Lễ Nghĩa Trong Nền Ðạo Ðức Khổng Mạnh

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


4. Chữ Lễ trong Nho Giáo

 

Lễ không có đồng nhất, hay chỉ có một ý nghĩa duy nhất trong quá trình diễn biến của Nho giáo. [16] Với diễn tiến lịch sử, chữ lễ đã biến đổi, từ thời Chu tới thời Tống Minh, và như chúng tôi muốn chứng minh, từ tư tưởng phương Bắc tới tư tưởng phương Nam. [17] Như sẽ trình bày qua những đoạn sau, chữ lễ trong Luận Ngữ không phản ánh một cách thấu triệt quan niệm lễ nghĩa thấy trong Mạnh Tử, y hệt lễ trong Lễ Ký không hẳn lột hết được ý nghĩa của chữ lễ mà chúng ta hiểu ngày nay. [18] Có rất nhiều lý do giải thích sự biến đổi của lễ nghi, và ngay cả tinh thần của lễ, từ việc đức Khổng coi lễ như là bản tính khiến con người khác với vạn vật, cho tới những nhà Tống nho chỉ coi lễ như là một công cụ; từ việc lễ luôn gắn liền với cuộc sống của mọi người, cho tới lễ chỉ là lối sống của giai cấp thống trị, vân vân. Thế nên để độc giả có một cái nhìn tổng quát về sự biến đổi của lễ, và nhất là sự biến hóa của lễ trong đời sống người Việt, chúng tôi sẽ trình bày một cách ngắn gọn quan niệm về lễ qua các sách kinh điển: Lễ trong Luận Ngữ, lễ nơi Tuân Tử và lễ trong Lễ Ký.

4.1. Lễ trong Luận Ngữ

Trong Luận Ngữ, Khổng Tử thường nhắc rất nhiều đến chữ lễ. Có thể nói, trong mỗi chương đều có nhiều đoạn bàn về lễ, có khi chủ động giảng giải, có khi thụ động trả lời câu hỏi của các đồ đệ liên quan tới lễ. Chúng tôi xin tạm phân chia ý nghĩa của lễ trong Luận Ngữ theo những phạm trù sau:

- Thứ nhất, lễ là một phương cách biểu tả hòa khí, và như vậy nó có thể giúp tề gia, trị quốc. Hữu Tử, một đồ đệ của Khổng Tử nói: "Lễ chi dụng, hòa vi quý. Tiên vương chi đạo, tư vi mỹ; tiểu đại do chi. Hữu sở bất hành. Tri hòa nhi hòa, bất dĩ lễ tiết chi, diệc bất khả hành giã". [19]

- Thứ hai, lễ biễu hiện chính nền đạo đức. Theo Khổng Tử, căn bản của lễ không có chi khác hơn là chính nền đạo đức. Ðạo nhân, đạo nghĩa (như thấy sau này nơi Mạnh Tử), đạo tín (tức chân thành), vân vân, là những đức tính căn bản của lễ. [20] Một người thiếu lễ, không thể là người quân tử. Trung, hiếu thực ra chỉ là những quy tắc tất yếu xây dựng trên nhân, nghĩa, và tín, trong khi lễ là một phương thế biểu hiện những đức tính trên. [21]

- Thứ ba, lễ là những nghi thức mà ta phải theo, tùy theo nơi chốn, tùy theo địa vị, tùy theo tương quan giữa chúng ta với những người ta gặp. Trong chương Thuật Nhi, Khổng Tử đặc biệt nhấn mạnh tới nghi thức cũng như thái độ ta phải có khi cúng tế, khi thụ tang, khi gặp thiên tai, vân vân. Chính vì ngài nhấn mạnh tới nghi thức cũng như thái độ mà đa số nho gia đã hiểu lễ như là nghi lễ, nghi thức, hay quy luật ta phải theo khi cúng tế, khi tổ chức hôn lễ, khi tham gia vào việc công (làm quan, triều yết), khi sinh con đẻ cái, khi có tang, vân vân (quan, hôn, triều, sinh, tang, tế). [22]

