Ðây là một đề tài lớn và rất ư quan trọng nếu không muốn nói là vô cùng quan trọng, vì chúng ta muốn bàn đến một vấn đề có liên quan và chi phối toàn bộ cuộc đời chúng ta. Trong phạm vi nhỏ hẹp của bài chia sẻ này, chúng tôi không có tham vọng nói hết vấn đề, chỉ xin cùng các bạn trẻ, đưa ra một cách vắn tắt và bao quát vài nét đại cương như sau:
Cầu nguyện chính là chìa khóa của vấn đề ơn gọi.
Thật vậy, đọc lại truyện các thánh, đặc biệt câu truyện về ơn Chúa kêu gọi các Tông Ðồ Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan, Lêvi..., chúng ta thấy tiếng gọi của Chúa đến thật bất ngờ. Ðiều đó đòi buộc chúng ta phải sẵn sàng, khi Người đến mời gọi chúng ta trong giờ Người muốn. Tinh thần tỉnh thức là tinh thần chung cho mọi bối cảnh, đặc biệt là bối cảnh ơn gọi. Dụ ngôn năm cô trinh nữ khôn ngoan và năm cô trinh nữ khờ dại là những lý lẽ mạnh mẽ giải thích cho chúng ta về sự tỉnh thức này: Năm cô trinh nữ khôn ngoan gặp được Tân lang vì đã biết trữ dầu đầy bình: dầu đây tượng trưng cho lời kinh thắp sáng.
Vậy muốn gặp gỡ được Chúa và nghe được tiếng Người, ta cần phải tỉnh thức. Muốn luôn luôn tỉnh thức, phải cầu nguyện liên lỉ. Khi cầu nguyện liên lỉ, chúng ta sẽ sống gần gũi thân mật với Chúa. Khi sống gần gũi thân mật với Chúa, ta càng nghe rõ tiếng Người gọi ta, cũng như biết rõ được ý định của Người cho ta. Nguyên tắc này đúng cho việc thực hành tu đức cách chung, và càng đúng cho việc chúng ta đi tìm ơn gọi cho cuộc đời của mình.
Có rất nhiều người được Chúa kêu gọi sống đời sống tu trì, nhưng đã lập gia đình, vì người đó hoặc không nghe được tiếng gọi của Chúa, hoặc không nghe đúng tiếng gọi của Chúa (có thể nghe theo tiếng gọi nào khác - nói theo Ðức Gioan Phaolô 2), hoặc nghe được tiếng gọi của Chúa nhưng không sẵn sàng, can đảm và quảng đại đáp trả lại tiếng gọi đó... Họ thiếu đời sống cầu nguyện.
Cầu nguyện là chìa khóa số một cho một vấn đề ơn gọi, cách riêng là ơn gọi tu trì. Chúng ta tìm thấy chìa khóa này nhiều chỗ trong Kinh Thánh. Câu nói căn bản nhất là "Các con hãy xin chủ sai thợ đi gặt lúa của Người". Chúng ta có thể hiểu câu nói này theo hai nghĩa: (a) Nếu ta không xin thì chủ sẽ không sai thợ, nghĩa là nếu ta xin (= cầu nguyện) thì chủ sẽ sai thợ; (b) Nếu ta không xin thì chủ cũng vẫn sẽ sai thợ, nhưng nếu ta xin, chủ sẽ sai đi nhiều hơn, nhờ lời xin (= cầu nguyện) của ta. Và không phải chúng ta chỉ xin cho Giáo Hội một cách chung, nhưng trước hết là cho chính mình, bao lâu mình còn dò dẫm đi tìm ơn gọi cho cuộc đời của mình. Các bạn trẻ cần mạnh dạn chân thành thưa với Chúa: "Lạy Chúa, xin hãy sai con!" Kiên trì trong lời cầu này, Chúa có thể sẽ nhậm lời và sai mình đi, bằng không, chúng ta cũng biết được ý Chúa cho ơn gọi của mình.
Nếu cầu nguyện là cuộc đối thoại với Chúa, bạn hãy chuyên cần thưa với Người:
"Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì? Chúa muốn con sống đời sống nào, sống ơn gọi gia đình hay tu trì? Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa! Nếu Chúa muốn, con xin hiến dâng trọn đời con cho Chúa. Xin Chúa ban cho con tất cả mọi ơn cần thiết để sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa gọi con. Xin cho con ơn luôn hiểu, biết và thực thi thánh ý Chúa. Nhất là xin cho con ơn khao khát được Chúa sai con vào đời để đáp trả lại tình yêu của Chúa..."
