Vài SuyTư Về Việc Biên Soạn

Bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Việt Nam

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


1. Khác Biệt Giữa Triết Học Và Tư Tưởng

 

Vị học giả đầu tiên có tham vọng và từng hoàn tất bộ Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam là Giáo sư Nguyễn Ðăng Thục. [8] Ðây là một bộ sách khá công phu với rất nhiều dữ kiện, "một công trình phong phú, công phu, nghiêm túc," [9] và từng được khen ngợi như là một "bức ảnh chụp quá khứ, đẹp thì có đẹp thực." [10] của văn hóa Việt. Tuy rất khâm phục nhiệt huyết và thành tâm của tiên sinh, chúng tôi vẫn phải theo tinh thần "Yêu chân lý hơn yêu thầy" của Aristotle khi phê bình thuyết lý hình (eidos) của sư phụ mình, tức đại triết gia Plato. - Xin thanh minh nơi đây là chúng tôi không phải là môn sinh của Nguyễn tiên sinh -. Thế nên, người viết mạn nghĩ, những lời ca ngợi như vậy tuy giữ được tập quán (tuy rất tốt, song rất nguy hiểm) "con hát mẹ khen hay." Nhưng xin đừng quên bài học Minh Mạng, Tự Ðức, cũng như giới nho gia vào thế kỷ 19, những vị hoàng đế và giới sỹ phu chỉ biết cái hay cái đẹp nhưng không nhìn ra cái kém cái xấu của mình. Thực vậy, đa số các nhà điểm sách chỉ nhận ra sự đồ sộ của công trình, nhưng tiếc thay chỉ có một số rất ít nhận ra những khuyết điểm của bộ sách của cụ Nguyễn. Chúng bao gồm: (1) thiếu tính chất sử, (2) thiếu tính chất triết học, (3) thiếu tính chất khoa học (hỗn độn, thiếu hệ thống), và lỗi căn bản hơn cả, đó là (4) sự lẫn lộn giữa các phạm trù hành vi, tư tưởng, văn hóa và triết học. [11] Nơi đây, chúng tôi xin tạm bàn một cách rất vắn tắt những thiếu sót trong lịch sử và triết học, và dành nhiều hơn một chút cho sự nhầm lẫn phạm trù.

Lịch sử gia là một người khám phá ra được, hay tin theo một định luật của lịch sử, và họ xếp lại tất cả những dữ kiện, tư liệu, kinh nghiệm theo cái định luật này. Tư Mã Thiên viết lại sử Trung Hoa theo luật nhân quả. Arnold Toynbee viết sử theo quy luật tiến hóa, trong khi Oswald Spengler lại nhìn lịch sử theo lối mạt thế của Kitô giáo và Do Thái giáo. Bộ sách của Nguyễn Ðăng Thục không theo định luật lịch sử nào. Nó chỉ là một đống tài liệu, tư liệu, dữ kiện. mà tác giả tùy tiện chọn lựa, xắp xếp một cách luộm thuộm (hay lập lại cùng dữ kiện), và giải thích lung tung (cùng một sự kiện, nhiều khi có tới ba lối giải thích!), [12] hay giải thích một cách sai lầm, sai cả lịch sử. [13] Thứ tới, nó thiếu khoa học. Nhà viết sử nghiêm túc phải biết phân biệt dữ kiện (thật hay giả), nên chọn hay bỏ những cái gì, phải xắp xếp chúng theo quy luật (thời gian, hay bậc thang giá trị) nào, và nhất là phải nắm được cái luật của các giai đoạn lịch sử; [14] và lẽ dĩ nhiên, ông không được phép giải thích sự kiện, từ ngữ theo ý riêng của mình. Quan trọng hơn cả, sử gia phải là người biết phê bình, dám vạch ra cái sai trong quá khứ, và đưa ra một đường lối cho tương lai. [15] Nhà sử học là những người đóng góp vào sự tiến bộ của nhân loại bằng chính việc ông có thể vạch ra những sai lầm của thời qúa khứ. Họ không nên, và không được phép chỉ là cái "loa tuyên truyền" hay cái "máy ghi chép" những cái hay (cho rằng có đúng), và "đánh bóng" hay "bóp méo" sự kiện (như các ngự sử thời phong kiến, hay người "chuyên sử" trong những xã hội đóng kín, một chiều). Sau Tư Mã Thiên, không phải việc "giết nho gia, đốt sách Thánh hiền" đã hết, song ít nhất, cái bi kịch này ít xẩy ra hơn. Hoặc nếu xẩy ra, - như trường hợp chính quyền quân Phiệt Ðức đốt sách và sát hại người (trí thức) Do Thái, hay như dưới thời Cách Mạng Văn Hóa của họ Mao (1968-1977) phá bỏ văn hóa cổ truyền và áp bức giới trí thức - thì nó cũng mang một sắc thái khác, với những nguyên do không giống thời Tần Thủy Hoàng. Ta không thấy học giả Nguyễn Ðăng Thục làm được những điều căn bản của sử gia, thế nên tác giả cho chúng ta cảm tưởng là cụ vớ được cái gì thì cứ "giét bừa" nó vào sách mà chẳng cần biết nó có quan trọng hay không, có tính cách đại biểu hay không, hay có phải là của người Việt hay không (nhiều tư liệu, quan niệm thực ra cũng thấy nơi người Hoa), hoặc có thừa thãi, liên quan hay không.

