Ðối Thoại Liên Tôn
và Vấn Ðề Mục Vụ ở Ðài Loan
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Ðối Thoại Liên Tôn và Vấn Ðề Mục Vụ ở Ðài Loan.
1) Lời Mở Ðầu
Năm vừa qua, 2006, là một năm đáng ghi nhớ theo cái nhìn của "Ðối Thoại Giữa Các Tôn Giáo". Sau 45 năm khai mạc Công Ðồng Vaticanô II (1962-2007), con người tưởng là đã thấm nhuần tinh thần đối thoại giữa các tôn giáo, nhưng một biến cố xảy ra làm con người khựng lại, sửng sốt không ít: ai trong chúng ta cũng còn nhớ bài diễn văn dọn công phu theo cách của một học giả mà Ðức Benedictô XVI đã phát biểu để nhắc nhở cho con người nhận ra vai trò quan trọng của tôn giáo đối với nền hòa bình thế giới. Thế nhưng nhiều người Hồi giáo quá khích đã đọc bài diễn văn được đọc ở Ðại Học Regensburg đó theo quan điểm "lượm lặt chữ mà làm mất ý nghĩa mạch văn", nên đổ tội cho Ðức Biển Ðức là kỳ thị Hồi giáo và thay vì kiến tạo hòa bình, họ đã không ngần ngại ra tay thảm sát nữ tu hay giáo hữu Công giáo ở Phi Châu, cũng như ở Indonesia. Sự kiện này làm Ðức Biển Ðức chú ý tới sự biến đổi trong đối thoại giữa các tôn giáo: Bên cạnh những bài khảo cứu học thuật công phu, quan trọng hơn là lấy chứng nhân làm cách thế để tiếp cận giữa Công giáo và Hồi giáo trong chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Ngài.
2) Ðối Thoại Liên Tôn ở Trường Ðại Học Phụ Nhân
Ở Ðài Loan cuối năm 2006 cũng ghi lại một vài sự kiện quan trọng trong việc đối thoại giữa các tôn giáo, nói rõ ràng hơn là giữa Công giáo và Phật giáo phái Phật Quang Sơn, đại diện là giữa trường Ðại Học Phụ Nhân và Ðại Học Nam Hoa, Phật Quang Sơn.
Nhân dịp Ðức Hồng Y Shan về hưu và Thượng Tọa Thánh Vân mừng thọ 80 tuổi, hai trường Ðại Học đã tổ chức hai cuộc "Ðại Sư giao đàm", lần đầu vào tháng 10/2006 ở trường Ðại Học Phụ Nhân, lần thứ hai vào tháng 12/2006 ở "Trung Chính Kỷ Niệm Quán". Rồi sau đó đã được các đài truyền hình Phật giáo lập đi lập lại nhiều lần. Ðây là dịp hai vị lãnh đạo hai tôn giáo lớn ở Ðài Loan công khai giao đàm trong một bầu khí rất hòa điệu và khách quan, có thể được coi như là một mẫu đối thoại giữa Công giáo và Phật giáo. Cuộc giao đàm được thực hiện do một giáo sư chuẩn bị trước những đề tài để hai vị trả lời, ở Phụ Nhân là một giáo sư Công giáo và ở Ðài Bắc do một giáo sư Phật giáo. Xin nói qua về quá trình đối thoại kéo dài hơn một giờ này một chút: đầu tiên hai vị được hỏi về cuộc sống tu trì và những đặc điểm, những quan điểm chính trong đời sống đưa tới sự gặp gỡ ngày hôm nay. Rồi theo đó được hỏi về những cái nhìn nhân bản theo Công giáo và Phật giáo. Rồi những giáo lý chính yếu để nhận ra sự tương đồng và tương dị của hai tôn giáo, và cuối cùng là cái nhìn của hai vị theo hai tôn giáo để kiến nghị cho các nhà chính trị hai bên, Ðài Loan và Trung Cộng về vấn đề tôn giáo.
