Hiện Tương Hoàn Cầu Hóa
và công việc Mục Vụ Truyền Giáo
ở Ðài Loan
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Hiện Tương Hoàn Cầu Hóa và công việc Mục Vụ Truyền Giáo ở Ðài Loan.
I. Nhập Ðề
Nếu chúng ta đọc báo, xem Tivi, nghe đài phát thanh báo cáo, bình luận trong những ngày qua về việc đề thi trắc nghiệm để tuyển chọn thí sinh vào các trường đại học ở Ðài Loan trong niên khóa 2006-2007, chúng ta cùng đồng cảm với nhiều cha mẹ quan tâm tới tương lai của đứa con học lớp cuối cùng trường Trung Học: Có thể nói được là Ngôn Ngữ Hỏa Tinh đã xâm nhập vào đề tài thi một cách hợp pháp và ngang nhiên. Như các ký hiệu mà các sinh viên Ðài Loan hiện nay đang sử dụng: "3 Q" (= Thank You)... Tờ Liên Hiệp Báo đã dùng cả nửa trang A5 để giải thích bằng những hình vẽ và ký hiệu để độc giả LKK (cổ lỗ sĩ) hiểu được 6 ký hiệu ngôn ngữ hỏa tinh này (x. Liên Hiệp Báo số ngày 24.01.2006). Ðây là một tỉ dụ của việc Hoàn Cầu Hóa trên "Mạng Lưới Internet" đang xảy ra thường ngày chung quanh chúng ta, vừa phổ biến, vừa cách biệt. Hiện nay, trên Mạng Lưới Internet, có đăng tải tất cả mọi tin tức xảy ra làm cho độc giả nhận được hầu như "đồng thời" với sự cố đang xảy ra trên bất cứ nơi nào trên thế giới, giống tựa như đang xảy ra ngay bên cạnh thôn xóm chúng ta. Các hình ảnh, nhất là những hình ảnh gây ấn tượng mạnh, hình như đang thu hẹp, đập vào mắt chúng ta. Như những "tuyên truyền về chiến tranh" của Tổng Thống Bush trong thời gian Chiến Tranh Irak để lật đổ chế độ Sadam Hussan, hay những hình ảnh bọn khủng bố dùng máy bay để tấn công làm hủy hoại Tòa Nha Tháp Ðôi ở New York vào ngày 9.11.2001. Hoàn Cầu Hóa, một hủ Ðồng-Vàng-Thau lẫn lộn, đưa tới cho chúng ta những viên thuốc tiên cũng như độc dược.
II. Ảnh hưởng của Kỹ Thuật Truyền Thông Ðiện Tử ngày nay
Nếu chúng ta vào Mạng VietCatholic, ngày 23.1.2006, cha Trần Công Nghị có một bài tổng hợp về truyền thông đại chúng trên Mạng Internet với những con số làm chúng ta ngạc nhiên không ít. Tỉ dụ Mạng Thông Tin có tên là www.totustuus.it đăng tải và nối kết khoảng trên 50 ngàn trang Web Công giáo, gồm mọi lãnh vực và tầng lớp khác nhau. Một mạng khác cũng từ Italia có tên là www.siticattolici.it có tới 10 ngàn trang Web khác nhau loan tin tức các giáo xứ, những nhóm tư nhân, các dòng tu, đại học... Cha Nghị cũng không quên cho chúng ta biết trong năm 2005 vừa qua, số mạng công giáo tăng thêm khoảng 25%, những bộ môn tăng nhiều nhất là "Thánh nhạc" (33.6%), Phát thanh, truyền hình (32%) và nghệ thuật (31%). Ðức Ông Ðinh Ðức Ðạo cũng đưa rất nhiều chi tiết khác, làm quà cho anh chị em tu sĩ Việt Nam trên thế giới qua trang Web Zenit phoiket.net. Mỗi ngày, Qua Mạng Lưới Internet, chúng ta đọc được rất nhiều tin tức chính thức của Giáo Hội. Chúng ta cũng đọc được rất nhiều tài liệu suy tư, tin tức sốt giẻo, nghiên cứu thần học, văn học... của biết bao nhiêu người đưa lên Mạng Lưới Internet, mà mọi người có thể tự do ra vào và chọn lựa...