Bộ Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam cũng thiếu tính chất triết học. Một phần vì ông lầm lẫn giữa tư tưởng và triết học (như chúng tôi bàn trong đoạn tới), song một phần vì ông chưa nắm vững được lối suy tư triết học. Thế nên ông nghĩ rằng lối suy tư triết học không khác chi lối suy tư sử học, và sử học lại không khác chi khảo cổ học, [16] và khảo cổ học lại đồng nghĩa với công việc đào bới, tìm kiếm tài liệu (lỗi của cụ Ðào Duy Anh). [17] Thực ra như chúng ta vốn biết, mỗi bộ môn tuy liên quan, song không đồng nhất, và trong mỗi bộ môn đều có thể thấy được nguyên lý triết học. [18] Chính vì không nhận ra sự khác biệt giữa các môn khoa học trên mà cụ Nguyễn Ðăng Thục đã không thể vạch ra được cái triết lý sống của người Việt qua các dữ kiện, và lối suy tư của họ.

Trong lầm lẫn giữa các phạm trù, chúng ta thấy hành vi chưa phải là suy tư, tư tưởng chưa hẳn là triết học. Thứ nhất, tư tưởng chưa phải là triết học. [19] Ðể độc giả nhận ra sự khác biệt này, chúng tôi xin giải thích ngắn gọn như sau: Nếu tư tưởng là những hình thái (thức) của hành vi suy tư, của lối sống, thì tư tưởng có thể chỉ là một hình ảnh chụp lại cái gì (hiện tượng) chúng ta nhìn, nghe, cảm, ngửi thấy hay đã và đương sống. Tuy nhiên đây chỉ là loại tư tưởng phản xạ, chứ chưa phải là khúc xạ (danh từ của Giáo sư Phan Ngọc). Những tư tưởng theo đúng nghĩa là những tư tưởng trừu tượng. Chúng cần một loại suy tư tổng hợp hay phân tích. Mà để tổng hợp, phân tích, ta cần phải có những nguyên lý, phương thế. Lối suy tư (tư tưởng) sau này mới đáng gọi là triết học. Thứ hai, trực giác là một loại suy tư không qua tư tưởng, không thể dùng ngôn ngữ thường nhật để giải thích. Song trực giác mới là cội nguồn của phát minh, sáng tạo. Nói cách khác, trực giác là một loại "triết học vô ngôn" [20] không qua hệ tư tưởng, đôi khi có tính cách bẩm sinh, [21] thường thấy nơi thiên tài. [22] Thứ ba, tư tưởng chưa phản ảnh được văn hóa cá biệt của dân tộc. Chỉ có triết học mới nói lên được cái cá biệt, cái đặc biệt của nền văn hóa dân tộc mà thôi. Nếu tư tưởng chỉ là hình thái của thế giới tự nhiên, nếu tư tưởng chỉ là một hệ thống các dữ kiện xẩy ra thường nhật, thì con người ở đâu cũng giống nhau. Nếu như vậy, làm sao ta có thể giải thích được sự hình hành của ngôn ngữ, của lối biểu tả, của cách đặt và giải quyết vấn đề? Chúng hoàn toàn khác nhau nơi mỗi dân tộc. Cái khác nhau nằm ở chỗ, tuy cùng gặp một đối tượng, tuy sống trong cùng