Chương Trình Nghiên Cứu

Tư Tưởng Trong Văn Hóa Việt

Và Ủy Ban Nghiên Cứu Tư Tưởng Việt

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

1. Sự Thiết Yếu

Văn hóa vốn là linh hồn của một dân tộc. Thân thể bệnh tật, một phần chính vì tâm linh bất toàn. Thế nên, ta có thể lý luận cho rằng sự trổi vượt hay thua kém của bất cứ một dân tộc nào đều phản ánh nơi văn hóa của họ. Một dân tộc bất khuất hay nhu nhược, thông minh hay ngu độn, nhân đạo hay tàn ác... đều có thể biết được qua chính nền văn hóa. Với một nền văn chương thi ca toàn những câu tâng bốc, những ngôn từ sặc máu, đầy ắp khích động hận thù, ta khó có thể tưởng tượng được dân tộc ấy nhân đạo, cương trực, liêm chính. Với tập quán xôi thịt, với phong tục tranh quyền cố vị, với nền "đạo đức" ăn trên ngồi chốc, xã hội như vậy chỉ có tranh chấp, đấu tranh và tham nhũng, nhưng không thể có tiến bộ. Những nhận xét của nhiều thức gỉa -- từ thời Nam Phong tạp chí, qua thời Tự Lực Văn Ðoàn tới thời nay, từ thời Phan Khôi, Vũ Trọng Phụng tới thời Nguyễn Gia Kiểng -- về tính chất tiêu cực của văn hóa Việt hẳn không phải chỉ là sản phẩm tưởng tượng của nhóm trí thức "trưởng giả" thích "vạch áo cho người xem lưng." Làm sao chúng ta có thể giải thích được sự kiện, từ những đống gạch vụn, kẻ bại trận Nhật và Ðức đã thành hai cường quốc kinh tế, khoa học và kỹ thuật. Trong khi cũng trên 20 năm hòa bình, tài nguyên giàu hơn Nhât và không kém Ðức, người chiến thắng vẫn cầm đèn đỏ trong hầu hết mọi lãnh vực. Chúng ta thường đổ lỗi cho ngoại bang. Không chỉ có thế. Nam Hàn, Do Thái, Ðài Loan đều bị ngoại bang đe dọa và chi phối. Nhưng họ vẫn phát triển, vẫn giầu. Hay là do chính sách, thể chế sai lầm? Cũng không hẳn như vậy. Ấn Ðộ có một thể chế dân chủ vào loại nhất Á châu, nhưng vẫn tụt lùi gần như trong mọi lãnh vực khác, ngay cả nhân quyền. Chính sách của Tân Gia Ba chẳng có dân chủ tí nào, nhưng lại làm nước này cường thịnh. Vậy thì, nguyên nhân chính yếu có lẽ là chính văn hóa. Bởi lẽ thể chế, chính sách luôn gắn liền với văn hóa, với lối suy tư. Có phải đó là nền văn hóa "nhẫn nhục"? Qúa nhẫn nhục đến thành hèn nhát, bất lực! Ðầu thế kỷ thứ 20, Lỗ Tấn đã vạch trần mặt trái của một nền văn hóa nhẫn nại, phục tòng, thụ động của Tầu. Vào cuối thế kỷ, biết bao trí thức Việt cũng đã mổ xẻ cái bướu bất trị này trong văn hóa Việt. Có phải đó là nền văn hóa "con rùa" (hay lạc đà)? Nhà Thanh đã làm gì để đối phó với Tây phương? Nhà Nguyễn đã làm gì để chống chọi người Pháp? Bế quan, tỏa cảng! Từ chối giao tiếp, từ chối đối thọai, từ chối tiếp nhận! Sát hại những ai dám tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Ðể rồi chịu nhục vì bát quốc Liên Minh! Ðể rồi bị Pháp đô hộ cả gần 100 năm! Ðó là tư cách con rùa rụt cổ vào vỏ, con lạc đà chui đầu trong cát. Ðó là một nền văn hóa trốn trách nhiệm: trên đổ cho dưới, dưới đổ cho dân ngu cu đen. Ðó là nền văn hóa kín cổng cao tường, một nền văn hóa trì trệ. Ðó là một nền văn hóa lệ thuộc, thích làm bồi Tây, bồi Mỹ, bồi Nga, vân vân. Một nền văn hóa như vậy, thì cả ngàn năm sau, cho dù bất cứ ai cai trị đi nữa, thì chính thể vẫn thế, chính sách vẫn vậy.

