Vài SuyTư Về Việc Biên Soạn
Bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Việt Nam
Gs. Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Dẫn Nhập
Một dân tộc vĩ đại là một dân tộc có một nền văn hóa sâu đậm và quảng bác. Văn hóa nói chung thường được hiểu như "cốt hồn cốt túy", như là linh hồn, hay tinh thần của dân tộc đó. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi nền văn hóa đều vĩ đại. [1] Vậy thì, cái gì làm văn hóa sâu đậm và quảng bác, cái gì khiến văn hóa được coi như quốc hồn quốc túy, như là tinh thần của dân tộc? Theo Hegel, đó chính là triết học. Triết học chính là cái nguyên lý xác định cái cốt hồn cốt túy này. Triết học chính là cái tinh thần tuyệt đối mà Hegel từng chứng minh trong tác phẩm bất hủ Die Phaenomenologie des Geistes (1807). [2] Hiểu theo Hegel, ta có thể nói, một dân tộc vĩ đại phải có một nền văn hóa sâu đậm và quảng bác, mà một nền văn hóa như vậy phải xây trên một nền triết học vĩ đại.
Ý thức như thế, các nhà triết học luôn ưu tư đi tìm cái gọi là triết lý dân tộc. Triết học của Socrates, Plato, Aristotle phản ảnh lối suy tư, vấn đề, hy vọng cũng như mỹ cảm của người Hy lạp. Triết học của Khổng Tử, Lão Tử nói lên cách nhìn và giải quyết vấn đề của người Trung hoa, trong khi những suy tư trong các bộ kinh điển Vệ Ðà, Upanishads, vân vân, là những mối ưu tư của người Ấn độ về thế giới, về con người, và về vĩnh cửu. Những nền triết học dân tộc này trở thành triết học thế giới, phần vì sức mạnh quân sự, kinh tế của người Hy lạp, Trung hoa và Ấn độ, song phần chính là những suy tư của họ, những vấn đề của họ, những khát vọng của họ, những ưu tư của họ, và nhất là những niềm tin vào sự vĩnh cửu, vào một tương lai viên mãn, vân vân, đều là những vấn đề, ưu tư, cảm giác, niềm tin chung của tất cả nhân loại. Ðây là lý do duy nhất có thể giải thích được sức mạnh văn hóa của họ, ngay cả khi cái uy lực quân đội, cái thế lực kinh tế của họ đã sụp đổ.
Việt Nam chúng ta luôn tự hào với bốn ngàn năm văn hiến. [3] Song chúng ta đôi khi tự hỏi, có phải chính nhờ nền văn hiến này mà chúng ta không bị nền văn hóa Trung hoa, Ấn độ và Âu Mỹ thôn tính. [4] Nếu qủa thật như vậy, thì vấn đề quan trọng chúng ta phải làm sáng tỏ, đó là văn hiến Việt là loại văn hiến gì mà có một uy lực cực mạnh như thế? Ðây là một vấn đề quan trọng mà giới triết học Việt nói chung luôn luôn muốn khơi quật. [5]
Câu hỏi mà chúng ta đặt ra nơi đây, đó là làm sao có thể khơi quật được những nền tư tưởng (triết lý) để viết ra một bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Việt Nam theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, tức tiêu chuẩn khoa học, khách quan song vẫn mang được sắc thái dân tộc. Bộ sách này có thể làm kim chỉ nam hướng đạo cho những chương trình nghiên cứu khơi quật văn hóa Việt sau này. Câu hỏi này luôn đi đôi với câu hỏi khác, đó là làm thế nào để phân biệt triết học khỏi những tư duy thường nhật, triết học khỏi văn hóa. Mà câu hỏi thứ hai xem ra lại quan trọng hơn cả câu hỏi thứ nhất, bởi lẽ nếu chúng ta lẫn lộn giữa tư duy, văn hóa và triết học, chúng ta khó có thể khách quan, càng không thể chứng minh được tại sao văn hóa của một dân tộc nào đó (thí dụ văn hóa Hoa, văn hóa Kitô giáo, văn hóa Hy la, vân vân) có thể thống trị nhân loại, trong khi văn hóa của chúng ta bị hạn chế nơi tộc Việt mà thôi.
Trong bài tiểu luận gợi ý này, chúng tôi xin được góp vài ý kiến nho nhỏ về những đề tài sau:
(1) Khác biệt giữa Triết học và Tư tưởng,
(2) Khác biệt giữa Triết học và Văn hóa,
(3) Triết học và Nguyên lý Khoa học,
(4) Những Ðiều kiện tiên quyết để biên soạn bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Việt Nam,
(5) Thẩm định giá trị lịch sử của bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Việt Nam.
