Sinh Tử Trong Nho Giáo

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


2. Thiên Ðế, Thiên Mệnh,

và Thiên Nhân Tương dữ

 

Theo các nhà nghiên cứu Trung Hoa, quan niệm Thiên và Ðế từng biến đổi rất nhiều trong quá trình lịch sử từ thời Thương cho tới thời Khổng Tử. Và ngay trong các Kinh điển như Tứ Thư, Tả Truyện, Thi Kinh, Lễ Kinh, chúng ta cũng thấy một sự biến đổi khá rõ ràng. Phùng Hữu Lan sắp đặt quan niệm Thiên vào trong 4 phạm trù, Thiên như là một Khải mặc, Thiên như một Sáng tạo, Thiên như một vị Giám sát, và Thiên như như một Pháp quan. (22) Phó Bội Vinh đi xa hơn, giải thích Thiên và Ðế theo năm nghĩa vụ: Thống trị, Sáng tạo, Giám sát, Mặc khải, và Pháp quan. (23) Tương tự như Phó Bội Vinh, Lý Chấn xếp Thiên vào trong 6 phạm trù; 5 phạm trù như của họ Phó, cộng thêm phạm trù Ðạo. (24) Nói một cách chung, các danh nho đương thời như Phương Ðông Mỹ, Mạc Tông Tam, Ðường Quân Nghĩa, La Quang, Ngô Kiến Hùng, hay cả Lương Thấu Minh và Hùng Thế Lực, cho dù vô thần hay hữu thần cũng đều công nhận là quan niệm Thiên và Ðế mang cả hai tính chất hình nhi thượng và hình nhi hạ, siêu việt và nội tại. (25)

Bắt đầu với nhãn quan hình nhi hạ, nhà Thương dùng từ ngữ Ðế để nói lên vị thần cai quản cũng như điều hành (a) gió, mây, sấm sét và mưa; (b) mùa màng và gặt hái; (c) việc xây dựng thôn xóm, làng mạc; (d) chiến tranh; (e) sự may mắn cũng như tai họa của muôn dân; (f) và sự cát hưng của nhà vua. (26) Một cách chung, Ðế ám chỉ một đấng tối cao, song khộng siêu việt, không hoàn toàn linh thiêng. Ðế diễn đạt một sự xuất kiệt, lãnh đạo. Tam Hoàng, Ngũ Ðế (27) và ngay cả các vương nhà Hạ (Vũ vương 2205 tr.c.n.), nhà Thương (Thành Thang, 1766 tr.c.n.), nhà Chu (Vũ Văn, Chu Công, 1122 tr.c.n.) đều được tôn kính là Ðế. (28) Ðây là một lý do tại sao nhóm tân Nho cho rằng quan niệm về Ðấng Tuyệt Ðối Gia-Vi (Yahweh), hay Thần Linh (Theos) và Linh Thiêng (Sacrus) hoàn toàn xa lạ trong lối suy tư cuả người Tầu. Cho tới đời Chu, chúng ta mới thấy từ ngữ Thiên dần dần thay thế từ ngữ Ðế. Thiên từ đây mang một sắc thái siêu việt, được coi như là một nguyên lý tối hậu, tách biệt khỏi con người. Một trong những lý do chính của sự biến đổi từ Ðế ra Thiên có lẽ mang tính chất chính trị và xã hội nhiều hơn là tính chất tôn giáo. Ðiểm đáng lưu ý, đó là các vương nhà Thương từng lợi dụng chữ đế để gán cho tổ tiên của họ. Do đó, cho dù thất đức, các đế vương vẫn không sợ bị lật đổ. Ðây là một trong các lý do tại sao nhà Chu thích dùng chữ Thiên, và chú trọng đến phần hình nhi thượng. Trong Thi kinh, Thiên được coi như là Ðấng Giám sát, sắp đặt các vương để cai quản muôn dân. (29) Chính Thiên đã chọn và đặt ông Văn vào ngôi vương; (30) và chính Thiên đã ra lệnh nhà Thương lật đổ nhà Hạ vô đạo. (31)