"Sự thật mất lòng" nhưng "thuốc đắng đã tật." Ðã đến lúc mà ta phải trực diện với chính nền văn hóa của mình. Nhận ra khuyết điểm, học hỏi phương thế chữa chạy, đó chính là những bước đầu tất yếu trong công cuộc xây dựng nền văn hóa của mình. Chẳng có gì đáng xấu hổ khi nhận ra sự yếu kém của mình. Chỉ đáng buồn khi chúng ta cứ cố ý tự lừa mình, như con bò tự thổi phồng nó lên. Chỉ đáng sợ nếu chúng ta vẫn chưa bỏ được tâm thức của con ếch nằm dưới đáy giếng nhìn thiên hạ. Chỉ còn trì trệ khi mà ta "không biết mình, cũng chẳng biết người." Và chỉ còn là cái chết khi mà văn hóa lệ thuộc, nịnh hót, đầu độc làm ta chán ghét, hãi sợ sự thật (trung ngôn nghịch nhĩ) và chạy theo hưởng thụ.

Chúng ta thử hỏi. Cao Bá Quát đã có "công gì với núi sông" cho ngay cả khi ông đã "nắm được ba bồ chữ trong tất cả bốn bồ chữ của thiên hạ"? Thực ra, Cao Bá Quát, Lê Văn Siêu, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương chỉ là đại biểu cho những người chủ trương nền "văn hóa trì trệ" (nói theo nữ sỹ Lê Thị Huệ). Sẽ chẳng bao giờ có tiến bộ ngay cả khi câu khoe khoang "Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán, Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Ðường" có thật đi nữa. Tại sao cứ phải so mình với người Tầu, người Tây. Tại sao ta không dám nghĩ, dám làm, và dám vượt họ? Với một não trạng "ngạo mạn với người mình, tự ti với người ngoài" như vậy, làm sao mà có tiến bộ. Làm sao mà ta "ngóc đầu" lên được! Tại sao cứ phải đao to búa lớn với bốn ngàn năm văn hiến, với hàng ngàn tiến sĩ khắc trên bia Văn Miếu, khi mà ngay cả một chiếc xe đạp ta cũng không thể tự chế tạo? Chúng ta có hàng vạn thi sĩ, nhưng có mấy ai ảnh hưởng tới cả nhân loại như Dante, Goethe, Shakespear, vân vân? Có phải đại thi hào chỉ là loại thợ thơ ca tụng lãnh tụ (gồm cả lãnh tụ nước Nga, nước Tầu), với sáo ngữ, tuy mỹ lệ nhưng trống rỗng, vô thực? Nếu chỉ có thế thì, nói theo Nguyễn Du, "rằng hay thì thật là hay" nhưng mà "nghe như ngậm đắng nuốt cay thế nào"!

