Vài SuyTư Về Việc Biên Soạn

Bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Việt Nam

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


5. Kết Luận: Thẩm Ðịnh Giá Trị

 

Trong các bộ Sử hiện nay của Viện Triết Học và của các cơ quan nghiên cứu, đa số chúng ta thường phân công mỗi học giả viết một đoạn. [57] Người chủ biên (các giáo sư Nguyễn Tài Thư, Lê Sỹ Thắng, Nguyễn Hữu Vui, Trịnh Doãn Chính, Bùi Thanh Quất) chịu trách nhiệm biên tập. Lối phân công này tuy có nhiều cái hay (không đụng chạm, không dẫm chân lên nhau, và có lẽ tương đối nhanh). Tuy vậy, đây là lối biên soạn Từ Ðiển Bách Khoa chứ không phải Lịch Sử. Bởi lẽ, lịch sử phải hệ thống, nhất quán, liên tục. Mà lịch sử triết học lại đòi hỏi hơn nữa: chúng ta phải tìm ra nguyên lý chung và đường hướng chung, chưa nói đến là chúng ta phải dùng cùng phạm trù, từ ngữ, lối phiên dịch chung.

Một trong những mã số chung của người Việt là tấm lòng yêu nước, gắn bó với tổ, với dòng tộc. Chủ nghĩa yêu nước không phải là cái mã số, hay cái logic (tinh thần), nhưng chỉ là một hình thức (đôi khi cực đoan) của tấm lòng yêu nước mà thôi. Giáo sư Trần Văn Giàu là một trong những bộ óc bách khoa của Việt Nam. Gọi cụ là nhà bác học thì cũng không quá đáng. Thế nên, tôi không nghĩ là cụ quá đơn sơ đến nỗi giản đơn tư tưởng Việt vào chủ nghĩa yêu nước. Khi nâng lòng yêu nước lên hàng chủ nghĩa, Trần tiên sinh thực ra muốn nói lên cái tâm tình của cụ và những người cùng thời đại của cụ, tức thời đại của chúng ta hiện nay mà thôi. [58] Mà thực vậy, thời đại của chúng ta hiện nay là một thời đại xây dựng trên lòng yêu nước (nếu nước được hiểu theo nghĩa rộng của quê cha đất tổ). Bảo vệ nước nhà khỏi ngoại xâm, bảo vệ dân tộc khỏi bị đô hộ. thì người Việt cho dù ở bất cứ đâu cũng đều như nhau. Họ vẫn rất nặng tấm lòng yêu đất nước, thương giống nòi, nhớ quê hương và luôn hướng về xứ sở. Song le, tâm tình này không phải và không nên đồng nghĩa với chủ nghĩa. Bởi vì lòng yêu nước là tinh thần, là mã số, chứ không phải là hình thức hay cơ cấu.

Một chủ nghĩa không chỉ cần nguyên lý, mà còn phải mang vào một hình thức cố định. Nó phải có những điều kiện sau: (1) nó là nguyên lý chỉ đạo trong tất cả cuộc sống, (2) nó là luật (logic) của mọi suy tư, (3) nó là giá trị căn bản để đánh giá mọi sinh hoạt của chúng ta, (4) nó là nguồn, hình thức, và chất liệu cho thẩm mỹ; (5) nó thể hiện trong cơ cấu, tổ chức, nền giáo dục. của xã hội. Nói tóm lại, khi công nhận chủ nghĩa yêu nước thì trước hết phải chứng minh có một tâm tình yêu nước chung nơi người Việt; có một lối suy tư chung dựa trên tâm tình này; có một lối tổ chức (sống) chung theo nguyên lý này, có một nền đạo đức, thẩm định giá trị chung dựa trên nguyên lý này, và mọi sáng tạo, sản sinh chỉ có thể từ cái động lực yêu nước này. Tất cả các nguyên tố trên cấu tạo thành nền triết học yêu nước. Là chủ nghĩa, ta phải công nhận đó là nền triết học căn bản nhất, hay nói theo ngôn ngữ triết học, đó là nền siêu hình của triết học Việt Nam.

Hiển nhiên là, tấm lòng yêu nước không hội đủ những chuẩn mực của một chủ nghĩa nêu trên. Lòng yêu nước của chúng ta chỉ là một lối sống, cách suy tư của những ai gắn liền với nhà, với nước, với non, với ao với vườn. Nó chưa phải, và khó có thể biến thành nền siêu hình bởi lẽ một khi con người không còn quá gắn liền với đất, với nước, với vườn với tược, thì một tâm tình yêu nước như vậy sẽ phai nhạt. Ðây là một lý do giải thích tại sao có những cuộc nội chiến không ngừng giữa những người yêu nước một cách cực đoan. Ðây cũng là lý do giải thích được, những người yêu nước (theo kiểu của họ) khó có thể công tác với nhau được.

