Những dấu hiệu Tôn Giáo tân thời
và một vài suy tư mục vụ
trong việc truyền giáo tại Ðài Loan
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
I. Hiện Tượng Tân Thời:
Mỗi ngày, chúng ta sống trong khí thế "Tân Thời" (New Age) và những suy tư "Hậu Hiện Ðại" (Post modern). Chúng ta thử nêu ra một số những hiện tượng tiêu biểu để làm dấu hiệu ứng khởi những suy tư thần học và tìm ý nghĩa cho những công tác mục vụ ở Ðài Loan.
1. Giáo Phái Tống Thất Lực tái giang hồ:
Ông Tống Thất Lực, sau những năm bị kiện cáo là lừa đảo tín đồ, lợi dụng phương pháp ghép hình để minh chứng thuật "phân thân" và được coi như là một tên bợm trí thức, lấy tôn giáo để làm bình phong kiếm tiền, nổi tiếng... Ngay sau khi ông Tạ Trường Ðình được tổng thống Trần Thủy Biển chọn làm Thủ Tướng (vợ của ông Tạ Trường Ðình là một tín đồ nhiệt thành của ông Tống Thất Lực), ông Tống Thất Lực đã ngang nhiên từ Cao Hùng đi Ðài Bắc và họp báo để các đài Tivi tới phỏng vấn; và trong dịp này, ông đã khẩn định: ông và ông Tạ Trường Ðình, tân Thủ Tướng, đã "phân thân" hai lần, đi Úc và Paris trong những thời gian vừa qua. Báo chí và Tivi coi đây là dịp tốt để câu khách, những quan phán hay chính phủ nhắm mắt làm ngơ, và dân chúng coi sự cố trên là một sự cố thường tình. Phải chăng đây là dịp để phát hiện sức mạnh ngầm của tân phái.
2. Giáo Phái Pháp Luân Công:
Giáo phái Pháp Luân Công vẫn ngấm ngầm phát triển ở Trung Quốc và bành trướng trên diễn đàn quốc tế. Cách đây ba, bốn năm, khi nhà cầm quyền Trung Quốc công bố Pháp Luân Công là "Tà Ðạo" và cấm cách, họ đã có ý đồ gì? để tìm một "đối thủ" mới để đánh lạc hướng sự tranh chấp giữa phe bảo thủ quân đội và phe cải cách hay là tìm một ý thức dị đoan để đánh bóng tính cách khoa học của đường lối cộng sản (đang bị quên dần???). Dù sao đi nữa, biến cố "cấm tôn giáo" này đã "hợp thức hóa" một tôn giáo đời mới và mặt khác "công nhiên" đưa Pháp Luân Công lên đài "tôn giáo quốc tế". Nhiều người trước kia chỉ coi việc "luyện khí công" như một môn thể dục, họ đã dần dà đặt vấn đề luyện khí công như một nhánh tôn giáo của Ðạo Giáo. Nhiều học giả Ðạo Giáo đã phát huy "luyện khí công" như là một "linh đạo" mới để nhấn mạnh sự hòa hợp giữa thân xác và tinh thần, như phong trào luyện Yoga rầm rộ ở Âu Mỹ trong những thập niên 80, 90. Phải chăng đây là nhu cầu cần thiết mà xã hội tân tiến đang sống dưới áp lực của kỹ thuật và công nghệ?