- Thứ tư, ngay từ thời Khổng Tử, đã có một số nho gia theo lối nhìn thứ ba, đặc biệt chú trọng tới lễ, nhạc coi như là nghi lễ, nghi thức và nghi pháp. Ngay cả thầy Tử Lộ cũng đã hiểu nhầm Khổng Tử, khi thầy thấy Thầy mình hình như không giữ một số lễ nghi (chuyện Khổng Tử tiếp một phụ nữ). Cho tới thời Tuân Tử, và nhất là tới thời học trò của họ Tuân, nhất là thời Pháp gia, nho gia thường gắn lễ liền với pháp, như chúng ta thấy từ ngữ hay dùng: "lễ pháp" (tiếng Việt gọi trại đi là "lễ phép"), tức quy tắc mà ta bắt buộc phải theo. Thực ra, như chúng tôi muốn nhấn mạnh, Khổng Tử không nghĩ như vậy, bởi vì theo ngài lễ là cả một lối sống toàn diện, tức lối sống mà ta phải theo để có thể bảo tồn sự sống và xã hội. Thành thử, theo lễ, tức là theo cái lẽ phải, [23] hợp lễ là hợp với bản tính ta vốn có. Ngài từng nói: "Cung nhi vô lễ tắc lao, thận nhi vô lễ tắc tỉ, dũng nhi vô lễ tắc loạn, trực nhi vô lễ tắc giảo." [24]

Nói tóm lại, lễ trong Luận Ngữ mang hai bản chất: Lễ chi bẩn và lễ chi dụng. [25] Lễ chi bẩn nói lên lễ như là bản chất biểu tả một cách trung thực bản tính con người, trong khi lễ chi dụng nói lên tính chất công cụ của lễ trong công việc giữ gìn trật tự, cũng như giữ được sự cân bằng trong cuộc sống, trong những giao tiếp của con người.

4.2. Lễ trong Mạnh Tử

Như chúng tôi đã nhấn mạnh trong các luận văn khác, Mạnh Tử (371-289 BC) là người (có lẽ đầu tiên) đã gắn liền chữ nghĩa với các đức tính khác của nền đạo đức nho gia: nhân nghĩa, lễ nghĩa, đạo nghĩa, tín nghĩa, vân vân. Thầy chủ trương lấy nhân nghĩa làm nền tảng cho tất cả nền đạo đức. [26] Nơi đây, chúng tôi sẽ không bàn thêm về lý do tại sao Mạnh Tử lại chủ trương như vậy, và chú tâm tới ý nghĩa cũa chữ lễ nghĩa. Khi ghép lễ nghĩa với nhau, lễ không chỉ còn là những phương thế, hay quy tắc, hay chỉ là một tinh thần như thấy trong tư tưởng của Tuân Tử và Lễ Ký sau này. Lễ nghĩa bây giờ mang tính chất như một cái thước đo lường, cái thước phát xuất từ nội tâm nhưng có thể đo được con người nhờ vào hình thức ở bên ngoài. Nói cách khác, nếu nhân là cái bản chất của đạo đức, thì nghĩa là cái thước đo, là cái mức, cái hình mà chỉ theo đó ta mới nhận ra được nhân. Thí dụ, cùng một hành động bố thí, thì bố thí cho người nghèo túng là có lòng nhân, nhưng cho tiền cho người dư giả thì vô nghĩa, đem tiền tặng gái làng chơi hay xa xỉ là phí phạm, mà đút tiền cho tham quan ô lại thì là thất nhân. Sự phân biệt nơi đây dựa trên nghĩa. Vậy thì, ta chỉ nhận ra được lòng nhân, và chỉ thi hành đạo nhân một cách chính xác nếu chúng ta hiểu được nghĩa.

Tương tự như vậy, lễ chỉ là những hình thức, nghi thức. Nhưng nếu nghi thức đó áp dụng sai, hay cho những người không xứng đáng thì một nghi lễ như vậy mất hết cả ý nghĩa của nó, và nó không thể phát huy được tinh thần của lễ, tức biến con người thành một con người đạo đức (quân tử). Vậy nên, Mạnh Tử mới đòi buộc lễ luôn phải đi với nghĩa, nhân phải có nghĩa, và ngay cả đạo cũng cần phải có nghĩa, mới có thể thực hiện được.

