Mạt Thế Luận Trong Ca Dao Tục Ngữ

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


3. Mạt Thế hay Lai Thế

 

Nếu chúng ta không thể "nhai lại" định nghĩa mạt thế luận; càng không được phép lấy nó làm mẫu mực để xác định, đánh giá nền mạt thế luận Việt, thì điểm thứ hai chúng ta cần phải làm sáng tỏ, đó là tìm hiểu ý nghĩa của mạt thế luận trong tư tưởng Việt.

Như chúng tôi đã tạm nhắc tới trong đoạn trên, mạt thế luận bao gồm nghiều nghĩa: đó là một tri thức về mạt thế (the last things); đó cũng là hiểu biết về cuộc sống mai sau tức lai thế (afterlife); song đó cũng là một tiên đoán (prophecy) về số phận của con người; hay một phán xét (judgement) về thế giới hiện đại; và đó cũng là những môn kiến thức nói lên khát vọng (desire), ước vọng (aspiration) và hy vọng (hope) vào tuyệt đối của con người (24).

Nhãn quan về một nền mạt thế luận như trên thực ra được xây dựng trên thế sinh của người Ba-Tư. Họ nhìn lịch sử như một vòng luân hồi - theo nghĩa lập lại (repetition), hay qui hồi (return) (25) không hoàn toàn giống Phật giáo hay Ấn Ðộ giáo -; và coi sự phán xét tối hậu như là một xác định sự chiến thắng của thiện trên ác cũng như xác quyết sự hiện hữu của lạc nguyên, tức vương quốc của sự toàn thiện. Lối nhìn trên về sau được thay thế và bổ túc bởi cái nhìn lịch sử nhất quán và trực quán của người Do-Thái. Sự sống lại không còn mang nghĩa "lập lại", song như một đường thẳng tiến về Ðấng Tuyệt Ðối. Sự phán xét tối hậu như là một sự chung cực của lịch sử; và hiện thế hoàn toàn biến mất. Một sự sống mới, duy nhất và bất biến là cùng đích của lịch sử nhân loại. Cái nhìn này bao gồm ba nguyên lý: thứ nhất, nếu lịch sử theo đường thẳng, một chiều, và duy nhất, thì mạt thế tức là sự kết thúc của lịch sử nhân loại (the end of history). Mà lịch sử chỉ là một diễn trình của thời gian (??????). Thế nên, mạt thế có nghĩa là sự kết thúc của thời gian tính (temporality) nơi con người, tức sự kết thúc của hiện thế. Thứ hai, sự kết thúc của thời gian tính chỉ có thể đồng nghĩa với sự kết thúc của thế giới con người, nếu con người bị "quyết định" bởi thời gian tính. Thứ ba, trong trường hợp ngược lại, nếu con người là một hữu thể quyết định thời gian tính (26), thì con người vượt khỏi thời gian tính, tức vượt khỏi lịch sử. Con người do đó không bị lịch sử ràng buộc, bởi vì bản chất của hữu thể không phải là thời gian song là tự do, tức tuyệt đối (27); mà tuyệt đối chính là một sự khai mở (???????? revelatio) liên tục không ngừng của hữu thể. Hiểu theo nghĩa này, mạt thế luận không phải là một tri thức về mạt thế (the end of the world), tức sự kết thúc của hiện thế (the end of the present world), song là một sự tự mặc khải của chính hữu thể trong tuyệt đối (28). Cái nhìn của người Việt về mạt thế không hoàn toàn giống như hai lối nhìn của người Ba-Tư hay Do-Thái. Lý do chính mà chúng tôi đã nhắc tới, đó là cái thế sinh của họ khác biệt với thế sinh của các dân tộc khác; và lịch sử quan của họ không theo đường thẳng, hay vòng tròn. Ðiểm quan trọng hơn mà chúng ta ít khi chú ý tới, đó là quan niệm về thời gian của người Việt. Vậy thì, để hiểu một nền mạt thế luận của người Việt, chúng ta phải tìm hiểu cái thế sinh của họ. Ðể hiểu thế sinh, chúng ta bắt buộc phải đặt ra ba vấn đề liên quan tới thế sinh quan: (1) mục đích và cùng đích của thế sinh quan; và (2) phương tiện đạt tới mục đích và cùng đích, cũng như (3) lịch sử tính của thế sinh.

 

Chú Thích:

(24) Nền mạt thế luận dựa trên niềm hy vọng được thần học gia Jurgen Moltmann, cũng như triết gia Ernst Bloch phát triển thành một nền mạt thế luận tại thế. Xin xem Jurgen Moltmann, Theologie der Hoffnung, sđd.; Ernst Bloch, Das Prinzip Hoffnung (Tubingen, 1959), hoặc Thomas Munzer als Theologe der Revolution (Leipzig, 1921), và Atheismus im Chistentum (Frankfurt, 1968).

(25) Nhà triết gia Nghịch Tài (Nietzsche) đã phát triển tư tưởng này trong lý thuyết "vĩnh quy" (hay vĩnh viễn quy nguyên, ewige Widerkehre) một lý thuyết, mà theo ông, đã từng được Zarathustra công bố. Xem Friedrich Nietzsche, Also spracht Zarathustra (1883-1887), trong Nietzsches Werke, do Karl Schlechta chủ biên (Munchen, Hanser, 1971 , xuất bản lần thứ 2).

(26) Luận đề của Hải Ðức Cách (Martin Heidegger) trong Sein und Zeit (1927), (Pfullingen, Neske, 1957, bản in lần thứ 11) và của Rudolf Bultmann, sđd.

(27) Martin Heidegger, Vom Wesen der Wahrheit (Pfullingen, Neske, 1967, bản in lần thứ bẩy), tr. 12 : "Das Wesen der Wahrheit ist Freiheit".

(28) Quan điểm này được phát triển theo hai hướng: (1) tuyệt đối luôn ở trong tình trạng hiện thời (Jetzeit), một luận đề của Walter Benjamin; và (2) tuyệt đối chỉ là một động lực. Hiện tại (the present) chỉ là một hoàn tưởng của tác động "biến dạng, dị dạng" (defer) mà thôi. Quan niệm này được trường phái hậu hiện đại (post-modernism) phát triển. Xin xem Jacques Derrida, Writings and Difference, hay The Margin of Philosophy, chương "Differance". Ðáng chú ý là các quan niệm này đều bị ảnh hưởng từ quan niệm lịch sử của Do Thái và của Hải Ðức Cách (Martin Heidegger).

 

Trần Văn Ðoàn

Hợp Hoan Sơn, Ðài Loan, ngày 06 tháng 7 năm 1999

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page