Thực ra có thể nói đây là kết quả cụ thể mà trường Ðại Học Công giáo Phụ Nhân đã dầy công thúc đẩy, mà Khoa Tôn Giáo đã và đang cố gắng thực hiện. Nếu nhìn vào khoảng gần 80 cuốn luận văn ra trường của ban Thạc sĩ và những bài Tiến sĩ đang được viết, chúng ta có thể thấy các sinh viên nghiên cứu và các giáo sư đã và đang đẩy mạnh quan điểm nghiên cứu tôn giáo làm cách biệt hơn 10 viện nghiên cứu tôn giáo hiện đang có ở Ðài Loan. Thường các viện nghiên cứu đều là tôn giáo học, chủ đích là nhấn mạnh lý thuyết tôn giáo hay đơn nhất tôn giáo, như Phật giáo, Tin lành mà thôi. Trong khi đó trường Ðại Học Phụ Nhân là một Ðại Học Công giáo, ngay từ đầu đã nhấn mạnh tinh thần và đường hướng mà Công Ðồng Vaticanô II đã vạch ra: đối thoại giữa các tôn giáo. Ðể sửa soạn cho việc đối thoại giữa các tôn giáo, trước hết phải coi trọng mỗi một truyền thống tôn giáo chính, như Công giáo, Tin Lành, Phật giáo, Ðạo giáo và Tôn giáo Dân Gian, đặc biệt đang thịnh hành ở Ðài Loan. Chính vì vậy, chương trình năm 1 và năm 2 nhằm xây dựng cho các sinh viên biết rõ những khái niệm quan trọng của các tôn giáo chính này, để rồi vào năm 3 và năm 4, họ chọn chuyên một tôn giáo nào đó. Nhưng song song với việc chuyên ngành này, họ đều học về các tôn giáo: so sánh, hợp quan và đối thoại giữa các tôn giáo.
Như vậy, trong trường nghiên cứu, họ đã có căn bản chung này, và bắt đầu nghiên cứu lãnh vực của mình, nhưng luôn luôn theo quan điểm nhận ra vai trò của tôn giáo mình nghiên cứu có liên quan tới những lãnh vực nhân văn như xã hội, tâm lý, văn hóa, khoa học như thế nào và khi nhận ra khuôn mặt và ý nghĩa của các hiện tượng tôn giáo, họ tìm cách để so sánh giữa các tôn giáo hay giữa hai tôn giáo và nếu có thể được, làm sao đẩy mạnh việc đối thoại tôn giáo.
3) Việc Ðối Thoại Giữa Các Tôn Giáo Theo Quan Ðiểm Kitô Giáo
Trong 45 năm Công Ðồng Vaticanô II đã thôi thúc và để lại những cố gắng hiện thành những quan điểm quan trọng và sự phát triển về việc đối thoại liên tôn. Trước tiên xin đan cử bốn quan điểm quan trọng của liên tôn và tái kiến những quan điểm này theo nhu cầu mục vụ của anh chị em.
A) Bốn trọng điểm xuất phát đối thoại liên tôn
1. Lấy Giáo Hội làm điểm xuất phát:
"Extra Ecclesia nulla salus" (Ngoài Giáo Hội, không có ơn Cứu Chuộc). Theo quan điểm này không thuộc vào Giáo Hội, không lĩnh Bí Tích Rửa Tội thì không có ơn cứu độ. Ở đây lấy đối thoại liên tôn làm phương tiện để truyền giáo. Kết quả là "bài ngoại", một quan điểm không xa lạ với Giáo hội Việt Nam, và cả những giáo phái Tin Lành ở Ðài Loan.
2. Lấy Ðức Kitô là điểm xuất phát:
"Những người thiện tâm là những Kitô hữu vô danh". Quan điểm này khẳng định Ðức Kitô mạc khải ơn cứu độ là ơn cứu độ cho mọi người: "Máu cứu độ Ta đổ ra cho các con và mọi người để được ơn cứu rỗi". Ðây cũng là quan điểm của nhà thần học nổi tiếng Karl Rahner, quan điểm khẩn định Kitô giáo vô danh.