Vậy thì, nghiên cứu văn hóa đồng lúc cũng là phản tỉnh, phê bình và học hỏi. Bài học bế quan tỏa cảng của Tầu. Bài học nước Ðức, nước Mỹ, nước Nhật và cả nước Tân Gia Ba là những bài học ta không được phép quên. Ngẫm người lại nghĩ đến ta. Cái gì đã làm người ta thay đổi? Cái gì đã làm họ phát triển? Và cái gì đã làm ta lạc hậu? Tính ngạo mạn từ thời cha ông cho tới ngày nay (tự cho mình cái gì cũng nhất thế giới) đã làm cho nước Tầu "vĩ đại" lẹt đẹt, đã làm bốn ngàn năm văn hiến An Nam lẽo đẽo. Óc tự ti đã khiến ta lệ thuộc vào văn hóa Tầu, rồi Pháp, rồi Nga và, ngày nay, Mỹ. Ta chỉ mong được phần nào giống Tầu, giống Tây, giống Nga, giống Mỹ. Ngược lại, người Ðức không thế. Bài học bại trận, bị cưa cắt đất đai, bị phân tán thật chua cay bi đát đã giúp người Ðức nhận ra sự thua kém của họ. Chẳng cần tự hào với "bốn ngàn năm văn hiến," họ đã có thể trở thành đầu óc của nhân loại với những Kant, Hegel, Marx, Einstein, Heisenberg, Beethoven, Brahms, vân vân. Từ một đám dân hỗn tạp, Mỹ đã trở thành đại cường quốc trong vòng hai thế kỷ, và dẫn đầu thế giới gần như trong tất cả mọi lãnh vực. Với một nguồn nhiên liệu ít ỏi, tài nguyên hạn hẹp và đầy thiên tai, Nhật đã làm thế giới khâm phục và khiếp hãi. Gần ta hơn, chỉ với vài ba triệu dân, một mảnh đất nhỏ xíu, với khoảng 40 năm lập quốc, và luôn trong tình trạng bị Mã Lai to lớn đe dọa, Tân Gia Ba đã biến thành một con rồng nhỏ. Lợi tức người dân cao thứ nhì sau Nhật ở châu Á, và được tiếng thơm là sạch sẽ, trật tự và an toàn vào loại nhất thế giới. Chẳng cần phải nói, cái tinh thần làm cho các nước trên tiến bộ, chính là nên văn hóa của họ. Người dân Tân Gia Ba không rêu rao bốn hay năm ngàn năm văn hiến. Họ chỉ cầu tiến. Văn hóa của họ là văn hóa cầu tiến, chứ không phải là văn hóa hoài cổ, nệ cổ và trì trệ. Họ không bắt chước người khác như con vẹt hay con khỉ. Họ học từ Mỹ và Âu châu, không phải để giống như những nước da trắng, nhưng để vượt khỏi chính những nước thầy này. Chỉ riêng về giáo dục, vào thập niên 1990s, họ đã đủ sức tranh đua với Âu Mỹ (Năm 1987, thủ tướng Lý Quang Diệu đã dám tuyên bố là Ðại Học Quốc Gia Tân Gia Ba không những không thua, mà còn khá hơn nhiều đại học lớn của Âu châu). Và gân đây, nền giáo dục của nước tí hon nay đã trở thành mẫu mực nhiều nước phải học. Ðại học của Tân Gia Ba tranh đua nghiêng ngửa với những đại học thời danh nhất của Anh như Oxford và Cambridge. Ngược lại, đại học tốt nhất của Việt nam vẫn thua xa các đại học Thái Lan tới 15 hay 20 lần (theo Giáo sư Hoàng Tụy trong bài phỏng vấn trên Vietnam Express, 8.2005). Học nơi người không phải là tự ti. Học để làm bồi họ (làm thông, làm phán) mới là điều nhục. Học để "sáng sữa bò tối sâm banh," "để võng anh đi trước, võng nàng theo sau," để đè nén thiên hạ, vinh thân phì gia "một người làm quan, cả họ được nhờ," đó chính là cái học ngu dân và nô lệ. Một cái học phản giáo dục. Cái học thật phải là cái học để tự lập, để vươn lên, để hay hơn, để hoàn hảo hơn. Ðó chính là cái học vượt khỏi tình trạng trì trệ hiện tại. Cái học tiến bộ.

Từng lăn lội trong giảng đường đại học nhiều năm, chúng tôi không chỉ ý thức được cái hay, càng nhận thức được cái kém của mình. Chúng tôi càng nhận ra cái thế đứng bé nhỏ, khiêm tốn (nếu không dám nói là "không hiện hữu") của văn hóa nhà. Với quyết tâm phải làm một cái gì để dân tộc chúng ta có thể "ngóc đầu" lên (Kim Ðịnh), để chúng ta có thể tự hào với "cây nhà, lá vườn," ta cần phải có nhiều nhóm nghiên cứu, mục đích tìm kiếm, tu bổ và phát triển nền văn hóa Việt. Tìm kiếm tinh hoa, mổ xẻ khiếm khuyết, tu bổ cái đương suy sụp, phát triển thành một cái gì đẹp hơn, tốt hơn và lợi hơn, đó là những công việc tất yếu làm thăng hoa Việt Nam.

