Hội nhập văn hóa

Cử hành bí tích ở Việt Nam xưa

 

LM. Vũ Kim Chính, Fujen Catholic University, Taiwan

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Hội nhập văn hóa - Cử hành bí tích ở Việt Nam xưa.

Vào thời điểm ông Kha Luân Bố lần đầu tiên đặt chân lên đảo Watling (phía Bắc không cách xa Cuba ngày nay bao nhiêu), tức là bắt đầu khám phá ra Châu Mỹ ngày 12/10/1492, thì khoảng cách giữa các dân tộc trên mỗi Châu và các Châu với nhau, còn rất là xa lạ! Mấy chục năm sau, 1521, khi nhà thám hiểm Magalhaẽs tới đất Philipin, và đoàn thám hiểm của ông trở thành đám người thứ nhất của nhân loại đi vòng quanh quả địa cầu từ hướng Tây sang Ðông, thì "như hai đầu được nối lại với nhau" thành một vòng tròn. Từ đó trở đi, trái đất của chúng ta được "bó tròn lại" và các dân tộc thế giới, các sự vật... coi như trở thành "một gói".

Các nhà thám hiểm Âu Châu, cụ thể của hai đế quốc Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha, cứ theo cái đà đó, mỗi ngày mở rộng tầm hoạt động và tầm nhìn rộng lớn hơn. Ðến khi ông Tasman đi vòng quanh xa xa nước Úc ngày nay và dừng chân tại Tasmania (1642-1644), nhất là khi hai nhà thám hiểm Bougainville (1768) và Cock (1770) hoàn toàn vòng quanh sát đất Úc, thì coi như họ đã hiểu được Úc là Châu thứ năm của thế giới.

Vậy là từ ngày khám phá ra Mỹ Châu và Úc Châu, người ta mới biết được trên quả địa cầu của chúng ta có tới 5 lục địa, chứ không phải là ba: Âu, Phi, Á.

Nhờ những khám phá mới này, Giáo Hội Roma cũng mở rộng tầm nhìn ra thế giới, không phải là thế giới mặt bằng, mà là một trái đất tròn, một địa cầu xoay quanh mặt trời. Nhất là từ năm 1622 khi thành lập Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin, Giáo Hội càng say xưa với nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng do Chúa trao phó. Ðạo Chúa bây giờ không phải chỉ hạn hẹp trong mấy vùng Tây Âu, Ðông Âu, Trung Ðông và Bắc Phi.

 

I- Cái Thời Ta - Tây Còn Rất Xa Lạ

Lúc Tin Mừng bắt đầu vào Việt Nam qua những giai đoạn năm 1523, 1533, 1590 và cụ thể nhất, rõ ràng nhất là từ 18/01/1615, thì giữa Ta và Tây vẫn còn xa cách nhau: Xa về địa lý, xa về con người, xa về ngôn ngữ, phong tục, tôn giáo, v.v...

Vâng, đầu thế kỷ 17, một vị thừa sai Âu Châu muốn tới được nước Ðại Việt, cũng phải mất một năm trời với bao nhiêu nguy hiểm, cực khổ. Tới nơi được rồi, thì hàng rào ngôn ngữ càng cản trở trong việc giao tiếp. Ðàng khác, những phong tục, luật lệ, cùng Tam giáo và các thứ tín ngưỡng dân gian, chẳng có mấy điểm giống với giáo lý Kitô giáo cũng như cơ cấu tổ chức của Giáo Hội Rôma rất là Tây Phương!

Thật là xa lạ khi các vị thừa sai bắt đầu chạm đến đất nước Ðại Việt thời đó, cũng quen được gọi là An Nam, bị phân chia làm ba nước: Ðàng Trên (1), Ðàng Ngoài và Ðàng Trong. Ðất nước nhỏ bé này ăn từ Lạng Sơn đến khoảng Phú Yên, coi có vẻ đơn giản, nhưng thực ra rất phức tạp, ít nhất đối với những ông dương nhân hồi đó, ví dụ:

Kiến trúc : Khác với những ngôi nhà to lớn đồ sộ được xây cất bằng gạch đá ở Châu Âu, ngôi nhà ở Việt Nam quả là bé nhỏ, tạm bợ; vì chỉ được làm bằng gỗ, vách đất, mái nhà dân lợp bổi, rạ. Thói quen dân ta thời đó không xây nhà bằng đá, gạch, cũng chẳng làm nhà tầng. Ngay đến đình, chùa và hoàng thành cũng không làm nhà tầng, tường thì ghép gỗ ván, mặc dầu bên trong sơn son thiếp vàng, chạm trổ tinh vi. Một trận bão lớn đủ cho bay tất cả.