một thế giới, tuy đối diện với cùng một khó khăn, mỗi dân tộc lại hiểu khác, biểu tả cách khác (qua ngôn ngữ, âm nhạc), sống khác, và giải quyết vấn đề một cách khác nhau. [23] Chính cái khác biệt này (nói theo ngôn ngữ của Jacques Derrida) mới nói lên được nền triết lý cá biệt. Vậy thì, triết học là môn học về nguyên lý tại sao chúng ta lại hiểu như vậy, lại biểu tả như thế, lại cảm nghiệm như thế này, lại nhìn và giải quyết vấn đề như thế nọ. Hiển nhiên là những tác giả như Nguyễn Ðăng Thục, Trần Văn Giàu, [24] Ðào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên. đã chú trọng tới trình bày (description) và giải thích (explication) những sự kiện nhiều hơn. Tuy vậy, họ vẫn chưa vạch ra được những nguyên lý giúp ta hiểu hay thấy được tại sao người Việt lại suy tư, cảm nghiệm và hành động như thế này hay như thế khác; tại sao họ có những quy luật này, nghi lễ nọ khác với những người đô hộ họ - những người có một nền văn minh mạnh hơn, một thế lực quân sự, kinh tế vĩ đại, và một ngưồn nhân lực dồi dào hơn -, khiến họ không bị kẻ thù đồng hóa?

Thế nên, một nghiên cứu đầy đủ hơn phải bao gồm: (1) Tìm tòi dữ kiện, tư liệu, vật liệu (phương pháp khảo cổ); (2) Xác định và thu thập chúng (khoa học xã hội); (3) Chọn lựa chúng (theo tiêu chuẩn khảo chứng, lịch sử và thẩm định giá trị); (4) Giải nghĩa chúng (ars explanandi, explanation); (5) Giải thích chúng (ars explicandi, explication) tức phân tích các ý nghĩa của dữ kiện (analysis); và (6) chuyển ý, chuyển nghĩa, và chuyển cách suy tư từ thời cổ tới thời nay để chúng ta có thể hiểu (ars interpretandi, interpretation). [25]

 

Chú Thích:

[8] Nguyễn Ðăng Thục, Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam (1963). Tái bản (Tph HCM: Nxb Tph HCM, 1992), 6 Tập. Giáo sư họ Nguyễn, nguyên là một kỹ sư, song tinh thông Hán học, sau chuyên nghiên cứu triết học. Cụ từng giữ chức Khoa trưởng, Khoa Triết Học, Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn. Sau khi bị mất chức Khoa trưởng và chức Giáo sư (vào thời Nguyễn Văn Thiệu), cụ được Ðại Học Phật Giáo Vạn Hạnh mời làm Giáo sư kiêm chức Khoa trưởng chung thân. Nguyễn Tiên sinh là một trong những học giả tiên phong trong lãnh vực tư tưởng Việt, được nhiều người khâm phục. Bộ sách trên viết vào năm 1963 tại Sài Gòn. Năm 1992 được chính phủ cho tái xuất bản do nghị quyết số 01NQ-TW ngày 28.03.1992 về công tác lý luận của Bộ Chính Trị Ðảng Cộng Sản Việt Nam, công bố trên báo Nhân Dân ngày 05.06.1992.