Phần 5 này cũng là phần kết luận cho rằng, một bộ lịch sử đáng giá để đời là một bộ lịch sử mang tính chất khoa học, cùng lúc thỏa mãn được tấm lòng (yêu nước) của người Việt, và cũng có thể cống hiến cho nhân loại những kho tàng giá trị của người Việt chúng ta, [6] hoặc giúp chúng ta hiểu thêm những sắc tộc, dân tộc khác. [7]
Chú Thích:
[1] Các học giả theo trường phái Hậu hiện đại (Postmodernism) có lẽ sẽ không đồng ý về sự phân chia văn hóa theo cấp bậc giá trị cao thấp. Họ sẽ viện chứng lối suy tư của các nhà khảo cổ học như E. Evans-Pritchard, hay triết gia chủ trương Kiến (Cơ) cấu luận như Claude Lévi-Strauss, hay các triết gia như R. G. Collingwood, Peter Winch, hay các nhà nhân chủng học như Clifford Geerzt để chứng minh rằng, bất cứ nền văn hóa nào cũng dựa trên một nền khoa học (hay tri thức khoa học). Thế nên, theo họ, ta không được phép lấy bất cứ chuẩn mực (criteria) nào để so sánh, đối chiếu và nhất là phán đoán, phân cao thấp các nền văn hóa. Tuy nhiên, nếu quả thật như vậy thì làm sao mà chúng ta có thể giải thích được sự kiện có nhiều nền văn hóa đã mai một, và nhất là việc nền văn hóa man dã dễ dàng bị nền văn hóa hiện đại (văn hóa kỹ khoa, văn minh Âu Mỹ) đè bẹp? Xtkh. Trần Văn Ðoàn, Chủ Thuyết Hậu Hiện Ðại Ði Về Ðâu? (Hà Nội: Viện Triết Học, 2002 dự trù).
[2] Chúng ta thường dịch tác phẩm này sang Việt ngữ là Hiện Tượng Học về Tinh Thần. Một lối dịch như vậy không lột được hết ý nghĩa của tác phẩm này. Chúng tôi xin dịch như sau: Luật của Tinh Thần qua Hiện Tượng (Washington, DC: Vietnam University Press, đương sửa soạn).
[3] Một số tác giả hiểu văn hiến như là "truyền thống văn hóa lâu đời." Giáo sư Trần Ngọc Thêm giải thích văn hiến: "Văn hiến là văn hóa thiên về truyền thống lâu đời, mà truyền thống lâu đời còn lưu giữ được không bị chiến tranh và thời gian hủy hoại chính là các giá trị tinh thần." Xtkh. Trần Ngọc Thêm, Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam (Nxb Tph HCM,2001, ấn bản lần thứ 3), tr. 27. Một lối hiểu văn hiến như vậy tuy có đúng, song không rõ ràng và thiếu sót. Chữ hiến ( hay) mang nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa chuẩn mực, cống hiến, kẻ hiền, kẻ sỹ tức những người mà chúng ta phải noi theo. Văn hiến cách chung nói lên một nền văn hóa có những cái hay, cái đẹp đã từng được ghi chép lại (qua ngữ tự, sách vở), hay truyền khẩu lại, hay qua văn vật, hay qua tấm gương của hiền sĩ, anh hùng, thánh nhân để lại làm gương mẫu cho các thế hệ sau. Thế nên, phải nói là Việt Nam có bốn ngàn năm văn hóa, song văn hiến chỉ có từ thời Hùng Vương mà thôi.
[4] Hồ Chí Minh hiểu văn hóa theo nghĩa này. Cụ viết: "Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn." Trích từ Trần Ngọc Thêm, sđd., tr. 4. Phan Ngọc trong Một Cách Tiếp Cận Văn Hóa (Hà Nội: Thanh Niên, 2000), ctr. 22-23, hiểu văn hóa như: "là cái dấu ấn của một thể cộng đồng lên mọi hiện tượng tinh thần, vật chất, mọi sản phẩm của thể cộng đồng này từ tín ngưỡng, phong tục cho đến cả sản phẩm nông nghiệp bán ra thị trường."
[5] Theo chúng tôi được biết, Viện Triết Học, Trung Tâm Khoa Học Quốc Gia đã đặt trọng tâm vào công việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam từ nhiêu năm, đặc biệt từ năm 1986 khi Viện "khai thác các di sản tư tưởng và văn hóa của dân tộc." (Nguyễn Trọng Chuẩn, "Viện Triết Học - 35 Năm Xây Dựng và Trưởng Thành," trong tập kỷ yếu Viện Triết Học - 35 Năm Xây Dựng và Trưởng Thành (Hà Nội: Viện Triết Học, 1997), ctr. 60, 78. Hai tác phẩm của nhiều học giả về lịch sử tư tưởng Việt Nam đã được xuất bản: Nguyễn Tài Thư, chb., Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, Tập 1 (Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1993); Lê Sỹ Thắng chb., Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, Tập 2 (Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1997). Hiện Viện Triết Học đương xúc tiến bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Việt Nam, chương trình nghiên cứu cấp Bộ. Ngoài ra, Trung Tâm Khoa Học Xã Hội Tph HCM, Ðại Học Hà Nội cũng có những dự án tương tự. Tại hải ngoại, Tạp chí Tư Tưởng (Úc Châu) của Cung Ðình Thanh và một nhóm học giả cũng có một chương trình tương tự.
[6] Ðặc biệt cho những tộc sống ở Việt Nam, cho những nước lân bang
[7] Nguyễn Hùng Hậu trong bài "Triết Việt - Một Vài Vấn Ðề Phương Pháp Luận," có lý khi đặt ra câu hỏi: "Hiện nay, chúng ta mới chỉ nghiên cứu tư tưởng của người Việt, dân tộc Việt. Vậy còn năm mươi ba dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa thì sao, đó vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ." Trong Nguyễn Trọng Chuẩn, chb., Nửa Thế Kỷ Nghiên Cứu và Giảng Dậy Triết Học ở Việt Nam (Hà Nội: Viện Triết Học, 2001), tr. 102.
Trần Văn Ðoàn
(Tân Trúc, Trung Hoa Dân Quốc, Tết Nhâm Ngọ 2002)