Vài SuyTư Về Việc Biên Soạn

Bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Việt Nam

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


2. Khác Biệt Giữa Triết Học Và Văn Hóa

 

Như chúng tôi đã nhắc sơ qua, triết học là cái linh hồn, hay tinh thần của văn hóa. Tuy nhiên không phải bất cứ nền văn hóa nào cũng có một nền triết học đáng gọi là triết học. Vậy ta có thể nói (theo kiểu chơi chữ), là mọi nền văn hóa đều có triết lý. [26] Tùy theo hiệu quả (tất yếu) và mức độ ảnh hưởng (phổ biến), mà chúng ta có thể xưng nền triết lý này là triết lý sống, minh triết hay triết học. Nếu triết lý là một lối suy tư, một ý hệ căn cơ, một phương thế cho cuộc sống chỉ của một cá nhân, một tộc, một xã hội hay một quốc gia, thì triết học là một môn học có hệ thống về các nền triết lý này, và có tham vọng tìm ra nguyên lý chung của chúng để áp dụng cho tất cả mọi người ở mọi thời đại. Như vậy, ta có thể nói, chỉ nền triết lý nào có thể giúp tộc, xã hội, quốc gia sinh tồn, liên kết, phát triển, mới đáng được gọi là minh triết; và chỉ có nền triết lý nào vượt khỏi giới hạn của không gian, tộc tính, thời gian (lịch sử) và đảm bảo cho một nền tri thức chân thật (khoa học), cũng như luôn phát sinh ra cùng hiệu quả cho tất cả mọi đối tượng, nền triết lý này mới đáng gọi là triết học. Nói cách khác, ta có thể nhận ra sự khác biệt giữa triết lý, minh triết và triết học không phải từ các phạm trù bản thể, phương pháp khoa học hay nhận thức, song từ cái giá trị của chúng: một nền triết lý nếu giá trị càng quảng bác, càng tất nhiên, càng gần vĩnh cửu, càng viên mãn, và càng gần cuộc sống (thực tiễn, thực hành) thì nó càng được tôn vinh lên hàng minh triết. Và nếu ta có thể tìm ra được nguyên lý của minh triết để quảng bá, phát triển hay bảo tồn, thì đó chính là lãnh vực nghiên cứu của triết học vậy.

Nếu hiểu triết lý, minh triết và triết học như vậy, ta có thể nói là triết học tuy là linh hồn của văn hóa, song nó không đồng nhất với văn hóa. Trong khi triết lý, minh triết bắt buộc phải gắn liền với văn hóa.

Hegel là người đã nhận ra sự khác biệt này khi triết gia khảo sát lại tất cả diễn tiến lịch sử của mọi nền triết học và triết lý, Ðông cũng như Tây. Theo Hegel, chúng ta có thể lý luận rằng, nếu chúng ta không thể chối bỏ được sự kiện mỗi dân tộc đều có một nền văn hóa cá biệt của mình, thì chúng ta cũng không được phép hồ nghi về sự hiện diện của một nền triết lý sống của mỗi giống người, mỗi giai cấp, mỗi dân tộc (Hegel gọi là Volksgeist), mỗi thời đại (Hegel gọi là Zeitgeist). [27] Triết lý Việt là những nguyên lý về cách sống, lối cảm nghiệm, cái nhìn, cách suy tư, vân vân, của người Việt. Ðiểm quan trọng là triết lý của người Việt chúng ta đã có thể vươn lên tới hàng minh triết chưa, [28] và điểm càng quan trọng hơn, đó là chúng ta có thể hệ thống, phát triển nền triết lý Việt biến thành một nền triết học Việt, tức một hệ thống tư tưởng có tính chất khoa học, chặt chẽ hay không. Ðó là việc chúng ta có thể áp dụng được hay không cái nguyên lý sống của chúng ta vào trong tất cả cuộc sống, cho mọi người và vào mọi thời đại như đức Khổng Tử đã làm (triết học nhân bản), như đức Giê-su đã thi hành (triết học bác ái), như đức Thích Ca đã phát hiện (triết học từ bi) và như nhà hiền triết Socrates đã từng lấy sinh mệnh để bảo vệ (triết học về chân lý ). [29] Nói cách khác, chỉ khi nào chúng ta tìm ra cái nguyên lý Việt nó từng sống động trong lịch sử Việt, và sẽ tiếp tục phát động uy lực của nó trong cuộc sống của chúng ta qua những nền triết lý khác nhau, thì lúc đó chúng ta mới dám cả quyết có một nền triết học Việt. Và chỉ khi nào nền triết học Việt này có thể cống hiến cho nhân loại một nguyên lý phổ quát và tất yếu (thấy trong mọi thời đại và áp dụng cho mọi dân tộc) thì lúc đó nền Việt triết mới có thể được coi như là minh triết của nhân loại, tức tinh thần tuyệt đối (absolute Geist) theo Hegel. Công việc biên soạn bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Việt Nam là một công việc khai quật, hệ thống và phát huy cái nguyên lý Việt thấy trong các hệ tư tưởng, trong nền văn hóa nói chung của người Việt vậy.

