Lễ Nghĩa Trong Nền Ðạo Ðức Khổng Mạnh
Gs. Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
3. Lễ và Cuộc Sống Theo Lễ
Nếu lễ biểu hiện nhân cách con người, nếu lễ biểu hiện cuộc sống xã hội của con người, và nếu lễ là những phương cách kiềm chế và giáo hóa con người trong Nho giáo, thì trong lối sống Việt, lễ còn quan trọng hơn cả thế nữa. Lễ hiện thực tất cả cuộc sống. Lễ biểu tả cả một thế giới sống Việt. Chính vì vậy mà lễ được dùng như là sinh hoạt mang tính chất toàn diện, cũng như cao cả nhất như từng biểu hiện trong ngôn ngữ, sinh hoạt tôn giáo, và trong cách tổ chức xã hội.
Trong ngôn ngữ Việt, lễ hiển diện một cách rõ rệt, hơn bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới. Lối xưng hô với cùng một người luôn thay đổi tùy theo địa vị, tùy theo liên hệ, tùy theo sự cách biệt, tùy theo tầm quan trọng. Lối xưng hô như vậy là một ví dụ điển hình ngôn ngữ Việt dựa theo lễ: với một người không quen, ta có thể xưng với người đó: thưa, bẩm, nói với cụ, ông, bác, chú, ngài, cậu, mày, vân vân. Với một người mà ta kính trọng, lễ đòi buộc phải tôn kính hơn: kính thưa, trọng kính đức cha (đức ông), cụ, ngài. Trong ngôn ngữ tôn giáo, ta dùng những động từ như: kính, bái, vái, lạy, thờ, quỳ lạy, phủ phục, vân vân. Rồi đối với thánh nhân, thần linh, và ngay ma qủy chúng ta cũng có những ngôn ngữ khác nhau để biểu tả cái lễ (tâm tình) của mình. Lối xưng tụng "Ðức" biểu tả cái lễ ta dành cho những vĩ nhân, những đại anh hùng dân tộc, và đặc biệt cho các bậc Giáo chủ và thần thánh. Trong xã hội Việt, từ "Ðức" chỉ dành riêng xưng tụng thần thánh, các nhà lãnh đạo tôn giáo, hay những bậc thánh nhân, những vị anh hùng, những đại triết gia mà thôi, [10] thí dụ Ðức Khổng, Ðức Phật, Ðức Kitô, Ðức Bà, Ðức Mẹ, Ðức Chúa, Ðức Trần Hưng Ðạo (Thánh Trần), Ðức Giáo Hoàng, vân vân.
Nếu trong ngôn ngữ, chữ lễ giữ một tầm quan trọng như vậy, thì trong chính sinh hoạt tôn giáo, nó càng rõ rệt hơn. Trong tất cả các đạo giáo ở Việt Nam, từ những đạo giáo du nhập từ ngoại quốc như Phật, Khổng, Lão và Thiên Chúa giáo cho tới những tôn giáo được coi như là thuần túy dân tộc như đạo Dân Gian, đạo Thờ Ông Bà, và gần đây, hai đạo Cao Ðài, Hòa Hảo, ta thấy lễ mang một vai trò quan trọng khác thường, mang tính chất toàn diện và siêu nhiên: lễ chỉ những buổi hội họp quan trọng để tưởng nhớ, để mừng vui, để nhận nhau, để cổ võ, để hiệp thông, và để hướng về tương lai. Lễ cũng nói lên những hành vi mà người Việt theo và giữ, để ứng xử với Trời, Ðất và đồng loại, tùy theo tôn ti trật tự (nghi lễ). Lễ càng chỉ ra những cách thế, những quy luật, những "tục", những "tắc", những "quán", tức những phương thế hữu hiệu, những cách thế dân tộc được truyền qua bao thế hệ. Và lẽ dĩ nhiên, lễ với nghĩa nói lên cái nhân cách của con người "đỉnh thiên lập địa", khiến con người đồng hàng với Trời, với Ðất.
