Sự Thiết Yếu Của Tự Do Nghiên Cứu
Gs. Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
5. Một Số Ðề Nghị thay Kết Luận
Sau nhiều dịp về thăm quê hương, và từng được vinh hạnh thảo luận cũng như tham dự một số hoạt động hàn lâm nơi quê nhà, chúng tôi nhận ra được cố gắng của nhà nước cũng như của quý đại học trong công cuộc giáo dục đào tạo nhân tài. Tuy còn đương gặp nhiều khó khăn, từ tài chính tới nguồn nhân lực, chúng tôi nghĩ các đại học nước nhà vẫn có thể vươn lên, để ít nhất có thể cạnh tranh được ở Á châu, và nổi bật trong cùng Ðông Nam Á. Lý do là chúng ta có rất nhiều nhân tài. Ðiểm chính yếu là làm sao đào tạo được đội ngũ này, và phân công, tổ chức, hoạt động một cách hữu hiệu mà thôi. Ðể được như vậy, chúng tôi xin được đề nghị với những vị hữu trách một số điểm như sau:
5.1. Phân Cấp
Nên phân nền giáo dục đại học thành ba cấp. Cấp thứ nhất chuyên về nghiên cứu khoa học, cấp thứ hai, đào tạo nhân viên hành chánh, chuyên nghiệp như kỹ sư, chuyên viên, bác sĩ... và cấp thứ ba mang tính chất cộng đồng, nâng cao dân trí, và phục vụ từng vùng hay địa phương.
Trong cấp thứ nhất chuyên về nghiên cứu, chỉ nên tập trung vào từ 4 tới 10 đại học (thí dụ các đại học Hà Nội, Saigon, Ðà Lạt, Huế...) phát triển thành những đại học quốc tế gần giống như Trọng Ðiểm Ðại Học của Trung Quốc, hay các đại học ưu tú của Mỹ, Nhật, Anh. Nơi dây, tự do nghiên cứu được tôn trọng tối đa. Nhà nước sẽ trợ cấp các chương trình nghiên cứu (trường hợp Ðài Loan, Anh, Ðức, Pháp...). Các đại học được tư do hợp tác với các hãng kỹ nghệ, hay thương mại, hay sản xuất... phát minh, và sản xuất các vật dụng, khí cụ, thuốc men, hóa phẩm, nông phẩm vân vân.
Trong cấp thứ hai, đại học đào tạo những cán bộ chuyên môn, giới công chức, hành chánh, kỹ sư, y sĩ, luật sư. Ðại học ở cấp này cần một kiến thức chắc chắn, thực dụng. Nó sẽ sản sinh ra giới điều hành cũng như thi hành những chương trình, dự án... của quốc gia, xã hội.
Nơi cấp đại học thứ ba, còn gọi là đại học cộng đồng, mục đích chỉ để nâng cao dân trí, chú trọng đến những kiến thức địa phương, những vấn đề xã hội, nền giáo dục văn hóa và cách sống của người dân...
5.2. Ða Diện, Ða Hóa
Khuyến khích thành lập các đại học tư lập, nhất là các đại học chuyên về nghiên cứu. Như chúng ta biết, thường thì các đại học tư được hoặc các giáo hội tôn giáo, các hãng kỹ nghệ, hay các cơ sở thương mại thành lập. Thế nên, các đại học này luôn luôn như là bộ óc của các tôn giáo, tổ chức, hãng hay cơ sở đó. Như các hãng kỹ nghệ, kinh doanh, tổ hợp, các đại học tư, để có thể sống còn, sẽ phải cố gắng và cạnh tranh. Chính nhờ vào cạnh tranh mà nghiên cứu càng phát triển. Nền giáo dục đại học tại Mỹ, phát triển mạnh là nhờ vào hệ thống đại học tư lập. Các đại học lớn thuộc phái Trường Xuân (Ivy League) là các đại học tư lập thuộc các giáo hội khác nhau. Những đại học nổi danh như Rockerfeller, Carnegie-Mellon, Colgate đều là những đại học do các doanh gia thành lập.