[9] Nguyễn Hùng Hậu, "Triết Việt - Một Vài Vấn Ðề Phương Pháp Luận," bđd., tr. 93.

[10] Cung Ðình Thanh, trong Tư Tưởng, 6 (Australia, 02.2000), tr. 25.

[11] Về sự lẫn lộn giữa hành vi và tư tưởng, Giáo sư Nguyễn Tài Thư (Viện Triết Học, Hà Nội) đã phê bình học giả Nguyễn Ðăng Thục như sau: "Bấy lâu trên thị trường sách trong nước lưu hành cuốn "Lịch sử tư tưởng Việt Nam" của tác giả Nguyễn Ðăng Thục. Tên sách thì như vậy, nhưng nội dung bên trong chỉ là thông qua sự kiện, hành vi để bình giảng về tư tưởng, không đề cập tới những lý luận, những quan điểm của nhà tư tưởng. Với tính chất lịch sử tư tưởng là lịch sử các quan điểm, các tư tưởng, thì cuốn sách trên không phải là cuốn lịch sử tư tưởng. Nó đã lấy sự kiện, hành vi thay thế cho những quan điểm trong lịch sử." Nguyễn Tài Thư, " Nhân 55 Năm Thành Lập Nước, Lại Bàn Về Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam và Triển Vọng của Chuyên Ngành Này," trong Nguyễn Trọng Chuẩn, chb., sđd., tr.57.

[12] Nguyễn Ðăng Thục, sđd., Tập 1, tr. 22, trình bày tư tưởng Việt như là tư tưởng Tam giáo có biến đổi chút ít; tr. 24 cụ lại cho triết học Á châu là một nền triết lý vĩnh cửu. Vĩnh cửu thì làm sao mà thay đổi, thêm thắt? Tr. 25, cụ lại giản lược triết học vào công năng "chân lý" nhưng ngay sau đó cụ lại cho tư tưởng Việt có tính chất thực tiễn ". biết tổ chức đời sống cộng đồng có tôn ti trật tự."

[13] Cụ Nguyễn giải thích "triết lý vĩnh cửu" (perennis philosophia) theo Aldous Huxley: ". nó không tin có sự sáng tạo trong vũ trụ - hay ngoài vũ trụ - mà chỉ có sự biểu hiện của một Chân lý. Một hình thức mới là chừng nào nó thích ứng với điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Và chúng ta nhận cái hình thức ấy là của chúng ta vì nó trả lời đầy đủ hơn cho nguyện vọng sống còn, cùng lý tưởng ấp ủ." Sđd., Tập 1, tr. 24. Thứ nhất, cụ Nguyễn hiểu sai "philosophia perennis." Triết học vĩnh cửu là quan niệm manh nha từ triết học Plato, được thánh Augustin (thế kỷ 5) đặt tên, và được tôn lên làm nền triết học của Giáo hội Kitô giáo vào thời Trung cổ cho tới thế kỷ 19. Tuy nhiên, ngay thánh Thomas Aquinas (nhà triết học và thần học vĩ đại nhất của Kitô giáo vào thế kỷ 13) cũng không hẳn đồng ý về nền triết học vĩnh cửu này. Thế nên nền triết học này thường gắn liền với triết học kinh viện (scholasticismus), trong khi triết học thánh Thomas gọi là Thomismus hay Neo-Thomismus. Thứ tới, nền triết học vĩnh cửu chủ trương chỉ có Thiên Chúa là Sự Thật duy nhất. Mà Thiên Chúa là đấng sáng tạo (khác với lối giải thích của cụ Nguyễn). Thứ ba, triết lý vĩnh cửu không thể thay đổi, thì làm sao lại có thể giống triết Việt luôn "thích ứng với điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa"? Quan trọng hơn cả, đó là một thái độ hoang đường. Làm sao ta có thể lấy quan niệm của Huxley, một người chống nền triết lý vĩnh cửu để giải thích nó, giống y như lấy một người chống Marx để giải thích Marx?! Lối lý giải đầu Ngô mình Sở này thấy đầy dẫy trong bộ sách của cụ. Ðáng tiếc thay!