3. Thiên Tai Sóng Thần (Tsunami):
Thiên Tai Sóng Thần (Tsunami) được báo chí và các phương tiện truyền thông tân tiến đồng thời phát hình, tường thuật những cảnh cụ thể làm lương tâm con người ở mọi nơi trên thế giới, thức tỉnh và cảm thông một cách mãnh liệt. Ðây là một hiện tượng "hoàn cầu hóa" rất rõ ràng, như hiện tượng của vụ khủng bố 9/11 vào năm 2001 tại New York, khi 2 toà nhà Tháp Ðôi tiêu biểu cho trung tâm Kinh Tế Thế Giới bị công phá. Một hình ảnh được phổ biến trên các kênh truyền hình làm chấn động lòng dân, khi xem thấy hình ảnh một tượng Phật đồ sộ đứng vững như thường, khi tất cả nhà cửa và cảnh vật bên cạnh đều bị sóng cuốn tàn phá. Một hiện tượng khác nữa làm con người kinh ngạc không ít, là trong biến cố "Sóng Thần" làm tử thương hằng trăm ngàn người, nhưng hầu như không có súc vật nào bị tổn thương hay cuốn trôi đi, vì chúng đã có bản năng tự nhiên, cảm thấy trước sự nguy hiểm và đã chạy trốn trước hết cả rồi, kể cả những chú voi bị cột chặt vào cột, đã vùng vẫy với hết sức mạnh để bứt đứt xiềng xích và chạy thoát thân. Trong khi đó, con người dù có những máy móc tinh vi tối tân để báo động, nhưng vẫn không "cảm thông" được với thiên nhiên. Con người phải chăng trong phương diện sống còn đã thua bản năng của động vật, hay con người quá tự mãn mà quên sự tương đồng với thiên nhiên và siêu nhiên?
Những hiện tượng kể trên là những biến cố tiêu biểu, nhưng cũng là những câu chuyện của người thường, của quần chúng. Chúng có những ý nghĩa thần học gì đối với chúng ta và có thể ảnh hưởng gì tới cuộc sống truyền giáo, mục vụ ở Ðài Loan của anh chị em Tu Sĩ Việt Nam chúng ta đây?
II. Ý thức tôn giáo và luân lý trong thời mới hay quan điểm hậu hiện đại:
Tôn giáo tính của thời mới là gì? Phong trào suy tư hậu hiện đại phải chăng gạt bỏ tôn giáo ra ngoài? Ðó là những câu hỏi mà nhiều nhà tư tưởng tôn giáo và thần học thao thức, khi đối diện với thế giới mới, nhất là giới trẻ đang chạy theo những thần tượng thời mới. Từ những năm cuối thế kỷ trước và đầu thế kỷ 21 nầy, tôn giáo tính của thời mới được "dán" vào khá nhiều những "khẩu hiệu" khác nhau, đại để là "tôn giáo đua đòi"; "thay thế tôn giáo"; "Bụt nhà không thiêng"; "Hoàn cầu hóa cảm tình tôn giáo"; "Tân nhu cầu tôn giáo"; "chủ thuyết tôn giáo tương lai"... Những khẩu hiệu trên có thể qui nạp thành ba chủ điểm để chúng ta suy tư, đó là "Thay thế tôn giáo"; "Hai mặt phải trái của quá trình Hoàn cầu hoá" và "Những mơ ước mới của tôn giáo".
1. Phải chăng "thời mới" là phong trào phá bỏ tôn giáo hay từ chối "tôn giáo tính" của con người? như phái bảo thủ hay chủ nghĩa "căn yếu" thường nghĩ? Thực ra đây không phải là hiện tượng mới, nhưng chỉ là một biến hóa của tâm trạng trước kia, khi Kitô giáo bảo thủ cho phong trào Ánh Sáng là tục hóa tôn giáo, là thay thế tôn giáo. Xét cho kỹ, có lẽ mỗi thời đều có một tâm trạng như thế, khi con người không bằng lòng với những hình thức tôn giáo truyền thống, khi họ khó tìm được những thao thức của mình một giải đáp nơi tôn giáo, có lẽ cách giải đáp đã lỗi thời hay tôn giáo đã "biến dị dạng" làm mất sức sống tín ngưỡng rồi chăng?