 

2. Thành Lập

Trong qúa khứ Ủy Ban Nghiên Cứu Việt Triết (UBNCVT) đã từng có ước vọng truy tầm và xây dựng một nền triết học Việt. Những tác phẩm của Giáo sư Kim Ðịnh (1915-1993), rồi những thành qủa của Tiến sỹ Vũ Ðình Trác (1928-2003), và gần đây những tác phẩm của các Giáo sư Phan Ðình Cho, Vũ Kim Chính, và Trần Văn Ðoàn cũng như sự tham gia tích cực vào những cuộc hội thảo quốc tế đã gây được phần nào chú ý của giới hàn lâm Việt và thế giới. Tuy nhiên, một phần vì sự ra đi của Kim Ðịnh và Vũ Ðình Trác, hai thành viên nòng cốt, một phần khác, do nhu cầu, và đặc biệt, do tình hình nghiên cứu tư tưởng Việt tại nước nhà đương có những biến đổi rất khả quan, chúng tôi đã quyết định nới rộng lãnh vực nghiên cứu. Không chỉ hạn chế trong lãnh vực triết học, mà nới rộng ra vào trong lãnh vực quảng bác hơn, đó chính là tư tưởng Việt (bao gồm ngôn ngữ, thần học, tôn giáo, xã hội, nghệ thuật, tâm lý, vân vân). Làm như vậy, chúng tôi không chỉ tiếp nối chí hướng của hai tiền bối, cụ Kim Ðịnh và cụ Vũ Ðình Trác, mà còn có thể đáp ứng được sự đòi hỏi của giới trí thức tại quốc nội và hải ngoại, đặc biệt những nhà nghiên cứu trẻ tuổi. Ðây là những lý do chính yếu tại sao UBNCVT được nới rộng thành Ủy Ban Nghiên Cứu Tư Tưởng Việt (UBNCTTV).

Ủy Ban Nghiên Cứu Tư Tưởng Việt chính thức ra mắt từ mùa Hè năm 2005 tại New Orleans, sau cuộc trao đổi giữa Học giả Trần Cao Tường, và Giáo sư Trần Văn Ðoàn của Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan.

 

3. Mục Tiêu

- Phát động công việc nghiên cứu tư tưởng Việt, và áp dụng vào trong các lãnh vực khác như ngữ học, tôn giáo, nghệ thuật, xã hội, tâm lý, vân vân.

- Cổ võ thế hệ học giả trẻ đi sâu vào lãnh vực tư tưởng Việt.

- Giúp các luận án (Thạc sỹ và Tiến sỹ) trong và ngoài nước về tư tưởng Việt.

- Xuất bản tác phẩm liên quan (chủ yếu, Việt ngữ và Anh ngữ).

- Cộng tác với những cơ quan nghiên cứu Việt học trong và ngoài nước như Viện Triết Ðạo (Washington, D.C.), The Ellacuria Chair of Catholic Thought (ÐH Georgetown), Center for Research in Values and Culture (ÐH Catholic University of America), Viện Tôn Giáo (ÐH Phụ Nhân, Trung Hoa), Khoa Văn Hóa và Khoa Ðông Phương (ÐH Quốc Gia Tph. Hồ Chí Minh), Bộ Môn Tư Tưởng Việt Nam (Viện Triết Học, Hà Nội), The Council for Research in Values and Philosophy, vân vân.

 

4. Cơ Quan

Ủy ban Nghiên Cứu Tư Tưởng Việt không có cơ sở cố định. Tuy nhiên, những Ðại Học, những Viện Nghiên Cứu (nơi các thành viên phục vụ) và một số Gia trang Ðiện tử sau đây, trên nguyên tắc, ủng hộ công việc của nhóm. Tại những đại học này, và những cơ quan sau, sinh viên có thể nghiên cứu, hay tìm hiểu thêm về tư tưởng Việt:

- Viện Triết Ðạo với Tập san Triết Ðạo (Washington, D.C., Mỹ)

- ÐH Georgetown, Chair Ellacuria (Washington, D.C.)

