Vài SuyTư Về Việc Biên Soạn

Bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Việt Nam

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


4. Những Ðiều Kiện Tiên Quyết

Ðể Biên Soạn Bộ Lịch Sử Tư Tưởng

Triết Học Việt Nam

 

Sau khi đã làm sáng tỏ một số ngô nhận hay thiếu minh bạch về những quan niệm văn hóa, triết lý, triết học và khoa học, chúng ta trở lại vấn đề then chốt trong công việc biên soạn bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Việt Nam, đó là làm thế nào để hoàn thành bộ sách này một cách lý tưởng, và có giá trị cho ít nhất cả hàng chục thập niên sau. Nếu chúng ta đã có một nền văn hóa cả 4 ngàn năm, nếu chúng ta không thể phủ định là chúng ta có triết lý sống, thì công việc quan trọng, đó là làm thế nào để khai quật, hệ thống, và phát triển cái nguyên lý Việt thấy trong văn hóa, triết lý sống của người Việt thành một nền triết học Việt. Chúng tôi xin bàn qua về những điều kiện tiên quyết để khai quật, hệ thống và phát triển như sau:

Khai Quật - Năng Lực

Ðể khai quật, chúng ta phải có đủ khả năng. Ðó là khả năng của những nhà ngữ học, khảo cổ học, lịch sử gia và triết gia. Về phương diện ngữ học, chúng ta cần những người thông thạo Hán cổ, chữ Nôm, Hoa ngữ (chữ Tầu hiện nay), tiếng Phạn (hay Pali trong trường hợp nghiên cứu Phật giáo), cũng như một số ngôn ngữ Âu châu hiện đại như Pháp, La-tinh (và Bồ, Ý, Tây ban nha trong trường hợp nghiên cứu luồng tư tưởng cận đại thời Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, hay sau một chút, như Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký. Bởi nếu không thông hiểu những ngôn ngữ này, chúng ta khó thể đọc được những tư liệu cổ. Riêng về luồng tư tưởng miền Nam, nếu biết thêm được ngôn ngữ hệ Chàm (hay Mã lai), công việc nghiên cứu càng nghiêm túc hơn. Về phương diện khảo cổ, chúng ta phải khai quật những tư liệu, dữ kiện mới. [39] Sự khám phá ra trống đồng Ðông Sơn, Ngọc Lữ đã đem lại cho giới nghiên cứu tư tưởng (văn hóa và văn minh) Việt một lối nhìn khác biệt với "lối nhìn Trung hoa". [40] Thứ tới, như nhà khảo cổ, chúng ta phải tìm ra cái nguyên tính, cái đặc thù, cũng như nhận biết rõ thời gian phát sinh ra tư tưởng (hay tư liệu) của người Việt. [41] Bởi nếu không xác định được thời gian, sự chính xác, cũng như lịch sử (bối cảnh) của những dữ kiện, tư liệu, kinh nghiệm. thì những phán quyết của triết gia sẽ "trên mây, dưới gió." Như một nhà sử học, chúng ta cùng một lúc phải có cái nhìn vĩ mô và vi mô. Triết gia thường hay quá chú trọng vĩ mô mà quên đi những chi tiết tuy rất nhỏ nhặt, song có thể rất quan trọng. Những sử gia vĩ đại là những người biết phân tích rất tỉ mỉ, song lại có thể đưa ra một cái nhìn bao quát (tức cái luật hay logic) về lịch sử. Sau cùng, để viêt một bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học, chúng ta phải dùng ngôn ngữ và phạm trù triết học, phải suy tư lại những gì khảo cổ, ngữ học và sử học cung cấp, phải đặt lại vấn đề, và nhất là phải tìm ra nguyên lý khoa học giải thích dữ kiện, quy luật, cũng như tiên đoán cái phải xảy ra, vân vân.