Ngôn ngữ : Tiếng nói, chữ viết lại càng khác lạ với tiếng nói của Châu Âu, làm cho không ít nhà thừa sai buổi đầu gần như thất vọng vì nghĩ sẽ không bao giờ học được tiếng Việt (2). Ðến như mấy nhà thừa sai Borri, Ðắc Lộ (A. de Rhodes), Marini, Tissanier cũng phải ngán ngẩm khi bắt đầu nghe người Việt nói chuyện với nhau, bởi vì họ cho là thứ tiếng âm nhạc, nghe ríu rít như chim hót (3).

Phong tục : Các phong tục, lề thói cũng hoàn toàn khác với Tây:

- Ăn uống : Gạo là lương thực cơ bản, khác với lúa mì ở Châu Âu. Nhất là cách dọn bữa ăn, cách ăn và lịch sự trong bữa ăn, bữa tiệc, cũng chẳng giống tí nào với Tây. Nguyên một việc cầm đôi đũa và đưa cơm vào miệng cũng đủ làm cho các ông Tây phải bỡ ngỡ. Cho nên, đã có ông viết là người Việt đưa cơm từ chén vào miệng như là "cơm nhảy vào miệng" (4)! Có ông còn phải ca tụng rằng, người sang trọng quý phái của cái xứ Con Rồng Cháu Tiên này, dùng bữa sạch sẽ hơn người Âu Châu nhiều, vì chẳng khi nào phải nhờ đến "quân năm ngón" đụng vào thức ăn, cũng chẳng bao giờ mút đũa như Tây mút muỗn nĩa... Lại còn cái tục ăn trần của người Ðại Việt!

- Giao tế : Rất là chi li, tỉ mỉ, khiêm tốn. Cấp dưới mỗi khi đến với cấp trên, đặc biệt trong các dịp lễ lạy, không thể nào thiếu món lễ đi kèm (5). Có thừa sai đã phải thốt lên: Ðó là văn minh! Ai cho, tặng thì phải nhận. Nếu người trên không nhận của kẻ dưới, thì bị hiểu là khinh chê kẻ dưới; kẻ dưới không nhận quà của người trên ban, bị hiểu là xấc láo (6).

- Nằm ngủ cũng khác kiểu Tây. Ngồi thì thường đại đa số dân ngồi trên chiếu trải đất, hay trên giường, trên phản (chân sắp bằng tròn); vào cỡ nhà quyền quý mới ngồi ghế.

-Tôn giáo : Với ba tôn giáo lớn ở Việt Nam, tuy có phân biệt rõ ràng, Khổng, Phật, Lão, nhưng trong mỗi người dân, xem ra ba tôn giáo vẫn sống hài hoà với nhau, không loại trừ nhau hoàn toàn. Dù từ thời vua Lê, Chúa Trịnh - Nguyễn, đôi khi chính quyền coi thường Phật, Lão giáo, rất mực đề cao Nho giáo, nhưng trong dân chúng, người ta vẫn sống được cái thuyết tam giáo đồng nguyên xuất phát từ đời nhà Trần. Ðến khi Tin Mừng vào Việt Nam, theo lối truyền giáo thời ấy, thì Tin Mừng, hay nói cụ thể là đạo Công giáo Rôma muốn loại trừ Tam giáo, không cho chung sống trong tâm hồn và nếp sống của một giáo hữu, cũng chỉ vì "phần rỗi các linh hồn". Quả là rắc rối! Thời đó làm gì đã có được tinh thần đối thoại, gặp gỡ giữa Công giáo với các tôn giáo khác như ngày nay.

 

II- Hội Nhập Trong Việc Cử Hành Bí Tích

Ðứng trước những xa lạ, khác biệt giữa Ta Tây trên đây, một số vị thừa sai cố gắng thích nghi (7), mà ngày nay chúng ta còn nâng cao hơn bằng cụm từ hội nhập văn hoá. Phải thích nghi để "Ðức Giêsu Rôma", trở nên "Ðức Giêsu Việt Nam", để người ngoài Giáo Hội đừng nghĩ rằng đạo Chúa là đạo vô luân, gian tà, mê tín, huỷ hoại phong tục, luân thường đất nước, như nhiều chỉ dụ cấm đạo đã gán cho (8).

Nguyên nhân cử hành các bí tích, nhiều thừa sai không áp dụng nguyên si "Sách các phép Rôma" (Rituale Romanum), vì nhiều cử chỉ, biểu tượng chẳng những không hợp mà có khi còn xúc phạm đến phong hoá đất Việt.

