Lễ Nghĩa Trong Nền Ðạo Ðức Khổng Mạnh

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


1. Ðặt Lại Vấn Ðề - Vai Trò Của Lễ Nghĩa

 

Abstract

This paper attempts to search for an authentic understanding of the role of lễ (li) in the ethics of Vietnamese Confucianism, once biased as the cause of social backwardness by Westernized anti-Confucians. In my view, lễ expresses the ontological dimension of the Viet life-world, and is manifested in various forms of living. Since lễ is ontologically constituted, it is bound to nghĩa (yi), too close and intimate that the former would lose its existence without the support of the latter. In this sense, lễ is not restricted in the formal rites (lễ nghi); it is not defined by the rules of ceremonies and worship (nghi thức) either. It surpasses the limit of legal obligations and reveals the hidden moral conscience in our proper acts, behaviours and language.

This work is divided into two main parts: the first part traces back the original meaning of lễ in the classics of Confucianism, while the second part attempts to rediscover under the surface of the Viet life-world the exact meaning of lễ-nghĩa (li-yi).

Key-words:

Lễ, Nghĩa, Lễ-nghĩa, Confucian morals, Viet-mores.

Lễ Nghĩa Trong Nền Ðạo Ðức Khổng Mạnh - The Role of Li-yi in the Confucian Morals

 

Ðặt Lại Vấn Ðề - Vai trò của Lễ Nghĩa

Luận văn sau đây nhắm tìm hiểu vai trò của của lễ nghĩa trong nền đạo đức Khổng Mạnh. Chúng tôi đặc biệt chú ý tới vai trò của lễ nghĩa vì nhiều lý do, trong đó có một lý do rất quan trọng, đó là vai trò của lễ nghĩa đã hòa lẫn vào trong huyết quản của người Việt. Quá sâu đậm đến độ văn hóa, cách thẩm định giá trị của người Việt không thể tách rời khỏi quan niệm lễ và nghĩa. Nhưng cũng vì gốc rễ nó đâm sâu gắn chặt vào cuộc sống, nên cái lễ cũng là một trở ngại khiến xã hội Việt không dễ tiến bộ. Sự quá trọng nghi lễ đến độ nô lệ vào hình thức của nghi mà quên đi tinh thần của lễ, đã làm xã hội đông phương nói chung, và xã hội Việt nói riêng trì trệ. Cái tính nệ nghi thức không chỉ khiến con người viễn đông thiếu suy tư và thụ động, nó còn bóp nghẹt tình cảm con người. Và đây là cái cớ khiến nhóm trí thức theo Tây phương đã kịch liệt đả phá lễ nghĩa Nho giáo. [1]