Người công giáo Việt đã dùng chữ lễ để nói lên sinh hoạt tôn giáo, thờ phụng Thiên Chúa của họ. Ðối với họ, đi lễ, xem lễ, dự lễ, rồi kính các thứ lễ (lễ kính Ðức Mẹ, lễ kính Các Thánh, vân vân) không chỉ nói lên hành vi tham dự một cuộc tụ họp, hay một bữa tiệc, hay của một cuộc hội họp (theo nguyên nghĩa của missa, messe) mà còn hơn thế nữa, nói lên chính cuộc sống kết hợp với giới linh thiêng. Tương tự, tín đồ Phật giáo Việt cũng đã có những lối nhìn tương tự, khi họ "lễ hóa" các nghi thức, lối sống cũng như ngay cả cách tổ chức như thấy trong Giáo hội Phật giáo Ðại thừa. Tuy chưa có giờ và tài liệu tra cứu xem cha ông chúng ta đã dịch chữ missa ra từ lễ vào thời nào, [11] nhưng tôi biết chắc, lối dịch này phản ảnh trọn vẹn tâm tư và lối sống của người Việt chúng ta. [12] Lễ nơi đây không chỉ là lễ nghi, hay nghi thức phụng vụ, mà phải là lễ nghĩa, tức chính cuộc sống của con người đối với Thượng Ðế qua ngôn ngữ, hành vi, phẩm phục, hay qua những nghi thức. Tương tự, lễ đã biến thành một phần bất khả phân li trong cuộc sống của Phật đồ. Phật đồ lễ (bái, tế) Phật. Họ có những buổi lễ như lễ Vu Lan, lễ Phật đản, và nhiều lễ tương tự. Lễ đối với họ nói lên việc họ sống chính cuộc sống của mình bằng cách hiệp nhất với tinh thần của đức Phật. Và quả thật, Công giáo hay Phật giáo Việt đã phản ảnh lối sống của họ trong hành vi lễ, bái, kính, tôn. Bái (xá) tổ tiên, làm lễ giỗ tổ, thờ kính ông bà, bái những bậc tiền bối, vân vân, tuy vốn không hợp với nghi thức hay luật phụng vụ của Kitô giáo và có lẽ cả của Phật giáo, chúng lại phản ánh trung thực cái tinh thần đúng lễ của các đạo giáo trên. [13]
Trong đạo dân gian, chúng ta có rất nhiều lễ, từ Thanh Minh (tảo mộ, tưởng niệm người quá cố), tới Thánh Gióng (anh hùng dân tộc), từ (lễ) Hội tới (lễ) Làng, từ lễ giỗ (Tổ) tới lễ "ăn mừng", "khao vọng"... Nơi đây, lễ không chỉ dành cho thần thành, mà cho tất cả mọi người, mọi vật. Kẻ thánh có lễ của kẻ thánh, người dân thường có lễ của người dân thường, phường trộm cắp cũng có cái lễ của phường trộm cắp.
Nói tóm lại, trong bất cứ tôn giáo nào ở Việt Nam, trong bất cứ lối sống nào của dân Việt, chúng ta đều thấy là, chữ lễ mang tính chất toàn diện của cuộc sống con người. Và do đó, chúng ta có thể tạm trả lời cho câu hỏi, nếu lễ là quy luật, thì nó phải là quy luật sống, chứ không phải chỉ là những loại luật pháp, như hình luật, hay loại luật không hẳn liên quan tới cuộc sống con người.
Trong lối tổ chức xã hội Việt, lễ cũng giữ một vai trò quan trọng không kém. Từ thôn xóm tới làng xã, rồi từ đô thị tới kinh đô, tất cả đều theo một "tôn ti trật tự" biểu hiện qua các lễ phép. Bổng lộc được trả theo cái tôn ti này. Lễ phục, phẩm phục cũng tùy theo phẩm trật. Và có một thời ngay cả kiến trúc, nhà ở cũng theo một quy luật rõ rệt. Trong phẩm quan, từ đệ nhất phẩm xuống tới cửu phẩm; trong dân gian, từ dân đinh lên tới lý trưởng ta thấy có những nghi lễ quy định. Thời bình là một thời mà người ta trọng lễ và giữ lễ, trong khi trong thời loạn, mới thấy sự sa đoạ của tôn ti trật tự, và thiếu lễ nghĩa mà thôi.
