công việc tác tạo.
- Thông Diễn (Hermeneutics): Ði tìm mục đích, phương pháp, các đặc tính chung để hiểu sự tương quan giữa con người và Thượng Ðế: cộng cảm, cộng tính, cộng ngôn, cộng mệnh, cộng hoạt,
- Siêu Việt Biện Chứng: Ði tìm một tổng hợp có thể giải quyết mâu thuẫn giữa hai nền thần học đông tây, song vẫn có thể giữ lại bản chất của Kitô giáo cũng như Việt tính.
- Kiến cấu (Constructivism): phát triển những nhu cầu mới, những tương quan mới, những thay đổi trong tương quan giữa con người và Thượng Ðế. Tìm hiểu những tương lai trên có đúng hay sai (bằng cách chứng nghiệm). Sau đó đi kiến cấu những khái niệm với về Thần học.
- Những phương pháp khoa học khác như khảo cộ, hệ phả học, phân tích...