Tuy nhà Chu đã thay đổi phần nào quan niệm Thiên, song vai trò của con người vẫn chưa được chú trọng đủ. Y hệt các vương thời Thương từng lạm dụng Ðế, các bạo vương nhà Chu lợi dụng Thiên, biến Thiên thành lá bùa hộ mạng. Mê tín của bọn phương sỹ trộn lẫn với hành vi vô đạo của giai cấp lãnh đạo đã biến đổi Thiên thành một quan niệm huyền bí. Chính vì thế mà thiên mệnh được coi như định mệnh. Từ nhà Chu cho tới thời Xuân Thu (722-481 tr.c.n.), con người phó thác vận mình cho Thiên. Thiên bây giờ là một vị thống trị, quyết đinh vận mạng của con người. Người trực tiếp đặt người cai quản muôn dân. Quân vương được Thiên chọn để tiếp tục coi sóc cũng như giữ gìn Thiên đạo. Nói cách khác, tất cả đều do Thiên quyết định. Từ đây thiên mệnh biến thành định mệnh. Quân vương biến thành thiên tử. (32)

Khổng Tử xuất hiện như là một thách đố đối với lối nhìn quá siêu hình và huyền hoặc của thời đó. Giống như Su-Cát (Socrates), ngài nhận ra vai trò của con người trong lịch sử nhân loại. Chỉ trong Luận Ngữ mà thôi, ngài bàn đến con người hay đạo nhân 105 lần; đến đạo làm người quân tử 107 lần. (33) Ðối với ngài, con người giữ một vai trò then chốt, như trung tâm nối kết giữa Trời và đất. Tuy thế Ngài vẫn chấp nhận chiều kích tâm linh và thần linh trong vũ trụ và trong cuộc sống của con người. Ngài coi việc tế Thiên như là một nghi lễ tối quan trọng (34). Ngài nhận định thiên đạo như một lối sống theo luật của Thiên, và thiên mệnh như quy luật của Trời. Mặc dù ngài ít nói đến Thiên (35), hoặc từ chối không bàn đến qủy thần (36), hoặc cho rằng "Không phải Ðạo làm con người lớn, song chính con người mới làm sáng Ðạo,"(37) ngài luôn tin vào Thiên và kính Thiên (38). Chúng ta phải đợi cho tới thời Tống (nho), mới thấy quan niệm Thiên được hiểu theo nghĩa "nguyên lý", mang tính chất siêu hình học. Song điểm đáng nói là Nho học vào thời này đã mang một phần nào sắc thái Phật học, và Ðạo học. Hai anh em Trình Hạo (1032-1085), Trình Di (1033-1107) càng chú trọng đến "bản tính" con người hơn. Mà tính của họ cũng là cái lý của trời đất vậy. Chu Hi (1130-1200) đi xa hơn, ông tổng hợp lý và khí, tính và tâm, nhân và chí, và giải thích cho rằng tất cả phát xuất từ cùng lý (39).

Trong một mạch văn như vậy, chúng ta mới có thể hiểu được quan niệm thiên nhân tương dữ; về cái nhìn của nho giáo về sinh tử và về hậu thế.

 

Chú Thích:

(22) Xin xem, Phùng Hữu Lan, Trung Quốc Triết Học Sử, sđd. Thượng tập, tr. 20-29.

(23) Xin xem Phó Bội Vinh, Nho Ðạo Thiên Luận Phái Uy, sđd., tr. 1-60.

(24) Xin xem, Lý Chấn Anh, Nhân dữ Thượng Ðế, tập 5, sđd, tr. 7.