Những vĩ nhân như Khổng Tử, Giê-Su, Thích Ca, Karl Marx, không gắn liền với chủ nghĩa yêu nước. Họ là những người quốc tế, vô sản (theo đúng nghĩa không giai cấp của Marx). Ðối với các ngài, thì tấm lòng yêu nước vẫn chưa đủ. Phải là tấm lòng nhân bản, tứ hải giai huynh đệ, thiên hạ vi công, từ bi hỉ xả. mới là nguyên lý căn bản cho cuộc sống. Vây nên chúng ta phải nói, nền triết học (nguyên lý) của lòng yêu nước phải xây trên nền nhân bản, trên ý thức sinh tồn, phát triển, trên sự ước vọng, khát vọng về một thế giới hoàn mỹ của con người toàn thiện. [59]

Thế nên, khi viết bộ Lich Sử Tư Tưởng Triết Học Việt Nam, chúng ta ý thức được rằng chúng ta viết vì động lực yêu nước, và phát xuất từ tấm lòng yêu nước. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta được phép biến bộ sử thành Lịch Sử Triết Học Yêu Nước. Vậy thì, từ tấm lòng yêu nước, với tinh thần khoa học chúng ta nên cố gắng viết bộ sử xứng đáng cho cả nhiều thế hệ, có thể dịch sang ngoại ngữ (Anh, Pháp, Hoa) và cống hiến cho nhân loại. Và để có thể hoàn thành bộ này, chúng ta cần có những điều kiện căn bản (phần 3), cũng như sự tiếp tay của các chuyên gia liên ngành,và sự đóng góp của những học giả Việt sống tại hải ngoại, hay các học giả ngoại quốc. [60] Một bộ sử như vậy không chỉ thỏa mãn được tấm lòng ái quốc của chúng ta, mà còn đóng góp vào kho tàng văn hóa của nhân loại.

 

Sách Tham Khảo:

Trong phần này, chúng tôi chỉ nêu ra một số tác phẩm liên quan tới phần lịch sử tư tưởng, triết học và Việt triết. Vì không được hân hạnh đọc một số tác phẩm của những học giả Việt tại hải ngoại, nên chúng tôi không dám mạo muội ghi tác phẩm của họ nơi đây.

- Bùi Thanh Quất, chb., Lịch Sử Triết Học. Hà Nội, 1999.

- Cao Xuân Huy, Tư Tưởng Phương Ðông Gợi Những Ðiểm Nhìn Tham Chiếu. Hà Nội: Nxb Văn Học, 1995.

- Doãn Chính, chb., Ðại Cương Triết Học Phương Ðông Cổ Ðại. Hà Nội: Nxb Chính Trị Quốc Gia, 1998.

- Giản Chi & Nguyễn Hiến Lê, Ðại Cương Triết Học Trung Quốc. 2 Tập. Sài Gòn: Xuân Thu xb., 1964.

- Kim Ðịnh, Việt Lý Tố Nguyên. Sài Gòn: An Tiêm, 1971.

- Kim Ðịnh, Gốc Rễ Triết Việt. Houston: An Việt, 1988.

- Kim Ðịnh, Việt Triết Nhập Môn. Houston: An Việt, 1988.

- Lê Tôn Nghiêm, Lịch Sử Triết Học Phương Tây. Sài Gòn, 1971.

- Lê Sỹ Thắng, Lịch Sử Tư TưởngViệt Nam, Tập 2. Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1997.

- Nguyễn Ðăng Thục, Lịch Sử Triết Học Ðông Phương, 5 Tập. Tph. HCM: Nxb Tph. HCM., 1991. Tái bản.

- Nguyễn Ðăng Thục, Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, 7 Tập. Tph. HCM: Nxb Tph. HCM, 1992. Tái bản.

- Nguyễn Hữu Vui, chb., Lịch Sử Triết Học, 2 Tập. Hànội: Nxb Chính Trị Quốc Gia, 1991-1992, Tb., 1998.

- Nguyễn Tài Thư, chb., Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, Tập 1. Hà Nội: Viện Triết Học, 1993.

- Nguyễn Tài Thư, chb., History of Buddhism in Vietnam. Hà Nội: Social Sciences Publ. House, 1992. Tái bản: Washington, D.C.: The Council for Research in Values and Philosophy, 2002.

- Nguyễn Trọng Chuẩn, chb., Nửa Thế Kỷ Nghiên Cứu và Giảng Dậy Triết Học ở Việt Nam. Hà Nội: Viện Triết Học, 2001.

- Phan Ngọc, Một Cách Tiếp Cận Văn Hóa. Hà Nội: Nxb Thanh Niên, 2000.

- Trần Ngọc Thêm, Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam. Tph. Hồ Chí Minh: Nxb Tph. HCM, 2001 (lần 3).

- Trần Quốc Vượng, Văn Hóa Việt Nam - Tìm Tòi và Suy Ngẫm. Hà Nội: Nxb Văn Hóa Dân Tộc, 2000.

- Trần Ðức Thảo, Lịch Sử Tư Tưởng trước Marx. Hà Nội: Nxb. Khoa Học Xã Hội, 1995.