Những hiện tượng tôn giáo như Tống Thất Lực, Thanh Hải Vô Thượng Sư, Pháp Luân Công... là những hình thức mới, chưa được lịch sử thử thách, nhưng đã trở thành một thử thách cho các tôn giáo cổ truyền. Phật Giáo đã ý thức được những thách đố này và nhiều sư phụ đã tìm cách cập nhật hóa đạo lý Phật Giáo. Tỉ dụ giáo lý "Thoát Tục" để "Không Ngộ" đã được giải thích theo "Nhập Thế" để "Tế Nhân". Hay thuyết "Nhân Quả" trước kia hầu như chỉ để giải thích sự tương quan giữa 3 đời, bây giờ được một số người trí thức dùng "Quả Báo nhãn tiền" của thời bây giờ để vừa cụ thể hóa "Nhân Quả siêu hình", vừa giải quyết việc "khinh thường đời này". Thậm chí họ cho là nhân quả thời bây giờ có thể hóa giải "tiền sinh" (đời trước - tiền kiếp) và ảnh hưởng tới "hậu sinh" (đời sau - hậu kiếp). Một khía cạnh mà trước kia Phật Giáo bị phê bình là "cá nhân tính" tuyệt đối, bây giờ được giải thích thành "cộng đồng tính" của nhân quả! Chính vì thế mà Phật Giáo ở Ðài Loan đã thay hình đổi dạng, phát triển và thu hút nhiều người trẻ.
Thực ra Ðạo Thiên Chúa cũng có một bửu bối mà nhiều người quên hay không trưng dụng, đó là việc canh tân theo Công Ðồng Vatican II, nhất là việc nhận ra "dấu hiệu thời đại" để làm chứng cớ cho sự suy tư biết nhận ra những "nhu cầu" thời mới. Rồi để đáp ứng với những nhu cầu đó, phải trở về "nguồn sống", để rồi tìm ra những phương pháp hợp thời cho những thách đố của dấu hiệu thời đại.
2. Hai mặt của Hoàn cầu hóa: Suy tư theo hoàn cầu, thực hành theo địa phương.
"Hoàn cầu hóa" là một dữ kiện không ai có thể chối cãi được. Cả những nơi hẻo lánh, như trên núi, người dân tộc thiểu số, qua tivi truyền thông, hầu như "đồng thời" đều nhận được những tin tức của những nơi hẻo lánh khác. Tivi, Internet như những "mắt thần" để nhìn thấy "ngàn dặm" như người xưa thường mơ ước khi họ cho các vị Bồ Tát có khả năng như vậy. Máy bay có khả năng đưa con người đạt tới mơ ước của "Tề Thiên Ðại Thánh"... Khi các vị Tăng Lữ Thuyết Pháp, họ đã dùng hai hình ảnh nầy, một bên là ước mơ thời xưa, một bên là những hiện tượng hoàn cầu hóa thời nay, gán ghép với nhau để truyền "Pháp Lý". Nhưng qua những hiện tượng này, họ đã đưa tới những phê bình "Hiện Ðại" mà "Hậu Hiện Ðại" đã mớm cho họ: đó là phê phán sự độc đoán của quan điểm hiện đại, chỉ lấy lý tính độc tôn làm mức độ chân lý. Nếu lý tính độc tôn này được kỹ thuật tân tiến tinh vi áp đặt theo những bước tiến, thì chân lý được đặt ra lại đồng hóa với chân lý kỹ thuật, tức là có hiệu quả nhất và nhanh nhất. Khi con người hoàn toàn chấp nhận chân lý này tức là trở thành "nô lệ" cho văn minh cơ chế. Thay vì làm chủ, con người lại trở thành nô lệ mất rồi. Ðây cũng là điều mà bất cứ tôn giáo nào, khi đặt nền trên nhân bản và nhắm tới hoàn hảo hóa nhân bản, đều không thể chấp nhận được.
Phải chăng phong trào khủng bố, nhằm đạp đỗ những "ngẫu tượng" kinh tế là những phản ảnh cực đoan của "niềm tin căn yếu này"? Người tín hữu của một tôn giáo chân chính, lấy nhân bản làm gốc, làm sao bình tâm để đứng vững trong hai khí thế cực đoan này? Ðó là một thách đố cũng không kém thách đố chống lại hai cơn cám dỗ "cực đoan" trên.