III. Những quan điểm nhận xét về vấn đề Hoàn Cầu Hóa
Trước khi đề cập tới sự liên quan mục vụ và Mạng Lưới Hoàn Cầu Hóa, xin đưa ra những quan điểm nhận xét về vấn đề Hoàn Cầu Hóa. Tính Hoàn Cầu Hóa (Global), một tĩnh từ được Marshall McLuhan dùng đầu tiên vào năm 1960 trong tác phẩm "Khám phá trong thông tin" (Exploration in Communication) khi ông cấu trúc thành hai chữ "Global Village" (ngôi làng hoàn cầu). Nhưng chữ "Hoàn cầu hóa" (globalisation), được dùng như một danh từ, thì mãi tới năm 1983 mới được nhà kinh tế học Theodore Levitt sử dụng và phát huy trong phạm vi kinh tế. Năm 1988 ông Kisichi Olimae, người Nhật Bản, dùng cách phổ biến trong nhiều lãnh vực như thời nay chúng ta thấy.
Bối cảnh phức tạp này làm cho chúng ta liên kết quan niệm hoàn cầu hóa đan liền với tính cách thời đại và như vậy chúng ta không ngạc nhiên khi thấy quan điểm hoàn cầu hóa đã gây cho con người những ấn tượng trái nghịch với nhau.
1. Ca ngợi Hoàn cầu hóa một cách quá đáng:
Lập trường quá khích tâng bốc phong trào Hoàn cầu hóa vịn trên những dữ kiện thường ngày, như sự khẩn thiết của kỹ thuật trong đời sống con người nói chung và những cách truyền thông gắn liền với con người như sự nối dài của ngũ quan nói riêng. Tới độ người ta dám nói, những Phật ngàn tay, trăm mắt, những kinh nghiệm Ðằng Vân của Tôn Ngộ Không, đã trở thành kinh nghiệm thường ngày của người thời nay rồi. Ông O' Boyle, một học giả mậu dịch quốc tế, đã coi thế kỷ 20 là một thế kỷ quốc tế hóa từng bước khổng lồ tới độ không một quốc gia nào, dù giàu hay nghèo, mà có thể tự tách ra thị trường quốc tế được. Tóm lại, kỹ thuật, kinh tế, xã hội... trở thành quá trình hoàn cầu hóa mà con người dù muốn hay không cũng phải chấp nhận như một thực tại.
2. Nghi ngờ, hoài nghi vấn đề hoàn cầu hóa:
Nếu lập trường ca ngợi Hoàn cầu hóa dựa vào thực tại để bảo vệ sự kiện hoàn cầu hóa và cho đó là bước phải được mọi người công nhận, thì những người đứng trên lập trường "Nhân bản cá nhân" lại hoài nghi những tính cách tích cực của nó. Từ khi kỹ thuật trở thành bộ máy khổng lồ, càng ngày càng tinh vi khống chế cuộc sống con người, những nhà tư tưởng nhân bản đã gióng lên tiếng phê phán "dị hóa", "tha hóa" con người. Con người tùy thuộc vào kỹ thuật khoa học một cách thảm thương, tới độ mất cả chủ quyền của mình, nhất là khi con người bị lệ thuộc một cách máy móc, như chỉ có thể nhìn thấy những gì "kỹ thuật cho phép" thấy, nghe, tiếp cận... Vấn đề hoàn cầu hóa kinh tế càng rõ ràng hơn. Cứ xem những nông dân chết dần khi một quốc gia gia nhập vào và phải tuân hành những điều lệ "quốc tế" của WTO (Tổ Chức Kinh Doanh Thế Giới - World Trade Organization)... Thay vì đề cao việc chạy theo những chủ nghĩa xỏ mũi con người bắt leo thang "phát triển", họ nêu ra sự giải thoát con người để con người hiểu biết sự cao quí của tự do.
3. Quan điểm "chuyên hóa" quá trình Hoàn cầu hóa theo chiều thăng hóa:
Nhận thấy hai quan điểm cực đoan, đối nghịch với nhau về việc hoàn cầu hóa là "không chân thực", và họ phân "thực" và "chân" thành chủ nghĩa nhị nguyên và đối lập. Vậy làm sao phải hòa hợp hai yếu tố "chân" và "thực" đây? Ðầu tiên phải dứt bỏ những "thành kiến" để học hỏi, lượng giá hai quan điểm, để nhận ra quan điểm Trung Dung, hòa hợp.