Chúng tôi xin đan cử một ví dụ để làm sáng tỏ chủ trương trên. Ta biết, đa số các nhà nghiên cứu Việt học, từng coi chủ nghĩa ái quốc lá chủ thuyết căn bản của nền tư tưởng Việt. [42] Nếu quả là vậy, thì sử gia cần phải chứng minh là chủ nghĩa ái quốc này bắt đầu xuất hiện vào giai đoạn lịch sử nào; nhà ngữ học phải tìm hiểu sự kiến cấu, cái ý nghĩa nguyên thủy của từ ngữ ái quốc, yêu nước., nhà khảo cổ học phải chứng minh là có tộc Việt thuần nhất ở vùng này, có một quốc gia Việt vào thời này hay không... Riêng giới triết gia phải đặt ra câu hỏi: tại sao chúng ta lại quá chú trọng vào chủ thuyết ái quốc? Có phải chỉ người Việt mới có, hay bất cứ tộc nào (vào cùng một cảnh ngộ như vậy) cũng có một quan niệm, một ý thức, và hành vi như vậy?

Ði vào chi tiết hơn, triết gia phải cùng lúc là nhà ngữ học, sử học, khảo cổ học, mỹ học. Từ phương diện ngữ học, triết gia bắt buộc phải suy tư về câu hỏi: có phải chủ nghĩa ái quốc đồng nghĩa với yêu nước? Nếu không, thì quan niệm về nước và quốc khác nhau; như vậy chúng ta không thể hồ đồ cho rằng người Việt yêu nước, giống như người Tầu ái quốc. Từ khía cạnh lịch sử, triết gia phải chứng minh là chủ nghĩa ái quốc không phải là một sản phẩm bẩm sinh; mà chỉ sau khi có một hệ thống tổ chức, hành chánh, pháp luật lúc bấy giớ mới có quốc, có bang, có công dân. [43] Vậy thì quan niệm yêu nước không hẳn giống ái quốc, bởi vì con người tự bẩm sinh đã yêu nước. Con người cần có nước (uống), có đất đai (cư ngụ, thực phẩm, trồng trọt). Thành thử người Việt rất có thể hiểu "đất nước" khác với "quốc gia." [44] Nếu quả như vậy, cho rằng chủ nghĩa ái quốc tức chủ nghĩa yêu nước Việt, và là chủ nghĩa nòng cốt của triết học Việt, có lẽ sẽ vướng vào nhiều khó khăn, [45] nếu không nói là sai lầm. Lỗi sai lầm sử học, đó là Việt Nam (quốc gia) có sau chứ không phải có trước người (tộc) Việt, vậy thì làm sao ta có thể nói chủ nghĩa yêu nước Việt là nền tư tưởng căn bản? Thứ đến, nếu yêu nước tức yêu đất và nước (tức sự sống) thì con người ở đâu mà không giống nhau. Làm sao chúng ta có thể vơ vào một mình cho chúng ta? Thứ ba, nếu ái quốc là nòng cốt thì chúng ta làm sao giải thích được những bản chất khác của người Việt như khoan dung, không quá khích, dễ "dĩ hòa vi qúy", dễ gia nhập vào các cộng đồng khác, dễ chấp nhận những lý thuyết khác (thí dụ tam giáo), và nhất là không duy tộc (huyền thoại Lạc Long Quân-Âu Cơ và 100 con, dòng Bách Việt, sự hội nhập giữa Kinh và Thượng, giữa Bắc và Nam, giữa Việt và Chàm), vân vân?

