Linh Mục M. Manso,
Dòng Tên, người Tây Ban Nha (có
tên Việt Nam là Mai Sơn), từ 1962
- 1975 sống ở Thủ Ðức,
Việt Nam, phụ trách phong trào Linh Thao. Ngài
thường đi nhiều nơi hướng
dẫn Linh Thao và viết sách bằng
tiếng Việt. Sau 1975, vì hoàn cảnh
đất nước, ngài rời
khỏi Việt Nam, qua phục vụ tại Ðài
Loan. Hiện nay, sau 22 năm tại Ðài Loan,
tiếng Việt của ngài vẫn còn
rất trôi chảy. Kỳ này chúng
tôi phổ biến bài viết bằng
tiếng Việt của ngài nói về
Nguồn Ðức Ái và Bí Tích
Thánh Thể. Hy vọng bài này sẽ
là một tài liệu hữu ích
cho giáo dân Việt Nam trong đời
sống đạo giữa những môi
trường đầy phức tạp
của ngày nay. Nguyện xin Thiên Chúa
Toàn Năng ban ơn thánh hóa xuống
cho mỗi một người dân Việt
để luôn biết sống vị tha, yêu
thương, và trung thành.
(Vietnamese Missionaries in Taiwan)
Tôi đã đọc truyện một chàng thiếu niên mới 17 cái xuân xanh, nhưng lại là một vị anh hùng. Câu truyện như sau:
Phaolô là một thiếu niên can trường và bình dân. Anh đứng đầu một đám bạn hữu có nhiều thiện cảm và ưa hoạt động.
Một hôm, nhân ngày lễ làng, có một anh quen thuộc ở làng bên, không những đã công khai nhục mạ anh Phaolô, mà còn vô cớ đả thương, rồi bỏ chạy. Bạn hữu Phaolô, khi hay tin, liền tìm gặp và đề nghị với anh một kế hoạch trả thù là đi chặn bắt ngay anh kia để đả cho một trận. Nhưng, Phaolô ngó nhìn các bạn và nói: "Tôi tuyệt đối không đồng ý!"
Các bạn anh nhao nhao lên
hỏi vặn lại:
"Tại sao lại không?
Phaolô nghiêm nghị trả lời:
"Vì, thưa các bạn, tôi vừa
rước lễ sáng nay!"
Giáo Hội đang nhờ phép Thánh Thể để tái tạo sự Hiệp Nhất của mình, thì Rước Lễ chính là Nguồn Ðức Ái tuyệt hảo nhất. Thực vậy, vì chỉ có Hiện diện Thánh Thể mới cổ võ được lòng yêu thương và tình hòa hiệp, và chỉ có Thánh Thể mới làm qui tụ được tất cả các phần tử của cộng đoàn về với trung tâm duy nhất của nó, là tâm điểm của mọi tình thương. Song, Tiệc Thánh Thể lại còn tiến xa hơn nữa. Vì ngọn lửa yêu tha nhân, hằng bùng cháy mạnh mẽ trong Thánh Tâm Thầy Chí Thánh, đã lan tỏa và đốt cháy các trái tim được tình yêu Chúa Giêsu san sẻ cho.
Ðức Ái Kitô Giáo chỉ được thực hiện khi mà Tình Yêu Thiên Chúa trong Ðấng Cứu Thế chuyển sang cho nhân loại. Thực vậy, Ðức Ái này không phải là một thứ tình yêu tầm thường của những ai khác. Vì Chúa Giêsu đã xác định rõ ràng thế nào mới là tình tương thân tương ái của môn đệ Ngài và đâu là mẫu mực phải theo: "Ðây, Ta ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau; phải, các con hãy yêu thương nhau như Ta đã yêu thương các con". (Jn 13,34).
Cựu Ước cũng đã nói đến một tình thương lớn lao đối với tha nhân; còn điều "mới" ở đây là các môn đệ Chúa Giêsu phải biết yêu thương nhau bằng chính Tình Yêu vủa Ðức Kitô. Ðối với họ, có thiện cảm tự nhiên đối với nhau, trao đổi cho nhau những tình cảm nhân loại về tình liên đới, về lòng hào hiệp và về sự tương trợ, như thế chưa gọi được là đủ. Nhưng là phải yêu mến nhau bằng chính tình thương cao thượng, siêu nhiên và linh thiêng mà Chúa Cứu Thế đã yêu thương chúng ta.
Thế nào là yêu mến tha nhân bằng chính mãnh lực Tình Yêu Ðức Kitô? Tiệc Thánh Thể sẽ ban cho chúng ta mãnh lực siêu việt của Tình Thương ấy với chính thân mình Ðức Kitô. Chính vì thế mà Chúa chúng ta đã thiết lập điều răn mới bằng việc nối kết với Thánh Thể. Hai sự việc mới mẽ Chúa đề nghị cùng chúng ta là Bí Tích mới và Ðiều Răn mới. Ðức Kitô muốn đến ở trong trái tim các môn đệ Ngài để có thể yêu mến bằng chính trái tim họ. Vì thế, các Kitô hữu có khả năng yêu thương nhau như chính Ðức Kitô đã yêu thương họ, vì chính Chúa Giêsu đã đặt để cái nguyên lý, nguồn tình yêu của Ngài ngay trong lòng họ.
