Sự Thiết Yếu Của Tự Do Nghiên Cứu
Gs. Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
4. Thế Nào Là Tự Do Nghiên Cứu
Nói như thế, chúng ta đã có thể nhận ra một cách dễ dàng vai trò quan trọng của đại học cũng nhự sự thiết yếu của nghiên cứu khoa học. Thế nhưng quý vị giáo sư nước nhà có lẽ sẽ cho rằng, một quan điểm như vậy đâu có chi mới lạ. Nơi các nước theo xã hội chủ nghĩa, ta đều thấy có những Trung Tâm hay Viện Khoa Học Quốc Gia với những viện nghiên cứu khoa học, với một quy mô rộng lớn, và được nhà nước rất trọng dụng. Quả đúng như vậy. Những kết quả nghiên cứu khoa học (nhất là về chế tạo vũ khí, khoa học không gian) của các viện khoa học trên cũng đâu thua kém các nước tư bản.
Thoáng nhìn thì như vậy. Nhưng nếu đi sâu vào cách tổ chức, cũng như cách thế làm việc, ta thấy có rất nhiều khác biệt. Sự khác biệt rõ ràng và có tính chất quyết định nhất, đó là tính chất tự do trong công việc nghiên cứu và tính chất tương đối độc lập trong việc chọn đề tài, chọn nhân tài, chọn người hay cơ quan cộng tác, cũng như lương, bổng, lộc. Nếu trong các đại học Âu Mỹ, học giả, giáo sư, sinh viên có thể tự do chọn đề tài nghiên cứu, tùy theo sở thích, thì các viện nghiên cứu của các nước xã hội thường nghiên cứu theo đơn đặt hàng của nhà nước. Nếu các đại học Âu Mỹ có thể cộng tác với các hãng kỹ nghệ, sản xuất, hay giao dịch thì các viện nghiên cứu trong các nước xã hội chỉ có thể làm việc với những khách hàng mà nhà nước chỉ định (tức nhà nước, hay cơ quan của nhà nước). Chính vì thế mà, các viện nghiên cứu tại Nga, Tầu đã phát triển khá tốt trong các lãnh vực quốc phòng, vũ khí, hay cơ khí, nhưng lại quá chậm chạp trong mọi lãnh vực khác, nhất là thương mại, và những nhu cầu nhân sinh. Một khi nhà nước không đủ tài chánh để cung cấp cho các Viện Khoa Học, hay một khi nhà nước thay đổi chính sách, hay vì bộ máy hành chánh rùa bò của nhà nước (như trường hợp của Liên Sô vào thập niên 1980s), các viện nghiên cứu sẽ mai một, bởi lẽ họ không có thể tự kiếm ra được tài chánh trợ cấp cho công việc nghiên cứu của mình. Và nhất là, họ không thể cạnh tranh, đi vào những lãnh vực tiên tiến, và lẽ dĩ nhiên không thể sản xuất mại phẩm hợp với khẩu vị thị trường hiện nay. Họ cũng không bán (hoặc không được phép bán) ra được những sản phẩm của họ (đa số là vũ khí). Ngược lại, các đại học Âu Mỹ luôn cộng tác với các hãng kỹ nghệ, buôn bán, sản xuất, cũng như với cả chính phủ. Các hãng kỹ nghệ, buôn, sản xuất... sẽ đầu tư 10% tới 20% lợi nhuận vào công việc nghiên cứu. Họ sẽ quảng bá, sản xuất và bán các sản phẩm do đại học nghiên cứu. Và như vậy việc nghiên cứu luôn có động lực, và luôn phải hướng tới những khám phá mới, kết quả mới... để có thể sống còn. Chính điểm này khiến các đại học Âu Mỹ cạnh tranh, cũng như hấp dẫn sinh viên và ban giáo sư.
Ðiểm này đã được các chính phủ Trung Quốc, Nga và các nước Ðông Âu nhận ra khi họ giải tỏa hay giảm bớt tầm quan trọng của các Trung Tâm Khoa Học và tăng trợ cấp cho các đại học, cũng như tôn trọng quyền tự do nghiên cứu. Từ năm 1990 ÐH Bắc Kinh được tự do kinh doanh. Từ năm 1995 ÐH lại thêm quyền tự do thiết lập cơ sở sản xuất điện toán, và nhất là quyết định lương bổng.
Ðể quý vị có thễ dễ dàng nhận ra điều mà chúng tôi hiểu như là tự do nghiên cứu, người viết xin tóm lại như sau. Mỗi đại học:
- Tự do trong việc chọn lựa đề tài, đối tượng nghiên cứu theo khả năng và sở thích, cũng như nhu cầu của xã hội, và của cả cá nhân.
- Tự do trong việc chọn phương pháp. Ta không nên ép buộc đại học phải theo đường lối nào, phương pháp gì, kiểu cách này hay nọ.
- Mỗi đại học tự lập trong vấn đề tài chánh. Nhà nước giúp ngân quỹ, tài trợ, nhưng không can thiệp vào vấn đề điều hành, chọn lựa nhân viên, ban giảng huấn, cũng như nghiên cứu. Các ÐH tư nổi tiếng của Anh (như Oxford, Cambridge, University of London) đều được chính phủ trợ cấp, nhưng không can thiệp vào nội bộ đại học. Các đại học Mỹ, cả công lẫn tư đều được hoặc chính phủ liên bang, hoặc chính phủ tiểu bang trợ cấp.