Mặt khác, "hậu hiện đại" là con đẻ của phong trào "hoàn vũ hóa", hay nói đúng hơn là phản đề của lý tính đồng nhất hóa. Chính vì vậy, hậu hiện đại là lối suy tư chủ trương "đa dạng hóa", "tình cảm hóa" và "mạch sống hóa". Họ một đàng cảm thấy nhàm chán trong tù túng "ổn định" cứng nhắc; một đàng khác nhận ra sự sống của con người được mọc rễ và vươn lên trong vườn hoa văn hóa đang bị những khoa học máy móc "đồng tính hóa" làm lụn bại. Họ kêu gào, khát khao sự "khác biệt hóa". Những đòi hỏi khác biệt này cũng xâm nhập vào "truyền thống tôn giáo", đặt ra những vấn đề "thông diễn" khác nhau với những nhu cầu khác nhau, như Thần Học Giải Phóng, bao gồm Thần Học Phụ Nữ, Thần Học Giáo Hội Ðịa Phương, nghi lễ biểu lộ theo những tượng trưng địa phương. Những khuôn mặt lớn của hậu hiện đại như Derrida, Levinas, Tracy, Bordieu, Ricoeur... đang ảnh hưởng tới những suy tư và phát huy vươn tới "Tha Giả" (bao qua Tha Nhân và Tuyệt Ðối khác biệt). Họ cho rằng lối suy tư Âu Mỹ cho tới cận đại là những lập luận lý trí đồng nhất, lấy tôi chủ thể làm căn bản để phán đoán "chân lý", chính vì thế, luân lý đạt tới mức độ cao nhất là "yêu người như mình" ("yêu Thần như yêu người"). Luân lý này trở thành vấn đề lớn, khi chủ thể hóa chân lý biến thành chân lý tuyệt đối. Lương tâm nghề nghiệp cũng lộ ra chân tướng "chủ quan", nhiều khi đi tới "hợp lý hóa" quan điểm vô trách nhiệm, như vụ án "Bé Khâu" (Bé Chiou) vừa xảy ra ở Bệnh Viện Nhân Ái ở Ðài Bắc, làm chấn động cả dư luận quần chúng Ðài Loan. Ðây là một tỉ dụ điển hình được phát hiện, còn bao nhiêu những "vụ án" như vậy, nhưng không được "báo chí, truyền thông" để ý tới và đã lắng chìm trong hư vô rồi. Nếu lương tâm bác sĩ nhìn đứa bé như một tiếng kêu của một "tha nhân", của một mệnh lệnh vô hình đang đặt con người trước sinh mệnh sống còn, thì ông ta đã không "tự tiện" viện ra những lý do vô trách nhiệm để hợp thức hóa sự "biếng nhác" của mình... và biết đâu nhờ đó mà "Bé Khâu" sẽ được chữa lành, chứ không phải mất mạng như đã xảy ra!
3. Những mơ ước của con người trong thời mới đặt ra cho tôn giáo:
Con người mỗi ngày đối đầu với những biến cố mới, trong những hoàn cảnh khác nhau, cho những tâm trạng khác nhau của con người, chính vì vậy không thể tìm ra hai biến cố hoàn toàn như nhau, kể cả khi con người hình như lập lại một thói quen, tập quán như nhau! Câu nói bất hủ mà Heraklite vẫn còn đúng cho thời hậu hiện đại này: "Không ai tắm trong cùng một dòng sông chảy". Sự "trôi chảy" này hình như càng rõ ràng hơn, khi kỹ thuật càng tinh vi hơn, để truyền thông cho nhau những cái khác biệt, cái mới. Nhưng cái khác biệt có phải là hoàn toàn dị biệt, cái mới có phải không liên quan gì tới cái cũ, cái đã qua? Con người không thể luôn sống trong những lo âu, phấp phỏng, bất an được. Con người có thể đi qua một "văn hóa bày trên phi trường quốc tế", nhưng họ cảm thấy thoải mái khi về "nhà" mình. Làm sao tôn giáo giúp con người vừa sống trong "khách đi đường" (khách lữ hành), vừa tìm được sự an toàn, thư thái của "quê nhà". Tôn giáo làm sao giúp con người học sống có ý nghĩa khi phải đương đầu với những cái mới, cái khác biệt như là sự hoàn toàn hóa, chứ không phải là lặp lại. Trên khía cạnh này, tôn giáo truyền thống cần phải học hỏi và tìm cho mình một sức hấp dẫn như là những tôn giáo mới.