Tiếc thay, tư tưởng của Mạnh Tử bị trường phái Tuân Tử đả kích, bởi lẽ Tuân Tử cho rằng, nếu bản tính con người vốn ác (ông chủ trương trái ngược với Mạnh Tử), thì lễ nghĩa chưa đủ để kiềm chế bản năng con người. Ta cần phải có những pháp luật, mới có thể đạt được cái mục tiêu giáo hóa con người.

4.3. Lễ trong Tư Tưởng của Tuân Tử

Từ một nền tảng siêu hình coi bản chất con người vốn ác, Tuân Tử (ca 298-294 BC) chủ trương, nhiệm vụ chính của đạo nho là giáo hóa khiến con người thành thiện. Và như thế, Tuân Tử hiểu lễ gần như pháp luật, hay như là một phương thế hữu dụng để đạt tới mục đích trên. Ðối với ông, lễ được áp dụng để (1) trị tính bản ác, (2) để làm điều kiện hay quy tắc quy định sinh hoạt của mỗi người trong xã hội, (3) lễ cũng là một phương thuốc để kiềm chế dục vọng, và (4) quan trọng hơn cả, lể phải là một mực thước, quy định rõ ràng để xác định, phân chia quyền lợi cũng như nghĩa vụ cho mọi người. [27] Nói cách chung, Tuân Tử cho rằng lễ là một loại pháp luật tốt nhất, một phương thức có hiệu quả nhất để bảo tồn trật tự xã hội, để cải hóa bản tính con người, và lẽ dĩ nhiên, để bảo vệ quyền lợi của giai cấp lãnh đạo. Chúng ta thử đọc một luận cứ của Tuân Tử:

"Căn nguyên của lễ ở đâu? Tôi xin trả lời rằng, mọi người sinh ra đều có ước muốn. Nếu không thỏa mãn được, người ta sẽ tìm đủ cách để thỏa mãn. Nếu chúng ta không đặt ra hạn chế và có những biện pháp để điều chế ham muốn của họ, thì khó mà không xẩy ra những bất đồng. Mà từ bất đồng sẽ xẩy ra vô trật tự, và từ vô trật tự sẽ là nghèo đói. Các bậc thánh vuơng nhận ra tai họa của vô trật tự nên đã thiết lập lễ, và dạy dỗ dân chữ nghĩa, với mục đích giúp người dân nhận ra được cái giới hạn cũng như trách nhiệm khi đi tìm thỏa mãn ước vọng của mình, để phát dương ước vọng (tốt), để tạo ra cơ hội giúp họ thỏa mãn ước vọng trên. Các bậc đế vương làm cách nào để ước vọng của con người đừng có đi quá đà vượt khỏi những phương tiện, và làm cách nào để thỏa mãn những ước vọng vật chất căn bản của mỗi người. Chính vì vậy mà cả ước vọng lẫn lễ phải bổ túc cho nhau. Ðây chính là căn nguyên của lễ" [28]

Về công năng của lễ như thể là quy tắc để ban phát bổng lộc, quyền lợi, cũng như trách nhiệm, họ Tuân viết:

"Người có đức, thì lẽ đương nhiên phải có một địa vị tương xứng. Và có địa vị, thì lẽ dĩ nhiên phải có bổng lộc xứng hợp. Mà bổng lộc thì phải tương xứng với cái công làm ra." [29]

Nói tóm lại, Tuân Tử rất lạc quan về vai trò của lễ, coi nó như thể là một vị thuốc vạn năng, có thễ "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" được:

"Lễ đối với việc quốc gia như quả cân và cán cân đối với sự nặng nhẹ, như dây và mực đối với đường thẳng và đường cong. Cho nên người mà không có lễ thì không sinh, việc mà không có lễ thì không nên, quốc gia mà không có lễ thì không yên." [30]

4.4. Lễ trong Lễ Ký [31]

Như chúng ta biết, Lễ Ký là một tập sách được nhiều nho gia thời Hán (cà Tây Hán lẫn Ðông Hán) viết ra. Hay nói đúng hơn, họ sao chép lại những ý kiến của tiền nhân về lễ (từ các kinh điển như Kinh Lễ, Luận Ngữ, Ðại Học, Trung Dung, Mạnh Tử và cả Tuân Tử), rồiļ thêm thắt vào với những lý giải riêng tư của họ. Thế nên, chúng ta không lấy làm lạ, có rất nhiều điểm tương đồng với ý kiến của Tuân Tử. Trong Lễ Ký, ta thấy lễ có những công năng như sau:

- Thứ nhất, lễ là một phương thế đào luyện tình cảm, khiến con người hòa nhã. Các tác giả Lễ Ký chủ trương, một khi có tính tình hòa nhã, con người mới có thể thành người đạo đức được (chú thích, lý thuyết này dựa trên lý thuyết tu tâm của Ðại Học).

