Chương Trình Nghiên Cứu

Tư Tưởng Trong Văn Hóa Việt

Và Ủy Ban Nghiên Cứu Tư Tưởng Việt

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Thư Ngỏ

 

Kính Gửi

Qúy Nhân Sỹ Quan Tâm Tư Tưởng Việt

 

Kính thưa Qúy Học Giả thao thức với nền Tư Tưởng Việt,

Chúng tôi, Ban Chủ Trương phát động phong trào nghiên cứu Tư Tưởng Việt, xin được giới thiệu với qúy vị Gia trang Tư Tưởng trong Văn Hóa Việt. Ðồng thời, xin kính mời qúy vị cộng tác vào công trình khơi quật, phát triển và làm rạng danh văn hóa Việt.

Như qúy vị biết, những thập niên gần đây, đã có một số nhân sĩ không nhỏ, hoặc đơn thương độc mã, hoặc qua tổ chức, đi sâu vào lãnh vực vốn ít được chú ý: tư tưởng Việt. Giáo sư Kim Ðịnh, Giáo sư Nguyễn Ðăng Thục, Giáo sư Cao Xuân Huy, Giáo sư Lê Mạnh Thác, Giáo sư Hoàng Sỹ Qúy, rồi Tiến sỹ Vũ Ðình Trác không phải chỉ là những học giả duy nhất. Trước 1975, tập san Phương Ðông (do Gs Hoàng Sỹ Qúy sáng lập) và Tư Tưởng (ÐH Vạn Hạnh) cũng như một số học giả tại Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn đã đi bước đầu. Tại hải ngoại, sau 1975, Hợp Lưu (Mỹ), Triết Ðạo (Mỹ), Tư Tưởng (Úc), Ðịnh Hướng (Pháp), Tuyển Tập Thần Học (Pháp), Triết (Mỹ), Vietnamologica (Gia Nã Ðại) cũng không phải là những tập san duy nhất quan tâm với tư tưởng Việt. Nhiều Gia trang như Simonhoadalat, Vientrietdao, Taiwanmissionary, Talawas, vân vân, đã để dành một phần quan trọng cho tư tưởng Việt. Trong nước, Viện Triết Học đã có cả một bộ môn Tư Tưởng Việt. ÐH Khoa Học Xã Hội Nhân Văn Hà Nội, ÐH Khoa Học Xã Hội Nhân Văn Saigon, Trung Tâm Quốc Học cũng như một số Viện Nghiên Cứu thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam cũng đã có những đóng góp quan trọng đáng kể. Một Cao Xuân Huy, một Trần Ðình Hượu không phải chỉ là những hòn đảo lẻ loi đơn chiếc. Hai vị giáo sư vẫn được tiếp nối bởi những người như Giáo sư Nguyễn Tài Thư, những môn sinh của hai Giáo sư Cao Xuân Huy và Trần Ðình Hượu, vân vân. Tại hải ngoại, Giáo sư Kim Ðịnh, Tiến sỹ Vũ Ðình Trác tuy đã qua đời, nhưng âm hưởng của họ vẫn còn. Hội An Việt vẫn tiếp tục phát huy tư tưởng của người thầy Kim Ðịnh. Năm 1998, Viện Triết Ðạo (Washington, D.C.) ra đời. Cũng trong thời gian gần đây, Viện Việt Học (Orange County) đã được thiết lập. Mục đích không gì khác hơn là chính nền văn hóa Việt.

Thoạt xem, số lượng tuy không ít, nhưng nội dung vẫn còn rất khiêm tốn. Chỉ có một số rất ít luận văn chuyên biệt về tư tưởng Việt. Ðại đa số các bài đóng góp thiên về sử, chính trị, ngôn ngữ, tôn giáo nhiều hơn. Nếu có về triết học, thần học, thì ngoại trừ một số rất ít ỏi, cũng chỉ là những bài giới thiệu triết học, thần học Tây phương mà thôi (thí dụ TuyểnTậpThần Học và Talawas).

Gia trang Tư Tưởng trong Văn Hóa Việt ra đời không có phủ định những cố gắng của những thức giả và những cơ quan, tập san mà chúng tôi đã nhắc đến ở trên. Ngược lại, ban chủ trương chúng tôi nhắm tiếp tục, bổ túc và đi sâu hơn vào lãnh vực tư tưởng trong văn hóa Việt, và chỉ trong lãnh vực này mà thôi.

Ðây là một diễn đàn thuần túy học thuật, không mang mầu sắc chính trị, tôn giáo. Tất cả các bài tham luận, nghiên cứu, phê bình (không phải mạ lị) chỉ cần theo đúng tinh thần khách quan, khoa học, và mang tính cách xây dựng đều được chúng tôi hoan nghênh và cảm tạ. "Luận sự bất luận nhân" đó chính là nguyên tắc mà chúng tôi chủ trương.

Trong niềm mong đợi được cùng qúy vị cùng sánh vai đóng góp vào gia nghiệp văn hóa Việt của chúng ta, chúng tôi xin gửi tới qúy vị những lời cầu chúc chân thành nhất.

Trân trọng

 

Ban Chủ Trương:

- Phan Ðình Cho, Ðại Học Georgetown, Washington, D.C., Mỹ.

- Vũ Kim Chính, Ðại Học Phụ Nhân, Ðài Bắc, Trung Hoa Dân Quốc.

- Trần Ngọc Thêm, Ðại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn (Ðại Học Quốc Gia), Saigon, Việt Nam.

- Trần Cao Tường, New Orleans, Mỹ.

- Trần Văn Ðoàn, Ðại Học Salzburg, Áo / Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan, Trung Hoa Dân Quốc (Phối hợp).

 

Liên Lạc:

Bài vở, ý kiến, phê bình, vân vân, xin gửi về:

Trần Văn Ðoàn

Department of Philosophy, National Taiwan University

106, Taipei, Taiwan, ROC.

E-mail: tran@ntu.edu.tw

Tel. & Fax. 886.2.33663389

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page