- Rửa tội : Xức dầu thánh đơn sơ, hoặc bỏ xức dầu hoàn toàn, không cho ăn muối, không hà hơn, không xức nước bọt (9). Vì người được rửa tội là người lớn, nhất là phụ nữ, càng phải giữ luật lệ "nam nữ thọ thọ bất thân", một luật rất nghiêm ngặt của bộ Luật Hồng Ðức từ cuối thế kỷ thứ 15.

- Thánh lễ : Cử hành bằng tiếng Việt, ngoại trừ Lời Truyền Phép bằng Latinh. Ðặc ân này Toà Thánh ban cho Giáo Hội Trung Hoa từ 1615, theo lời thỉnh cầu của cha Trigault (10). Riêng tại Việt Nam, năm 1659 Toà thánh ban phép cho hai giám mục đầu tiên được truyền chức linh mục cho người địa phương không biết Latinh. Ðến năm 1665, Toà thánh kéo dài thời gian hưởng đặc ân này thêm 7 năm nữa. Thật ra, trong số các linh mục việt Nam đầu tiên giữa thế kỷ 17, cũng có vài vị đọc Lời Truyền Phép sai, thay vì: Hoc est enim corpus meum (Này là mình Thầy) thì đọc Hoc est enim porcus, corvus meum (Này là con heo, con quạ Thầy) (11).

Trong Thánh Lễ, các linh mục ở Việt Nam vẫn được đội khăn, hoặc mũ bình thiên, trong khi nghi lễ Rôma chỉ cho đội mũ lễ (barrette) từ phòng áo lễ tới bàn thờ, còn chính lúc dâng lễ phải bỏ mũ. Theo phong tục Việt Nam, người dưới đến trước mặt cấp trên không được để đầu trần, dân phải đội khăn, quan phải đội mũ, vậy khi đi nhà thờ, cũng như linh mục tế lễ Chúa, phải đội mũ, đội khăn.

- Giải tội : Rắc rối to với tục "nam nữ thọ thọ bất thân" ! Giải tội cho nam giới thì không sao; nhưng các cô các bà, nhất là những bà xưng tội lâu, làm cho người ngoài không hiểu biết gì về đạo, dễ nghi ngờ nói chuyện riêng tư mờ ám, Vì thế, có khi cha Ðắc Lộ (ở Ðàng Ngoài từ 1627-1630) phải ngồi nhà bên này, người xưng tội phải quỳ ở nhà bên kia, chọc thủng bức vách chung giữa hai nhà để cử hành bí tích (12). Về lời xá giải (absolutio) cũng chỉ đọc phần cốt yếu và đọc rất nhỏ, để người ngoài khỏi cho là đọc thần chú, phù phép.

- Hôn nhân : Trong xã hội Việt Nam, "đám cưới", "đám ma" có rất nhiều nghi lễ. Các bí tích khác không có ở dân ta, nhưng hôn nhân thì đã xuất hiện từ xửa xưa, với nhiều hình thức, mà người ta có thể cho là câu nệ, rườm rà... Giữa cái mớ bòng bong nghi thức đó, các thừa sai phải tổ chức cử hành bí tích này thế nào?

Sau những lễ xem mặt, chạm ngõ, ăn hỏi, dẫn cưới (thách cưới) là đến lễ rước dâu (nghinh hôn) về nhà chồng, lễ gia tiên, lạy cha mẹ, lễ tơ hồng, lễ táo quân rồi vào tiệc cưới. Ðó là thứ tự tổng quát nghi lễ cưới xin của người Việt.

Vậy, một số thừa sai có khi không chứng hôn trong Thánh Lễ, mà cử hành lễ hôn nhân tại nhà trai, sau khi rước dâu về nhà chồng. Vừa về tới nhà chồng, linh mục làm lễ chứng hôn trước bàn thờ Chúa: Cô dâu chú rể đứng hai bên, linh mục đứng giữa; sau khi cô dâu chú rể nói lên lời ưng thuận tự do lấy nhau làm vợ chồng, trung thành đến chết, như nghi thức Giáo Hội, thì linh mục trao cho cô dâu chú rể mỗi người một miếng trầu, vì trầu là biểu tượng sự yêu thương, kính trọng nhau, trung tín cùng là sự ưng thuận (đồng ý, hoà hợp) (13). Nghi thức này thay lễ tơ hồng (Ông Tơ Bà Nguyệt); tiếp đến mới làm lễ gia tiên và các lễ khác hoàn toàn theo phong tục Việt Nam. Ngoài việc cử hành bí tích được thích nghi phần nào với xã hội Việt, còn nhiều thích nghi khác như việc ăn chay kiêng thịt, nhất là nghi lễ tôn kính tổ tiên (chúng tôi không bàn ở đây vì dài), hoặc việc dịch các danh từ Công giáo, nếu chưa dịch được thì phiên âm hầu hết từ tiếng Bồ Ðào Nha, ví dụ: Vítvồ (Bispo: Giám mục), Ighêrêgia (Igreja: Giáo Hội), Conphirmasong (Communhão: Rước lễ), Contrisong (Contricão: Ăn năn tội cách trọn) v.v...

