Vài SuyTư Về Việc Biên Soạn

Bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Việt Nam

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


3. Triết Học Và Nguyên Lý Khoa Học

 

Vậy thì một nền triết học phải là một nền khoa học theo đúng nghĩa của truyền thống của nó (episthmh, scientia, Wissenschaft).[30] Ðó là một tri thức nguyên lý mà luôn đúng ở bất cứ thời đại nào, xã hội nào, vân vân. Lẽ tất nhiên, các triết gia Hy lạp và cận đại đều hiểu triết học theo nghĩa này, và do đó họ nhận thấy tri thức triết học không khác chi tri thức toán học. Từ đây những người như Descartes, Leibniz, Pascal (các toán học gia) cho rằng nền tảng của triết học phải là toán học. Từ một khía cạnh khác, tri thức không chỉ luôn đúng, mà nó còn phải là nền tảng cho tri thức mới. Chỉ một tri thức như vậy mới đáng gọi là triết học. Triết học như vậy mang thêm một công năng mới, đó là một tri thức giúp chúng ta dự đoán (predict) một cách chính xác cái gì sẽ xảy ra. Một tri thức (triết học) như vậy được những người như Galileo, Newton, Bayle, Locke, Hume hiểu như là một nền khoa học thực nghiệm hay kinh nghiệm, tức nền vật lý học.

Ðúng hay sai, [31] từ thời triết học hiện đại (modern), triết học được đồng nghĩa với khoa học, tức một nền tri thức luôn đúng (toán học), và giúp ta biết một cách chính xác cái gì sẽ xảy ra (vật lý). Ðiểm mà Kant đã từng làm, đó là làm sao chúng ta có thể xây dựng được một nền triết học (suy tư) vững chắc dựa trên những điều kiện tất yếu và siêu nghiệm giống như những điều kiện của khoa học. Tương tự, nhưng đi ngược lại, Hegel coi triết học như là cái tinh thần tuyệt đối, như là động lực nội tại (giống như luật hấp lực của Newton) khiến thế giới con người phải theo và tiến tới. Lẽ tất nhiên Marx không phản đối luận điểm của Hegel. Ông chỉ lật ngược lại chiều hướng lịch sử: đối với Marx, cái động lực căn bản cho nền khoa học khiến lịch sử tiến bộ không phải là triết học tư biện (speculative) mà là một nền triết học thực hành (practical philosophy). [32] Nền triết học này (1) khám phá ra định luật của sinh hoạt, biến đổi nơi xã hội con người, (2) khám phá ra cái động lực khiến con người và thế giới biến đổi, và (3) giúp chúng ta phải tuân theo luật này để có thể tiến tới một lịch sử viên mãn. [33]

Những lối nhìn của các triết gia vĩ đại trên quả quá "lạc quan." Thực ra triết học khác với khoa học, nhất là với những nền học khoa, tức khoa học cá biệt. Triết học là môn học về nguyên lý chứ không phải về một tình trạng (thực trạng) tri thức cố định. Nó càng không thể tự đồng nghĩa với bất cứ học khoa nào như toán học, vật lý, sinh vật, vân vân, bởi lẽ nó là nền tảng của những học khoa (hay tri thức cá biệt) này. Nếu triết học đồng nghĩa với khoa học theo nghĩa học khoa thì Auguste Comte có lẽ đã có lý khi ông này gạt bỏ tất cả mọi lối suy tư (trừ lối suy tư học khoa mà ông đồng nghĩa với vật lý học), và coi chúng như là man dã, dị đoan, tiền triết học. [34] Thực sự thì Comte quá ngây thơ. Ông không chỉ nhầm lẫn giữa tri thức và kiến thức khoa học, và ngây ngô đồng nghĩa sự tiến bộ khoa học với sự tiến bộ của nhân loại mà thôi. Cái nguy hiểm của Comte, đó là ông cho là triết học đề là triết học phải là khoa học, mà khoa học theo đúng nghĩa phải là một nền học khoa thực chứng, tức học khoa. [35]