- Thứ hai, lễ (giống lễ nghĩa của Mạnh Tử) là một cái thước đo lường điều phải điều trái. Lễ xác định trật tự trên dưới, trước sau, cũng như sự quan hệ phải có giữa mọi người. Trong Lễ Ký ta đọc thấy: "Phù lễ giả, sở dĩ định thân sơ, quyết hiểm nghi, biệt đồng dị, minh thi phi dã."[ 32]

- Thứ ba, lễ là quy tắc khiến ta phải luôn theo trung đạo, [33] tức cái nền đạo lý luôn đúng, và vì thế tránh được những quá khích, quá lố, cực đoan: "Lễ hồ, lễ hồ, sở dĩ chế trung dã." [34]

- Thứ tư, lễ cũng có công năng giúp con người biết tiết dục: "Lễ dã, nhân nhân chi tình nhi vi chi tiết văn, dĩ vi dân phường giả dã." [35]

Nói tóm lại, vai trò của lễ trong Lễ Ký bị hạn hẹp vào trong cái công năng giúp con người xã hội kìm hãm được những điều mà họ ham thích nhưng không được phép làm mà thôi. Ðiều đáng nói, là khi hiểu như vậy, lễ không khác chi pháp luật là bao. Nếu có chi khác biệt, thì cũng chỉ là thời điểm: Lễ đề phòng không cho ta làm những điều trái, trong khi pháp luật đem lại trật tự (hay sửa sai) một khi chúng ta đã có những hành động sai đạo lý: "Lễ giả cấm ư tương nhiên chi tiền, nhi pháp giả câm ư dĩ nhiên chi hậu." [36]

4.5. Nguy Cơ của Lệ Lễ

Như độc giả dễ dàng nhận ra, từ thời Ðức Khổng tới thời Pháp gia, lễ đã biến đổi một cách rõ ràng, và có thể nói là khá cực đoan, đến độ người ta quên đi tinh thần, mà chỉ còn giữ lại cái hình thức của lễ mà thôi. Ngay từ thời Tuân Tử (ca.313 hay 288-244 hay 238 BC), nôi sinh của Pháp gia, thì lễ chỉ còn là một công cụ có hiệu lực cho những mục đích cai trị, và quyền lực. Quan niệm lễ chi bẩn mà Khổng Tử và Mạnh Tử từng nhấn mạnh đã tàn lụi dần, và chỉ còn thấy quan niệm lễ chi dụng, đã biến thành chủ đạo. Nhưng cũng từ đây, lễ biến thành pháp, mà pháp chỉ là những quy luật hình thức, cần phải có hình phạt mới có thể thi hành được. Từ sự kiện lấy hình phạt làm nền đảm bảo cho sự hữu hiệu của pháp, tinh thần hưng ư thi, lập ư lễ, thành ư nhạc đã biến mất. Thiếu nền đạo đức căn bản, đó là thiếu cái đạo nhân, đạo nghĩa, lễ chỉ còn là pháp, mà pháp lại chỉ là những quy định để phạt tội. Từ dây, giới Pháp gia quên hẳn một yếu tính quan trọng, đó là đạo nhân đòi hỏi tình cảm giữa ta và người. Thiếu cái tình cảm đó, lễ trở lên trống rỗng, hay khách sáo, hay thừa thãi: Ðức Khổng từng nhận ra điều này khi ngài nói: "Phi kỳ quỉ nhi tế chi, siểm giã. Kiến nghĩa bất vi, vô dõng giã." [37]