[14] Thí dụ như cụ Nguyễn dựa theo Maurice Durand (trong bài thuyết trình "Quelques éléments de lunivers moral des Vietnamiens" năm 1952 tại Ðà Lạt) cho rằng lịch sử tư tưởng Việt Nam là tư tưởng của Tam giáo (Tập 1, ctr. 17, 19), song ngay trong những câu kết luận (tr. 22), cụ Nguyễn lại viết: "Lịch sử tư tưởng Việt Nam cho ta thấy vận mệnh của dân tộc do truyền thống tập đại thành, thâu hóa sáng tạo, khai phóng hơn là đóng cửa bế quan." Nếu đã khai phóng, sáng tạo, thì làm sao chỉ có tam giáo? Và nếu có một truyền thống lâu dài thì trước sự du nhập của Tam giáo, người Việt phải từng có truyền thống. Vậy thì truyền thống đó là gì, có ảnh hưởng tới tư tưởng của người Việt hay không? Cái lỗi mà cụ Nguyễn thường vấp phạm, đó là tiên sinh thích dựa vào quyền uy của người ngoại quốc mà chẳng để ý đến cái "thực lực" của họ, hay những điều họ nói có giá trị hay không, để minh chứng những luận cứ chẳng có liên quan gì! (Trong luận lý học (logic) đó là cái lầm lỗi thích dựa vào quyền uy chẳng có, hay ít có liên quan với vấn đề (Fallacy of appealing to false authority). Durand là một học giả tầm thường (làm sao sánh được với cố Cả tức Léopold Cadière?) được cụ Nguyễn phong chức "bác học Pháp-Việt." Nhà thi sĩ Sutasoma Tantular của đảo Java chẳng có liên quan gì với tư tưởng Việt (giả sử như có giống phần nào đi nữa), thế mà cụ Nguyễn dám cả gan hạ bút: "Cái tinh thần văn hóa ấy (tức tư tưởng tập đại thành, sáng tạo, khai phóng của Việt Nam - chú thích của tôi) đã phản ánh trong thi phẩm trứ danh (chữ nghiêng do tôi) của thi sĩ Java là Sutasoma Tantular với khẩu hiệu: "Bhimeka Tungal Ika" (Ðồng nhất trong sai biệt) tương đương với quan niệm của Lê Quý Ðôn.". Thi sĩ Tantular bị ảnh hưởng của tư tưởng Việt khi nào vậy?

[15] Như học giả Cung Ðình Thanh (một môn sinh của cụ Nguyễn Ðăng Thục) từng nhận xét khá xác đáng về bộ sách của thầy mình: ". nhưng xem ra chưa thấy con đường phải đi cho hiện tại và mai sau." Tư Tưởng, 6. Bđd., tr. 25.

[16] Ðây có lẽ là lối nhìn chung nơi các học giả Việt. Học giả Trần Quốc Vượng, nguyên giáo sư môn Lịch sử, Khảo cổ, Văn hóa (và cả môn Du lịch) tại Ðại Học Hà Nội, trong tác phẩm Văn Hóa Việt Nam - Tìm Tòi và Suy Ngẫm (Hà Nội: Nxb Văn Hóa Dân Tộc, 1999), tuy không công nhận một cách rõ ràng sự đồng nhất giữa lịch sử và khảo cổ, song ông đôi khi tự nhận " là người theo chủ thuyết Ðịa-Văn hóa, Ðịa-Lịch sử" (tr. 19).