Như những dụng cụ sắc bén và tinh vi, kỹ thuật tự nó không phải là tốt hay xấu, nhưng tùy theo ý hướng của người dùng mà trở thành khí giới giết người, hay dụng cụ cứu người, giúp người. Như vậy vấn đề chính là ý thức và học hỏi để cải tổ và biến hóa thành một quá trình thiện hảo. Chính vì vậy mà hoàn cầu hóa cần phải liên kết với tôn giáo, với giá trị nhân bản và với công việc mục vụ. Từ khía cạnh này, chúng ta thử tìm lại thái độ của giáo hội đối với xã hội và cộng đoàn nhân loại nói chung.
IV. Giáo Hội quan tâm tới Xã Hội và đường hướng Hoàn Cầu Hóa.
Trước hết, chúng ta thử nhìn tổng quát, giáo hội đã quan tâm tới vấn đề xã hội như thế nào, và sau đó chúng ta sẽ xét theo khía cạnh hoàn cầu hóa.
Ngay từ đầu, giáo hội sơ khai thực hiện tin mừng Ðức Kitô đem tới, đã coi những người nghèo khổ, nô lệ, như chính Ðức Kitô hiện thân. Nhưng với thời gian, nhất là sau khi Giáo Hội ở Âu Châu đã trở thành quốc giáo, sự quan tâm này hình như không còn nét rõ nữa, nhất là khi phong trào cách mạng thời Ánh Sáng coi Giáo hội đồng hóa với các chế độ phong kiến, Giáo hội trở thành đối tượng để người vô sản công kích hơn là đứng về phía người nghèo.
Năm 1891, Ðức Lêo XIII viết thông điệp "Tân Sự" (Rerum Novarum), như là một điểm mốc mới, bày tỏ rõ ràng thái độ Giáo hội quan tâm cụ thể tới những hiện trạng xã hội, nhất là đối diện với sự xung đột giữa thế giới tư bản và nhân công. Bốn mươi năm sau, Ðức Piô XI vừa khẩn định đường hướng "Tân Sự", vừa bày tỏ sự quan tâm về cơn khủng hoảng kinh tế giữa hai thế chiến. Ngài nhấn mạnh tới nguyên tắc "Nhân quyền", như là một liều thuốc để chống lại chế độ độc tài cộng sản và phát xít của Hitler.
Cao điểm của việc giáo hội phát huy tâm tình quan tâm tới thế giới như là một "bí tích" của thế giới, là một loạt canh tân của công đồng Vatican II. Bắt đầu là Thông Ðiệp "Mẹ và Thầy" (Mater et Magister) của Ðức Gioan XXIII, mở rộng cánh cửa giáo hội để quan tâm tới Hòa Bình Thế Giới (Pacem in Terris) và hô hào mọi người thiện tâm cùng chung sức xây dựng Tương Lai con người. Con người chỉ có Niềm Vui và Hy Vọng (Gaudium et Spes), khi tất cả mọi lãnh vực như văn hóa, kinh tế, xã hội, v.v... được xây dựng trên nền tảng nhân bản của con người. Ðó là căn bản cần thiết để phát huy hoàn cầu hóa, như Ðức Gioan Phaolô II đã tiếp tục phát huy trong Thông Ðiệp "Một Trăm Năm" (Centesimus Annus) kỷ niệm Thông Ðiệp "Tân Sự".
Ðể tóm kết tư tưởng "Một trăm năm" có liên quan tới Hoàn cầu hóa, giáo sư Joseph Schasching, linh mục dòng Tên dạy ở Gregorianum nêu ra 6 điểm sau:
1. Tư tưởng xã hội của Công giáo khẩn định, Hoàn cầu hóa là một công cụ tốt để giúp xây dựng và phát huy hạnh phúc con người.
2. Thị trường tự do cần có một số qui luật cần thiết để bảo vệ công ích.
3. Qui luật đó là sự móc nối giữa pháp luật quốc gia và hợp tác quốc tế.
4. Hoàn cầu hóa là một quá trình vì công ích, nhất là coi trọng công ích của các nước trong phát triển.
5. Sự hỗ tương giữa hoàn cầu hóa và địa phương hóa.
6. Ðây là nỗ lực của mọi quốc gia và tổ chức, chứ không chỉ của các cường quốc mà thôi.