- ÐH Phụ Nhân, Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo (Ðài Bắc, Ðài Loan, Trung Hoa)

- ÐH Khoa Học Xã Hội Nhân Văn, Khoa Văn Hóa Học và Ðông Phương Học (Saigon, Việt Nam)

- ÐH Salburg, Viện Thần Học, Institut der interkulturel Theologie (Salzburg, Áo)

- ÐH Catholic University of America, Center for Research in Values and Culture (Washington, D.C).

- ÐH Seatlle (Mỹ) (Giáo sư Tiến sỹ Lê Xuân Hy và Giảng viên Trịnh Ðình Thảo).

- ÐH Quốc Gia Ðài Loan, Trường Triết Học (Ðài Bắc, Trung Hoa)

- ÐH Harvard, Yenching Institute (Boston, Mỹ)

- ÐH Bắc Kinh, Trường Triết Học và Tôn Giáo (Trung Quốc)

- The Asian Journal of Philosophy (Nhật, Ðại hàn, Phi, Ðài Loan)

- The Council for Research in Values and Philosophy (Mỹ)

- www.dunglac.net

- www.simonhoadalat.com

- www.vientrietdao.org

- www.catholic.org.tw/vntaiwan

- www.crvp.org

 

5. Thành Viên:

Bao gồm những thành viên cũ của UBNCVT như Phan Ðình Cho (USA), Vũ Kim Chính (Ðài Loan) và Trần Văn Ðoàn (Austria / Ðài Loan), thêm vào Giáo sư Trần Ngọc Thêm của ÐH Khoa Học Xã Hội Nhân văn, Saigon, và học giả Trần Cao Tường (New Orleans, USA):

(1) Phan Ðình Cho (Phan Peter C.)

- Tiến sỹ Thần Học (ÐH St. Anselm, Rome), Tiến sỹ Triết Học (ÐH London), Tiến sỹ Danh dự (ÐH Chicago Theological Union). Giáo sư Giảng Tọa Ellacuria về Tư Tưởng Xã Hội Công Giáo, ÐH Georgetown, Mỹ. Giáo sư Thỉnh Giảng, ÐH Columbia (New York), ÐH Ateneo de Manila (Phi). Viện sỹ, Hội Thần Học Gia Bắc Mỹ.

- Gs Cho từng giữ chức Viện trưởng Viện Thần Học, Catholic University và ÐH Dallas; Ông là người Á châu (da mầu) đầu tiên được bầu làm Chủ tịch, Hiệp Hội Thần Học Bắc Mỹ. Tác gỉa gần 20 tập sách nghiên cứu bằng Anh ngữ, trong đó có hai tập được giải thưởng và 1 tập "bán chạy nhất". Gs Cho sáng lập Viện Triết Ðạo, và chủ biên tập san Triết Ðạo. Ông chuyên về Thần học Á châu, và thần học Việt trên đất Mỹ. Ông được coi như là một trong những nhà thần học nổi tiếng của Mỹ hiện nay.

- Giáo sư Cho đã xuất bản gần 20 tác phẩm (Anh ngữ) và rất nhiều luận văn khoa học đăng trên những Tập san quan trọng của Âu, Mỹ và Á châu. Các Tác Phẩm đại biểu (liên quan với Tư Tưởng Việt): (1) Mission and Catechesis, (2) In Our Own Tongues - Perspectives from Asia on Mission and Inculturation, (3) Christianity with an Asian Face, (4) Being Religìous Interreligiosity: Asian Perspective on Interfaith Dialogue.

(2) Vũ Kim Chính

- Tiến sỹ Triết Học (ÐH Innsbruck, Áo), Tiến sỹ Thần Học (ÐH Phụ Nhân, Trung Hoa). Giáo sư Tôn Giáo Học, Ðại Học Phụ Nhân, Trung Hoa Dân Quốc.