Vụ án "Bé Khâu" xảy ra ở Ðài Loan vào khoảng tháng 1 năm 2005 như một vụ án "hi hữu" nhưng "điển hình" để khẩn định tâm linh và lương tâm của con người trước những cảnh huống sô bồ, phức tạp: Con người, cả thời hậu hiện đại này vẫn bị thôi thúc trước những bất công của xã hội, kể cả xã hội quyền thế như y sĩ, bác sĩ. Một đứa bé vô danh tiểu tốt đã trở thành tượng trưng cho "tha nhân bất khả xâm phạm" và đã trở thành đối tượng biến đổi những "cảm thông" bộc phát khác nhau. Phải chăng căn bản của tôn giáo và nền tảng liên đới giữa các tôn giáo được đặt trên những "dữ kiện nhân bản" này. Chúng ta có thể tưởng tượng ra biết bao nhiêu những hoàn cảnh bất công làm lương tâm con người phải giao động như vậy, đã và đang xảy ra cho các công nhân Việt Nam và Ngoại Quốc, cho các Cô Dâu và những Gia Ðình cọc cạch không có nền tảng vững chắc này!
Cuối cùng, có thể nêu ra phản ứng của nhân loại nói chung về tai nạn "Sóng Thần" Tsunami gây nên. Phải chăng đây là những biến cố đau thương nhưng đánh thức tỉnh sự quan tâm của con người, hiện rõ nơi cuộc sống "vô tâm" và "lãnh đạm" thường ngày. Làm sao chúng ta giúp con người đối diện với những hoàn cảnh bất thường này như những "dịp" cảnh tỉnh và đánh thức tâm tình tôn giáo. Chắc nhân loại không phải đương đầu thường xuyên với "sóng thần", nhưng vẫn thường có một cá nhân nào đó trong vòng quan tâm của chúng ta đang gặp phải những khó khăn, cần giúp đỡ và qua đó xây dựng niềm "thông cảm" của con người với nhau. Phải chăng đây là những dịp may để truyền bá phúc âm của tình thương.
III. Kết Luận:
Lướt qua những hiện tượng tân thời rời rạc, chúng ta đã cùng nhau phân tích và tìm ra những mắc nối để chúng trở thành những đối tượng của phản tỉnh thần học và mục vụ. Có lẽ chúng ta cần phải đào sâu hơn để nhận ra căn nguyên của sức sống này, đó là niềm tin sống động được bắt nguồn trong sức sống mãnh liệt của Thiên Chúa. Ðó là lý do mà Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chọn năm 2005 này như một năm sống với và trong Thánh Thể, như tâm trạng và quá trình của hai môn đệ trên đường Emmau. Ðó là Thánh Lễ điển hình và sống động của cộng đoàn Kitô hữu nguyên thủy: Ði với nhau để chia sẻ với nhau những thắc mắc, lo âu, chính là lúc mà Chúa Kitô đang đồng hành với chúng ta qua những hình dạng khác nhau, có lẽ khó mà tìm ra sự liên kết, nếu không phản tỉnh và nhận ra tâm tư mình đã biến đổi như thế nào và nhất là trong lúc bất ngờ họ đã nhận ra cử chỉ thân thương nhất là "bẻ bánh" và "tạ ơn".
(Bài thuyết trình của Linh Mục Vũ Kim Chính, SJ.
trong kỳ họp mặt thường niên của Hội Tu Sĩ Việt Nam
tại Ðài Bắc, Ðài Loan, vào dịp Tết Ất Dậu 2005).