Thứ tới, đạo nhân đòi hỏi lòng thành, tức tình cảm chân thật. Thế nên, lễ phát xuất từ tấm lòng nhân ái, chứ không phải từ những lối khách sáo, hời hợt bên ngoài. Nhưng thiếu thành tâm, làm sao pháp luật có thể thay thế được lễ? Một người đóng thuế, tuy làm theo pháp luật, nhưng không có thành tâm, làm sao có thể cho người đó là một người đạo đức? Ðức Khổng từng nhận định: "Một con người nếu thiếu đạo nhân thì làm sao có lễ được? Một con người nếu chẳng có lòng nhân thì làm sao hiểu được âm nhạc?" [38]

Nói chung, lễ mà thiếu nghĩa, tức sự suy xét cân nhắc việc phải, việc trái, điều nên làm, điều không được phép, sự liên hệ tình cảm... thì lễ trở thành một điều "bất nghĩa" hay thiếu chính nghĩa. Trong Luận Ngữ, qua đối thoại giữa Diệp Công và Khổng Tử về quan niệm chính trực, ta có thể nhận ra được ý cuả ngài:

Khổng Tử nói về chính nghĩa như sau: "Diệp Công nói với Khổng Tử như sau, "Ở nơi chúng tôi ở, có một (loại) người chính trực, đến độ mà, khi người bố ăn trộm dê, thì người con làm chứng tố tội bố". Khổng Tử trả lời, "Ở nơi chúng tôi cũng có một loại người chính trực, (khi con phạm tội thì) bố dấu tội cho con, mà (khi bố phạm luật thì) con cũng dấu tội cho bố. Ðây mới thật là chính trực." [39] Cái nguy hiểm của lễ mà Khổng Tử nhận ra, đó chính là sự quá lố của việc quá trọng hình thức của lễ. Ngài đã nhìn ra trước cái hiểm họa cuả pháp gia sau này.

 

Chú Thích:

[16] Vì phạm vi bài viết, chúng tôi sẽ không đi vào lịch sử diễn biến của lễ từ trước thời Khổng Tử như thấy trong Dịch Kinh, quẻ Càn, trong Văn Ngôn Truyện, trong Thi Kinh, Thư Kinh, Tả Truyện...

[17] Theo sự hiểu biết thông thường, chữ lễ trước hết có nghĩa những lễ nghi thấy trong việc cúng tế. Sau đó, lễ cũng biểu tả phong tục, tập quán xã hội, như thấy trong nghi thức hôn nhân, mai táng, đăng quan, và rồi cả trong những nghi thức chính trị, giáo dục, thương mại như đăng triều, thi cử, nhập môn, tốt nghiệp, mở hàng, xây nhà, khánh thành cơ quan, vân vân. Sau tới, lễ cũng thường được đồng nghĩa với những quy tắc, có tính chất pháp luật, hình chế. Trong Tả Truyện, đã thấy có sự phân biệt giữa nghi lễ và nghi thức: thức tức lễ hiểu theo nghĩa lễ nghi của quan, hôn, tang, tế trong khi lễ được hiểu như hình chế: "Tấn Hầu vị Như Thức Tề viết, "Lỗ Hầu bất diệc thiện ư lễ hồ?". Ðối viết, "Thị nghi dã, bất khả vị lễ. Lễ sở dĩ thủ kỳ quốc, hành kì chính lệnh, vô thất kì dân giả dã". (Tấn Hầu khen Như Thức Tề, "Lỗ Hầu, ngài cũng rất hiểu biết về lễ nhỉ" Lỗ Hầu đáp, "Ðiều tôi biết chỉ là nghi thức, chưa đáng gọi là lễ. Bởi lẽ, mục đích của lễ là để giữ gìn đất nước, khiến ta theo đúng cái phép mà không làm người dân phật lòng."

[18] Chú ý là sách Ðại Học vốn là một phần trong bộ Lễ Kinh. Phần chính kinh gồm 205 chữ do chính đức Khổng Tử giảng được thầy Tăng Tử ghi chép lại. Cùng với Thi Kinh, Lễ Kinh là những bộ sách ảnh hưởng rất sâu đậm vào tư tưởng của Khổng học.

[19] Luận Ngữ, 1: 12 (Học Nhi). Chu Hi chú giải. Việt ngữ: "Công năng của lễ cốt ở thực dụng tạo ra hòa hợp là điểm quý nhất. Chính vì vậy mà các bậc tiên vương đã coi việc áp dụng lễ như là một sự cao quý, và giải quyết mọi việc lớn bé theo nghi lễ quy định. Nếu chỉ có tinh thần hòa hợp mà không có lễ thì khó mà thành công được." (Bản dịch của chúng tôi, dưa theo chú thích của Phó Bội Vinh).