3. Lấy Thiên Chúa làm điểm xuất phát:
Thiên Chúa là Huyền Nhiệm và được bày tỏ ra cho con người theo những cách thế khác nhau tùy theo thời gian và văn hóa, xã hội. Ðây là quan điểm của những phái chủ trương Ða nguyên tôn giáo. Người đại biểu phái này là John Hick, dù quan niệm Thiên Chúa của ông bị nhiều người nghi ngờ.
4. Lấy Thánh Linh làm điểm xuất phát:
"Hơi thở Thánh Linh từ đâu tới và sẽ thổi về đâu, không ai biết". Tâm tình tôn giáo là cái gì linh thiêng, không thể dễ dàng biết, vì được thôi thúc tự đáy lòng của con người. Ở đây con người cần khiêm nhượng nhận thức sự "hư không" (phù vân) của mình mới biết rõ tiếng lương tâm thôi thúc, mới nhận ra huyền nhiệm đang mạc khải. Ðây là quan điểm đáng làm cho chúng ta chú ý và hy vọng sẽ phát huy nhiều hơn trong tương lai.
B) Trùng tu và tái kiến việc đối thoại liên tôn
- Nói chung, bốn quan điểm xuất phát đối thoại liên tôn ở trên, đều là khẳng định một khía cạnh nào đó của Kitô giáo, vì đều khẩn định một tôn giáo khẳng định thượng đế là Huyền Nhiệm Tuyệt Ðối, mà Vị Thần Tuyệt Ðối này được mạc khải mà Kitô giáo tin là Thiên Chúa Ba Ngôi.
- Mỗi tôn giáo đều chấp nhận "cõi gốc" của mình là một mầu nhiệm tuyệt đối và tôn giáo mình tin theo là một hình ảnh, tượng trưng của mầu nhiệm được cụ thể hóa. Theo phương pháp luận, con người có thể tiếp cận với mầu nhiệm tuyệt đối này theo ba phương cách, đó là khẳng định, phủ định và thăng hóa. Ba phương thế này là ba điểm nhấn mạnh khác nhau của một quá trình mà mỗi tôn giáo đều coi trọng, vì thế đều hỗ tương cho nhau: chấp nhận mạc khải tuyệt đối là khẳng định niềm tin và đạo lý, nhưng đồng thời trong cuộc sống con người nhận ra điều mình tin không phải cứng nhắc, nhưng con người phát hiện nhiều khía cạnh mới, khi cuộc sống siêu việt chính mình và mở rộng ra cõi "vô biên", "tuyệt đối". Phủ định là con đường luôn muốn "hư không hóa" những "cố định", "cố chấp", nhưng để "hư không hóa" họ phải "có" thì mới "hư không hóa" được, mà cuộc sống của con người trong không gian và thời gian luôn là sống trong "cõi đời" này. Vì thế dù Phật giáo luôn nhấn mạnh tới "giải thoát" sự đau khổ, nhưng chính vì thế họ phải ý thức mình đang sống trong vòng "sinh, tử, bệnh, lão" thì mới mong được giải thoát. Nhưng dù khẳng định hay phủ định, cuộc sống con người luôn sống trong "mỗi giây phút", "mỗi nơi chốn", và bao lâu còn hiện hữu trong cuộc sống là còn đang "tự siêu thoát", "tự thăng hóa" mình. Ðối thoại là động tác và vì thế cũng trở thành một quá trình.
- Ðể ý thức được mình đang sống, tức là ý thức được "chỗ" mình đang đứng, "quan điểm" mình đang có. Kinh nghiệm tôn giáo là kinh nghiệm gắn chặt với cuộc sống. Vì vậy muốn đối thoại với ai, chúng ta phải biết rõ "chỗ" mình thì mới có thể biết nhau được. Chính vì thế chúng ta không thể đối thoại liên tôn mà không khẳng định lập trường của mình trước, cũng như giả định đối nhân cũng có một lập trường. Mỗi đối nhân liên tôn là một chứng nhân của kinh nghiệm và lập trường của tôn giáo. Chính vì vậy mà chúng ta hiểu rõ đường hướng của Ðức Benedictô XVI nhấn mạnh tới "nhân chứng" hơn là học thuyết, sau kinh nghiệm ở Regensburg và trong kinh nghiệm của chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ.
