Mạt Thế Luận Trong Ca Dao Tục Ngữ

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


1. Có Một Nền Mạt Thế Luận

Trong Tư Tưởng Việt Hay Không?

 

Có một nền mạt thế luận trong tư tưởng của người Việt hay không? Ðây là một câu hỏi mà đa số các thần học gia người Việt chúng ta còn đang thắc mắc. Thế mà, trong bài này chúng tôi giám mạo phạm trình bày một nền mạt thế luận trong ca dao tục ngữ. Quả thật là một hành động ngông cuồng của con ếch ngồi đáy giếng há miệng luận thiên hạ sự. Há chẳng phải là một trò cười của một người múa gậy vườn hoang, hay múa gậy qua mắt thợ sao?

Lý do làm chúng tôi xác quyết một nền mạt thế luận nơi người Việt, đó chính là tính chất siêu việt thấy trong lối suy tư của họ. Lối suy tư siêu việt theo nghĩa vượt lên, vượt cao, vượt xa.được biểu tả trong triết lý tam tài, theo đó con người không những ngang hàng với trời và đất, mà còn có thể nối kết trời với đất. Lối suy tư siêu việt này cũng thường thấy nơi dân gian qua vè, đối, ca dao, phong dao, tục ngữ. Sự ví von "coi trời bằng vung", lấy "ông trăng" làm bạn, (1) lấy chị "nguyệt" làm vợ, chị "hằng nga" làm chị làm em, hay "gọi Bụt bằng anh" (2), hay coi thần sấm thần sét là bà con họ hàng (3), vân vân, là những chứng từ cụ thể nói lên lối suy tư siêu việt này (4). Lối suy tư này cũng biểu lộ trong ngôn ngữ Việt: Việt ngữ không những nhân hóa trời, đất, thần, thánh; tức dùng đặc tính của con người để biểu tả ngoại lực như trong ngôn ngữ Tây phương. Mà còn hơn thế nữa, Việt ngữ thăng hóa nhân ngữ lên hàng thần ngữ, tức thần hóa con người (5). Ðây là một đặc điểm giải thích lý do tại sao trong văn hóa Việt, nhân thoại chiếm một địa vị quan trọng hơn cả thần thoại. Hay nói một cách khác, đó chính là lối suy tư siêu việt, mà suy tư siêu việt tức là một tư duy hướng về tuyệt đối. Tuyệt đối này không ngoại tại, cũng không tại thế, song tại tâm (6).

Chúng tôi thiết nghĩ, một cách căn bản và xác quyết, đã làcon người thì bất cứ ai cũng có một hay nhiều ước muốn hay mộng mơ; mà cái ước vọng viễn việt, siêu việt, cái ước vọng về tuyệt đối lại là một ước vọng căn bản nhất, mãnh liệt nhất và phổ quát nhất. Từ việc quỷ sứ (Lucifer) muốn tiếm vị Thượng Ðế, cho tới chuyện bà Nữ Oa đội đá vá trời; từ ảo tưởng toàn năng của Zeus tới huyền thoại thiên vương của Phù Ðổng, từ thần thọai truyền nhân của thần Ðại Nhật cho tới nhân thoại Con Rồng Cháu Tiên, tất cả các giai thoại trên, hay tương tự, đã cấu tạo lên một lịch sử của các dân tộc, và của cả toàn nhân loại. Tuy là lịch sử của mộng tưởng, song nó đã in dấu ấn sâu đậm vào trong tâm thức của mỗi dân tộc, mà không ai có thể tẩy sạch; mà không dân tộc nào muốn xóa bỏ. Nó biến thành linh hồn (soul), tinh thần (spirit), gốc lõi (origin and foundation) của mỗi dân tộc; liên kết họ vào trong một tiềm thức (sub-consciousness), một tâm thức (mentality) và một ý thức chung (mass-consciousness). Nó cũng là động lực phát sinh văn hóa và thúc đẩy con người cải tiến cái thế giới và xã hội của mình. Văn minh nhân loại là kết qủa nói lên cái nguồn lực vô tận của khát vọng tuyệt đối này.

Sự khát vọng tuyệt đối thúc đẩy con người phải đi tìm tuyệt đối; và tham vọng trở thành đấng Tuyệt đối, hay có bản tính tuyệt đối. Lịch sử của nhân loại, do đó là một lịch sử của cả một quá trình tìm đủ phương thế để đạt tới ảo giác này. Chính vì tuyệt đối vượt xa khỏi vòng tay với, mà lịch sử của nhân loại, cũng là một tổng hợp những văn bổn (text), thoại bổn (oracles, narratives) và truyền bổn (hay truyền thống, tradition) tích ấn những thất bại ê chề của cái tham vọng vô đáy này. Tuy thất bại chua cay cho tới độ gần như tự hủy diệt (truyện tháp Babel), thế mà con người vẫn không bỏ được mộng mơ ảo tưởng. Nói cách chung, văn hóa, và cách riêng, triết học và thần học cũng đều là những tri thức, những cách biểu tả, những cảm nghiệm về tuyệt đối mà thôi. Hiểu như thế, sứ mệnh (hay tham vọng) của triết gia, thần học gia, khoa học gia và nghệ sỹ là làm thế nào để đạt cho được tới tuyệt đối (dẫu rằng họ ý thức một cách bi đát về sự thất bại của họ) (7), hay ít nhất là hiểu được "trí tuệ của Thượng Ðế", và "hoàn toàn thấu hiểu những dữ kiện đương xảy ra quanh chúng ta, cũng như về chính sự hiện hữu của chúng ta." (8)