[20] Luận Ngữ, 3:3: "Tử viết, "Nhân nhi bất nhân, như lễ hà? Nhân nhi bất nhân, như nhạc hà?" (Một con người mà thiếu đạo nhân (ái) thì làm sao mà có lễ? Một người mà thiếu lòng nhân (từ), thì làm sao mà hiểu nhạc?")

[21] Luận Ngữ, 3:4: "Lâm Phỏng vấn lễ chi bẩn. Tử viết, "Ðại tai vấn, lễ dữ kỳ xa dã, ninh kiệm. Tang, dữ kỳ dị dã, ninh thích" (Lâm Phỏng hỏi về cái nền căn bản của lễ, Khổng tử trả lời "Câu hỏi anh đặt ra thật quan trọng. Nói về lễ cách chung rườm rà xa xỉ, nên tiết kiệm hay hơn. Về tang lễ, nên tỏ lòng thành phân ưu hay hơn là bày vẽ quá đáng").

[22] Luận Ngữ, 2:5: "Tử viết, "Sinh, sự chi dĩ lễ; tử, táng chi dĩ lễ; tế chi dĩ lễ."

[23] Lẽ phải, lẽ trái được hiểu như lễ, gần giống như phép phải, phép trái. Có người giải thích lẽ giống như lý (lý lẽ) và không cho là lễ. Thực ra, nếu hiểu lẽ giống như lý, thì cái lý lẽ cũng có thể đọc là lý lý, hay lẽ lẽ. Nghe ra không ổn! Lý lẽ phải hiểu là cái lý và cái lẽ (lễ).

[24] Luận Ngữ (Thái Bá): "Thái dộ cung kính không có lễ nghĩa thì chỉ làm phiền phức, người cẩn thận nhưng không phải vì lễ nghĩa thì chỉ tỏ ra được cái tính lo sợ của mình, người có lòng dũng cảm nhưng chẳng theo lễ phép thì chắc sẽ làm loạn, mà người trực tính không trọng lễ thì hồ đồ."

[25] Luận Ngữ, (Học Nhi): hợp vi quý, và Luận Ngữ, (Hằng Linh Công).

[26] Mạnh Tử, Lương Huệ Vương, 1: "Vị hữu nhân nhi di kỳ thân giả giã. Vị hữu nghĩa nhi hậu kỳ quân giả giã." (Không thể có người có lòng nhân mà không hiếu thảo cha mẹ. Không thể có người có nghĩa mà lại tư lợi bỏ bê việc vua việc nước). Hay Lương Huệ Vương, 1:5: "Cố viết, "Nhân giả vô địch." Vương thỉnh vật nghi." (Người xưa đã từng nói, "Người có đạo nhân thì vô địch". Xin Vua đừng có nghi hoặc lời nói này).

[27] Tuân Tử, Lễ giả dưỡng dã (lễ có công dụng nuôi dân), và "Vô đức bất quý, vô năng bất quan, vô công bất thưởng, vô tội bất phạt." (Thiếu đức thì không thể có phú quý, không có tài năng thì không thể làm quan, mà không có công lao thì làm gì có thưởng, y như nếu vô tội thì không thể phạt được). Xin tkh. Giản Chi - Nguyễn Hiến Lê, sđd., Quyển Hạ, tr. 562.

[28] Lễ Luận, L 417; Cũng xin tkh. Burt Watson, dịch. Hsun-Tzu: Basic Writings (New York: Columbia University Press, 1963b), p. 88.

[29] Tuân Tử, "Ðức tất xứng vị, vị tất xứng lộc, lộc tất xứng dụng."

[30] Tuân Tử, Ðại Lược: ""Lễ chi ư chính quốc gia dã, như quyền hành chi ư khinh trọng dã, như thằng mặc chi ư khúc trực dã. Có nhân vô lễ bất sinh, sự vô lễ bất hành, quốc gia vô lễ bất ninh." Ðoạn này do Giản Chi - Nguyễn Hiến Lê dịch. Xin tkh. Ðại Cương Triết Học Trung Quốc, Quyển Hạ, sđd. tr. 563.

