Sự Thiết Yếu Của Tự Do Nghiên Cứu
Gs. Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
3. Bài Học Á Châu
Trở lại Á châu, lịch sử đại học chỉ là một lịch sử tương đối ngắn ngủi. So với cả ngàn năm của Tây phương, các đại học Á châu chỉ là những chú bé con đang tập tững bước đi. ÐH Bắc Kinh, ÐH Ðông Kinh, tuy xấp sỉ quãng trên 100 tuổi, vẫn được coi như là những đại học cũ nhất của Á châu. Tại Việt Nam, hai Ðại Học Hà Nội và Sài Gòn, theo đúng nghĩa đại học, thì cũng chỉ có một lịch sử ngắn ngủi với quãng trên dưới 60 năm, kể từ thập niên 1950s, một vài năm sau cuộc Cách Mạng Tháng Tám. Sự sinh sau đẻ muộn của nền đại học Á châu khiến đại lục lớn và cũ nhất của nhân loại lẹt bẹt trong lãnh vực khoa học. Ta biết, từ thế kỷ 16 trở đi, khi Âu châu phát triển nền triết học, khoa học hiện đại, thì Á châu (trừ Nhật thời Minh Trị) với chính sách "bế quan tỏa cảng" và đặc biệt với nền giáo dục ý thức hệ "nhất sĩ nhì nông tam công tứ thương" đã thụt lúi một cách thảm hại. Mà giới sĩ phu chỉ là những con mọt sách, mà những sách chỉ ghi chép lại những giáo điều (kinh), những câu truyện (truyện) hay những thi phú vô thưởng vô phạt.
Ðiểm đáng nói là tuy có đại học, nhưng ngay cho tới gần đây, các trường tại Á châu vẫn chưa chú trọng tới nghiên cứu. Ðại học chỉ là những "cơ quan" nhà nước, do nhà nước điều hành và phục vụ nhà nước (chứ không phải đất nước). Các đại học nổi tiếng như ÐH Hồng Kông, ÐH Bắc Kinh, ÐH Ðông Kinh, ÐH Kinh Ðô, ÐHQG Tân Gia Ba, ÐHQG Ðài Loan, ÐHQG Hán Thành vốn chỉ là những lò đào tạo nhà chuyên môn, giới công chức, cũng như giai cấp lãnh đạo cho chính phủ. Chính vì vậy mà tuy nổi tiếng, các đại học này vẫn thua xa các đại học lớn của Anh, Mỹ và Âu châu. Nói cách chung, chúng chưa xứng với tầm mức đại học.
Chỉ rất gần đây, khi người Á châu ý thức được tầm quan trọng của nghiên cứu, và nhất là áp dụng chính sách tự do trong nền giáo dục đại học, họ mới bắt đầu có những đại học thực sự, theo đúng nghĩa đại học. Những năm gần đây, một số đại học như ÐH Ðông Kinh, ÐH Kinh Ðô đã có thể cạnh tranh với những đại học lớn của Mỹ, những đại học như ÐHQG Ðài Loan, ÐHQG Hán Thành, ÐHQG Tân Gia Ba, ÐH Hồng Kông... đã có một chỗ đứng vững vàng, vượt khỏi những đại học của Úc Châu (Australia) và Tân Tây Lan (New Zealand), và không thua kém đại học giỏi của Âu châu. Các đại học Á châu bắt đầu thu hút được các học giả, chuyên gia cũng như sinh viên ưu tú trên thế giới, và gần đây hơn cả, đã được thế giới chú trọng và kính nể.
Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan, 23.09.2002.
Duyệt lại
Ðại Học Salzburg, Áo, 01.05. 2005