Sự Thiết Yếu Của Tự Do Nghiên Cứu
Gs. Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
2. Bài Học Ðại Học Bá Linh
và Các Ðại Học Thời Danh
Vào quãng năm 1807-1810, tử tước Wilhelm von Humboldt (1767-1835, một triết gia và ngữ học gia, nguyên bộ trưởng Giáo dục Phổ) được giao phó trách nhiệm thiết lập một đại học mới tại Bá Linh (Berlin) (ÐH Bá Linh chính thức thành lập năm 1811). Ðể có thể cạnh tranh với hai đại học thời danh lúc bấy giờ, ÐH Sorbonne tức ÐH Ba Lê (Paris) của Pháp quốc và ÐH Oxford của Anh quốc, Humboldt cần phải có một lối nhìn mới, táo bạo và thực tiễn. Humboldt nhờ tới hai nhà đại tư tưởng của Phổ lúc bấy giờ: Friedrich Ernst Daniel Schleiermacher (1768-1834, Giáo sư Thần học) và Johann Gottlieb Fichte (1762-1814, Giáo sư Triết học), giúp vạch ra một đề cương cho đại học Bá Linh. Fichte, nhà triết gia duy lý và duy tâm, một phần bị ảnh hưởng của Napoléon Bonaparte coi nền giáo dục đại học như là một công cụ phục vụ nhà nước, một phần do tinh thần ái quốc cao độ của ông, chủ trương cho rằng, mục đích chính của đại học nhắm duy trì và phát huy tinh thần (das Geist) tức sự sống (das Leben) của dân tộc Ðức. Thần học gia Schleiermacher đi mạnh và cực đoan hơn. Ðể tránh cái lỗi lầm quá khứ (các vụ án Galileo, Brudano...), ông chủ trương, sứ mệnh đại học không có chi khác hơn là chính công việc nghiên cứu khoa học. Chọn lọc từ hai ý kiến trên, Humboldt nhận định khoa học phải tuân phục quy luật của khoa học, và những tổ chức khoa học phải "dựa vào chính mình để sống và tiếp tục tự canh tân, và không bị bất cứ một nền ý thức hệ nào trói buộc hay đè ép." Nói cách khác, đại học phải tự sống đó là tự lập, tự cường, tự trị, tự canh tân. Trong tờ báo cáo Humboldt gửi quốc vương, ta đọc thấy câu châm ngôn khoa học vị khoa học mà ông tiếp nhận từ Schleiermacher. Tuy nhiên, ta cũng thấy là Humboldt nhấn mạnh tới sự liên quan bất khả phân ly giữa quốc gia và khoa học. Khoa học nhắm tới việc "đào luyện tinh thần và đạo đức của một quốc gia." Ông đặc biệt lưu ý, giáo dục (Bildung) không phải là một nền giáo dục học theo, nhưng là một sự đào tạo tư cách và hành động (Charakter und Aktion). Nói tóm tại, nền giáo dục đại học bao gồm ba yếu tính, theo nguyên lời của Humboldt: (1) "rằng tất cả mọi (tri thức) đều theo một nguyên lý căn nguyên" phù hợp với sinh hoạt khoa học; (2) "rằng tất cả mọi kiến thức khoa học luôn liên quan tới một lý tưởng" điều hành chỉ đạo hoạt động đạo đức xã hội, và sau cùng (3) "rằng ta phải thống nhất nguyên lý này với lý tưởng như vậy vào trong một Ý niệm (Idea)." Chỉ như vậy, mới có thể đảm bảo sự việc nghiên cứu khoa học, truy tầm căn nguyên của sự vật, luôn phù hợp với sự tìm kiếm mục đích cao quý của cuộc sống đạo đức và chính trị. Và chính ba yếu tính trên tạo thành "cá tính tri thức của dân tộc Ðức."
Nơi đây, trong phạm vi bài tham luận, chúng tôi xin được phép miễn trình bày những khó khăn, mâu thuẫn trong nền triết lý giáo dục của Humboldt, và chỉ xin trình bày một vài ưu điểm thấy nơi chính sách giáo dục của ông. Ðiểm chính yếu mà Humboldt và Schleiermacher đóng góp vào nền giáo dục đại học tân tiến, đó chính là chủ trương tôn trọng công việc nghiên cứu khoa học, coi nó như là mục đích của đại học. Ðiểm thứ tới, đó là điều kiện căn bản để nghiên cứu, đó chính là tự do: tự do trong việc chọn lựa chủ đề nghiên cứu, tự do trong việc chọn phương pháp nghiên cứu, tự do theo đuổi lý tưởng, và nhất là tự do trong việc phát huy nghiên cứu trong môi trường đại học. Lẽ tất nhiên, công việc nghiên cứu khoa học luôn phù hợp với công việc nâng cao dân trí, phát triển tri thức, hoàn thiện xã hội (đạo đức). Nói cách khác, nghiên cứu khoa học luôn mang tính cách thực dụng.