Bạn cần chuyên cần nói với Chúa, đồng thời, chuyên cần, chăm chỉ và khiêm tốn lắng nghe tiếng Ngài nói với bạn. Nếu bạn lắng nghe, bạn sẽ nghe (If you listen to, you will hear)
Trong khi cách thứ nhất mang tính cách siêu nhiên, cách thứ hai này bắt chúng ta vận dụng lý trí: suy nghĩ về từng ơn gọi, sau đó, làm một so sánh giữa hai ơn gọi.
Suy nghĩ: Ta có thể tự đặt ra những câu hỏi như: tôi hiểu gì về đời sông hôn nhân, về lý tưởng hôn nhân? Tôi đã hiểu tường tận về lý tưởng hôn nhân chưa? Tôi hiểu cách sâu xa và đúng đắn tình yêu là gì? Tôi thấy mình tự nhiên hướng chiều mạnh mẽ về đời sống nào? Dựa trên những gì tôi biết, tôi thấy lý tưởng hôn nhân có đẹp không? Nếu đẹp thì đẹp như thế nào? Con đường hôn nhân có giúp tôi nên thánh không? Tôi đã biết Chúa và tôi đã biết tôi bao nhiêu? Tôi biết Chúa thương tôi bao nhiêu? Tôi biết mục đích của đời tu là gì?... Ðâu là ý nghĩa và mục đích của ơn gọi tu trì?...
Chúng ta có thể đặt ra bao nhiêu câu hỏi để suy nghĩ, rồi so sánh...
So sánh để rồi chọn lựa: Ðã nói tới chuyện chọn lựa, trước mặt ta phải có ít nhất hai thứ: ơn gọi hôn nhân và ơn gọi tu trì. Muốn cho sự chọn lựa của ta được chính xác, chúng ta cần phải biết rõ mỗi thứ. Nói cách khác, chúng ta cần phải biết rõ cả hai ơn gọi.
Về Hôn Nhân, chúng ta cần nhấn mạnh đến hai chữ "ơn gọi". Thường chúng ta chỉ biết rõ hơn về đời sống hôn nhân hơn là ơn gọi hôn nhân. Dĩ nhiên chúng ta cần tìm biết cả hai, đời sống hôn nhân và ơn gọi hôn nhân. Nhưng vì thường chúng ta dễ biết về đời sống hơn, nên chúng ta cần quan tâm tìm biết nhiều hơn về ơn gọi hôn nhân.
Về tu trì, chúng ta phải nhận rằng, chúng ta ít biết hơn về đời sống hôn nhân. Do đó, chúng ta cần phải quan tâm hơn trong việc đi tìm hiểu về đời sống và lý tưởng tu trì.
Câu hỏi bao quát chúng ta cần đặt ra là, xét theo bản chất, hôn nhân và tu trì, con đường nào cao đẹp hơn? Nếu theo tự nhiên của lý trí, tôi mong mình được Chúa thương cho bước vào con đường nào?
Ðể được soi sáng cho những suy nghĩ của mình, ta cần sống đời cầu nguyện, và cần đi tìm hiểu về vấn đề ơn gọi.
Như đã nói trên, nếu chúng ta không đi tìm hiểu để hiểu rõ về cả hai loại ơn gọi, thì sự chọn lựa của chúng ta không bảo đảm chính xác hợp thánh ý Chúa. Do đó, có thể chúng ta sẽ không xác tín về ơn gọi mình đã chọn. Có bao nhiêu người đã than thân trách phận rằng, "Tôi đã chọn lầm ơn gọi của mình!" Có biết bao nhiêu người sau một thời gian cưới hỏi, than rằng, "Phải chi biết trước rằng mình sẽ khổ như thế này, thì tôi đã đi tu rồi!" Thiếu tìm hiểu, quyết định sẽ thiếu chính chắn và chính xác, ngoại trừ khi đón nhận được những ơn đặc biệt của Chúa, nhờ những di sản tinh thần của Ông Bà để lại..., hiểu theo nghĩa "Cây tốt sinh trái tốt".
Vậy tìm hiểu ơn gọi là việc cần thiết của tất cả các bạn trẻ, chứ không phải chỉ dành riêng cho các bạn nào hoặc sắp nhập dòng, hoặc đã quyết định đi tu, hoặc đang nhiêm chỉnh suy nghĩ về đời tu. Như một bổn phận của một người con Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều phải nghiêm chỉnh tìm hiểu để tìm ra ơn gọi cho cuộc đời của mình, như phần quan trọng nhất của thánh ý.
Ðây là một vài công việc làm cụ thể cho việc tìm hiểu:
- Tham dự các Ngày tìm hiểu ơn gọi ("Vocation Day", "Come and See").
- Ðọc sách báo nói về ơn gọi (Rất tiếc loại sách này rất khan hiếm!)