 

Chú Thích:

[26] Kim Ðịnh (1969) từng phân biệt triết học và minh triết. Theo cụ, chỉ có minh triết mới đáng được gọi là nền triết học cao siêu nhất. Những người dựa theo Kim Ðịnh như Trần Ngọc Thêm (1996) cũng có lối nhìn tương tự. Nguyễn Tài Thư (1993) cũng phân biệt triết lý khỏi triết học. Tương tự Nguyễn Hùng Hậu (2001, bđd.) cũng phân biệt triết học khỏi triết lý. Tuy nhiên những phân biệt trên không rõ ràng, nên cuối cùng, Nguyễn Hùng Hậu quả quyết, triết học bao gồm triết lý (ctr. 99 và 100). Như chúng tôi sẽ trình bày, sự khác biệt gữa triết lý, minh triết hay triết học không phải do "bản thể luận," "phương pháp luận," hay "đối tượng khác nhau," mà là do tính chất bao quát (phổ biến và tất yếu) của nguyên lý.

[27] Karl Loewith, Von Hegel zu Nietzsche: Der revolutionaere Bruch im Denken des neunzehnten Jahrhunderts (Zuerich: Europa Verlag, 1941), Chương 1: Ý nghĩa Mạt thế nơi Quan niệm Hoàn tất Lịch sử Thế giới và Tinh thần của Hegel".

[28] Một số học giả như Kim Ðịnh (Những Dị Biệt giữa Hai Nền Triết Lý Ðông Tây, Sài Gòn: Ra Khơi, 1969) quả quyết là nền triết học của Ðông phương là minh triết, trong khi của Tây phương là triết lý. Chúng tôi không đồng ý với một lối nhìn võ đoán như vậy. Luận điểm của Kim Ðịnh, đáng tiếc, không dựa trên lý luận khoa học, mà dựa trên cái tình cảm duy tộc cực đoan (song đáng yêu) của cụ. Thiết nghĩ, để chứng minh Việt triết là minh triết của người Việt mà thôi, ta phải chứng tỏ rằng (1) Việt triết là nguyên lý sống của tất cả mọi người Việt ở mọi thời đại, (2) đó là một nguyên lý tất yếu, không thể thiếu nơi người Việt, (3) nó có thể giải quyết được những vấn nạn của người Việt trong quá khứ, hiện tại, và tương lai. Tương tự, để là minh triết của nhân loại, nó cũng phải có những điều kiện như vậy, nhưng cho toàn nhân loại. Xtkh. Trần Văn Ðoàn, "Kim Dinhs Search for a Viet-Philosophy" (Bài thuyết trình tại Houston và Stanford, 03. 1999), in trong Trần Văn Ðoàn, The Idea of a Viet-Philosophy, Vol. 1 (Washington, D.C.: The Center of Values and Cultures, 2002). Về Kim Ðịnh, xin xem thêm: Trần Văn Ðoàn & Phan Ðình Cho, Kim Dinh - Life and Works (đương xuất bản). Tiếc thay, lối nhìn của Kim Ðịnh được nhiều người coi như tín điều.

[29] Karl Jaspers, Die Grossen Philosophen (Muenchen: Piper Verlag, 1958). Trong tác phẩm này, nhà danh triết Ðức này đặc biết nhấn mạnh tới ảnh hưởng của tứ đại thánh triết: Socrates, Giê-su, Thích Ca và Khổng Tử (Tập 1), cũng như những đại triết gia như Plato, Augustin, Kant.. (Tập 2 và 3) mà ông cho là họ tiếp tục "sinh sản" ra những nền triết học mới.

 

Trần Văn Ðoàn

(Tân Trúc, Trung Hoa Dân Quốc, Tết Nhâm Ngọ 2002)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page