Mặc dù ý thức là mình sẽ thất bại, con người vẫn không thể bỏ cuộc tìm kiếm. Dẫu biết rằng sự nỗ lực của mình cũng sẽ vô ích, rằng họ cũng chỉ như những con người ngạo mạn xây tháp Babel; rằng họ sẽ mang cùng số mệnh của Sisyphus; rằng hành động của họ đúng là dã tràng se cát biển đông, họ vẫn điên cuồng tiếp tục muốn trở thành Thượng Ðế (9) cũng như xây dựng một thiên đường tại thế (1). Giả sử họ ý thức được sự bất lực của mình, họ vẫn không thể vất bỏ cái tham vọng tuyệt đối. Họ sẽ dựa vào thần linh. Họ chờ đợi một Godot; hoặc họ mong mỏi sự quang lâm của chính đấng Tuyệt Ðối, tức Messiah, Ðấng sẽ ban cho họ tuyệt đối. Sự ngông cuồng "biết rõ là mình "hèn yếu", "sa đọa" song vẫn ao ước tuyệt đối" này không phải không có lý do. Chúng tôi thiết nghĩ, hiện tượng "kỳ quái" này chỉ có thể giải thích được từ khía cạnh hữu thể học: bởi vì chính tuyệt đối tính mới là bản thể (substance) hay, bản tính (essence) hay, bản chất (nature) của con người. Tuyệt đối tính này chính là thiên tính (divinity) mà con người đã đánh mất (sự tích tội nguyên tổ; truyện Hùng vương mất nỏ thần). Nếu tuyệt đối tính là bản thể, bản tính và bản chất của con người, thì đi tìm lại cái bản tính đã từng đánh mất, là lẽ tất nhiên.

Nếu cả nhân loại đều như vậy, thì người Việt của chúng ta không phải là ngọai lệ. Thế nên, nếu mạt thế luận hiểu như là một môn học về tận thế (the doctrines of last things), và nếu mạt thế hiểu như lai thế (the afterlife), thì mạt thế luận diễn tả và giải nghĩa cùng đích cũng như vận mạng của con người trong lịch sử (11). Mà cùng đích cũng như cứu cánh của con người lại chính là tuyệt đối. Trong mạch văn này trọng tâm của bản tiểu luận sau đây sẽ là một cuộc suy tầm cái cùng đích cũng như lịch sử tính, tức cái tuyệt đối tính của người Việt được diễn đạt qua ca dao và tục ngữ. Trước khi đi thẳng vào vấn đề, chúng tôi xin được phép có vài suy tư về phương pháp làm việc.

 

Chú Thích:

(1) "Ông trẳng ông trăng. Xuống chơi ông Chính." Tất cả các câu ca dao, tục ngữ, phong dao trong bài này trích từ: Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Tục Ngữ Phong Dao Việt Nam (Hà Nội, 1928; Tái bản, Sài Gòn, Nhà Xuất bản Thành phố, 1991).

(2) "Gần chùa gọi Bụt bằng anh. Thấy Bụt hiền lành, bế Bụt đi chơi".

(3) "Ở đâu mà chẳng biết ta. Ta con ông Sấm, cháu bà Thiên Lôi."

(4) Xin xem Kim Ðịnh, Gốc Rễ Triết Việt (Houston, An Việt, 1987); Chúng tôi cũng đã bàn một cách sâu rộng hơn về siêu việt tính trong: Trần Văn Ðoàn, The Idea of a Viet-Philosophy (sắp xuất bản), và Việt Triết Luận Tập 1 (sắp xuất bản).

(5) Trong nhân thoại, con người coi mình ngang hàng với thần. Chính vì vậy mà vai chính trong giai thoại là con người. Trong thần thoại, vai chính là thần. Con người ý thức được sự thấp hèn của mình, nên dùng ngôn ngữ của con người để diễn tả và ca ngợi thần thánh. Nói cách khác, trong nhân thoại, con người thần hóa mình. Khi thích Trời thì khen; ngược lại khi ghét thì chê; không vừa lòng thì trách: "Trời sao trời ở chẳng công. Người ba bốn vợ, người không vợ nào". Hay: "Trời làm một trận lăng nhăng. Ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông."

(6) Xin tham khảo: Trần Văn Ðoàn, "Chữ Mệnh trong Truyện Kiều", trong Vietnamologica, số 3 (Toronto, 1998).

(7) Chúng tôi đã phát triển luận đề này trong một tiểu luận khác: Trần Văn Ðoàn, "The Unifinished Project", trong Soochow Philosophical Review (Taipei, 06. 1999). Bản Hoa ngữ trong Triết Học Tạp Chí, số 23 ( Ðài Bắc, 07. 1999)

(9) (8) Xem Stephen Hawking, A Brief History of Time (New York, Bantam, 1988), tr.168.

Friedrich Nietzsche, Die Froehliche Wissenschaft (1887-8), Der tolle Mensch, "Gott ist tot !"; Ludwig Feuerbach, Das Wesen des Christentums (1842).

(10) Karl Marx, Zur Kritik der hegelschen Rechsphilosophie, (1883-1844) trong Marx-Engels Werke (Berlin 1956-1968), tập 1, tr. 334; và Karl Marx - Friedrich Engels, Manifest der Kommunistischen Partei (1848).

(11) Xem Rudolf Bultmann, History and Eschatology (London, 1957). Jurgen Moltmann, Theologie der Hoffnung (Munchen, 1964) Otto Ploeger, Theokratie und Eschatologie (Neunkirchen, 1962, 2nd ed.)

 

Trần Văn Ðoàn

Hợp Hoan Sơn, Ðài Loan, ngày 06 tháng 7 năm 1999

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page