V. Hoàn Cầu Hóa theo tinh thần Kitô giáo:
1. Căn bản nhân tính hoàn cầu hóa là khẩn định mỗi người đều là "Hình ảnh" của Thiên Chúa. Chỉ có con người, Thiên Chúa mới tạo thành có tinh thần và thân xác, một sự liên kết để Thiên Chúa sửa soạn chương trình cứu độ và viên mãn nơi Ðức Kitô, Con Thiên Chúa thành Người. Con người sống là sự biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa (homo vivens, gloria Dei), là thực thi Ðức Ái tuôn tràn từ Thiên Chúa Ba Ngôi, cội gốc của tình yêu (xem thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu Deus Veritas Est). Như vậy Hoàn cầu hóa không phải là kết hợp để khống chế, nhưng là thông truyền giữa con người và đại gia đình nhân loại. Chính vì vậy mà thánh Augustinô về cuối đời ngài đã cảm nghiệm được một Chân Lý đầy trương lực "Hãy yêu, rồi bạn muốn làm gì cũng tốt cả". Hay nói cách khác, nhận chân mỗi con người là hình ảnh cụ thể của Thiên Chúa Ba Ngôi, thì tất cả những cố gắng của con người đều là hoàn cầu hóa và mục đích là thúc đẩy công ích của cả gia đình nhân loại.
2. Làm sao thực hành nguyên tắc căn bản của Hoàn cầu tính Kitô giáo đây? Giáo hội từ Vatican II đã nhấn mạnh giáo hội là Bí tích của Thế giới, là tiếng lương tâm của cả nhân loại. Chính vì thế, con người công giáo không chỉ là thụ động "tuân giữ", "làm đúng luật", nhưng phải "chủ động liên minh" (active solidarity) với những người bị áp bức, những người yếu thế, cô thân. Dù sao đi nữa, người công giáo dưới ánh sáng phúc âm soi chiếu, nhìn rõ nhu cầu của cá nhân và địa phương. Như vậy, để thực hiện hoàn cầu hóa, chúng ta phải bắt đầu từ những điểm cụ thể. Ðó là cách nói mà được nhiều người lập đi lập lại: "Thinking global, acting local". Ðây cũng là căn bản mà Thiên Chúa đã chọn để cứu độ con người nơi Ðức Giêsu Kitô, Ngài là Thiên Chúa bao gồm tất cả mọi thời đại, mọi dân nước, chủng tộc, nhưng chọn dân Do thái trong bối cảnh cụ thể cách đây hơn 2,000 năm để bày tỏ Thiên quốc vĩnh cửu. Hoàn cầu hóa là chiều hướng tương phản với Hội Nhập Văn Hóa, nhưng đều là chiều kích quan trọng trong cuộc sống con người: sự Trưởng Thành được kết hợp giữa "nội tại hóa" và "ngoại tại hóa", giữa "phản tỉnh" và "giải phóng".
VI. Giáo Hội Ðài Loan và vấn đề Hoàn Cầu Hóa
Nhìn chung, Ðài Loan đi ngược chiều với cảnh huống Hoàn cầu hóa. Trong khi Trung Cộng sửa soạn Ðại Hội Thể Thao Quốc Tế, Olympic 2008, để một đàng chuẩn bị dân chúng theo kịp đà của hoàn cầu hóa như những dự án quốc tế hóa các tòa kiến trúc mới, cổ võ dân chúng học Anh văn... để tiếp nhận Ðại Hội Thể Thao như là mốc hoàn cầu hóa, thì Ðài Loan vì vấn đề chính trị, lại muốn "Ðộc lập" hóa, không muốn giao tiếp với Trung Cộng và chính vì thế lại bị cô lập hóa về cả chính trị lẫn văn hóa, kinh tế. Chính phủ mới của Ðài Loan hiện nay gồm những người không có kinh nghiệm quốc tế, lại bị chính sách mà Tổng Thống đặt ra trong bài diễn văn đầu năm 2006: "Quản lý tốt, khai phóng có hiệu quả", thay vì đặt khai phóng, giao thông lên hàng đầu. Dân chúng bị hai lực lượng chính trị và kinh tế phân tán, nên cảm thấy bị mất trọng tâm, dù trong cuộc bầu phiếu cho các cấp huyện trưởng và thị trưởng vào cuối năm 2005, họ đã bỏ phiếu đa số cho đảng đối lập với hy vọng nói lên tiếng nói đòi cải cách. Ngay chính trường cũng bị phân hóa do hai lực lượng ly tán, đối chọi nhau: Chính quyền các cấp địa phương hầu hết do đảng đối lập nắm và chính phủ trương ương do đảng Dân Tiến nắm. Trong viễn tượng chính trị, kinh tế này làm cho quan điểm Hoàn cầu hóa càng thêm phức tạp, tới độ nhiều người mất tin tưởng vào tương lai. Con số người tự sát làm cho chúng ta chóng mặt: cứ trung bình mỗi 4 giờ đồng hồ, ở Ðài Loan có một người tự sát. Trong giới sinh viên, cũng đang gây nên nhiều thất vọng, cứ trung bình mỗi 4 ngày, có1 sinh viên tự sát. Con số những người bị mắc bệnh tâm thần càng ngày càng leo thang...