Thế nên, đề nghị nhà nước nên cộng tác hay khuyến khích các giáo hội tôn giáo thành lập đại học. Như nhà nước từng nhấn mạnh, cũng như tôn trọng và khuyến khích, việc tham gia vào công tác giáo dục của mọi công dân vốn được hiến pháp nước nhà đảm bảo. Thế nên, nhà nước không nên (thực ra, không có quyền) hạn chế công dân, và các tổ chức, bao gồm giáo hội tôn giáo, thành lập đại học hay các trường học. Như chúng ta đều biết, những đại học nổi tiếng nhất trên thế giới đa số đều do các giáo hội của các tôn giáo khác nhau thành lập. Thí dụ tại Anh: ÐH Oxford, ÐH Cambridge (Anh giáo); tại Bỉ: ÐH Louvain (Công giáo); tại Pháp: ÐH Sorbonne (Công giáo cho tới thời Napoléon); tại Ý: ÐH Sacre Cuore, ÐH Gregoriana (Công giáo); tại Mỹ: ÐH Harvard, Yale, Princeton, Stanford, Johns Hopkins (Tân giáo), Georgertown, Notre Dame, Boston College... (Công giáo), Rice, Pensylvannia, Columbia, Cornell, Boston University, Emory (Tin lành), vân vân. Lý do mà tôi đề nghị nhà nước khuyến khích các tôn giáo mở đại học viện đại khái bao gồm: (1) Các đại học do các tôn giáo có những bảo đảm căn bản, họ không vụ lợi, và không làm buôn bán. Thế nên có đảm bảo lâu dài, và không dễ dàng bị lạm dụng. (2) Thứ tới, thường thì các giáo hội tổ chức rât chặt chẽ trong lãnh vực giáo dục và đạo lý, thế nên tổ chức lành mạnh hơn các đại học tư nhân khác. (3) Vả lại có một sự cạnh tranh giữa các giáo hội. Chính vì vậy mà họ rất chú trọng đến nghiên cứu và đào tạo nhân tài. Hệ thống giáo dục của Dòng Tên (Society Jesu) của Công giáo được cả thế giới công nhận là một hệ thống giáo dục đào tạo ra rất nhiều nhân tài: Galileo, Descartes, Rousseau, Pasteur, de Gaulle, Bill Clinton... và cả Karl Marx từng là học trò của các trường trung học hay đại học do tôn giáo điều khiển. (4) Ngay trong Giáo hội Tin Lành, mỗi giáo phái đều có đại học riêng, cạnh tranh rất mạnh. Ðịch thủ chính của Harvard là ÐH Yale. Ðại học sau được thành lập với mục đích để làm "áp lực" với ÐH Harvard (mặc dù cả hai đều thuộc cùng một giáo hội). Tương tự ÐH Stanford muốn làm bá chủ thay thế địa vị của Harvard... và bên Anh, ÐH Cambridge thách đố ÐH Oxford. (4) Hệ thống đại học tư lập, và đại học do các tôn giáo có thể giúp nhà nước tiết kiệm rất nhiều chi phí, công việc, nhưng lại đào tạo được rất nhiều nhân tài. (5) Các đại học tư nếu được tổ chức hoàn thiện có thể tránh khỏi những vấn đề hiện nay của nhiều đại học tư lập như ÐH Ðông Ðô ở Việt Nam, và nhất là không vướng vào bệnh quan liêu, chậm chạp, vân vân, thấy nơi nhiều đại học công lập.