- Nếu tôn giáo là Ðường đưa tới sự Thật, sự Sống, thì liên tôn là những khúc đường liên đới với nhau, giúp nhau nhận ra sự Thật hơn và Sức Sống đưa con người phát triển tốt hơn.
4) Ðối Thoại Liên Tôn Và Công Việc Mục Vụ Ở Ðài Loan
- Ðối thoại liên tôn là một công tác mục vụ quan trọng, nhưng cũng như những việc mục vụ khác, cần phải có những kế hoạch và quá trình cần thiết, mới có thể đạt được mục đích.
Trước hết xin đan cử kinh nghiệm ở trường Ðại Học Phụ Nhân để phản tỉnh. Phân Khoa Tôn Giáo là một cơ cấu huấn luyện người trẻ ngang qua việc học kiến thức và tiếp cận thường ngày giữa các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau, dần dần họ vừa hiểu nhau, vừa quan sát tín ngưỡng sống đạo để lột lấy những cái hay của nhau, dần dần mới nhận ra giá trị của đối thoại liên tôn. Nói cách khác, đối thoại liên tôn cần phải được sửa soạn và học hỏi mới đạt được mục đích. Quan sát những người tín hữu trẻ thuộc bất cứ tôn giáo nào, nhận ra họ đều phải trải qua những thách đố, khủng hoảng và dần dần trưởng thành. Nếu họ không có một niềm tin rõ ràng và chân thành, họ qua những lớp học căn bản về tôn giáo khác nhau, họ mới so sánh, suy tư và cuối cùng chọn cho mình tôn giáo mà họ cho là tốt nhất, thường là ngang qua sự tiếp xúc với những "chứng nhân chân chính". Như vậy, đối thoại và truyền giáo là hai thực tại, có thể thách thức nhau và truyền giáo ở đây là làm sao làm chứng nhân để người đang đi tìm chân lý nhận ra đức tin được sống theo ngôn-hành hiệp nhất.
- Chiếu theo kinh nghiệm này, đối thoại liên tôn chỉ có thể thực thi có hiệu quả, khi đối thoại liên tôn nhận ra thực trạng của nó và theo những tôn chỉ chân chính của đối thoại. Dưới đây là một số điểm rút ra từ kinh nghiệm đối thoại liên tôn ở Ðại Học Phụ Nhân.
a) Ðối thoại liên tôn cần có một lập trường tôn giáo.
b) Ðể có thể đối thoại họ phải biết và xác tín tôn giáo của mình trước, rồi mới tìm học tôn giáo bạn một cách cởi mở.
c) Ðối thoại liên tôn cần trải qua những "suy tư" để soi sang cho nhau mở những "nút buộc" thành kiến.
d) Ðối thoại liên tôn là đồng hành, chứ không phải là "giải quyết vấn đề" mà thôi.
e) Nếu đối nhân thay đổi ý kiến hay lập trường, thì đó là quyết định của đối phương, chứ không phải là sự cố xảy ra trong "đối thoại". Ðối thoại liên tôn không thể là phương tiện truyền giáo, nhưng truyền giáo có thể là hậu quả của sự tiếp xúc giữa con người thành thật, "chứng nhân" với nhau.
- Thoạt tiên tưởng rằng những đạo hỗn hợp như "Nhất Quán Ðạo" là có ưu điểm trong đối thoại liên tôn, nhưng thực ra khi thành thực đối thoại tìm hiểu nhau, họ mới nhận ra những mâu thuẫn hay xung khắc mà họ trước kia "hỗn hợp" với nhau, nhưng không biết. Cũng chính vì vậy, mà họ gặp nhiều khó khăn trong việc "Nhất Quán" mà lập trường các tôn giáo khi tiếp xúc với nhau, đối thoại với nhau đang gặp phải.
Bài thuyết trình của Lm Vũ Kim Chính, SJ.
trong dịp Họp Mặt Xuân Ðinh Hợi 2007
của Hội Tu Sĩ Việt Nam tại Ðài Loan