Từ những nhận định trên, chúng ta có thể thấy là: thứ nhất, chính ở sự nhận thức ra sự khác biệt giữa lễ như là một loại luật pháp, và lễ như là quy luật của cuộc sống, mà người Việt luôn dùng chữ lễ đi với chữ nghĩa: lễ nghĩa. Ðây là một điều mà chúng tôi ít thấy trong nền văn hóa phương Bắc. [14] Thứ tới, người Việt đã Việt hóa những quan niệm triết học của người phương Bắc (Hán, Tống, Minh, Thanh) bằng chính lối sống của họ. Ðối với họ, lễ biểu hiện một cuộc sống toàn diện, ăn sâu vào trong cuộc sống hàng ngày cuả mỗi người. Và như thế, lễ không chỉ dành cho một giới, một giai cấp, hay một nhóm người nào. Lễ là cái dấu ấn, là tín hiệu và là hình thức của con người Việt. Và chỉ như vậy, người Việt đã tạo ra một đạo Nho (Việt Nho) cho riêng mình. Việt Nho không hoàn toàn đồng nhất với Hán Nho, Tống Nho, Minh Nho, Thanh Nho, vân vân. Nó mang tính chất đặc thù của người Việt, của thế giới Việt. Ðể chứng minh lối nhìn rất hay này, tức những cố gắng Việt hóa đạo Nho, rồi đạo Phật, cũng như đạo Kitô giáo của người Việt, chúng tôi bắt đầu với quan niệm lễ trong những kinh điển của Nho giáo, đặc biệt các bộ Luận Ngữ, Lễ Ký [15] cũng như phần nào trong tư tưởng của Tuân Tử. Phải bắt đầu với những tư tưởng trên, bởi lẽ tư tưởng Việt của chúng ta đã từng bị ảnh hưởng của họ. Và phải hiểu nội dung của chữ lễ trong các kinh điển trên, chúng ta mới thấy được sự khác biệt giữa tư tưởng phương Nam và phương Bắc. Sau phần tìm hiểu, phần thứ hai sẽ phân tích chữ lễ trong nền văn hóa Việt, mục đích để tìm ra sự biến đổi của những nền tư tưởng trên khi nhập vào đất Việt.
Chú Thích:
[10] Có một số nhà ngữ học hiểu từ "Ðức" tương đương với những danh từ tán tụng của Tây phương như "His (her) Excellence", "Eminence", "His (her) Majesty", "His Holiness", vân vân. Lối hiểu như vậy hoàn toàn bóp mép ngôn ngữ Việt và không hiểu lịch sử văn hóa Âu châu. Những từ "Execellence", "Eminence", "Majesty", "Holiness" là lối tán tụng được qui định dành riêng cho "chức vị" qúy tộc chứ không có liên quan tới đạo đức. Các Giám Mục, các người lãnh đạo quốc gia từ cấp bộ trưởng trở lẽn, các đại sứ, khâm sứ... đều được xưng tụng là "His (her) Excellence!", trong khi từ "Eminence" chỉ dành cho Hồng Y (và một vài nơi, dành cho Quận công, Thái tử), từ "Majesty" dành cho vua chúa, hoàng đế và từ "Holiness" dành riêng cho Giáo Hoàng. Thế nên, ta không lấy làm lạ, một vị lãnh đạo ngu dốt, vô đạo... vẫn được xưng là His (Her) Exellence! Việc lạm dụng lối tán tụng gọi một linh mục có tước hiệu Monsignor là "Ðức Ông" không những không hợp lễ, mà còn làm trò cười cho thiên hạ. Bởi lẽ, hàng linh mục chỉ được xưng hô là "Reverend" chứ không phải là "Excellence" trong văn hóa Âu châu, và trong văn hoá Việt, thì càng không thể được xưng hô là "Ðức".
[11] Trong các sách giáo lý (bổn) cũ, từ missa vẫn được dịch là theo nguyên ngữ là mi-sa. Tới đầu thế kỷ hai mươi, người công giáo thường thêm chữ lễ vào trước chữ mi-sa thành lễ mi-sa. Chỉ gần đây, chúng ta mới thấy chữ lễ đơn độc, hay kèm theo chữ Thánh, Thánh Lễ.