Khách Quan

Những giải thích hơi cực đoan như trên lẽ dĩ nhiên không thể thỏa mãn được sự đòi hỏi khách quan, khoa học của các bộ môn lịch sử, khảo cổ và cả khảo chứng ngữ học. Ðể tránh những yếu điểm này, để biên bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Việt Nam, chúng ta cần phải khách quan. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta ý thức được là, là một dân tộc từng bị các cường quốc đô hộ bóc lột dễ có những cái nhìn cực đoan (hoặc chống, hoặc theo), và nhất là tâm lý báo thù (hay phẫn uất như Nietzsche từng phân tích). Thế nên mặc dù có cảm tình với những học giả như Kim Ðịnh, Vũ Ðình Trác hay Trần Quốc Vượng, Trần Ngọc Thêm, Lê Mạnh Thát, chúng ta cần phải tránh được cái gọi là "lấy Việt Nam làm trung tâm." Vơ tam hoàng ngũ đế như Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Ðế, Chuyên Húc, Nghiêu, Thuấn, vân vân, làm tổ tiên của mình, [46] tuy "oai thật" song ta (nếu không chứng minh được) sẽ bị chửi là mắc phải căn bệnh "thấy người sang bắt quàng làm họ." Vơ thuyết âm dương, tam tài làm của báu di truyền riêng của mình [47] chỉ khiến các học giả ngoại quốc "ngạc nhiên" và tự hỏi có phải người Việt chúng ta là tổ tiên của người Tầu? Tự cho Phật giáo tới Việt Nam trước, rồi sau đó mới truyền sang Trung Hoa, [48] nếu có thật đi nữa (mà điều này rất đáng nghi ngờ), thì chúng ta cũng khó có thể chứng tỏ chúng ta tài hơn họ (bởi lẽ những tư liệu của chúng ta nghèo nàn, cóp nhặt và cũng chỉ vào thời gian mãi sau này). [49] Người Ðức đâu cần lấy A-Lich-San đại đế làm tổ, họ đâu có tham lam vơ Plato và Aristotle làm "bố" họ, thì họ mới có triết học? Thì họ mới vĩ đại? Họ có những vĩ nhân như Luther, Bismark, Humbolt; những đại thi hào như Goethe, Schiller, Hoelderlin; họ là những triết gia vĩ đại như Kant, Hegel, Nietzsche, Heidegger; những nhà cải cách bất tử như Marx, Weber; họ sản sinh ra được cả một thế giới âm thanh với Bach, Beethoven, Brahms, Wagner; rồi họ là cái nôi cho những đại khoa học gia như Einsteins, Heisenberg, Max-Planck và biết bao vĩ nhân khác. Và quan trọng hơn cả, đó là nước Ðức còn đang tiếp tục sản sinh ra rất nhiều vĩ nhân,để chứng minh là họ vĩ đại, vượt xa Hy Lạp. [50]

Thế nên, chúng ta cần phải tránh dựa vào tình cảm, và chỉ được tin vào dữ kiện mà sử gia, khảo cổ gia cung cấp, chứng minh và được các nhà ngữ học khảo chứng. Những dữ kiện này cần phải hội đủ tiêu chuẩn khoa học về lượng và về phẩm, và phải rộng rãi. Thí dụ như chỉ căn cứ vào một trống đồng tại Ðông Sơn, và thấy trống này đẹp hơn những trống ở Vân Nam, hay ở Mã Lai, để rồi đi đến kết luận là tộc Việt là cha đẻ của trống đồng (Vũ Ðình Trác), hay văn minh hơn, và các tộc khác chỉ bắt chước (Kim Ðịnh, Trần Ngọc Thêm), đây đúng là một võ đoán. Các học giả quên đi cái nghịch lý triết học: nếu cổ lỗ hơn làm sao mà đẹp hơn, phức tạp hơn, văn minh hơn? Nếu người ta bắt chước thì tại sao trống của họ lại cũ kỹ hơn trống của ta? Ðó là chưa kể quảng cách địa lý, điều kiện khí hậu, điều kiện thiên nhiên (có mỏ đồng hay không), cũng như nền văn minh địa phương (họ có biết khai mỏ, đúc đồ đồng hay không), họ đã có chữ nghĩa chưa, [51] họ đã có phương tiện làm, viết sách vở hay không, mà các học giả chúng ta cố ý làm ngơ coi như là lẽ dĩ nhiên không cần phải đặt vấn đề.