5.3. Vấn Ðề Lương Bổng
Phải trả lương một cách tương xứng cho những người làm việc tại đại học. Lý do như sau: (1) Ta không nên theo chính sách bình quân trong vấn đề lương bổng, bởi vì lương bổng là một động lực chính yếu nhất khiến mọi người (cách chung) cố gắng. Theo Marx, mỗi người phải được hưởng cái mà ông ta xứng đáng được (tức "theo nhu cầu và khả năng" như Marx từng tuyên bố trong Tuyên Ngôn Ðảng Cộng Sản 1848). (2) Chủ trương bình quân làm giảm bớt động lực, khiến không ai cố gắng, hay hy sinh thêm. Sự thất bại trong chính sách nông nghiệp tại Liên Xô, Trung Hoa và có lẽ cả ở Việt Nam, một phần là do nông dân thiếu động lực sản xuất, và có lẽ thiếu cả trách nhiệm bảo vệ. Nếu người giỏi giang cũng chỉ được trợ cấp như kẻ dốt nát, người rất cố gằng cũng chỉ được trả lương như kẻ lười biếng, thì còn ai muốn làm việc, nhất là khi mà động lực yêu nước không còn mạnh mẽ như trong thời bảo vệ đất nước. (3) Mỹ vượt khỏi Âu châu và mọi nước khác, vì họ dám trả đồng lương khá hậu hĩ cho những người nghiên cứu giỏi. Hiện tượng "óc rữa" (brain-drain) nơi các nước nhược tiểu nói rõ sự thành công của Mỹ. Nhân tài của các nước này nhận làm việc cho Mỹ, bởi vì họ không thể sống được với đồng lương "sống giở, chết giở" của họ nơi quê nhà. (4) Ðã đến lúc chúng ta nên tạm ngưng chửi "Mỹ đế quốc" (lẽ diên, Mỹ đáng chửi), bởi lẽ có chửi rã họng đi nữa, thì chúng ta vẫn chẳng có nhân tài, mà không nhân tài, thì suốt đời chúng ta vẫn chỉ là những nước nhược tiểu mà thôi. Ngược lại, tôi xin đề nghị nhà nước nên hy sinh bóp bụng trả một đồng lương xứng đáng cho nhân tài để họ ra sức làm việc cho đất nước. Nước Tân Gia Ba (Singapore) tuy nhỏ, nhưng có nhân tài, nên được thế giới kính nể. Các nước Thụy Sỹ, Áo quốc, Bỉ, Hòa Lan... cũng nhỏ thôi, nhưng có ai dám khinh chê họ. Bởi lẽ họ có rất nhiều nhân tài. Chỉ một nước Áo (với quãng 7-8 triệu dân, và diện tích bằng 1/5 của Việt Nam) đã có thể chiếm được trên dưới 20 giải Nobel. Vào thập niên 1980s, Ðài Loan đã áp dụng chính sách này, và do đó họ đã lôi được khá nhiều nhân tài trở về phục vụ Ðài Loan. Các Giáo sư Lê Nguyên Triết (Nobel hóa học), Giáo sư Trương Quang Trực (nhà khảo cổ thời danh của ÐH Harvard)... đã bỏ Mỹ để trở lại Ðài Loan. Gần đây, chính phủ Bắc Kinh cũng đã bắt đầu chính sách tương tự. Họ lôi kéo những nhà vật lý tài ba như Dương Chấn Ninh, Lý Chính Ðạo... (Nobel vật lý) về dậy tại Trung Hoa.
Ngoài ra, với đồng lương tương xứng, nhân viên tại đại học sẽ ít tham nhũng hơn. Họ sẽ không lạm dụng đại học để làm chuyện tư nhân. Và như vậy, đại học có thể tiết kiệm được một ngân quỹ khả quan.