Luận văn của chúng tôi không chối bỏ công lao của những người từng phá núi đắp sông, biến bãi biển thành ruộng dâu trong lãnh vực văn hóa, những bậc đại nho đã từng gây dựng nền văn hóa dân tộc. Chúng tôi cũng không phủ định những đóng góp của những người phê bình Nho giáo. Những vị sau đã nhìn ra sự nguy hại của tinh thần lệ lễ, tình trạng chậm chạp vì quá trọng hình thức và sự thiếu suy tư vì quá nô lệ vào những lễ nghi, những tập tục. Ði xa hơn, qua luận văn này, chúng tôi theo một cái nhìn khách quan, tìm cách đào sâu, tìm hiểu thêm tinh thần của lễ nghĩa. Tuy nhắm khôi phục tinh thần lễ nghĩa, chúng tôi cũng ý thức được cái ma lực của lễ, và do đó cùng lúc muốn phá bỏ huyền thoại quá lệ thuộc vào nghi lễ mà những nhà hủ nho từng khư khư ôm vào. Qua công việc khôi phục lại cái địa vị vốn có của lễ nghĩa, luận văn này tiếp tục chương trình đào bới lại cái giá trị của nền đạo nghĩa Việt mà chúng tôi đã bắt đầu vào những năm gần đây. [2] Luận văn gồm hai phần chính: phần thứ nhất tìm hiểu chữ lễ trong văn bản của Nho học, đặc biệt trong Luận Ngữ, Mạnh Tử, Lễ Ký, và phần nào đó trong tư tưởng của Tuân Tử; phần thứ hai đi xa hơn, nhắm khơi quật và đào sâu tư tưởng Việt qua việc phân tích và nhận định sự biến chuyển từ quan niệm lễ trong triết học Trung Hoa tới cách sống theo lễ trong cuộc sống của người Việt. Chúng tôi đặc biệt tìm hiểu sự liên quan mật thiết giữa chữ lễ và chữ nghĩa, một đặc điểm mà ta thấy ít có (hay hiếm hoi) trong lối tư duy của người phương Bắc. Mạnh Tử đã từng nhấn mạnh tới nhân nghĩa, và phần nào đó lễ nghĩa, [3] nhưng chỉ nơi Việt Nho, chúng ta mới thấy tầm quan trọng của nghĩa. [4] Nếu những nhận xét của các học giả như cố Giáo sư Trần Ðình Hượu, các Giáo sư Trần Quốc Vượng và Phan Ðại Doãn tại Ðại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn Hà Nội có căn bản, thì đối với các nho gia Việt, và ngay cả giới bình dân Việt, lễ nghĩa mới thực là quan trọng. Nếu chỉ có lễ, tức chỉ có hình thức, thì đó chỉ là tính chất bên ngoài, chứ chưa có thể nói lên được cái bản chất của lối sống của người Việt. Từ những nghiên cứu này, chúng tôi muốn chứng minh, lễ mà thiếu nghĩa sẽ bị sa đọa vào cái hố trọng hình thức thiếu nội dung, nhưng nếu thiếu lễ, nghĩa trở lên trống rỗng. Nói theo kiểu bình dân, lễ là cái vỏ, trong khi đó, nghĩa là cái ruột; và nói theo ngôn ngữ Aristotle, thì lễ là mô thức (forma) và nghĩa là chất liệu (materia).

 

Chú Thích:

[1] Tại Trung Hoa với Phong Trào Ngũ Tứ. Tại Việt Nam với phong trào cải cách của những nhà Tây học như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, và tiếp theo của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn. Thực tâm mà xét, những cuộc tấn công vào những giá trị Nho giáo của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn nhắm vào cái tệ hại quá trọng hình thức, quá lệ thuộc vào nghi lễ từ lối ăn mặc cho tới cách xưng hô, và nhất là sự ràng buộc của cơ chế xã hội và gia đình dựa trên nghi lễ, không phải hoàn toàn vô lý. Mối nguy hiểm nơi họ là thái độ vơ đũa cả nắm, và cái bệnh quáng gà vì cái ánh sáng quá mạnh của nền văn minh Tây phương, nên đâm theo Tây phương một cách rất ư vô thức. Họ chưa nhận ra được sự khác biệt giữa tinh thần của lễ với những hình thức của lễ. Hình thức có thể biến đổi, nhưng tinh thần "hưng ư thi, lập ư lễ, thành ư nhạc" của Khổng Tử không hề vì thời gian mà mất đi tính chất quan trọng của nó.

[2] Xin tham khảo Trần Văn Ðoàn, "The Concept of Dao-Yi in Viet-Nho" trong The Third International Conference on Confucianism in Vietnam (Cambridge, Mass.: Harvard Yenching Institute, 2002); Trần Văn Ðoàn, "Confucianism in Vietnam" trong Encyclopedia of Chinese Philosophy (London: Routledge, 2003); Trần Văn Ðoàn, The Idea of a Viet-Philosophy, vol. 1. The Formation of Vietnamese Confucianism (Washington, D.C.: The Council for Research in Values and Philosophy, 2003), cũng như Trần Văn Ðoàn, Việt Triết Luận Tập, Thượng Tập (Washington, D.C.: The Vietnam University Press, 2000), và Trần Văn Ðoàn, Những Suy Tư về Khả Thể của Một Nền Thần Học Việt Nam (đương xuất bản).

