Mạt Thế Luận Trong Ca Dao Tục Ngữ
Gs. Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
2. Những Sai Lầm trong Tư Duy Thần Học
Ðể trả lời câu hỏi "có một nền mạt thế luận trong tư tưởng Việt hay không?", chúng tôi xin đặt lại vấn đề của chính công việc định nghĩa mạt thế luận. Ðây là một công việc mà chúng tôi coi là rất quan trọng. Bởi vì nếu rập theo định nghĩa của nền thần học Tây phương một cách giáo điều, chúng ta sẽ (1) hoặc phải chấp nhận là chúng ta không có một nền mạt thế luận; (2) hoặc phải bóp méo lối tư duy của chúng ta để phù hợp với những phạm trù thần học của Tây phương (12); (3) hoặc táo bạo hơn, và ngược hẳn lại lối suy tư thứ hai, chúng ta uốn nắn thần học Tây phương theo cách nhìn của Ðông phương, và giải thích theo nhãn quan và khẩu vị của chúng ta (13). Tuy thán phục nỗ lực và có cảm tình với các nhà thần học Việt áp dụng hai phương thế sau, chúng tôi vẫn cảm thấy, tất cả ba phương thế suy tư về Việt thần đều vấp vào những lỗi lầm sau: Thứ nhất, đó là sự nhầm lẫn phạm trù (category-mistake). Ðây là một lỗi lầm không thể hay không muốn nhận ra tính chất cá biệt của các phạm trù, thí dụ phạm trù của tri thức khác biệt với phạm trù của đạo đức; phạm trù đạo đức khác với phạm trù tôn giáo, vân vân. Ngay cả trong lãnh vực khoa học, chúng ta cũng thường nhầm lẫn phạm trù khoa học tự nhiên với khoa học xã hội, khoa học xã hội với khoa học nhân văn. Sự nhầm lẫn tai hại nhất, khi cho rằng tất cả mọi khoa học, tất cả mọi cách sống, tất cả mọi lối suy tư đều theo một quy luật nhất định (14). Thứ đến, và quan trọng hơn, đó là sự lẫn lộn giữa các thế sinh (hay thế giới sống, life-worlds). Ðây là một điểm mà chúng tôi rất chú ý khi nêu lên sự khác biệt giữa thần học Tây phương và Ðông phương, và ngay cả giữa Ðông phương và Việt thần (15). Sự khác biệt này rõ ràng nhất trong (a) cách sống; (b) cách thế biểu tả qua ngôn ngữ, nghệ thuật.; phương thế suy tư, hay lý luận; (d) mục đích sống, (e) môi trường sống, (f) cách tổ chức của cuộc sống, và (g) nền đạo đức và siêu hình. Không nhận ra các sự khác biệt trên, các nhà thần học Tây phương, và điển hình nhất là các vị truyền giáo, đã cưỡng ép, (16) các dân tộc khác phải học đòi cách sống, lối tư duy, cách biểu tả, nghi thức, lễ nghĩa và cả ngôn ngữ Tây phương. Nhận thức được điểm này, các nhà thần học Á châu đã bắt đầu suy tư về thần học theo thế sinh của mỗi dân tộc. Thần học Dân chúng (Minjung) hay Tiện dân (17) của Ðại Hàn, thần học đệ tam nhãn của Tống Quyền Sinh (Ðài Loan) (18), thần học Phật tính của Aloysius Pieris (Tích Lan) (19), thần học động tính từ Dịch kinh cũa Lý Vinh Trọng (Lee, Jung-young) (20), và Thần học Ða thế tính (pluralistic world), (hay Hội thế tính (oecumenical world) của Phan Ðình Cho.là hậu quả tất nhiên của công việc suy tư thần học theo thế sinh quan của họ (21). Thứ ba, đó là lối suy tư chủ quan, cũng như bản vị (ego-centrism), hay tộc vị (geno-centrism). Lối suy tư này tự phong mình lên hàng đặc biệt được "Chúa chọn" với những đặc quyền và "bá đạo" chiếm trọn đặc ân cho mình. Dân Do-Thái, dân da trắng, dân gốc Aryan, vân vân là những giống dân "đặc biệt", là con Thiên Chúa. Thế nên, Chúa là Chúa của họ: "Ta là Chúa của Abraham, của Jacob."; Thánh kinh là Thánh kinh của họ. Các dân tộc khác thì man di mọi rợ; hoặc ngoại đạo. Tương tự, người Hán cũng từng ngạo mạn cho mình là "Trung quốc", coi mọi dân tộc khác, bao gồm Việt tộc, là man, là di, là rợ, là địch. Chủ thuyết "thần quyền" (theocracy, tức giáo sỹ trị), hay "giáo sỹ độc tôn" (clericalism) cũng là một hình thức của lối suy tư bản vị này. Sau cùng, như từng thấy trong thần học Tây phương, đó là chủ thuyết đế quốc trong tư duy (22). Người theo chủ nghĩa đế quốc cho rằng họ là chủ, là thầy, là chúa, có quyền và "nhiệm vụ" dạy bảo muôn dân. Người Pháp da trắng đã từng tự phong cho họ "thiên chức cao qúy" này, và dạy các "con khỉ An-nam" thành người. Giáo hội La-mã trước Ðại Công đồng Hoa Ðệ Cương II (Vatican II) cũng từng có thái độ như thế (23). Bản vị chủ nghĩa và đế quốc chủ nghĩa đã quyết định nền thần học Tây phương từ bao thế kỷ, đặc biệt sau cuộc chiến thắng toàn diện của nguời Tây phương trong mọi lãnh vực, nhất là quân sự và giáo dục từ thế kỷ 18. Hai chủ nghĩa trên ảnh hưởng sâu đậm tới hàng lãnh đạo (tôn giáo cũng như chính trị và giáo dục) của các nước bản xứ nhược tiểu. Một quan niệm sai lầm cho rằng cứu rỗi, ánh sáng và quang vinh đến từ phương Tây; rằng "viễn hòa thượng huệ niệm kinh" (chỉ có nhà sư từ phương xa mới biết tụng kinh); rằng La-mã là ánh sáng muôn dân mà "tất cả mọi đạo lộ đều dẫn tới"; rằng "quyết tiến, ta hướng về Vatican, thành cao sáng, ánh sáng soi chiếu mọi dân tộc". Một quan niệm như thế đã xâm nhập vào tâm thức của hàng giáo sỹ (và giáo dân), cũng như của nhiều thần học gia chúng ta, và thành "lẽ tất nhiên" mà chúng ta coi như một tín điều.