Lúc mà Ðức Kitô thiết lập Tiệc Thánh Thể, Ngài phải chứng kiến một cuộc cãi vã giữa các môn đệ: họ đã tự để cho tình yêu riêng lôi cuốn vào vòng ganh tị, và họ đã tranh dành với nhau để xem ai sẽ là người lớn nhất trong nước của Ðức Giêsu. Thầy Chí Thánh liền đáp ứng lại cuộc cãi vã ấy bằng việc rửa chân cho họ: Ðó là bằng chứng của một tình yêu thích khiêm tốn phục vụ tha nhân và muốn được ở hàng cuối rốt.
Phép Thánh Thể sẽ ban cho mãnh lực siêu phàm, một mãnh lực tối cần cho các môn đệ để bắt chước Ðức Ái khiêm nhượng ấy. Việc Chúa Giêsu tự hiến làm của nuôi cho các kẻ thuộc về Ngài là một tác động tình yêu đi đến tận cùng căn bản của đức Khó Nghèo: Chúa Cứu Thế tự hạ cho đến nỗi trở thành của ăn của uống cho người ta! Thật Ngài không còn có thể tự hạ hơn như thế được nữa! Và như vậy, Ðức Kitô cũng sẽ làm cho sự khiêm cung của tình yêu thương thấm nhập vào tận linh hồn những kẻ rước lễ.
Vậy là rước lễ lấn át được tất cả mọi cuộc cãi vã. Nó đem lại một lòng khiêm nhượng hơn là những cuộc tranh giành thường xảy ra giữa những con người tự phụ. Nó làm cho người Kitô hữu có đủ năng lực trị dẹp những quyến luyến ích kỷ, quên mình tự hiến cho kẻ khác và phụng sự người ta bằng việc tình nguyện chấp nhận ở hàng cuối rốt. Họ tự cảm thấy hoàn toàn bất lực với sức riêng mình để thực hiện tất cả các điều ấy, nhưng Ðấng Cứu Thế đến thực hiện tất cả cho họ. Ngài đến khích lệ chúng ta bằng nguyên động lực của lòng từ ái Ngài.
Như thế, Tiệc Thánh Thể phải lưu ý cho mọi người tham dự biết một cuộc phát khởi mới nhắm vào tình yêu tha nhân. Nơi nào có bất hòa thì nó sẽ làm phát sinh ra sự hòa giải, rồi cung cấp cho phương tiện để thực hiện điều hòa giải ấy. Ðức Kitô Thánh thể là Ðấng, xưa kia khi ở trên khổ giá đã hoàn toàn tha thứ cho các thù địch Ngài; thì nay Ngài cũng dạy cho người rước lễ biết tha thứ mọi lỗi lầm, biết xóa bỏ tất cả những gì còn lại của oán thù. Ngài đến để cất khỏi mọi trở ngại cho sự kết hợp.
Rước lễ vừa gắng thanh luyện tình yêu chúng ta, lại vừa làm cho chúng ta yêu thương nhau sâu đậm hơn:
a) Một đàng, Rước Lễ thúc đẩy chúng ta tới một mức độ tinh tế tuyệt đích trong tình bác ái được thể hiện ra bên ngoài, trong việc tận tụy, chuyên tâm và ân cần, trong sự ưu ái vui tươi kèm theo với nhẫn nại và dịu dàng. Rước lễ cũng cho phép chúng ta làm chủ một cách rất ngon lành những thay đổi của tính tình, những dễ cảm cũng như những nổ xung thường bột khởi do những tiếp xúc thường ngày với kẻ khác gây ra.
b) Ðàng khác, Rước Lễ làm cho tình yêu có những chiều hướng nội tâm hơn. Trước hết, Ðức Ái cốt tại có một chủ tâm, và cốt yếu gồm có một hảo ý, một lòng quí chuộng căn bản đối với tha nhân. Và cùng lắm thì cũng có thể có một sự tận tụy bề ngoài và một lòng ưu ái chỉ có hời hợt trên môi miệng mà thôi và đồng thời lại có một tình cảm khinh khi hay một điệu khắc nghiệt về phê phán đối với tha nhân. Trong trường hợp này, quả Ðức Ái chưa có đủ trong sạch cũng như chưa có đủ thành thật. Ðức Kitô đã ban cho một gương sáng về lòng nhân từ mà căn bản của nó là chính lòng quí chuộng và sự tử tế. Ngài đã ghé mắt đoái nhìn hết thảy mọi người bằng chính cái nhìn mà xưa kia Ngài đã âu yếm nhắm tới chàng thanh niên muốn theo Ngài, tới Phêrô là người đã chối Ngài, và tới cả Mađalêna và Giuđa, cái nhìn ấy thật là một cái nhìn đầy ứ những ưa thích mến chuộng. Thật đó không phải là cái nhìn để luận phạt, nhưng là để thương mến, là để tha thứ.
Rước Lễ làm phát triển lòng quí chuộng cũng như tình yêu thương nhau; Rước Lễ trao cho chúng ta cái nhìn của Chúa Cứu Thế, và ban cho chúng ta những con mắt biết tìm gặp những gì là Thiện là Mỹ mà Thiên Chúa đã giấu ẩn trong tha nhân. Nhờ Tiệc Thánh Thể, Chúa Kitô đã dạy cho các môn đệ của Ngài biết nhìn xem nhau như Ngài đã nhìn xem họ. Thế là thái độ nhân từ của Ngài xâm chiếm tư tưởng cũng như tâm hồn những người rước lễ, đem họ xích lại gần nhau trong cùng một tâm trí.