5.4. Lôi Cuốn Nhân Tài Từ Mọi Nước. Ðào Tạo Một cách Ða Diện
Như quý vị còn biết nhiều hơn cả chúng tôi, mỗi nước, mỗi nền giáo dục có những đặc sắc riêng. Trong quá khứ, nhà nước thường chỉ gởi cán bộ tu nghiệp hay huấn luyện tại một số nước, mà hệ thống, lối tổ chức và cách thế tư duy tương đối đồng nhất. Nhưng chính vì quá đồng nhất mà thiếu cạnh tranh; chính vì quá giống nhau, nên ta không thấy có những cái khác, mới hơn, hay hơn; và nhất là, chính vì đồng nhất mà chúng ta đóng kín. Một kiểu bế quan tỏa cảng mới ở thế kỷ 20. Ðể tránh cái nguy hại này, chúng tôi xin đề nghị nhà nước gửi người đi tu nghiệp hay học nghiên cứu ở nhiều nước khác nhau, nhiều nền văn hóa khác nhau, không phân biệt tôn giáo, chính trị...
Lẽ đương nhiên, cái học phải liên quan tới nhu cầu của đất nước. Trong giai đoạn hiện đại, nhà nước càng nên chú trọng tới những lãnh vực sau đây: canh nông, ngư nghiệp, công nghiệp, kỹ nghệ, giao thông, y học, và dược học.
Vấn đề văn hóa cũng rất quan trọng, bởi lẽ văn hóa gắn liền với phát minh khoa học. Chế độ dân chủ, xã hội, cộng hòa luôn gắn liền với nền văn hóa Tây phương, đặc biệt là Kitô giáo; trong khi sự phát triển kỹ nghệ, tư bản, khoa học gắn liền với phái tân giáo (lý thuyết của Max Weber). Tương tự, sự phát triển của các con rồng Á châu phần nào cũng liên hệ với nền đạo đức, giáo dục của Nho giáo.
Là người Việt, chúng ta phải đặc biệt chú trọng văn hóa của mình, những nền văn hóa liên quan với lịch sử của minh, và ngay cả nền văn hóa của cả kẻ thù. Họ có thể xâm lược, đàn áp chúng ta. Nếu chúng ta không "biết người, biết mình" thì làm sao có thể "trăm trận trăm thắng" được? (Binh pháp Tôn Tử). Thế nên, mỗi đại học, đặc biệt đại học nghiên cứu, cần phải có những trung tâm nghiên cứu về Việt học (Vietology và Vietnamese Studies, bao gồm Hán Nôm), Hoa học (bao gồm Hán học), Âu Mỹ học, Ðông Nam á học, Tôn giáo học, vân vân...
5.5. Ngân Quỹ Giáo Dục và Nghiên Cứu
Ðiểm quan trọng nhất, và quyết định nhất vẫn là ngân quỹ giáo dục và nghiên cứu mà nhà nước cần phải đầu tư. Tại các nước tiền tiến, tổng số ngân quỹ đầu tư vào giáo dục quãng 15% tổng số thu nhập của một quốc gia. Tại nhiều nước như Nhật, Tân Gia Ba, Ðức, Bắc Âu, ngân quỹ này còn cao hơn, đôi khi tới 18% chưa kể nghiên cứu. Trong tình thế đất nước hiện nay, chúng tôi đề nghị một ngân quỹ tối thiểu là 15%, và được hiến pháp đảm bảo. Ðiều này có nghĩa là, dù ở bất cứ hoàn cảnh thiếu thốn tới đâu, ngân quỹ giáo dục luôn phải là 15%. Nếu kinh tế mạnh, ngân quỹ sẽ tăng lên, nhất là trong lãnh vực nghiên cứu.
Lẽ dĩ nhiên còn rất nhiều đề nghị, mà vì phạm vi của bài tham luận này nên chúng tôi tạm không bàn đến. Trong tinh thần của các bài điều trình mà cụ Nguyễn Trường Tộ từng gửi tới triều đình nhà Nguyễn, trong tâm hồn hướng về đất nước, tôi xin gửi tới nhà nước và quý vị hữu trách những ý kiến trên, mong được tham khảo.
Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan, 23.09.2002.
Duyệt lại
Ðại Học Salzburg, Áo, 01.05. 2005