Chú Thích:
(12) Thí dụ một số tham luận về thần học Việt như: Trần Văn Hoài, "Tìm một hướng đi cho nền Thần học Việt Nam", và Nguyễn Văn Thành, "Hướng đến một nền Thần học Việt Nam", trong Gặp gỡ và Thảo luận về Thần học Việt Nam (Orsonnens, Ðịnh Hướng Tùng Thư, 1997), tr. 27-37, và tr. 93-109.
(13) Thí dụ công việc của Kim Ðịnh đã làm. Xin xem Kim Ðịnh, "Ðể Tiến tới một nền Thần học Việt Nam". Ðối thoại với Trần Văn Ðoàn, Dân Chúa, 12.1983 và 01.1984. Cũng như Thái Bình Minh Triết (Los Angeles: Thời Ðiểm, 1998). Hoặc Vũ Ðình Trác, "Triết lý truyền thống Việt tộc dọn đường cho Thần học Việt Nam", trong Gặp gỡ và Thảo luận về Thần học Việt Nam, sđd., tr. 43-78.
(14) Nhầm lẫn phạm trù từng bị nhiều tư tưởng gia phê bình. Xin xem Peter Winch, Philosophy and Its Relation to Philosophy (London, 1958); R.G. Collingwood, The Principles of Art (Oxford, 1943); Thomas Kuhn, The Structure of Scientific Revolution (Princeton, 1961); Clifford Geertz, The Interpretation of Cultures (New York, Basic Books, 1973).
(15) Xin xem Trần Văn Ðoàn "Towards a Viet-Theology," trong Gặp gỡ và Thảo luận về Thần học Việt Nam, sđd., tr. 79-92; cũng như "Một Suy Tư Thần Học", trong Dân Chúa, (New Orleans, 8. 1983).
(16) Jacques Gernet, Chine et Christianisme (Paris, Gallimard, 1982).
(17) Dịch ngữ của Vũ Kim Chính (một thần học gia Việt tại Ðại học Phụ Nhân, Trung Hoa Dân Quốc) trong "Bản Vị Hóa", trong Giáo Hội và Quyền Bính, sđd. Cũng xin xem thêm, Vũ Kim Chính, Giải Phóng Thần Học - Mạch Lạc trung đích Chuyển Thích (Ðài Bắc, Quang Khải Xuất bản xã 1992).
(18) Choan-Seng Song, Third-Eye Theology: Theology in Formation in Asian Settings (New York, Orbis, 1982).
(19) Aloysius Pieris, An Asian Theology of Liberation (New York, Orbis, 1988).
(20) Jung Young Lee, The Theology of Change: A Christian Concept of God from an Eastern Perspective (New York, Orbis, 1979).
(21) Xin tham khảo thêm: Phan Ðình Cho, "Jesus the Christ with an Asian Face", trong Theological Studies 57 (1996), tr. 399-430. Thần học gia Phan Ðình Cho (Việt Nam) là người chủ trương một nền thần học đa diện và hợp thế. Ðáng chú ý là quan điểm của ông về mẫu tính trong thần học có lẽ phát xuất từ triết lý mẹ của Việt tộc. Ở điểm này, ông rất gần với chủ trương mẫu tính của Kim Ðịnh. Xin tham khảo Kim Ðịnh, Thái Bình Minh Triết, tập 1, sđd. Chương bàn về triết lý mẹ.
(22) Về điểm này, chúng tôi đã bàn đến trong tiểu luận "Ðối thoại giữa Khổng giáo và Ki-Tô giáo", trong Giáo Hội và Quyền Bính, tài liệu của Viện Triết Học và Tôn Giáo Việt Nam, Washington DC, 1998. Bản Anh ngữ "The Problem of Incommensurability in Cultures - The Case of Christianity and Confucianism", trong The Asian Journal of Philosophy, Vol. 2, No. 1 (1993); bản tóm Ðức ngữ trong Bernhard Waldenfeld, chủ biên, Religionsdialogue (Ðại học Bonn, Ðức quốc, 1995). Danh từ "đế quốc" cũng đã được nhà thần học Thụy Sỹ Hàn Công (Hans Kùng) dùng để phê bình thái độ "duy ngã độc tôn" của nền thần học Tây phương. Xin tham khảo Hans Kùng & Julia Ching, Christentum und Chinesische Religion (Munchen, Piper 1988), tr. 267. Trong tác phẩm này, hai tác giả đòi hỏi thần học phải hướng về giai đoạn "hậu đế quốc", "hậu thực dân", tr. 280.
(23) Hans Kung-Julia Ching, sđd. tr. 267 và tiếp theo; Jacques Gernet, sđd. chương 2, về tranh chấp nghi lễ.
Trần Văn Ðoàn
Hợp Hoan Sơn, Ðài Loan, ngày 06 tháng 7 năm 1999