[31] Lễ Ký là một trong ba văn bản được viết vaò thời Hán, tổng hợp những gì đã bàn về lễ trước thời Hán. Hai bộ khác là Châu Lễ và Nghi Lễ. Châu Lễ bàn về cách tổ chức cũng như cơ cấu xã hội đời Châu, trong khi Nghi Lễ là những quy pháp về cách thế cư xử trong xã hội. Theo các sử gia Trung Hoa thì Lễ Ký được một nhóm nho gia soạn vào thời trước (hay sau) Ðổng Trọng Thư và Giả Nghị (một nho gia thời Tây Hán, người đã từng tổng hợp Nho giáo và Ðạo giáo). Chúng ta biết, Ðổng Trọng Thư (170 hay 174-104 BC, thời Ðông Hán) rất chú trọng tới nghi thức, quy định phẩm phục, cư thất, và ngay cả số gia súc được nuôi, cho đến độ quá lố. Thí dụ, cho dù có học thức tới đâu, nhưng không có quan chức, thì cũng không được ăn mặc như quan, có giầu tới đâu mà không có tước lộc, thì cũng không được phép tiêu pha quá trớn. Tương tự, Giả Nghị (200-168 BC) cũng quá coi trọng lễ, nhiều khi hơn cả pháp luật nữa.

[32] Xin tạm dịch: "Ðối với người có lễ, thì lễ dùng để xác định phân biệt tình thân thiết khác với tình xa lạ; lễ cũng xác quyết được cái gì xác đáng khỏi cái gì đáng nghi ngờ, cũng phân biệt được cái điều giống nhau với điều khác nhau, và minh xác về điều phải điều trái."

[33] Xin thk. Lý Chấn Anh, "Tinh Thần Trung Ðạo Ðối Diện với Toàn Cầu Hóa", do Trần Văn Ðoàn dịch từ Hoa ngữ, trong Tập San Nghiên Cứu Con Người. (Hà Nội: Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia, 2003), 1(4) 2003, ctr. 62-68.

[34] Xin tạm dịch: "Ôi cái lễ, ôi cái lễ, mục đích cũng chỉ để tới trung đạo."

[35] Xin tạm dịch: "Từ cái tình cảm của con người, lễ khiến ta tiết độ, và như vậy giúp người dân biết phòng ngừa"

[36] Lễ Ký: "Người giữ lễ có thể phòng trước không để xẩy ra những gì sẽ xẩy ra, trong khi pháp gia chỉ có thể cấm đoán những gì đã xẩy ra." Về sự khác biệt giữa lễ và pháp, xin tkh. Hồ Thích, sđd. Họ Hồ viết: "Trong cái nghĩa rộng, lễ có hàm cái tính chất pháp luật, nhưng lễ thì thiên trọng về cái quy củ tích cực. Lễ thì dạy người ta nên làm điều gì và không nên làm điều gì; pháp luật thì cấm không cho những điều gì, hễ làm thì phải tội. Người làm điều trái lễ thì chỉ bị người quân tử chê cười, chứ người làm trái pháp luật thì có hình pháp xét xử." Trích lại từ Giản Chi - Nguyễn Hiến Lê, Ðại Cương Triết Học Trung Quốc, sđd., Quyển Hạ, tr. 565.

[37] Khổng Tử nói, "Kính tế những người không quen thì quả thật vô nghĩa. Nhìn thấy điều phải mà không làm thì quả thật thiếu can đảm." Khổng Tử nói, "Một con người nếu thiếu đạo nhân thì làm sao có lễ được? Một con người nếu chẳng có lòng nhân thì làm sao hiểu được âm nhạc (hay sự khoái lạc)?

[38] Khổng Tử viết, "Nhân nhi bất nhân, như lễ hà? Nhân nhi bất nhân, như nhạc hà?"

[39] Luận Ngữ, 13:18 (Thiên Tử Lộ): "Diệp công ngữ Khổng Tử viết, "Ngô đảng hữu trực cung giả, kỳ phụ nhương dương, nhi tử chứng chi." Khổng Tử viết, "Ngô đảng nhi trực gỉa dị ư thị: phụ vị tử ẩn, tử vị phụ ẩn, trực tại kỳ trung hĩ."

 

Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

04. 10. 2003

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page