- Mỗi đại học được tự do đối ngoại, cộng tác với giới kỹ nghệ, thương gia hay với các cơ quan nghiên cứu quốc tế. Ðại học có thể hợp tác với các đại học ở ngoại quốc trong việc giảng dậy, nghiên cứu, huấn luyện, đào tạo... ÐHQG Ðài Loan cộng tác với trên 100 đại học trên thế giới. Các giáo sư của ÐH Chicago, UC Berkeley, Stanford... thường tới dậy tại ÐHQG Ðài Loan; các sinh viên của họ cũng được gửi tới để học tại đại học sau này.
- Mỗi đại học có quyền chọn lựa, thăng cấp hay loại bỏ ban giảng huấn, nghiên cứu và sinh viên nếu không đủ chuẩn mực khoa học (và chỉ theo chuẩn mực khoa học mà thôi). ÐH tự quyết định mức lương bổng, học bổng cho mỗi người khác nhau, chứ không theo chính sách bình quân. Người xuất sắc lương cao, sinh viên giỏi có học bổng, hay học bổng lớn. Tại các đại học Mỹ, mỗi giáo sư khi ký giao kèo đều có thể "mặc cả" đồng lương của mình với đại học.
- Thành lập ủy ban giám định theo tiêu chuẩn khoa học, giám định ban giảng huấn, nhân viên nghiên cứu, cũng như nghiên cứu sinh. Theo một số đại học như Harvard, ÐHQG Ðài Loan, ÐH Ðông Kinh thì các chuẩn mực có thể bao gồm: (1) Thành quả (xuất bản, giải thưởng khoa học, hoạt động hàn lâm, đỡ đầu luận án, hội thảo quốc tế khoa học) (70%), (2) Giảng dậy, mức độ yêu thích của sinh viên (sinh viên đánh giá cao, sinh viên theo lớp đông, giúp đỡ sinh viên...) (20%), và (3) tham dự vào sinh hoạt của đại học (giữ các chức vụ hành chánh, hay phụ trách các hoạt động của đại học...) (10%). Tổng cộng: (1) Thành quả: 70 + (2) Giảng dậy: 20 + Hoạt động: 10 = 100. 70 điểm đủ. 80 điểm ban khen. 90 điểm giải thưởng, tăng lương. Nếu không đạt tới tiêu chuẩn 70, sẽ bị cảnh cáo, không được trợ cấp, hay bị hạn chế; liên tiếp 2 năm cảnh cáo sẽ bị bãi chức (hay không được ký hiệp đồng tiếp tục).
- Bộ Giáo Dục nên tránh can thiệp vào việc bổ nhiệm, thăng chức. Ðây là công việc nội bộ của mỗi đại học. Một giáo sư của một đại học kém, nếu được mời sang dậy một đại học khá hơn, rất có thể chỉ với tư cách như phó giáo sư, hay giáo sư trợ lý mà thôi. Ðây là một phương thế cạnh tranh, rất cần thiết cho việc nghiên cứu, phát minh, sáng tạo. Nếu giáo sư ở đại học nào cũng giống nhau, thì làm sao có thể phân biệt được người hay, người kém?
- Nên để cho mỗi đại học tự chọn giới điều hành, từ cấp chủ nhiệm trở lên tới hiệu trưởng. Thí dụ tại ÐHQG Ðài Loan, Hội đồng của Mọi nhân viên giảng huấn trong Khoa (Hệ, Sở) bầu Chủ nhiệm; trong Viện bầu Viện trưởng, và Hội đồng Ðại diện của ban Giảng Huấn bầu Hiệu trưởng... Bộ, hay nhà nước chỉ có quyền phê chuẩn nhưng không có quyền chỉ định.
- Mỗi đại học tự do trong việc cấp phát văn bằng, thành lập cơ sở nghiên cứu. Bằng cấp của đại học kém ít khi được các kỹ nghệ, hãng hay cơ sở chính phủ và các cơ quan tư nhân chấp nhận. Do đó có sự cạnh tranh giữa các đại học, cũng như việc các đại học kém bị đào thải.
Quan trọng nhất, là đại học được tự do mời, chấp nhận, hay tuyển chọn ban giảng huấn từ bất cứ nước nào, sắc tộc nào, đảng phái nào hay tôn giáo nào. Chỉ có một tiêu chuẩn quyết định, đó là tài năng của họ thấy qua công trình nghiên cứu. Ai giỏi, người đó được mời. Nhà nước giúp mọi cơ hội thuận tiện, bao gồm chiếu khán, quyền cư trú, hay nhập quốc tịch, hay trợ cấp ngân khoản để đại học có thể thu hút được nhiều nhân tài trên thế giới.
Ðược như vậy, đại học (theo đúng nghĩa) trở thành quốc tế. Chúng ta có thể thu hút được rất nhiều nhân tài. Nước Mỹ mạnh, bởi vì họ thu hút được hầu hết những người giỏi nhất của thế giới phục vụ cho họ.
Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan, 23.09.2002.
Duyệt lại
Ðại Học Salzburg, Áo, 01.05. 2005