Chuyên Gia liên ngành

Một nghiên cứu cần những chuyên gia như vậy đòi hỏi chúng ta phải làm việc theo tinh thần liên ngành (inter-disciplinary), [52] tức cộng tác chung với các chuyên gia sử, ngữ, khảo cổ, tôn giáo học, vân vân. Nếu triết học là công việc phản tỉnh, hệ thống, phê bình và đi tìm nguyên lý, thì triết gia cần phải có tư liệu; cần phải hiểu chúng cũng như cái bối cảnh (tức thế giới) của chúng. Triết học cũng cần phải được sử gia, nhà ngữ học, nhà khảo cổ học, các nhà khoa học văn hóa, tôn giáo. kiểm chứng và phê bình.

Thế nên, để tiến hành công việc biên soạn bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học, chúng cũng cần kiếm ra những chuyên gia của các bộ môn liên quan muốn sẵn sàng hợp tác, thí dụ các chuyên gia của Viện Hán Nôm, Viện Sử Học, Viện Tôn Giáo, vân vân. Họ có thể giúp chúng ta về khía cạnh tư liệu hay văn bản, [53] và nhất là giúp chúng ta có một cái nhìn khách quan, trung thực hơn.

Hệ Thống

Như chúng tôi đã phê bình bộ Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam của cụ Nguyễn Ðăng Thục, một trong những điểm yếu của bộ sử này, đó là tác giả không viết theo một hệ thống khoa học nào. Hoặc nói đúng hơn, tác giả không biết hệ thống các mảng tư tưởng. Tác giả không nhìn ra sự liên tục giữa các hệ tư tưởng. Hay chính xác hơn, tác giả chưa tìm ra được cái quy luật lịch sử tức cái luận lý (logic) của người Việt. Mà quả thực, không chỉ một mình Giáo sư Nguyễn Ðăng Thục, mà tiếc thay, đa số các học giả Việt đều vướng vào lỗi lầm này.

Vậy thì cái luật lịch sử giúp chúng ta có thể trình bày một cách nhất quán những hệ tư tưởng, những mảng văn hóa là cái luật gì. Nó có phải là phương pháp chăng? Trong 2 Tập Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam của Viện Triết Học (1993, 1998), và đặc biệt trong tập Lịch Sử Triết Học (giáo trình tại Ðại Học Quốc Gia Hà Nội),[ 54] nhiều học giả hiểu cái luật (logic) này như là phương pháp (biện chứng pháp). Các vị nhận định (theo Marx) là lịch sử diễn tiến theo luật biện chứng duy vật. [55]

Một lối nhìn vậy không hẳn sai, song chưa đủ. [56] Thứ nhất, quy luật nghiên cứu lịch sử không phải là quy luật của lịch sử. Ðể nghiên cứu lịch sử ta có thể áp dụng nhiều phương pháp khoa học khác nhau, thí dụ phân tích dữ kiện, thu tập dữ kiện, tổng hợp chúng. Chúng ta cũng có thể áp dụng phương pháp truy nguyên (của khảo cổ), hay kết cấu trong ngữ học. Nhưng quy luật của lịch sử khác với quy luật nghiên cứu. Quy luật của nó có thể là biện chứng, tiến hóa, cách mạng hay chẳng theo một quy luật cố định nào (thí dụ, lối nhìn của chủ thuyết Hậu Hiện Ðại). Nói là dùng biện chứng pháp để nghiên cứu lịch sử tức là một câu nói chưa đủ nghiêm túc. Y hệt như cho rằng lịch sử chỉ theo một quy luật duy nhất của biện chứng pháp là một lối nhìn hạn hẹp về lịch sử. Thứ tới, mỗi nhà lịch sử có lẽ chỉ nhìn ra một quy luật mà ông cho là quan trọng nhất, để rồi ông (chỉ) thu tập tư liệu liên quan, giải thích chúng theo cái nhìn này. Thí dụ Toynbee nhìn lịch sử theo lối nhìn tiến hóa, nhưng Spengler lại nhìn ngược lại. Thí dụ như các nhà dân tộc, khảo cổ học như B. Manilovski nhìn lịch sử như một kiến trúc toàn thể, trong khi C. Frazer và E. B. Tylor lại theo lý thuyết tiên hóa của Darwin để nhìn các dân tộc khác.