Nhắc lại những vấn đề, những việc thời xưa trong Giáo Hội Việt Nam, không phải để ngày nay chúng ta bắt chước nguyên si. Nhưng để thấy được rằng, cha ông ta thời xưa cũng đã nỗ lực "hội nhập văn hoá", đã dám "thích nghi với phong tục, truyền thống và đặc tính của dân tộc" mà Công Ðồng Vatican II sau này nhắc đến (14). Phải nói là, các đấng đã đi trước Công Ðồng Vatican II về mặt "hội nhập" tới 300 năm! Tiếc rằng việc hội nhập trên đây chỉ được gần 100 năm, thì bị phản đối ầm ĩ  do những thừa sai không chấp nhận, rồi đến Toà Thánh Rôma cũng cấm, nhất là từ khi công bố hai Hiến Chế Exilla die ngày 19/03/1715 và Ex quo singulari ngày 11/07/1742.

Thế giới ngày nay mỗi ngày thay hình đổi dạng mau lẹ hơn, Ðông - Tây tuy còn nhiều khác biệt và đang xích lại gần nhau hơn. nhưng Ðông vẫn là Ðông, Tây vẫn là Tây! Còn nhiều việc phải làm để hội nhập, tái hội nhập! Làm thế nào đây?

Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu vừa qua đã phải thét lên: Bộ mặt Giáo Hội Á Châu còn Tây quá!!!

 

Chú Thích:

(1) Gaspar d'AMARAL, Anua do reino de Annam do anno de 1632, trong Archivum Romanum Societatis Iesu, JS.85, tờ 125 mtr.

(2) A. de RHODES, Divers voyages et missions, Paris, 1653, tr.72.

(3) Gio. Filippo de MARINI, Delle missioni, Roma, 1663, tr.95. - C.BORRI, Relation de la nouvelle mission des Peres de la Compagnie de J'esus au Royaume de la Cochinchine, Lille, 1631, tr. 73-74. - J. TISSANIER, Relation du P. Joseph Tissanier de la Compagnie de Jésus, Paris, 1663, tr.200.

(4) Gio. Filippo de MARINI, Relation nouvelle et curieuse des Royaumes de Tunquin et de Lao, Paris, 1666, tr.178.

(5) A.LAUNAY, Histoire de la mission du Tonkin, I, Paris, 1927, tr.29-30.

(6) Cha Guérard, M.E.P., viết thư từ Ðàng Ngoài ngày 21-4-1793 cho em ruột ở Pháp, trong lettres édifiantes, T.VII, Paris, 1823, tr.195-196.

(7) Ðỗ Quang Chính, Sống trong xã hội Con Rồng Cháu Tiên, Tp. Saigon, 1998, tr. 484-536. -P. -Fr. FAVRE, Lettres édifiantes et curieuses sur la Visite apostolique de M. De la-Baume évêque d'Halicarnasse, à la Cochinchine en l'année 1740, Venise, 1746, tr. 125-138.

(8) Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, T.IV, bản dịch, Hà Nội, 1968, tr. 298. -A. LAUNAY, Histoire de la mission du Tonkin, I, Paris, 1927, tr 65-67, 542-543.

(9) A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchinne, I, Paris, 1923, tr.17. -A. LAUNAY, Histoire de la mission du Tonkin, I, Paris, 1927, tr.30.

(10) Nicolas TRIGAULT, De christiana expeditione apud Sinas, Roma, 1615.

(11) E. FERREYRA, Provincia do Reino de Tunkim chamada Nghệ an, thư viết thừ Ðàng Ngoài 3-10-1676, ARSI, JS. 80, tờ 353-372.

(12) A. de RHODES, Histoire du Royaume de Tunkin, Lyon, 1651, tr. 246-247.

(13) A. LAUNAY, Histoire de la mission du Tonkin, I, sđd., tr. 76, 332.

(14) Hiến Chế Phụng Vụ, số 37-40.

 

LM. Vũ Kim Chính, SJ.