- Liên lạc với các giáo phận và các dòng để tìm hiểu. Thường dòng nào cũng niềm nở nói chuyện, tiếp xúc với các bạn, ngay cả đón tiếp những ai muốn đến vài giờ, vài ngày, hay vài tuần để tìm hiểu. Ðây là cách rất thiết thực.
- Các đoàn thể Công Giáo nên tổ chức những ngày hay những buổi Tìm hiểu Ơn gọi cho những thành viên của đoàn.
- Các bạn trẻ có thể liên kết với nhau thành từng "nhóm chia sẻ", để trao đổi, giúp đỡ nhau về lý tưởng và về ơn gọi...
Nghe qua, cách thế này không có ăn nhập gì đến ơn gọi của chúng ta cả! Nhưng thật ra nó rất "ăn nhập".
Nếu một việc nhỏ bé trong đời sống của chúng ta, như một cơn đau bệnh, hay sự bình an trong một chuyến đi... mà chúng ta còn mong có bàn tay của Người Mẹ chúng ta can dự vào, phương chi là công việc tối quan hệ này, việc đi tìm ơn gọi cho cả cuộc đời của mình!... Ðã nhiều lần, đặc biệt lần trong Thông Ðiệp Mẹ Ðấng Cứu Thế, Ðức Gioan Phaolô II, Vị Giáo Hoàng của Mẹ Maria, đã dạy cho chúng ta rằng, Cần phải ý thức mạnh mẽ về sự hiện diện đặc biệt của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội Ngài" (Tông Huấn Mẹ Ðấng Cứu Thế, số 48). Hãy để Mẹ hiện diện trong cuộc đời của bạn, để Mẹ lo cho bạn, lo cho tương lai ơn gọi của bạn. Hãy thưa với Mẹ như Ðức Gioan Phaolô II: "Totus Tuus", nghĩa là: "Toàn thân con thuộc về Mẹ. Xin Mẹ hướng dẫn con trong mọi sự!"
Trong bản thánh ca "Tâm ca đồng hành số 1", câu quan trọng nhất tôi đã viết là: "Tình Mẹ đưa con đi vào hành trình hiến dâng". Phải, tôi không tự mình quyết định, nhưng đã phó thác cho Mẹ, để theo sự khôn ngoan của Mẹ, quyết định cho ơn gọi của tôi.
Ðối với người nữ, Ðức Gioan Phaolô II nói: "Khi nhìn về Ðức Maria, người phụ nữ tìm thấy trong mẹ bí quyết để sống xứng đáng nữ tính của mình và để hoàn thành sự thăng tiến của riêng họ..." (Thông Ðiệp "Mẹ Ðấng Cứu Thế", số 46). "Mẹ Maria là 'khởi điểm mới' của địa vị và ơn gọi của mỗi người và của mọi người phụ nữ". (Trích Tông Thư "Ðịa vị và ơn gọi của người phụ nữ" của Ðức Gioan Phaolô II, số 11).
Ðể có thể tìm ra ơn gọi thứ hai của mình trên hành trình đức tin, hoặc đi tu hay lập gia đình, chúng ta cần làm bốn việc: (1) Cầu nguyện, (2) Suy nghĩ & so sánh, (3) Tìm hiểu, (4) Sống với Mẹ Maria. Tuy vậy, mấy trang ngắn ngủi này chỉ là một vài gợi ý và đề nghị căn bản cho các bạn, đặc biệt cho những ai đang thao thức đi tìm chân lý, và một tiếng gọi thiên ân cho cuộc đời.
Mong rằng bạn sẽ xác tín về ơn gọi bạn sẽ chọn lựa, rằng "đây là ơn Chúa gọi tôi", để bạn sẽ không bao giờ đứng núi này trông núi nọ, rồi hối tiếc cho cái số phận mà chính bạn cho là hẩm hiu của mình. Cầu chúc bạn mãi mãi "enjoy" ơn gọi bạn sẽ chọn trong một buổi chiều Xuân thật đẹp, khi tới giờ Ðức Giêsu đến gõ nhẹ cửa tâm hồn của bạn: "Hãy theo Ta!"
- Sự sống còn của Giáo Hội tùy thuộc vào ơn gọi linh mục tu sĩ - The future of the Church depends on vocations (Ðức Gioan Phaolô II)
-Chúng ta nhận thấy rằng, phần chủ yếu của mọi ơn gọi đều tùy thuộc về Thiên Chúa. Vì thế, cầu nguyện là quan trọng. Một trong những phương tiện chính yếu của việc cổ động ơn gọi là cầu nguyện - We recognize that the initiative for every vocation rests with God. Hence the importance of prayer. One of the principal means for promoting vocations is prayer (Ðức Gioan Phaolô II)