Theo ý kiến hạn hẹp của chúng tôi, khi viết lịch sử chúng ta nên tránh chỉ dựa vào một tiên kiến nào, hay một lý thuyết nào, dẫu rằng lý thuyết này rất khoa học. Lý do chính yếu, đó là cuộc sống và thế giới sống của chúng ta rất phức tạp. Chúng cùng một lúc theo nhiều quy luật khác nhau, đôi khi mâu thuẫn, đôi khi xem ra chẳng có vẻ tương quan gì. Thế nên lối nhìn duy lý của Hegel, duy vật của Marx, lối nhìn duy linh của thánh Augustin, lối nhìn duy ý của Plato. về lịch sử đều chỉ đúng một phần nào đó mà thôi. Nhưng nếu coi bất cứ loại "duy" nào là quy luật duy nhất, thái độ như vậy tự nó đã giáo điều và phản thực tại, điều mà Karl Marx từng cực lực phản đối.

Vậy nên, khi viết bộ lịch sử chúng ta cần để ý: Thứ nhất, chúng ta có thể cùng một lúc áp dụng nhiều phương pháp khác nhau, miễn là chúng không đối nghịch, nhưng liên quan và bổ túc cho nhau. Thứ hai, mỗi thời đại, mỗi xã hội, mỗi giống người, mỗi cách sống, đều có những quy luật riêng biệt của thời đó, xã hội đó, dân tộc đó. Thế nên, ta không được phép bỏ quên những khác biệt, hay loại bỏ những sự kiện không hợp với chúng ta, hay đi ngược lại với quan diểm của chúng ta. Thứ ba, tuy nhìn ra sự khác biệt song chúng ta càng phải tìm ra được sự tương quan giữa những lối sống, giữa những xã hội, giai cấp con người . tức phải tìm ra được cái mã số chung, cái chìa khóa chung của dân tộc.

 

Chú Thích:

[39] Phan Ngọc (Một Cách Tiếp Cận Văn Hóa, sđd., ctr. 433-34) cũng nhận ra điều này khi ông nhấn mạnh đến sự thiết yếu của ngoại ngữ trong việc nghiên cứu văn học Việt.

[40] Sự khám phá ra trống đồng Ðông Sơn và Ngọc Lữ đã giúp Kim Ðịnh đưa ra lý thuyết Việt nho. Trần Ngọc Thêm cũng dựa vào Kim Ðịnh để chủ trương "lấy Việt nam làm trung tâm," cái mà Dương Thiệu Tống ca ngợi là đã tránh được cái tâm bệnh "lây Âu châu làm trung tam" hay "lấy Trung hoa làm trung tâm." Chú ý là Trần Ngọc Thêm không hẳn chủ trương lấy Việt nam làm trung tâm, như ông từng nhấn mạnh trong các bản tái bản sau, và như Nguyễn Trọng Văn (ÐHKHXHNV, Tph. HCM) cũng nhận ra.

[41] Vì thiếu những nghiên cứu khảo cổ mà đa số các học giả Việt thường không thể đồng nhất về nguồn gốc, cũng như cái đặc thù của tư tưởng (triết lý) Việt. Thí dụ quan niệm âm dương, bộ Lạc thư, Hà đồ. Dương Thiệu Tống (ÐHQG Tph HCM) chủ trương âm dương chỉ là quan niệm rỗng và đặc thấy trên trống đồng (tức từ phương Nam), song những khảo cỏ gia như Trương Quang Trực (Chang Kwang-chih, Ðại Học Harvard và ÐH Quốc Gia Ðài Loan), Keightley, Hồ Bình Ðệ (Ho Ping-ti), Jacques Gernet . lại chủ trương ngược lại, cho rằng đó là đặc sản chung của Ðông Á. Xtkh. Kwang-Chih Chang, The Archaeology of Ancient China (New Haven: Yale University Press, 1986, lần 4); Kwang-Chih Chang, Early Chinese Civilization: Anthropological Perspectives (Cambridge: Harvard University Press, 1976); Kwang-Chih Chang, Shang Civilization (Yale University Press, 1980). Hay David N. Keightley, ed., The Origins of Chinese Civilization (Berkeley: Univesity of California Press, 1983); David N. Keightley, Sources of Shang History: The Oracle Bone Inscriptions of Bronze Age China (University of California Press, 1978); Jacques Gernet, Le monde Chinois (Paris, 1972); Ping-ti Ho, The Cradle of the East: An Inquiry into the Indigenous Origins of Techniques and Ideas of Neolithic and Early Historic China, 5000-1000 (University of Chicago Press, 1976).