- Giáo sư Chính từng được bầu làm một trong những giáo sư xuất sắc nhất của Ðại Học Phụ Nhân. Ông hiện giữ chức tương đuơng với Phó Giám Ðốc ÐH Phụ Nhân, một trong những đại học tư thục nổi tiếng ở Á châu. Ông chuyên về Triết học Tôn giáo, Thần học giải phóng. Ðồng thời rất chú tâm vào nền Thần học và Triết học Việt Nam.

- Vũ Kim Chính là tác giả nhiều tập khảo luận nghiên cứu viết bằng Ðức ngữ vể hiện tượng học và Trung ngữ về thần học hiên đại, cũng như hàng chục luận văn khoa học viết bằng Anh ngữ, Trung ngữ và Việt ngữ đăng trên nhiều Tập san nghiên cứu tại Hồng Kông, Ðài Loan, Mỹ và Ðức.

- Các phẩm đại biểu liên quan tới tư tưởng Ðông phương: (1) Thần Học Mạch Lạc trung đích Thuyên Thích (Trung Ngữ ), (2) Nhân Thần Hội Thông (Trung ngữ).

(3) Trần Ngọc Thêm

- Tiến sỹ Ngữ Học (ÐH St. Peterburg, Nga), Viện sỹ Hàn Lâm Viện Nga. Giáo sư Văn Hoá Học, Ðại Học Quốc Gia Tph. HCM, Việt Nam.

- Giáo sư Thêm là một trong những giáo sư trẻ và nổi tiếng ở Việt nam hiện nay. Ông từng giảng dậy ở ÐH Hà Nội. Hiện là chủ nhiệm bộ môn Văn Hóa Học, ÐHKHXHNV, Ðại Học Quốc Gia Saigon.

- Trần Ngọc Thêm là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về ngữ học và văn hóa Việt. Tác phẩm của ông được dùng để giảng dậy trong nhiều giảng đường ở Việt Nam. Ông thuộc số rất ít học giả trong nước được cộng đồng Việt kiều trí thức chú ý đến.

- Tác phẩm đại biểu: (1) Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam, (2) Tìm Về Bản sắc Văn Hóa Việt Nam. TVBSVHVN là một tập sách được giới nghiên cứu văn hóa Việt rất trân trọng. Tập sách sau đã được tái bản nhiều lần. Hiện hai bản Anh và Pháp ngữ đương được sửa soạn xuất bản.

(4) Trần Cao Tường

- Thạc sỹ Triết học (ÐH Latran, Rome), Thạc sỹ Thần học (ÐH Loyola, Mỹ).

- Trần Cao Tường là một văn sĩ tôn giáo được rất nhiều người biết tiếng không phải chỉ với lối văn trong sáng, vui tươi nhưng còn mang một sứ điệp sâu rộng: cổ võ giới trẻ Việt vươn lên cho xứng đáng với con cháu Tiên Rồng. Chủ trương "về nguồn Việt" của ông từng được triết gia Kim Ðịnh chú ý và ủng hộ. Ông sáng lập và chủ trương Gia trang dunglac.net cũng như biên tập viên của một số tập san văn hóa, tôn giáo tại Mỹ.

- Thạc sỹ Tường đã xuất bản trên 10 tập sách, trong đó có Về Nguồn Việt Ðạo. Các tác phẩm của ông được giới trẻ Việt tại Mỹ rất ưa thích.

(5) Trần Văn Ðoàn

- Tiến sỹ Triết học (Innsbruck, Áo), Giảng sư Ðại học (Habilitation) (Salzburg). Tiến sỹ Danh dự (ÐH St. Francis Xavier). Viện sỹ các Viện: Academia di Lincei (Ý), Paulus Gesellschaft (Ðức-Ý-Áo), The Philippines Academy of Philosophy (Phi), The Academy of Universalism (Ba Lan), và Triglav Circle (Mỹ). Hiện ông giữ ghế Giáo sư môn Lịch sử Triết học Tây phương tại Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan.