(25) Nơi đây chúng tôi chỉ xin nhắc đến vài tác phẩm tiêu biểu của Phương Ðông Mỹ, La Quang và Ðường Quân Nghĩa như: Thome Fang (Phương Ðông Mỹ), Chinese Philosophy: Its Spirit and Its Development, (Taipei, Linking Publishing Compagny, 1981), tr. 37-81; Ðường Quân Nghĩa, Trung Quốc Triết Học đích Tinh Thần, (Ðài Bắc, Thương Vụ, 1978); chương 1; La Quang, Nho Gia Hình Thượng Học, (Ðài Bắc, Phụ Nhân Ðại học Xuất bản xã), chương 6, tr. 211-237.

(26) Xin xem Hồ Hậu Tuyển, Lễ Thị Nghiện Cứu, (Ðài Bắc, 1959), Số 9 và 10, tr. 24-25. (27) Toại Nhân, Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông, Hoàng Ðế, Thiếu Hạo, Chuyên Húc, Nghiêu, Thuấn.

(28) Phùng Hữu Lan, Trung Quốc Triết Học Sử, 1. 12-29; Lão Tư Quang, Trung Quốc Triết Học Sử, (Hương Cảng, Ðại học Trung Văn), 1968., Tập 1, tr. 14-18.

(29) Kinh Thương tụng, IV, 3,3; Kinh Chu tụng, IV, 1,6.

(30) Kinh Ðại á; III, 1,2.

(31) Xin xem thêm Phó Bội Vinh (Fu Pei-jung), Communication between Confucianism and Christianity, (Taipei, Yeh-Chyang, 1988), tr. 74-80, chú thích 1.

(32) Hồ Thích khi bàn đến sự suy đồi của triết học Trung quốc, ông vạch ra bốn tội chính: (1) chủ nghĩa danh học hoài nghi; (2) chủ nghĩa công dụng; (3) chủ nghĩa nhất tôn chuyên chế; và (4) sự mê tín của phái phương sĩ. Trung Quốc Triết Học Sử, sđd., tr. 728-729. Bàn về sự mê tín, ông cho rằng quan niệm thiên tử giữ một vai trò then chốt: "Những điều mê tín trên có thể xem như là một quốc giáo đối vơi Trung quốc cổ đại. Vị giáo chủ của quốc giáo đó là 'thiên tử'." tr. 741.

(33) Chan Wing-tsit, A Source Book in Chinese Philosophy, sđd., tr. 16.

(34) Lễ Ký, 21: 9.6; hoặc Lễ Ký, 24:10 :"Phản cổ phục thỉ dĩ hậu kỳ bổn, bất vong kỳ sở do sinh dã; hoặc 26:11.

(35) Luận Ngữ, 5:12.

(36) Quỷ thần kính nhi viễn chi, Luận Ngữ, 6:20.

(37) Luận Ngữ, 15:28.

(38) Chan Wing-tsit, A Source Book in Chinese Philosophy, sđd., tr. 16-17. Hoặc Thome Fang, sđd, tr. 71. Hồ Thích nhận định (một cách sai lầm) như sau: "Lão Tử là người đầu tiên đề xướng quan niệm thiên đạo vô vi để đả phá tư tưởng mê tín về thượng đế. Từ đó về sau quan niệm thiên đạo của ông dần dần trở thành quan niệm chính của "Triết học tự nhiên" Trung quốc. Khổng Tử và Tuân Tử đều chịu ảnh hưởng của quan niệm này, vì thế mà tinh thần chống đối mê tín lên rất cao.", sđd. tr. 740.

(39) Chu Hy viết: "Cùng lý là muốn biết cái sở dĩ nhiên của sự vật với cái sở đương nhiên của sự vật mà thôi. Biết cái sở dĩ nhiên cho nên cái chí không hoặc, biết cái sở đương nhiên cho nên việc làm không lầm." Trích từ Trần Trọng Kim, sđd., Hạ tập, tr. 165.

 

Trần Văn Ðoàn

Tân Trúc, Ðài Loan 1999

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page