[17] Ðào Duy Anh, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương (1938) (Sài Gòn: Bốn Phương, 1951), tr. viii, coi nhiệm vụ của sử gia "thu thập những tài liệu hiện có . để giúp những nhà nghiên cứu văn hóa sử đỡ công tìm kiếm." Cũng thấy trong: Trần Ngọc Thêm, tr. 12.

[18] Chính vì lẽ đó mà chúng ta thấy trong tất cả mọi bộ môn khoa học đều có một hay nhiều nền triết học. Ta có triết học toán học, triết học tôn giáo, triết học vật lý, triết học sinh vật, triết học ngôn ngữ, triết học môi sinh, vân vân. Những nền triết học này tuy nghiên cứu các đối tượng khác nhau nhưng cùng theo những nguyên lý triết học, và dùng (những) phương pháp khoa học như nhau. Giáo sư Nguyễn Tài Thư có lẽ hiểu theo lối "phân cách" nên vẫn cho là triết học phải là một bộ bôn khác biệt với các bộ môn khác. Ông viết: "Vì vậy nội dung của lịch sử tư tưởng Việt Nam, trước hết là tư tưởng chính trị, tư tưởng đạo đức, tư tưởng pháp luật, và tiếp theo là tư tưởng triết học, tư tưởng tôn giáo có liên quan đến các tư tưởng trên." Nguyễn Tài Thư, bđd., ctr. 59-60.

[19] Trần Văn Giàu, Sự Phát Triển của Tư Tưởng ở Việt Nam từ Thế Kỷ XIX đến Cách Mạng Tháng Tám, Tập 1 (Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1973), tr. 10 (Nxb Chính Trị Quốc Gia, tr. 8). Ðược trích lại: Nguyễn Tài Thư, bđd., tr. 58; Nguyễn Hùng Hậu, bđd., tr. 94.

[20] Nguyễn Tài Thư, bđd., tr. 56; Trần Quốc Vượng, tr. 305.

[21] Karl Jaspers, Einfuehrung in die Philosophie (Muenchen: Piper, 1953), chương 2, ctr. 19 vtth. Bản dịch Việt ngữ của Lê Tôn Nghiêm và một nhóm sinh viên của ông: Triết Học Nhập Môn (Sài Gòn, 1967).

[22] Immanuel Kant, Kritik der Urteilskraft, phần bàn về thiên tài. Bản dịch Việt ngữ của Trần Văn Ðoàn: Phê Phán về Năng Lực Phán Ðoán (Washington, DC: Vietnam University Press, 2002).

[23] Một thí dụ điển hình, đó là sự khác biệt giữa Tây y và Ðông y: khác biệt trong lối nhìn về căn bệnh (khám bệnh và chẩn mạch), về cách thế chữa bệnh (bộ phận và toàn diện), về phương thuốc chữa bệnh (cải biến và tự nhiên) và cả trong thái độ khi chữa bệnh. Tương tự ta cũng thấy khác biệt giữa thuốc bắc và thuốc nam (tuy đều thuộc Ðông y).

[24] Trần Văn Giàu, Sự Phát Triển của Tư Tuởng ở Việt Nam từ Thế Kỷ 19 đến Cách Mạng Tháng Tám, Tập 1 sđd.

[25] Về thông diễn học (hay thuyên thích học) tức Hermeneutics, xin tkh. Hans-Georg Gadamer, Wahrheit und Method (Tuebingen: Mohr, 1960). Cũng xtkh. Trần Văn Ðoàn, Chủ Thuyết Hậu Hiện Ðại Ði Về Ðâu? (Hà Nội: Viện Triết Học, dự định 2002), chương 2.

 

Trần Văn Ðoàn

(Tân Trúc, Trung Hoa Dân Quốc, Tết Nhâm Ngọ 2002)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page