Mạt Thế Luận Trong Ca Dao Tục Ngữ

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


5. Lịch Sử Tính

 

Nếu nhìn từ quan điểm của thế sinh mà chúng tôi vừa phân tích ở các phần trên, chúng ta bắt buộc phải công nhận là một nền mạt thế luận Việt không hoàn toàn đồng nghĩa với bất cứ nền mạt thế luận nào khác. Ðiểm thứ nhất mà chúng tôi muốn nói đến, đó là hình như người Việt không có một quan niệm mạt thế theo những nghĩa mà chúng tôi nhắc qua trong đoạn trên. Một thế giới cuối cùng, trong đó có sự thưởng thiện phạt ác xem ra khá xa lạ với họ. Lẽ dĩ nhiên, chúng tôi không chối bỏ quan niệm tiền nghiệp, hậu nghiệp và lai nghiệp phổ biến với niềm tin "ác giả ác báo, thiện giả thiện báo" nơi dân gian. Thực ra, quan niệm này, đúng ra là một quan niệm du nhập từ Phật giáo Trung Hoa. Quan niệm "thiện giả hữu thiện, ác giả hữu ác" nói lên một nguyên lý siêu hình tức luật nhân quả theo hệ thống lịch sử của đường thẳng, từ tiền nghiệp đến hiện nghiệp, và từ hiện nghiệp tới lai nghiệp. Song nếu phân tích một cách kỹ lưỡng, chúng ta thấy lịch sử tính của người Việt không theo đường thẳng. Chính vì thế mà, chúng ta thấy ngay trong niềm tin vào sự phán xét, thưởng kẻ lành phạt kẻ dữ, cũng không hoàn toàn mang tính chất Phật giáo, bởi vì sự thưởng phạt công tội vẫn nằm ngay trong hiện thế, chứ không phải đợi đầu thai tái sinh trong một thế giới khác. Thứ đến, như chúng tôi đã trình bày, cái thế sinh của người Việt là một thế sinh xây trên hiện thời, tức một hiện tại kéo dài, trong đó, hiện thế không hoàn toàn tách biệt khỏi lai thế và tiền thế. Trong ngữ học, chúng ta cũng nhận thấy là người Việt thích dùng tiếng hậu thế hơn là lai thế. Tuy nói như thế, chúng tôi vẫn ý thức được rằng thế sinh Việt không thuần túy. Sau hơn hai ngàn năm giao du và kết hợp với các thế sinh khác, thế sinh Việt không những là một tổng hợp, mà là một tổng hợp có tính cách biện chứng (38) của mọi thế sinh như thế sinh Trung, thế sinh Ấn, thế sinh Ðông Nam Á, vân vân. Chính vì vậy mà, cái nhìn của người Việt về lai thế, hậu thế và mạt thế thường không đơn thuần. Ba thế giới này nhiều khi gần giống nhau, nhưng đôi khi lại hoàn toàn khác biệt. Nhưng nói cách chung, trung tâm của thế sinh Việt vẫn là hiện thế.

Chính vì người Việt tư duy theo một cách biện chứng, và tổng hợp như vậy, mà họ nhìn cái chết theo nhiều lối nhìn khác nhau, khi tương đồng, khi lại tương khắc; đôi khi lại tương hỗ. Thí dụ, họ coi chết là hết; song họ cũng chấp nhận quan niệm chết là đi vào một thế giới khác. Ða số nhìn cái chết như là một giai đoạn, và mong mỏi một thế giới hoàn hảo hơn (39). Tuy vậy thế giới khác này không đồng nghĩa với một thế giới vĩnh cửu.

Ðể hiểu thêm về mạt thế luận Việt, chúng tôi đề nghị nhìn sự sống và sự chết từ lịch sử tính của người Việt. Như chúng tôi đã nhắc qua một cách rất giản lược về lịch sử tính của người Ba Tư và người Do Thái, và nghĩ rằng lịch sử tính của người Việt có phần khác biệt với các dân tộc khác. Nơi đây, chúng tôi xin được đi sâu hơn vào điểm này, bằng cách giải thích hai đặc tính của lịch sử và lối suy tư của người Việt.

Thứ nhất, nếu lịch sử tính của ngưới Ba Tư, Ấn Ðộ.theo vòng tròn; và nếu lịch sử tính của người Do Thái theo một đường thẳng, thí lịch sử tính của người Việt theo lối tụ thăng, và lối suy tư của họ theo cấu kết hay luận lý của tinh tòa. Ðể tránh đi quá xa khỏi luận đề của tiểu luận, chúng tôi chỉ xin nói một cách giản lược đặc tính tụ thăng. Riêng về lối suy tư tinh tòa, phần vì chúng tôi đã bàn nhiều trong các tiểu luận khác; và phần khác, vì nó không quan trọng trong bài này, nên chúng tôi tạm không nhắc tới (40). Tụ thăng tức quy tụ những yếu tính của tiền thế vào trong hiện thế, và thăng tiến lên một thế sinh hoàn hảo hơn trong lai thế. Song nói như thế, thì lịch sử tính của người Việt không khác chi lịch sử tính của Do Thái, bởi vì thời gian đều theo đường thẳng. Thực ra, tụ thăng không nhất thiết phải ở trong một thời gian theo đường thẳng, hay vòng tròn. Tụ thăng là một tác động hiện thực (realize) những khát vọng, ước vọng và phát sinh ra một niềm hy vọng. Mà chính niềm hy vọng này mới là động lực làm con người nghĩ về mạt thế. Một điểm khác cần phải thêm vào để tránh ngộ nhận. Ðó chính là điều mà chúng tôi đã nhấn mạnh nhiều lần: trong lịch sử tính của người Việt, tất cả tiền thế, hiện thế và lai thế đều quy tụ vào một thế sinh, hay hiện thời, tức một hiện thế kéo dài vô tận. Trong một hiện thời như vậy, chúng ta khó mà có thể phân biệt tiền thế và hiện thế, hiện thế và lai thế.