- Trần Văn Ðoàn từng là Giáo sư Thỉnh giảng tại nhiều Ðại học trên thế giới như ÐH Vienna (Áo), ÐH Bắc Kinh (Trung Quốc), ÐH Oxford (Anh), ÐH Louvain (Bỉ), ÐH Frankfurt (Ðức), ÐH Hà Nội, ÐH Kyoto (Nhật), ÐH Lisbon (Bồ), vân vân.

- Ngoài ra, ông hiện kiêm chức Chủ tịch, Hiệp Hội Triết Gia Á Châu (Union of Asian Philosophers), và Ủy Viên Ðiều Hành (Steering Committee), Liên Hiệp Hội Triết Học Thế Giới (Fédération internationale des sociétés de philosophie), cũng như phối hợp viên, The Council for Research in Values and Philosophy (Washington, D.C.). Giám đốc, The Asian Journal of Philosophy; chủ bút Trung Quốc Triết Học Ðại Từ Thư (Trung ngữ, Trung Hoa).

- Ông là Tác giả trên 15 tập sách và trên 150 luận văn nghiên cứu viết bằng Anh, Ðức, Trung, Pháp, Ý và Việt ngữ. Một số tác phẩm đã được dịch sang tiếng Nhật, Nga và Nam Dương. Tác phẩm đại biểu: Việt Triết Luận Tập (3 Tập, 2000-2006) cũng như The Idea of a Viet-Philosophy (2 Tập).

 

6. Cộng Tác Viên

Ngoài 5 thành viên nòng cốt trên, những học giả sau đây đã nhận lời cộng tác với UBNCTTV:

(1) Nguyễn Tự Cường (Như Hạnh)

- Tiến sỹ Phật Học (ÐH Harvard). Hiện là Giáo sư Tôn Giáo học, ÐH George Mason, Virginia (Mỹ). Giảng viên, Viện Triết Ðạo (Washington, D.C.)

- Ngoài những ngôn ngữ hiện đại, Giáo sư Cường thông thạo nhiều cổ ngữ, đặc biệt tiếng Phạn, Tây Tạng và Hán ngữ. Ông đã xuất bản một số tác phẩm quan trọng về Phật giáo Việt bằng Anh ngữ. Ðặc biệt những nghiên cứu và bản dịch Anh ngữ Thiền Uyển Tập Anh của ông được đánh giá rất cao. Ông cũng là dịch giả (từ Việt sang Anh ngữ) của tập thơ Du Tử Lê.

- Ông được coi như một trong những chuyên gia hàng đầu về Phật Giáo Việt Nam và Tây Tạng tại Mỹ.

(2) Trần Văn Toàn

- Tiến sỹ Triết Học (ÐH Louvain).

- Giáo sư Toàn nguyên là Giáo sư Triết Học, ÐH Công Giáo Lilles, Pháp. Trần Giáo sư từng dậy tại ÐH Huế, Sài Gòn và ÐH Lovanium (Congo). Hiện ông là Giáo sư bán phần bộ môn Thần Học tại Lilles, và là thành viên một số Uỷ Ban Nghiên Cứu về tư tưởng Công giáo Việt vào thế kỷ 19.

- Trần Văn Toàn là một học giả nổi tiếng về chủ thuyết Mác-Xít, Feuerbach. Vào thập niên 1960s, ông và Trần Ðức Thảo là hai học gỉa Việt duy nhất có những báo cáo khoa học đăng trên các Tập san Triết học tại ngoại quốc. Ông từng xuất bản một số luận văn quan trọng bằng Pháp ngữ trên Revue philosophique de Louvain. Tác giả của Triết Học Karl Marx, vân vân.

(3) Nguyễn Thái Hợp

- Tiến sỹ Triết Học (ÐH Fribourg, Thụy Sỹ), Tiến sỹ Thần Học (ÐH Sao Paulo, Ba Tây).