[42] Ðây là quan niệm nòng cốt thấy trong hai tập Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam của Viện Triết Học, đặc biệt với các tác giả như Lê Sỹ Thắng, Tập 2, tr. 10, và nhất là tr. 405: "Ý thức dân tộc hình thành sớm và đã tạo ra truyền thống yêu nước có bề dày lịch sử trước khi các học thuyết Nho-Ðạo-Thích du nhập vào đất nước. Từ khi tiếp thu chữ Hán, truyền thống yêu nước ấy dần dần thể hiện trên văn bản." Trước Lê Sỹ Thắng, người dám quả quyết đưa chủ thuyết yêu nước lên hàng truyền thống lớn là Giáo sư Trần Văn Giàu. Ông viết: "Truyền thống lớn của ông cha ta là yêu nước, là chủ nghĩa yêu nước." Xtkh. Trần Văn Giàu, Sự Phát Triển của Tư Tưởng Việt Nam từ Thế Kỷ thứ XIX đến Cách Mạng Tháng Tám, sđd., tập 1, tr. 10; Trần Văn Giàu, Trong Lòng Chủ Lưu của Văn Học Việt Nam: Tư Tưởng Yêu Nước (Nxb Văn Nghệ HCM, 1983), tr. 7. Cũng thấy trong Nguyễn Tài Thư chb., Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, Tập 1, sđd., tr. 19 và 20.

[43] Chữ quốc trong Hán tự, tự nó đã nói lên một tổ chức, quy tụ nhiêu người. Trong khi trong Hy ngữ (eqnos), và La ngữ (natio), quốc nói lên một tổ chức của những người đồng bào, đồng hương, những người cùng nơi chôn nhau cắt rún, cùng dòng tộc. Trong khi chủ nghĩa yêu nước (patriotism) chỉ là một lối tư duy theo phụ hệ, coi phụ tộc là nguồn gốc của quốc gia. Chú ý, từ patriotism phát xuất phát bởi từ ngữ La-tinh pater (cha).

[44] Và quả thực, người Việt ít dùng chữ quốc gia (từ ngữ này vào Việt Nam do văn hóa Hán, nhất là Nho giáo, ảnh hưởng của Ðại Học). Họ thường dùng tiếng "đất nước," "núi sông" (hay giang sơn, hay nước non, non nước), "quê hương," "xứ sở," hay "nước nhà," "quê cha, đất tổ," "quê mẹ," vân vân.

[45] Giáo sư Nguyễn Tài Thư có nói đến khó khăn của chủ trương cho chủ nghĩa yêu nước làm nòng cốt tạo lên lịch sử Việt. Tuy nhiên ông chỉ phê bình rất "nhẹ nhàng": "Quan điểm đó tuy xuất phát từ ý thức chính trị tốt đẹp, song nếu chấp nhận thì trong thực tế sẽ thu hẹp phạm vi của lịch sử tư tưởng dân tộc. Vì ngoài tư tưởng yêu nước ra, lịch sử tư tưởng Việt Nam còn bao gồm các tư tưởng về thế giới, về xã hội và nhân sinh." Xtkh. Nguyễn Tài Thư, bđd., tr. 58.

[46] Kim Ðịnh, Việt Lý Tố Nguyên (Sài Gòn: An Tiêm, 1970), ctr. 52-53 vtth.; Trần Ngọc Thêm, sđd., tr. 79. Nơi đây, giáo sư họ Trần dựa theo Vũ Ngọc Khánh và đặc biệt Kim Ðịnh, mà Kim Ðịnh lại dựa theo Joseph Needham (Science and Civilization in China, Cambridge: Cambridge University Press, 1954-1987) 11 Tập.