Thứ hai, nếu lịch sử tính không được người Việt nhìn theo thời gian đường thẳng hay vòng tròn, thì chúng tôi thiết nghĩ, họ nhìn thời gian theo cái nhìn của nội tâm. Hay nói cách khác, họ nhìn thời gian theo chính hữu thể tính. Và do đó, họ nhìn cái chết theo hai lối nhìn của tuyệt vọng và hy vọng. Lối nhìn tuyệt vọng phát sinh ra quan niệm tận thế, trong khi lối nhìn hy vọng đưa họ tới một mạt thế luận.

Lối nhìn thứ nhất về tận thế, coi "sinh sự, sự sinh" là một luật tất yếu; là một cái số; là một cái mệnh. Vì "sống chết có số", thế nên phải chấp nhận "sống nuôi, chết chôn". Cái nhìn này là một cái nhìn bi quan. Chúng ta cũng có thể nói, nó biểu tả tâm tình tuyệt vọng. Chết là hết; mà nếu không hết, thì cùng lắm cũng chỉ làm ma đói mà thôi:

"Chết trẻ khỏe ma, chết già ma mệt".

Mà ai thì cũng giống nhau cả:

"Chính chuyên chết cũng ra ma

Lẳng lơ chết cũng đem ra ngoài đồng".

Thái độ tuyệt vọng này được người Việt diễn đạt một cách rất thản nhiên, cho đến nỗi lạnh lùng: "chó chết hết truyện"; hoặc một cách ơ hờ: "sống ngày nào biết ngày ấy".

Lối nhìn thứ hai về mạt thế luận có vẻ lạc quan hơn. Lối nhìn này hy vọng một thế giới tốt đẹp hơn; hoặc ít nhất, coi cái chết tự nó cũng có chi long trọng, giá trị hơn cái sống hiện tại.

"Chết trẻ còn hơn lấy lẽ."

Hay:

"Chết kèn trống, sống dầu đèn."

Và cả cái chết cũng là một lối chết có tính toán:

"Chết trước được mồ, được mả.

Chết sau nằm ngả nằm nghiêng."

Từ hai lối nhìn về cái chết, chúng ta thấy hai lối nhìn về lịch sử. Lối nhìn thứ nhất coi lịch sử đồng nghĩa với hiện thế. Chết tức kết thúc hiện thế. Và sự biến mất của hiện thế đồng nghĩa với tận thế. Lối nhìn thứ hai coi lịch sử như là một tiến trình của sinh sinh bất nghỉ. Lối nhìn này không coi cái chết như là một kết thúc, song như một giai đoạn của cuộc sống. Lối nhìn này luôn luôn phát sinh ra những niềm hy vọng bất tận, nhắm giải quyết những khát vọng và ước vọng. Và đây là điểm khởi nguyên của mạt thế luận Việt.

 

Chú Thích:

(36) Câu thơ tán tụng văn tài của Lê Văn Siêu và Cao Bá Quát : "Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán; Thi đáo Tùng Thư thất thịnh Ðường".

(37) Trích từ Ðại Học, 1 :"Ðại học chi đạo.tại chỉ ư chí thiện".

(38) Chúng tôi hiểu "biện chứng" không theo nghĩa của biện chứng duy vật, càng không theo nghĩa của "phủ định" (negation) tức lối giải thích của Mao Trạch Ðông - với tác phẩm Mâu Thuẫn Luận, trong Mao Trạch Ðông Toàn Tập, tập 5, (Bắc Kinh, Nhân Dân Xuất bản xã, 1972). Biện chứng nơi đây muốn nói lên "một lối tổng hợp theo nguyên lý thực dụng", chứ không theo nguyên lý của lý tính như thấy trong biện chứng của Huyền Cách (George F. W. Hegel, Phànomenologie des Geistes (1807).

(39) Lối nhìn đa nguyên, mâu thuẫn, song tổng hợp này có lẽ là do sự tổng hợp của nhiều niềm tin, tôn giáo, ý thức hệ, văn hóa khác biệt (tam giáo đồng nguyên). Một đặc điểm thấy nơi văn hóa Việt, cũng như trong nếp sống và phong tục của người Việt.

(40) Xin tham khảo: Trần Văn Ðoàn, "La Logique de Relation", bài thuyết tình tại Ðại học Louvain, Bỉ (05. 1999), sẽ in trong L'Espace de l'Asie, do Giáo sư Paul Servais chủ biên (Louvain, Academia Bruylant, 2000). Cũng như Trần Văn Ðoàn, "Die Struktur der Relation", trong Fritz Wallner (chủ biên), Konstruktive Realismus (Wien, Universitatsverlag, 1997).

 

Trần Văn Ðoàn

Hợp Hoan Sơn, Ðài Loan, ngày 06 tháng 7 năm 1999

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page