Chủ trương lấy công việc nghiên cứu khoa học làm mục đích chính này đã khiến ÐH Bá Linh phát triển một cách vượt bực. Trong một khoảng thời gian chưa đầy 50 năm, ÐH Bá Linh đã làm một cuộc cách mạng đại học, mạnh bạo và gây ra một ảnh hưởng sâu rộng trong nền giáo dục, không kém nền cách mạng Pháp (1789) trong phạm vi chính trị. Vào thập niên 1930s, ÐH Bá Linh đã có thể tự hào là đầu óc của thiên hạ. ÐH có những triết gia vĩ đại như Hegel, Fichte, Schelling; những nhà bác học thời danh như Max Planck, Albert Einstein, Werner Heisenberg, Niels Bohr (hai nhà vật lý này sau dậy tại Kopenhagen và Goettingen), những nhà thần học nổi tiếng như Schleiermacher. Và ta cũng không thể quên được thiên tài Karl Marx, linh hồn của chủ nghĩa xã hội. Marx từng dùi mài kinh sách tại đây vào những năm 1838-1841. Chính những vĩ nhân này đã đưa nước Ðức lên tới bực thang cao chót vót làm thế giới khâm phục và hãi sợ dân tộc Ðức.[1] Cũng chính ÐH Bá Linh này đã lôi kéo các đại học khác của Ðức cạnh tranh trong công việc phát triển trí năng và phát minh khoa học. Và cũng chính ÐH Bá Linh này đã cho thấy là mọi sinh hoạt chính trị, kinh tế, kỹ nghệ, chiến tranh, tinh thần... đều liên quan mật thiết với tri thức. ÐH Bá Linh đã chứng minh được sự chính xác của câu nói "Tri thức là Sức Mạnh" (hay tri thức là quyền lực, knowledge is power) mà Bacon đã từng đao to búa lớn vào đầu thế kỷ thứ 17.
Nhận thức được tầm quan trọng của nghiên cứu, của tấm gương Bá Linh, các đại học của Mỹ bắt đầu cải tổ, nới rộng mục đích của đại học sang khía cạnh nghiên cứu. Vào đầu thế kỷ thứ 20, các đại học thuộc phái Trường Xuân (Ivy League) bắt đầu chú trọng tới vấn đề nghiên cứu. Họ đầu tư một số vốn rất khả quan vào nghiên cứu. Họ mời những giáo sư, khoa học gia, chuyên gia nổi tiếng từ Âu châu qua. Họ tuyển chọn và cấp học bổng cho những sinh viên xuất sắc, và nhất là họ cộng tác mật thiết với các đại kỹ nghệ cũng như giới kinh doanh của Mỹ. Sau thế chiến thứ nhất, họ đã lôi kéo được những triết gia thời danh như Bertrand Russell, North Whitehead, những khoa học gia vĩ đại như Albert Einstein, Enrico Fermi, những đại thần học gia như Paul Tillich... tới dậy học hay nghiên cứu cho họ. Từ một đại học tầm thường thành lập năm 1636, ÐH Harvard, sau khi áp dụng chính sách nghiên cứu, đã vọt lên hàng đầu nước Mỹ ngay trước thế chiến thứ 2, và ngày nay, được công nhận như là một trong mười đại học thời danh nhất của thế giới. Lẽ tất nhiên là các đại học khác như Princeton, Columbia, Chicago, Cornell, Yale... cũng có những thành quả gần như vậy (Ðại Học Princeton, nơi Einstein từng dạy học, dẫn đầu các đại học Mỹ liên tiếp trong ba năm nay). Họ mua chuộc nhân tài trên khắp thế giới, không phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo hay chính trị. Họ rộng rãi cung cấp mọi phương tiện thiết yếu cho công cuộc nghiên cứu. Những nhà bác học Á châu đầu tiên đạt được giải Nobel (vật lý) như Dương Chấn Ninh, Lý Chính Ðạo (Tầu)... đều học tại Mỹ (Princeton, Columbia) và tiếp tục làm việc cho họ. Ngày nay, các đại học số một tại Mỹ (cách chung) được cả thế giới coi như là những đại học ưu tú đáng tin cậy. Trung bình mỗi năm các đại học này chiếm được tới 2/3 tổng số của giải thưởng Nobel về đủ mọi mặt. Chỉ riêng một đại học Chicago đã từng đoạt được 63 giải Nobel trong lịch sử của giải. Trong ngành kinh tế, đại học này đã chiếm được 14 giải Nobel trong gần 20 năm gần đây. Ngoài thành tựu khoa học, các đại học Mỹ đã sản sinh ra giới lãnh đạo của Mỹ và có lẽ của toàn thế giới. Khá nhiều tổng thống Mỹ, và rất nhiều giới lãnh đạo trên thế giới từng xuất thân từ Harvard, Yale, Cornell, Columbia, Georgetown... Cựu tổng thống Bill Clinton (cùng với bà Arroyo, tổng thống Phi Luật Tân, cựu thống đốc Ðài Loan, ông Tống Sở Lẫm, vân vân) từng tốt nghiệp ÐH Georgetown. Clinton cũng từng theo học tại ÐH Yale, và tu nghiệp tại ÐH Oxford. Hai cha con tổng thống Bush, cũng như bà thượng nghị sĩ Hilary Clinton đều là cựu sinh viên của Yale, trong khi cố tổng thống Kennedy, cựu phó tổng thồng A. Gore, W. Mondale, vân vân, đều là cựu sinh viên Harvard. Danh sách cựu sinh viên của các đại học trên thường chiếm phần lớn trong các bộ từ điển danh nhân thế giới (Who is Who).
Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan, 23.09.2002.
Duyệt lại
Ðại Học Salzburg, Áo, 01.05. 2005