- Giáo sư Hợp từng giảng dậy tại Nam Mỹ, và hiện là Giáo sư bán phần, ÐH Angelicum (St. Thomas), Rome, Italy. Ðồng thời Giáo sư Hợp cũng kiêm nhiệm chức Viện Trưởng, Học Viện Ða Minh (Saigon), và giảng thuyết tại nhiều học viện Công giáo tại Việt Nam. Ông cũng là Giảng viên, Viện Triết Ðạo (Washington, D.C.).

- Nguyễn Thái Hợp là một học giả đa dạng, với một kiến thức sâu rộng về nhiều bộ môn khoa học xã hội, tôn giáo và nhân văn. Ông từng xuất bản nhiều tác phẩm cũng như luận văn bằng Pháp ngữ, Bồ ngữ và Việt ngữ. Tác phẩm đại biểu liên quan đến tư tưởng Việt: (1) Ðường Vào Thần Học về Tôn Giáo, (2) Gía Trị Ðạo Ðức trong Cơn Lốc Thị Trường.

(4) Nguyễn Tài Thư

- Giáo sư Nguyễn Tài Thư từng du học tại Ðại Học Sơn Ðông, Trung Quốc. Trở về nước, ông phục vụ tại Viện Triết Học. Tiến sỹ Triết học, Viện Triết Học. Ông từng giữ chức Phó Viện Trưởng Viện Triết Học, và làm chủ nhiệm bộ môn Tư Tưởng Việt Nam. Ông được Nhà Nước phong hàm Giáo sư năm 2002.

- Ngoài ra, ông cũng giảng dạy tại ÐH Hà Nội, và là Nghiên Cứu Viên Danh Dự, Viện Khoa Học Xã Hội tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc (1999).

- Là tác gỉa của nhiều tác phẩm về Nho gia Việt Nam như Cao Bá Quát, Lê Qúy Ðôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Ðình Chiểu, Phan Huy Chú. Ngoài ra ông cũng xuất bản một số bài viết quan trọng về Phật Giáo.

- Tác phẩm đại biểu: (1) Cao Bá Quát - Con Người và Tư Tưởng, (2) Nho Học và Nho Học ở Việt Nam. Ngoài ra chủ biên: (1) Mấy Vấn Ðề về Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, (2) Lịch Sử Tư TưởngViệt Nam (Tập 1), (3) Lịch Sử Phật Giao Việt Nam.

(5) Ðỗ Quang Hưng

- Giáo sư Tiến sỹ Ðỗ Quang Hưng từng du học tại Nga về môn sử học. Trở về nước, ông giảng dạy tại ÐH Hà Nội. Hiện ông giữ chức Viện Trưởng, Viện Tôn Giáo, Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, và Chủ bút, tập san Tôn Giáo. Ðồng thơi, cũng là Giáo sư Sử học tại ÐHKHXHNV, Ðại Học Quốc Gia Hà Nội. Chủ nhiệm kiêm chủ bút, tập san Nghiên Cứu Tôn Giáo.

- Ông nghiên cứu về Thiên Chúa Giáo ở Việt Nam, và đã xuất bản một số bài viết về lãnh vực này.

(6) Hồng Kim Linh

- Tiến sỹ Khoa Sử Ngữ học (E.P.H.E., ÐH Paris Sorbonne), Tiến sỹ Á Ðông học (ÐH Paris), Cử nhân Thần học (ÐH St. Thomas, Rome), Thạc sỹ Triết học (Institut Catholique de Paris).

- Tiến sỹ Linh từng nghiên cứu tại Nhật, và hiện nay làm việc tại Pháp. Ông từng giảng thuyết tại Ðại Học Hè (Thụy Sỹ và Pháp) cũng như tại Mỹ về văn hóa Việt cũng như ngữ học Việt.

- Hồng Kim Linh là tác giả của Người Việt (2 Tập) (Paris, 1985-1999), Người Nhật dưới mắt Người Việt (Tokyo, 1995).

 

7. Liên Lạc:

Mọi thư từ, ý kiến, phê bình, đóng góp, xin liên lạc về địa chỉ sau:

Tran Van Doan

Department of Philosophy

National Taiwan University

106 Taipei, Taiwan, Republic of China

E-mail: Tran@ntu.edu.tw

Tel. & Fax. 886.2.33663389

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page