- Trần Trọng Kim, Nho Giáo. Sài Gòn: Trung Tâm Học Liệu BGD, 1971.

- Trần Văn Ðoàn, Chính Trị dữ Ðạo Ðức. Ðài Bắc: Học Sinh Thư Cục (Bộ Giáo Dục Ðài Loan), 1998. (Trung ngữ)

- Trần Văn Ðoàn, Việt Triết Luận Tập, Tập 1. Washington, D.C.: Vietnam University Press, 2000. (Việt ngữ)

- Trần Văn Ðoàn, The Idea of a Viet-Philosophy, Vol. 1. The Formation of Vietnamese Confucianism. Washington, D.C.: Council for Research in Values and Philosophy, 2002.

- Trần Văn Ðoàn, The Category of Relation in the Human Sciences. 4 Vols. Taipei: National Sciences Council, 1997-2001.

- Trần Văn Giàu, Sự Phát Triển của Tư Tưởng ở Việt Nam từ Thế Kỷ XIX đến Cách Mạng Tháng Tám, 2 Tập. Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1973.

- Viện Triết Học, chb., Một Số Vấn Ðề Lý Luận về Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam. Hà Nội: Viện Triết Học, 1984.

- Vũ Ðình Trác, Triết Lý Chấp Sinh Nguyễn Công Trứ. Orange: Hội Hữu, 1988.

- Vũ Ðình Trác, Triết Lý Nhân Bản Nguyễn Du. Orange: Hội Hữu, 1993.

 

Chú Thích:

[57] Ngoài các bộ sử về tư tưởng hay triết học của Viện Triết Học, của Ðại Học Hà Nội, còn phải kể đến: Doãn Chính, chb., Ðại Cương Lịch Sử Triết Học Phương Ðông Cổ Ðại (Hà Nội: Nxb Chính Trị Quốc Gia, 1998); Doãn Chính, chb., Ðại Cương Triết Học Trung Quốc (Hà Nội: Nxb Chính Trị Quốc Gia, 1997), hay Tập Giáo Trình Triết Học Mác-Lênin (Hà Nội: Nxb Chính Trị Quốc Gia, 1999). Trước đây, đa số các bộ sử đêu do một cá nhân hoàn thành: Nho Giáo của cụ Trần Trọng Kim, hai bộ Lịch Sử Triết Học Ðông Phương cũng như Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam của cụ Nguyễn Ðăng Thục, bộ Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Thiền sư Nguyễn Lang, (2 Tập), Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam của Giáo sư Lê Mạnh Thát (xuất bản gần đây, 1999), bộ Lịch Sử Truyền Giáo ở Việt Nam của Lm. Nguyễn Hồng (2 Tập), (1959); Duy Vật Lịch Sử (1949), Sự Phát Triển của Tư Tưởng Việt Nam từ Thế Kỷ XIX đến Cách Mạng Tháng Tám của Giáo sư Trần Văn Giàu; Lịch Sử Triết Học Phương Tây (1950) của Giáo sư Ðặng Thái Mai; Ðại Cương Triết Học Trung Quốc của Giản Chi và Nguyển Hiến Lê, (2 Tập), (1964), vân vân.

[58] Công nhận triết học Việt là "chủ nghĩa ái quóc" có lẽ là lối nhìn chung của các học giả nước nhà, nhất là vào những thời kỳ chống ngoại xâm. Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn nhận định, "tinh thần yêu nước" chỉ "tô điểm, trang sức thêm cho tinh thần độc lập, tự do." Xtkh. Nguyễn Khánh Toàn, "Về Cuốn Lịch Sử Ý Thức Hệ Việt Nam," trong Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Một Số Vấn Ðề Lý Luận Về Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam. (Hà Nội, 1984) (để lưu hành nội bộ), tr. 15.

[59] Ðây là lý do giải thích việc Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến việc cụ noi gương đức Giê-su, đức Khổng, nhà bác học Karl Marx và bác sỹ Tôn Dật Tiên: "Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội... Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của những vị ấy." Trích từ Trần Dân Tiên, Hồ Chí Minh Truyện (Thượng Hải: Nxb Tam Liên. 1949), tr. 91. Câu nói này được hầu hết các nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh trích dẫn.

[60] Như kinh nghiệm riêng của người chủ biên, phụ trách phần triết học Tây phương của Bộ Ðại Từ Thư Triết Học Trung Hoa (Hoa ngữ, 6 Tập, Ðại Học Phụ Nhân, 1986- đến nay), tôi đã mới nhiều học giả không phân biệt quốc gia, bao gồm Trung quốc, Nhật, người Hoa kiều bên Mỹ, một số học giả người Mỹ, Nga, Ðức, Ý. đóng góp, nhất là khi viết về triết học của các nước này. Về phần triết học Việt Nam, tôi từng mời Giáo sư Kim Ðịnh (1987) viết 1 tiết về Việt Triết.

 

Trần Văn Ðoàn

(Tân Trúc, Trung Hoa Dân Quốc, Tết Nhâm Ngọ 2002)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page