Không cần nói, Comte và những người theo ông đã hạn hẹp khoa học và bóp méo triết học. Chúng tôi đồng ý với Jaspers, đó là triết học không thể đồng nhất với khoa học, cho dù là bất cứ nền khoa học nào. Triết học đi trước khoa học, và cũng đi sau khoa học. Nó luôn luôn đặt ra những câu hỏi bắt khoa học gia phải đi tìm giải đáp. [36] Nó đi trước đưa ra những viễn kiến (visions), hay giả đề (hypotheses) mà các nhà (nền) khoa học tuy theo (chấp nhận), song phải phản tỉnh và phê phán. Họ (chúng) phải chứng minh (thực chứng) xem các viễn kiến, giả thuyết (giả đề) có đúng hay không, có hoàn toàn hay không. Nếu không thì, như Karl Popper từng chủ trương, họ phải gạt bỏ chúng, sửa đổi chúng. Họ phải tìm một giả thuyết (giả đề) mới, một cái nhìn mới, một nguyên lý mới, tức một nền triết học mới. [37] Triết học đi sau khoa học, không phải như người hầu đi sau sách đồ cho chủ [38] hay như người nữ tì cho nền thần học thời Trung Cổ (philosophia ancilla theologiae). Nó giúp khoa học phản tỉnh. Nó cũng tự phản tỉnh để có thể đưa ra một giả thuyết (đề) mới, để rồi các khoa học gia tiếp tục phê bình, sửa đổi hay gạt bỏ.

 

Chú Thích:

[30] Michel Foucault, LArchéologie du savoir (Paris: Gallimard, 1967),

[31] Karl Jaspers phản đối lối hiểu triết học như vậy. Triết gia cho rằng triết học theo đúng nghĩa phải là "Cái ý nghĩa của từ triết học cho tới nay vẫn là sự truy tầm chân lý (das Suchen der Wahrheit), chứ không phải là sự tiếm đoạt chân lý (der Besitz der Wahrheit), mới là cái bản tính của triết học." Xtkh. Einfuehrung in die Philosophie, sđd., tr. 14: "Dieser Sinn des Wortes besteht bis heute: das Suchen der Wahrheit, nicht der Besitz der Wahrheit ist das Wesen der Philosophie.".

[32] Karl Marx, Thesen ueber Feuerbach (1845), trong Marx Engels Werke3, 7 (Berlin: Institut fuer Marxismus-Leninismus, 1956-1968) (Viết tắt MEW); MEW 3, 5; Das Kapital, MEW 23, 193; Die heilige Familie (1844-45), MEW 2, 204; Pariser Manuskripte (1844), Ergaenzung-Band 1, 542, vân vân.

[33] Xtkh. Louis Althusser, Pour Marx (Paris: Presses universitaires de France, 1967).

[34] Auguste Comte, Cours de philosophie positive. 6 Tập (Paris, 1930-42). Tập 1, tr. 11: "Khi tư duy về lịch sử của chính nó (khoa học) có phải là mỗi người chúng ta đều nhớ lại rằng ta đã tiếp nối đi qua chặng đường thần học trong thời thơ ấu, siêu hình trong thời niên thiếu, và vật lý vào cái tuổi chín chắn?"

[35] Auguste Comte, sđd., tr. 56. Nơi đây, Comte xác định khoa học vào 6 ngành học khoa như toán học, thiên văn học, vật lý học, hóa học, thể lý học (physiologie) và sinh vật học, và nền khoa học vật lý xã hội (physique sociale de sociologie).

[36] Karl Jaspers, Einfuehrung in die Philosophie, sđd., tr. 14:" Triết học là: luôn trên đường. Những câu hỏi của nó căn bản hơn là những câu trả lời (từng đưa ra), và mỗi câu trả lời tự nó lại trở thành (một) câu hỏi mới khác." (Philosophie heisst: auf dem Wege sein. Ihre Fragen sind wesentlicher als ihre Antworten, und jede Anwort wird zur neuen Frage).

[37] Karl Popper, Conjectures and Refutations (London, 1961).

[38] John Locke từng quá tự ti tự hạ triết học xuống hàng một anh cu-li làm công việc dọn dẹp quét tước rác rưởi. Xtkh. John Locke, An Essay concerning Human Understanding , do Peter H. Nidditch chb. và giới thiệu (Oxford: Oxford University Press, 1975), The Epistle to the Reader, tr.10: "tis Ambition enough to be employed as an Under-Labourer in clearing Ground a litlle, and removing some of the Rubbish, that lies in the way to Knowledge." Cũng xin tham khảo: Peter Winch, The Idea of a Social Science and Its Relation to Philosophy (London, 1957), bản dịch Việt ngữ của Trần Văn Ðoàn: Ý Niệm về Một Nền Khoa Học Xã Hội và sự Tương Quan với Triết Học (Washington, D.C.: Vietnam University Press, dự định 2002).

 

Trần Văn Ðoàn

(Tân Trúc, Trung Hoa Dân Quốc, Tết Nhâm Ngọ 2002)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page