Ðứng trước cảnh tượng này, chúng ta có thể làm gì và cần làm gì để giải quyết vấn đề căng thẳng giữa "Hoàn cầu hóa" và địa phương hóa trong công việc mục vụ thường ngày của chúng ta?
1. Với căn cước là những tu sĩ Việt Nam ở Ðài Loan, chúng ta là cây cầu bắc giữa hai điểm cực đoan Hoàn cầu hóa và địa phương hóa. Chúng ta có dịp may để nhìn thấy những khía cạnh tiếp cận với hoàn cầu hóa hơn là những tu sĩ địa phương và chúng ta cũng có cái nhìn cụ thể từ những kinh nghiệm thường ngày như họ. Làm sao để chúng ta thay vì bị hai lực phân hóa, trở thành một sự nối kết để các giáo dân nhìn thấy sự nối kết giữa quan điểm hoàn cầu hóa và kinh nghiệm theo nhu cầu địa phương? Những tầng lớp hoàn cầu hóa được mỗi người Việt Nam ở những nơi khác nhau đem ra học hỏi và thông truyền cho nhau.
2. Chúng ta cần vũ trang cho chúng ta có một nền kiến thức rộng để thực thi đúng nhu cầu mục vụ xứ đạo. Ðó là cách chúng ta luôn "học hỏi thêm", "tiếp tục công việc huấn luyện" mà những chương trình "Thần học trên Mạng" đang mở rộng trước mắt chúng ta, tỉ dụ thường ngày vào Mạng Lưới của Zenit để biết những tin tức của giáo hội, vào những Mạng Internet của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam để theo dõi những sinh hoạt thường ngày của giáo hội quê nhà và tiếp thu thêm những chia sẻ thường ngày, những tư tưởng mà mỗi ngày càng phong phú thêm làm cho chúng ta cập nhật nhiều vấn đề mới.
3. Công Ðồng Vatican II đã để lại 40 năm kinh nghiệm cải cách phong phú. Một cách chung và căn bản là "nhận ra dấu hiệu thời đại" để rồi trở về với Phúc Âm để nhận ra ánh sáng phúc âm soi chiếu và giải quyết vấn đề mà dấu hiệu thời đại chỉ rõ. Làm sao chúng ta có thể thực hiện được, nếu không có giờ suy tư ý nghĩa dấu hiệu thời đại, không có giờ chiêm niệm để thấu đáo tinh thần phúc âm? Ðó là cách nói theo "Thinking global" and "acting local".
VII. Kết Luận:
Chúng ta cần phân định rõ ràng: Ðức Kitô là vĩnh viễn, những giáo huấn phúc âm của Ngài là vượt trên thời gian là mốc của những giá trị Hoàn cầu hóa, nhưng các tổ chức của giáo hội thì nằm trong điều kiện thời gian và không gian, nên là tương đối, là bạn đồng hành của thế giới, là phương tiện để dẫn tới mục đích vĩnh hằng. Như vậy những tổ chức của giáo hội, dù là giáo hội hoàn vũ hay địa phương đều mang tính con người, đều lụy thuộc vào điều kiện mà thời nay chúng ta cho là sự tương hỗ giữa hoàn cầu hóa và địa phương hóa. Mục đích của giáo hội trong mọi tầng lớp là "Phúc âm hóa". Chúng ta chỉ có thể quan tâm tới Phúc Âm hóa thực sự khi chúng ta nhận diện ra "ý nghĩa của dấu hiệu thời đại trong mọi lãnh vực và trong mọi tầng lớp. Ðể dạt tới hiệu quả phúc âm hóa thực sự, chúng ta phải có cái nhìn mở rộng (thinking global) và chọn đúng điểm thực hành (acting local).
Bài thuyết trình của Lm Vũ Kim Chính, SJ.
trong dịp Họp Mặt Xuân Bính Tuất 2006
của Hội Tu Sĩ Việt Nam tại Ðài Loan