[47] Kim Ðịnh, sđd., như trên, chương vế Việt Nho; Trần Ngọc Thêm, sđd., tr. 151 vtth.

[48] Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Tập 1 (Ðà Nẵng, 1999). Phần dẫn nhập, tr. 10.

[49] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (Hà Nội: Nxb Văn Học, 1922), 2 Tập. Theo các tác giả của bộ Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, do Nguyễn Tài Thư chb. (Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1988), thì các tư liệu cổ nhất của Phật giáo Việt Nam cũng chỉ quãng 10 thế kỷ trở lại và rất ít, thí dụ tập Thiền Uyển Tập Anh (thời Lý-Trần vào thế kỷ 12-14), Tam Tổ Thực Lục (thời Trần, thế kỷ 14), Khóa Hư Lục (của Trần Thái Tông), Thượng Sĩ Ngữ Lục (thời Trần), Thiền Uyển Kê Ðăng Lược Lục (triếu Nguyễn, thế kỷ 19).

[50] Cái bi kịch của giới triết sử và triết gia Hy lạp ngày nay, đó là những học giả thời danh nhất về triết lý Hy lạp lại là người Ðức hay Anh, như Hermann Diels, Dieter Kranz, A. Zehner, W. D. Ross, Taylor, vân vân. Tháng 8 năm 1997 dịp tới thuyết trình tại Hy lạp, tôi có một buổi mạn đàm với các đồng nghiệp tại khoa Triết và Sử của Ðại Học Nhã Ðiển (Athina). Tôi rất kinh ngạc khi thấy những giáo sư nổi tiếng về triết học Hy lạp của họ đa số học tại Ðức. Giáo sư Bagliotes (chủ nhiệm khoa Triết) cho tôi biết là nghiên cứu sinh bắt buộc phải học thêm tiếng Ðức để tra cứu tài liệu do học giả Ðức viết

[51] Như Lê Mạnh Thát (trong Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam) quả quyết là người Việt đã có chữ viết riêng để dịch kinh Phật. Bản Hán ngữ là bản dịch từ cổ ngữ Việt! Song ông chỉ rất mơ hồ (mặc dù ông cho là đã chứng minh được) về: đó là loại chữ gì, sách ở đâu, tìm ra ở đâu, ai tìm ra, viết khi nào, ai viết ..? Nghịch lý hơn cả, đó là nếu là chứ cổ không hay chưa ai từng biết, thì cho rằng ngay cả Lê tiên sinh khám phá ra đi nữa, thì ai dạy tiên sinh cái loại chữ này? Nếu tự mò mẫm, thì ai dám quả quyết, chứng minh là Lê tiên sinh đúng hoặc sai? Ta làm sao mà biết bản Hán văn dịch đúng hay sai?

[52] Trần Nguyên Việt, "Nghiên Cứu Liên Ngành về Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam - Thành Tựu và Triển Vọng," trong Nguyễn Trọng Chuẩn chb., sđd., ctr. 124-136.

[53] Trần Nguyên Việt, như trên, tr. 135.

[54] Nguyễn Hữu Vui, chb., Lịch Sử Triết Học (Hà Nội: Nxb Chính Trị Quốc Gia, 1998).

[55] Như trên, tr. 12 vtth.

[56] Giáo sư Nguyễn Tài Thư đã nhìn ra điểm này khi ông viết: "Nếu có một dòng tư tưởng chủ đạo thì nó phải thuộc vè điểm cuối cùng, chứ không phải điểm xuất phát. Phải là kết quả đã trải qua nghiên cứu chứ không phải là định đề có sẵn." Trong Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, sđd., Tập I, tr. 29.

 

Trần Văn Ðoàn

(Tân Trúc, Trung Hoa Dân Quốc, Tết Nhâm Ngọ 2002)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page