[3] Tuy Mạnh Tử đã nhận ra vai trò của nghĩa, trong quan niệm nhân nghĩa, nhưng một sự kiện bắt ta phải suy nghĩ, đó là người Trung Hoa phải đợi tới cả mấy trăm năm sau, mới thấy một số nho gia khai quật quan niệm của thầy. Ta biết sự gắn liền lễ vào nghĩa xảy ra hơi muộn vào thời Tống Minh. Theo Hồ Thích (Trung Quốc Triết Học Sử Ðại Cương, Tập 1. Ðài Bắc: Thương Vụ xbx, 1947, ctr. 137-8), thì nho gia thời Tống Minh hiểu lễ trong mạch văn của nghĩa, mà nghĩa ở đây mang tính chất "điều phải" và "hợp lý". James Legge, nhà truyền giáo người Anh, dịch giả Anh ngữ của bộ Tứ Thư Ngũ Kinh, trích dẫn một đoạn trong tập sách Trọng Ni Ngôn Cố (của một nhà nho thời Tồng) về lễ như sau: "[Những quy luật của] lễ là cách biểu tả mật thiết của nghĩa. Bất cứ hành vi lễ (nghi) nào phù hợp với nghĩa, đều có thể được chấp nhận, ngay cả khi nó không từng thấy nơi những bậc thánh hiền." Xin thk James Legge, The Li Ki or Collection of Treatises on The Rules of Propriety or Ceremonial Usages, 1985, 2 vols. Tái in trong Max Mueller ed., The Sacred Books of the East, Dehli: Motilal Banarsidass, 1966, p. 275). Ðoạn này chúng tôi trích lại từ A. S. Cua, "Li: Rites or Propriety" trong The Encyclopedia of Chinese Philosophy, sđd., ctr. 370-385.

[4] Xin Tkh. Trần Văn Ðoàn, "The Concept of Dao-Yi in Viet-Nho", op. cit. Cũng xin tham khảo Trần Ðình Hượu, Ðến Hiện Ðại từ Truyền Thống (Hà Nội: Văn Hóa, 1996). Lần xuất bản thứ hai. Giáo sư Phan Ðại Doãn, môn sinh của Giáo sư Trần Ðình Hượu từng nhận định: "Môi trường xã hội Việt Nam có khác nên lý thuyết và tư tưởng Nho giáo từ Trung Quốc và Việt Nam phải được "điều kiện hóa." Các quan niệm hiếu, trung, nhân, lễ (cốt lõi của Nho giáo) khi vào Việt Nam thường gắn liền với nghĩa. Theo chúng tôi, trong các quan hệ họ hàng, làng xã, đất nước của người Việt đều xây dựng trên quan niệm nghĩa, trước hết là nghĩa. Nói cách khác, nghĩa là điều kiện hóa của hiếu, của trung, của nhân, của lễ. Người Việt Nam thường nói hiếu nghĩa, trung nghĩa, nhân nghĩa và lễ nghĩa, và dường như hiếu, trung, nhân, lễ phải được hiểu và ứng xử như là nghĩa. Có người cho rằng ở Nhật Bản "trung" chiếm địa vị chủ đạo thì ở Việt Nam, theo chúng tôi "nghĩa" là vị trí quan trọng hơn, nổi trội hơn". Trích từ Phan Ðại Doãn, "Một Số Ðặc Ðiểm Nho Giáo ở Việt Nam", trong Tập san Khoa Học Xã Hội Nhân Văn (Ðại Học Quốc Gia Tph HCM - Ðại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn), số 3, 1997, ctr.55-61, trích từ tr. 58.

 

Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

04. 10. 2003

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page