[12] Các nhà truyền giáo đã chuyển âm (chứ không phài là dịch) từ missa theo lối phát âm hoa ngữ là mi-sa (Hán ngữ là mật sa), hoàn toàn vô nghĩa. Tham dự thánh lễ, người Công giáo Trung Hoa nói là tham gia mật-sa, hay vọng mật-sa, trong khi tín hữu Tin Lành Trung Hoa gọi là tác lễ bái. Theo cái thiển kiến của tôi, thì lối dịch của Giáo hội Tin Lành có lẽ hay hơn lối chuyển âm của Công giáo.
[13] Xin đọc thêm: Trần Văn Ðoàn, "Nguyên Lý Sinh của Hiếu Ðạo trong Ðạo Thờ Kính Tổ Tiên", trong Triết Ðạo, Số 2, Năm 1 (Thu, 2001)(Washington, D.C.), ctr.40-59.
[14] Người Trung Hoa không gọi là lễ, nhưng gọi là tiết và chúng ta gọi là Tết "Thanh minh là tiết tháng ba" (Truyện Kiều), thí nhụ như Thanh minh tiết (Tết Thanh minh), Trung thu tiết (tết Trung thu), nguyên đán tiết (tết nguyên đán), Thánh đán tiết (Lễ Giáng sinh), Phật đản tiết (lễ Phật đản). Ðiểm đáng nói là những tết quan trọng liên quan tới chính cuộc sống, chúng ta nâng lên hàng lễ: Lễ Giáng sinh, lễ Phật đản. Tương tự, người Việt cũng coi những buổi lễ dân tộc là Tết: tết nguyên đán, tết trung thu, tết (?) đoan ngọ, tết (?) thanh minh. Hai buổi đại lễ sau có khi gọi là tết, lại có khi gọi là lễ: lễ Ðoan ngọ, lễ Thanh minh.
[15] Chúng tôi dựa theo chú giải của Gs Phó Bội Vinh (ÐH Quốc Gia Ðài Loan): Luận Ngữ (Ðài Bắc: Lập Giả, 1999). Phần Việt ngữ, chúng tôi phỏng theo bản Tứ Thư Tập Chú do Chu Hy chú giải, Nguyễn Ðức Lân dịch (Sài Gòn: Nxb Văn Hóa Thông Tin, 1998). Chú ý là lối chú giải của Chu Hy tuy rất thông dụng, nhưng đôi khi rất cưỡng ép. Các nho gia hiện đại, ít có người hoàn toàn dựa theo họ Chu. Ngoài ra, chúng tôi cũng tham khảo bản dịch và chú giải của Ðoàn Trung Còn: Tứ Thư - Ðại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử (Huế: Nxb Thuận Hóa, 2000, tái bản). Bản dịch của học giả Ðoàn Trung Còn tuy rất công phu, nhưng luộm thuộm và có khi sai cả nghĩa, dễ làm người đọc hiểu nhầm, nên chúng tôi ít sử dụng. Thí dụ, cụ dịch Ðại học là cái học của người lớn (Lời Tựa, và tr. 7). Nếu hiểu người lớn là người quân tử, thì lối dịch như vậy không sai. Nhưng nếu không để ý, ta dễ nghĩ là cái học của người lớn là cái học của người làm lớn, hay cái học của người lớn tuổi (ông Còn hiểu theo nghĩa này, khi ông cho sách Ðại Học được dùng để dạy tại nhà Thái Học, cho những người từ 15 tuổi trở lên). Nếu có tham khảo bản dịch của học giả họ Ðoàn, chúng tôi dịch lại cho chôi chảy và sát nghĩa hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng tham khảo bộ Giản Lược Triết Học Trung Hoa của hai cụ Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê (Sài Gòn: Khai Trí, 1963 - tái bản tại Calfornia, 1999), tập 2. Bộ sách khá công phu, nhưng khá luộm thuộm, nhất là trong những phần chú thích thiếu khoa học, và cả trong lối giải thích rất chủ quan, thiếu đồng nhất. Hai bộ sách sau, trên bản chất cũng chỉ dựa theo bản của Chu Hy.
Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan
04. 10. 2003